Logo Website

BẠCH CHỈ

06/04/2020
Bạch chỉ làm thuốc giảm đau, nhức đầu phía trán, chữa cảm, đau răng, ngạt mũi, viêm mũi chảy nước hôi, khí hư, phong thấp, đau do viêm dây thần kinh.

BẠCH CHỈ (白芷)

Radix Angelicae

Bạch chỉ Angelica dahurica

Bạch chỉ - Angelica dahurica (Hoffm.) Benth. & Hook.f. ex Franch. & Sav.; Ảnh: amazon.com và alibaba.com

Tên khác: Bách chiểu, an bạch chỉ, chỉ hương, xuyên bạch chỉ, lan hòe, bạch cự, thần hiêu, chỉ hương, phù ly, linh chỉ, hưng an bạch chỉ

Tên khoa học: Angelica dahurica (Hoffm.) Benth. & Hook.f. ex Franch. & Sav., họ Cần (Apiaceae)

Tên đồng nghĩa: Angelica dahurica var. dahurica; Angelica dahurica var. pai-chi Kimura; Angelica macrocarpa H.Wolff; Angelica porphyrocaulis Nakai & Kitag.; Angelica porphyrocaulis var. albiflora Makino; Angelica porphyrocaulis f. latisecta Kitag.; Angelica pubescens var. glabra Y.Yabe; Angelica tschiliensis H.Wolff; Callisace dahurica Hoffm.; Thysselinum davuricum (Hoffm.) Spreng.

Bộ phận dùng: Rễ củ (Radix Angelicae Dahuricae), thường gọi là Bạch chỉ.

Mô tả: 

Cây: Cây cỏ, cao 0,5-1m hay hơn, sống lâu năm, thân hình trụ, rỗng, không phân nhánh. Lá to, có cuống, phần dưới phát triển thành bẹ ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2-3 lần lông chim, mép khía răng, có lông ở gân lá mặt trên. Cụm hoa tán kép, mọc ở ngọn, hoa nhỏ màu trắng. Quả bế, dẹt, toàn cây có mùi thơm

Dược liệu: Rễ hình chuỳ, thẳng hay cong, dài 10 - 20 cm, đường kính phần to có thể đến 3 cm, phần dưới thuôn nhỏ dần. Mặt ngoài củ có màu vàng nâu nhạt, còn dấu vết rễ con đã cắt bỏ, có nhiều vết nhăn dọc và nhiều bì khổng lồi lên thành những vết sần ngang. Mặt cắt ngang có màu trắng hay trắng ngà. Tầng sinh libe - gỗ rõ rệt. Thể chất cứng, vết bẻ lởm chởm, nhiều bột. Mùi thơm hắc, vị cay, hơi đắng.

Sinh thái: Cây bạch chỉ ưa mọc ở bìa rừng có độ cao khoảng 500-1000m so với mực nước biển hoặc các vùng thung lũng, đồng cỏ và ven bờ suối.

Phân bố:

Trên thế giới: Thảo dược này được tìm thấy nhiều ở Nhật Bản, Triều Tiên, các tỉnh nằm phía đông bắc Trung Quốc (Cát Lâm, Liêu Ninh…), Đông Siberi.

Ở Việt Nam: Cây sinh trưởng tốt nhất ở khu vực miền Bắc, bao gồm các tỉnh như Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lào Cai….

Thu hái:  Thu hoạch củ vào mùa thu, tránh làm sây xát vỏ và gẫy rễ. Không lấy rễ ở cây đã ra hoa kết hạt. Rửa sạch, cắt bỏ rễ con, xông diêm sinh 24 giờ, rồi phơi hay sấy khô.

Bào chế:

Cách 1: Bỏ rễ bạch chỉ vào vại chứa vôi, đậy nắp kín lại. Sau 7 ngày lấy ra phơi nắng hoặc sấy khô. Cuối cùng dùng dao cạo sạch lớp vỏ mỏng bên ngoài.

Cách 2: Sau khi rửa sạch rễ bạch chỉ, cho vào lò xông với lưu huỳnh làm 2 lần. Thời gian xông khoảng 1 ngày một đêm cho đến khi rễ chín mềm và đạt độ ẩm dưới 13% . Đem phơi khô thu được rễ bạch chỉ có màu trắng.

Cách 3: Cạo sạch vỏ rễ bạch chỉ, thái nhỏ. Sau đó đồ chung với hoàng tinh theo tỷ lệ 1:1 và lấy bạch chỉ ra phơi khô.

Bảo quản: Bảo quản trong hộp, đậy nắp kín lại để nơi khô ráo. Tránh để chỗ ẩm hoặc có nắng nóng.

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng kháng khuẩn: 

Trong thí nghiệm, Bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn đối với các loại Shigella và Salmonella (Trung Dược Học).

Bằng phương pháp  khuyếch tán trên môi trường nuôi cấy vi khuẩn, nước sắc và cao chiết từ Bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng phế cầu (Diplococcus pneumoniae), liên cầu (Streptococus hemoleticus), tụ cầu vàng (Staphylococus aureus), Bacillus subtilisShigella SonneiShigella flexneriShigella shigaShigella dysenteriaeEnterococus, Vibrio cholerae và Bacillus typhi. Ngoài ra, Bạch chỉ còn có tác dụng kháng virus (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Tác dụng giảm đau: Trên mô hình gây quặn đau bằng cách tiêm xoang bụng dung dịch Acid Acetic 6%o cho chuột nhắt trắng, Bạch chỉ với liều lượng 10g/kg, có tác dụng giảm đau rõ rệt (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Giảm đau: Làm giảm đau đầu do cảm cúm, đau đầu sau đẻ, đau lợi răng, đau thần kinh mặt (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).

+ Tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh: Với liều nhỏ Angelicotoxin có tác dụng hưng phấn trung khu vận động huyết quản, trung khu hô hấp và dây thần kinh phế vị làm cho huyết áp tăng, mạch chậm, hơi thở kéo dài, chảy nước dãi và nôn mửa. Với liều lớn dẫn tới co giặt và tê liệt toàn thân (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).

+ Tác dụng kháng khuẩn: ức chế trực khuẩn ly, thương hàn, vi khuẩn G +  (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược). 

+ Kháng khuẩn lao: Đối với vi khuẩn lao ở người thuốc có tác dựng ức chế rõ rệt (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Dùng trong nhãn khoa: Loại Pommade làm từ Bạch chỉ có tác dụng tăng khả năng trị liệu và tránh được loét giác mạc do bỏng ánh sáng gây ra (Trung Dược Học).

+ Tác dụng chống viêm: Với mô hình gây viêm thực nghiệm bằng Kaolin trên chuột cống trắng, Bạch chỉ với liều lượng 10g/kg có tác dụng chống viêm. Angelicotoxin, một hoạt chất chiết từ Bạch chỉ, dùng với liều nhỏ, có tác dụng kích thích trung khu vận mạch, tủy sống, gây tăng huyết áp, mạch chậm, hô hấp hưng phấn, các phản xạ được tăng cường, ngoài ra việc kích thích tiết nước bọt. Dùng với liều quá lớn gây co giật và cuối cùng dãn đến tê liệt (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam). 

+ Dùng trong tai mũi họng: Bột làm từ Bạch chỉ và Băng phiến, hít vào lỗ mũi, có tác dụng trị đầu đau, răng đau, thần kinh sinh ba đau (Trung Dược Học).            

+ Độc tính của Angelicotoxin giống như chất Xicutoxin nhưng không mạnh bằng (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).  

Độc tính:

Theo dược Vật Đồ Khảo, bạch chỉ hơi có độc. Thực tế một số báo cáo cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc, co giật khi sử dụng tinh dầu chiết xuất từ bạch chỉ ở liều cao.

Chất angelicotoxin trong bạch chỉ có độc tính tương tự như chất Xicutoxin nhưng nhẹ hơn. Ngoài ra, bạn có thể bị dị ứng với thành phần của dược liệu này dẫn đến nhiều biểu hiện bất thường như kích ứng da, ngứa da, nổi mẩn đỏ, mề đay, sưng môi miệng, khó thở…

Thành phần hoá họcBạch chỉ chứa tinh dầu trong tinh dầu có các thành phần: α-pinenβ-pinen, camphen, myrcen,α-phelandrenα-terpinen, terpinolen, caryophylen, ligustilid...và các hợp chất sesquiterpen.

Ngoài tinh dầu, trong rễ củ Bạch chỉ có các dẫn chất coumarin: 

AngenomalinAnomalinBergaptenMarmesinScopoletinByak-angelicinByak-angelicolOxypeucedanin,ImperatorinIsoimperatorinPhellopterinXanthotoxin, AnhydrobyakangelicinNeobyakangelicol

Tính vị: Vị cay, tính ấm

Quy kinh: Phế, Tỳ, Vị.

Công năng: Tán phong trừ thấp, thông khiếu, giảm đau, tiêu thũng trừ mủ

Công dụng: Làm thuốc giảm đau, nhức đầu phía trán, chữa cảm, đau răng, ngạt mũi, viêm mũi chảy nước hôi, khí hư, phong thấp, đau do viêm dây thần kinh.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 4 - 12g. Dạng thuốc sắc hay hoàn, tán. 

Bài thuốc: 

+ Chữa đầu phong: Bạch chỉ, Bạc hà, Mang tiêu, Thạch cao, Uất kim. Tán bột, mỗi lần dùng 1 ít, thổi vào mũi (Bạch Chỉ Tán – Lan Thất Bí Tàng).

+ Chữa đầu đau, mắt đau: Bạch chỉ 16g, Ô đầu (sống) 4g. Tán bột, mỗi lần dùng 1 ít uống với nước trà (Bạch Chỉ Tán – Chu Thị Tập Nghiệm Phương).

+ Chữa các chứng phong, chóng mặt, sản hậu sinh xong bị cảm do phong tà, tinh thần không tỉnh: Hương bạch chỉ (dùng nước nấu sôi 4-5 dạo), tán bột, trộn mật làm hoàn, to bằng viên đạn. Mỗi lần uống 1 hoàn (Đô Lương Hoàn - Bách Nhất Tuyển Phương).

+ Chữa chứng trường phong: Hương bạch chỉ, tán bột, uống với nước cơm (Bách Nhất Tuyển Phương).

+ Chữa nửa đầu đau: Bạch chỉ, Tế tân, Thạch cao, Nhũ hương, Một dược (bỏ dầu), lượng bằng nhau. Tán nhuyễn, thổi vào mũi. Đau bên trái thổi bên phải và ngược lại (Bạch Chỉ Tế Tân Suy Tỵ Tán - Chủng Phúc Đường Công Tuyển Lương Phương).    

+ Chữa mi mắt đau do phong, nhiệt hoặc đờm: Bạch chỉ, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước trà (Đan Khê Tâm Pháp).

+ Chữa mũi chảy nước trong: Bạch chỉ, tán bột. Dùng Hành giã nát, trộn thuốc làm hoàn 4g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8-12g với nước trà nóng (Bạch Chỉ Tán - Chứng Trị Chuẩn Thằng).

+ Chữa xoang mũi: Bạch chỉ, Phòng phong, Tân di mỗi thứ 3,2g, Thương nhĩ tử 4,8g, Xuyên khung 2g, Tế tân 2,8g, Cam thảo 1,2g, hòa với nước bôi chung quanh rốn. Kiêng thịt bò (Dương Y Đại Toàn).  

+  Chữa thương hàn cảm cúm: Bạch chỉ 40g, Cam thảo (sống) 20g, Gừng 3 lát, Hành 3 củ, Táo 1 trái, Đậu xị 50 hột, nước 2 chén, sắc uống cho ra mồ hôi (Vệ Sinh Gia Bảo Phương).

+ Chữa trẻ nhỏ bị sốt: Bạch chỉ, nấu lấy nước tắm cho ra mồ hôi (Tử Mẫu Bí Lục Phương).  

+ Chữa bạch đới, ruột có mủ máu, tiểu đục, bụng và rốn lạnh đau: Bạch chỉ 40g, Đơn diệp hồng la quỳ căn 80g, Thược dược căn, Bạch phàn, mỗi thứ 20g. Tán bột. Trộn với sáp làm hoàn to bằng hạt Ngô đồng. Uống mỗi lần 10-15 hoàn với nước cơm, lúc đói (Bản Thảo Hối Nghĩa).

+ Chữa các loại phong ở đầu, mặt: Bạch chỉ, xắt lát, lấy nước Củ cải tẩm vào, phơi khô, tán bột. Ngày uống 8g với nước sôi hoặc thổi vào mũi (Trực Chỉ Phương).

+ Chữa trĩ ra máu: Bạch chỉ, tán bột. Mỗi lần uống 4g với nước cơm, ngoài ra sắc thuốc lấy nước xông và rửa hậu môn (Trực Chỉ Phương).

+ Chữa trĩ sưng lở loét: trước hết, lấy Tạo giác  đốt, hun khói, sau đó lấy mật vịt trộn với bột Bạch chỉ, bôi (Y Phương Trích Yếu). 

+ Chữa chính giữa đầu đau (đã dùng nhiều thuốc nhưng không khỏi, dùng bài này có hiệu quả): Bạch chỉ (sao) 100g, Xuyên khung (sao), Cam thảo (sao), Xuyên ô đầu (nửa sống nửa chín), mỗi vị 40g. Tán bột, mỗi lần dùng 4g với nước sắc Bạc hà, Tế tân (Đàm Dã Ông Thí Hiệu Phương).

+ Chữa hai đầu lông mày đau do phong, nhiệt, đờm: Bạch chỉ, Hoàng cầm (sao rượu), lượng bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước trà (Đan Khê Tâm pháp).

+ Chữa răng đau do phong nhiệt: Bạch chỉ 4g, Chu sa 2g. Tán bột, trộn mật làm viên to bằng hạt súng. Hàng ngày dùng sát vào chân răng (Y Lâm Tập Yếu Phương).

+ Chữa răng đau do phong nhiệt: Bạch chỉ, Ngô thù, lượng bằng nhau, hòa với nước, ngậm (Y Lâm Tập Yếu Phương).

+ Chữa các bệnh ở mắt: Bạch chỉ, Hùng hoàng, tán nhuyễn, trộn mật làm viên to bằng hạt nhãn, dùng Chu sa bọc ngoài. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 hạt (Hoàn Tinh Hoàn - Phổ Tế Phương).

+ Chữa tiểu khó do khí (Khí lâm): Bạch chỉ, tẩm giấm, phơi khô, 80g, tán nhuyễn. Mỗi lần uống 8g với nước sắc Mộc thông và Cam thảo (Phổ Tế Phương). 

+ Chữa mắc (hóc) xương: Bạch chỉ, Bán hạ, lượng bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 8g thì sẽ ói xương ra (Phổ Tế Phương).

+ Chữa chân răng thối: Bạch chỉ 28g, tán nhỏ. Mỗi lần dùng 4g, sau khi ăn (Bách Nhất Tuyển Phương).

+ Chữa chân răng thối: Bạch chỉ, Xuyên khung, 2 vị bằng nhau, tán bột, làm viên to bằng hạt súng, ngậm hàng ngày (Tế Sinh Phương).

+ Chữa mồ hôi trộm: Bạch chỉ 40g, Thần sa 20g. Tán bột, ngày uống 8g với rượu nóng (Chu Thị Tập Nghiệm Phương).    

+ Chữa ống chân đau: Bạch chỉ, Bạch giới tử, lượng bằng nhau, trộn nước Gừng, đắp vào (Y Phương Trích Yếu Phương).

+ Chữa bạch đới: Bạch chỉ 160g, Thạch hôi 640g. Ngâm 3 đêm, bỏ vôi đi, lấy Bạch chỉ xắt lát, sao, tán bột. Mỗi lần uống 8g với rượu, ngày 2 lần (Y Học Tập Thành Phương).

+ Chữa táo bón do phong độc: Bạch chỉ, tán bột, mỗi lần uống 8g với nước cơm trộn với ít Mật ong (Thập Tiện Lương Phương).   

+ Chữa chảy máu cam không cầm: lấy huyết chảy ra đó, trộn với bột Bạch chỉ, đắp vào sơn căn (Giản Tiện Phương).

+ Chữa thủng độc, nhiệt thống: Bạch chỉ, tán nhỏ, hòa dấm bôi (Vệ Sinh Giản Dị Phương).

+ Chữa tiêu ra máu do phong độc trong ruột: Bạch chỉ, tán bột. Mỗi lần uống 4g với nước cơm, rất thần hiệu (Dư Cư Sĩ Tuyển Kỳ Phương).

+ Chữa đinh nhọt mới phát: Bạch chỉ 4g, Gừng sống 40g, rượu 1 chén, gĩa nát thuốc, uống nóng cho ra mồ hôi (Tụ Trân Phương).

+ Chữa ung nhọt trong ruột, đới hạ ra chất tanh nhớp luôn luôn: Bạch chỉ 40g, Hồng quỳ 80g, Khô phàn, Bạch thược đều 20g. Tán bột, uống với nước cơm, lúc đói. Khi hết mủ, dùng lá Sen để bổ. Khi ung nhọt đã bớt thì giảm liều dùng (Dược Phẩm Vậng Yếu).

+ Chữa ung nhọt sưng đỏ: Bạch chỉ, Đại hoàng, lượng bằng nhau, mỗi lần uống 8g với nước cơm (Kinh Nghiệm Phương).

+ Chữa vết thương do dao chém, tên bắn : Bạch chỉ, nhai nát, đắp (Tập Giản Phương).  

+ Giải độc Từ thạch: Bạch chỉ, nghiền nát, uống 8g với nước giếng (Sự Lâm Quảng Ký Phương).

+ Chữa trẻ nhỏ bị đơn độc, độc còn lại chạy quanh, nhập vào bụng thì nguy: Bạch chỉ, Hàn thủy thạch, tán bột, trộn nước hành, dán vào chỗ đau (Toàn Ấu Tâm Giám Phương).  

+ Chữa tiểu ra máu: Bạch chỉ, Đương quy, lượng bằng nhau. Mỗi lần uống 8g (Kinh Nghiệm Phương).

+ Chữa bệnh âm thử, xích thủng: Bạch chỉ, Đại hoàng, lượng bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống  6g với nước cơm ( Kinh Nghiệm Phương). 

+ Chữa ung nhọt sưng tấy, tuyến vú viêm, rắn cắn: Bạch chỉ, Bối mẫu, Liên kiều, Qua lâu, Tử hoa địa đinh, mỗi thứ 12g, Bồ công anh, Kim ngân hoa mỗi thứ 16g, Cam thảo 4g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Chữa rắn độc hoặc rết cắn: Bạch chỉ, Hùng hoàng, Nhũ hương, lượng bằng nhau, uống với rượu ấm (Bạch Chỉ Hộ Tâm Tán - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).   

+ Chữa bạch đới: Bạch chỉ, Mai mực, lượng bằng nhau, tán nhuyễn. Mỗi lần uống 12g (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Chữa cảm, đầu đau (đau trước trán nhiều): Bạch chỉ 12g, Xuyên khung 4g, Phòng phong 12g, Khương hoạt 8g, Hoàng cầm 8g, Sài hồ 8g, Kinh giới 8g, Cam thảo 4g, sắc nước uống (Khu Phong Thanh Thượng Ẩm - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)..

+ Chữa lở sơn: Bạch chỉ mài với rượu hoặc dấm bôi (Dược Liệu Việt Nam).

+ Trị miệng hôi: Bạch chỉ 30g, Xuyên khung 30g. Tán bột, trộn mật làm viên, to bằng hạt ngô, ngày ngậm 2-3 viên (Dược Liệu Việt Nam).

Kiêng kỵ: Âm hư hỏa uất, nhiệt thịnh không nên dùng.

Những đối tượng không nên dùng bạch chỉ:

- Dị ứng với thành phần của bạch chỉ

- Buồn nôn, nôn ói do hỏa

- Người có thể âm hư, hỏa vượng, huyết nhiệt

- Khí hư đới hạ ra nhiều

- Lậu hạ

- Đau đầu do huyết hư, hỏa vượng

- Mụn nhọt, mụn đầu đinh chưa vỡ miệng

- Đang bị tổn thương khí huyết

- Sốt xuất huyết

Thận trọng khi dung:

- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

- Có thai hoặc cho con bú

- Đang dùng thuốc điều trị theo đơn bác sĩ hoặc bất kì loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng và thảo dược nào khác

Ghi chú: Bạch chỉ là một vị thuốc được dùng trong các bài thuốc chữa nhức đầu, cảm mạo. Nước ta có di thực và trồng Bạch chỉ ở nhiều địa phương. Bạch chỉ trồng ở vùng mát (SaPa, Tam Ðảo) thường có củ lớn hơn, Bạch chỉ trồng ở đồng bằng thường ra hoa sớm, phần lõi bị hoá gỗ nhiều.

Ðể giả mạo Bạch chỉ ở Trung Quốc người ta dùng rễ của một số cây trong họ Cần như: Heracleum scabridum Franch.; Seseli mairei Wolff.

Y học cổ truyền nước ta có sử dụng vị dược liệu mang tên Bạch chỉ nam, là rễ của cây Bạch chỉ nam (Millettia pulchra Kurz.), họ Ðậu (Fabaceae). Cây mọc hoang nhiều ở các vùng rừng núi phía Bắc (Cây Bạch chỉ nam). Bạch chỉ nam dùng cùng một số vị thuốc khác chữa đau bụng, đi ngoài, chú ý phân biệt.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)