Logo Website

BÀO CHẾ HOÀNG LIÊN

20/03/2018
Chải rửa sạch tạp chất (không nên ngâm lâu) ủ đến vừa mềm, thái mỏng, phơi râm cho khô (dùng sống) hoặc tẩm rượu sao qua (dùng chín).

HOÀNG LIÊN (xuyên)

Tên khoa học: Coptis sinensis Franch.; Họ hoàng liên (Ranunculaceae)

Bộ phận dùng: Thân rễ. Rễ to bằng đầu đũa, khúc khuỷu, ít rễ con, nhiều nhánh như bàn chân gà, ngoài vàng sẫm, trong vàng tươi, cứng, chắc, khô, không vụn nát là tốt.

Việt Nam còn dùng thứ rễ gọi là thổ hoàng liên (Thalietrum petalaideum L., cùng họ), rễ to hơn, ít khuỷu, ít vàng.

Thành phần hóa học: có 5 - 8% alcaloid toàn phần, trong này chủ yếu là berberin, đến coptisin, panmatin, worenin.

Tính vị - quy kinh: Vị đắng, tính hàn. Vào kinh tâm, kiêm vào các kinh can, đởm, tỳ, vị, đại trường.

Tác dụng: Thanh hỏa, trừ thấp, tiêu ứ.

Công dụng: Trị đau mắt nhiệt, trị đau bụng đi tả lỵ, kiện vị, trị viêm dạ dày và ruột.

Liều dùng: Ngày dùng 1 - 4g.

Kiêng kỵ: Tỳ vị yếu, hồi hộp không ngủ được không nên dùng.

Cách bào chế:

Theo Trung y:

- Bỏ trong túi vải, xát cho sạch lông, giã nát dùng. Còn có thể tấm gừng, rượu và đốt cháy tồn tính, tùy từng trường hợp.

- Cao lỏng hoàng liên: hoàng liên sau khi rửa qua phơi khô rồi tán mịn, ngâm rượu 150, chế theo phương pháp ngâm kiệt. Để 38 giờ, cho rượu chảy từ từ, mỗi phút 1 - 3ml: lấy riêng 850 ml chảy đầu tiên vào một bình, rồi tiếp tục lấy kiệt. Cô dung dịch lấy sau lên độ cao mềm, thêm dung dịch rượu lấy đầu tiên, hòa đều, thêm rượu 45° cho đủ 1.000ml, để vẹn 24 giờ rồi lọc. Ngày dùng 3 - 6ml, mỗi lần dùng 1 - 2ml.

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

Chải rửa sạch tạp chất (không nên ngâm lâu) ủ đến vừa mềm, thái mỏng, phơi râm cho khô (dùng sống) hoặc tẩm rượu sao qua (dùng chín).

Bảo quản: Để nơi khô ráo, bào chế rồi đậy kín.

Tham khảo Bào chế Đông dược 2005