Logo Website

MẠCH NHA - điều trị thực tích không tiêu, thượng vị trướng đau

26/10/2020
Cây Lúa mạch có tên khoa học: Hordeum vulgare L., họ Lúa (Poaceae). Công dụng: Sinh mạch nha: Kiện tỳ, hoà vị, thư can, thông sữa. Mạch nha sao: Hành khí, tiêu thực, làm mất sữa. Tiêu mạch nha: điều trị thực tích không tiêu, thượng vị trướng đau.

MẠCH NHA (麥 芽)

Fructus Hordet germinatus

Mạch nha Hordeum vulgare

Mạch nha: Hordeum vulgare L.; Photo vn-kincare.com and plantstomata.wordpress.com

Tên khác: 

Lúa mạch, Đại mạch, Mâu mạch, Nhu mạch, Nếp mạch.

Tên khoa học: 

Hordeum vulgare L., họ Lúa (Poaceae)

Tên đồng nghĩa

Frumentum hordeum E.H.L.Krause; Frumentum sativum E.H.L.Krause; Hordeum aestivum R.E.Regel; Hordeum americanum R.E.Regel; Hordeum bifarium Roth; Hordeum brachyatherumR.E.Regel; Hordeum caspicum R.E.Regel; Hordeum coeleste (L.) P.Beauv.; Hordeum daghestanicum R.E.Regel; Hordeum defectoides R.E.Regel; Hordeum distichon subsp. zeocrithon (L.) Čelak.; Hordeum durum R.E.Regel; Hordeum elongatum R.E.Regel; Hordeum gymnodistichum Duthie; Hordeum heterostychon P.Beauv.; Hordeum hexastichon L.; Hordeum hibernaculum R.E.Regel; Hordeum hibernans R.E.Regel; Hordeum himalayenseSchult.; Hordeum hirtiusculum R.E.Regel; Hordeum horsfordianum R.E.Regel; Hordeum ircutianum R.E.Regel; Hordeum jarenskianum R.E.Regel; Hordeum juliae R.E.Regel; Hordeum kalugense R.E.Regel; Hordeum karzinianum R.E.Regel; Hordeum kiarchanum R.E.Regel; Hordeum laevipaleatum R.E.Regel; Hordeum lapponicum R.E.Regel; Hordeum leptostachys Griff.; Hordeum macrolepis A.Braun; Hordeum mandshuricumR.E.Regel; Hordeum mandshuroides R.E.Regel; Hordeum michalkowii R.E.Regel; Hordeum nekludowiiR.E.Regel; Hordeum nigrum Willd.; Hordeum pamiricum Vavilov; Hordeum parvum R.E.Regel; Hordeum pensanum R.E.Regel; Hordeum polystichon Haller; Hordeum polystichon var. hackelii Chiov.; Hordeum polystichon var. vulgare (L.) Döll; Hordeum praecox R.E.Regel; Hordeum pyramidatum R.E.Regel; Hordeum revelatum (Körn.) A.Schulz; Hordeum sativum Jess.; Hordeum sativum Pers.; Hordeum sativum var. coeleste(L.) Vilm.; Hordeum sativum subsp. hexastichon (L.) K.Richt.; Hordeum sativum var. trifurcatum Schltdl. ex Orlov & Åberg; Hordeum sativum subsp. vulgare (L.) K.Richt.; Hordeum sativum var. vulgare (L.) K. Richt.; Hordeum scabriusculum R.E.Regel; Hordeum septentrionale R.E.Regel; Hordeum stassewitschii R.E.Regel; Hordeum strobelense Chiov.; Hordeum taganrocense R.E.Regel; Hordeum tanaiticum R.E.Regel; Hordeum tetrastichum Stokes; Hordeum transcaucasicum R.E.Regel; Hordeum violaceum R.E.Regel; Hordeum vulgarevar. abdulbasirovii Omarov; Hordeum vulgare var. bachteevii Omarov; Hordeum vulgare var. brachyurum (Alef.) Körn.; Hordeum vulgare var. chungense Åberg; Hordeum vulgare var. coeleste L.; Hordeum vulgare var. glabriviride Trofim.; Hordeum vulgare f. hexastichon (L.) M.Hiroe; Hordeum vulgare subsp. hexastichon (L.) Celak.; Hordeum vulgare var. hexastichon (L.) Asch.; Hordeum vulgare var. ismailii Omarov; Hordeum vulgarevar. lukyanovae Omarov; Hordeum vulgare var. lvovii Omarov; Hordeum vulgare subsp. medioasiaticumBachteev; Hordeum vulgare var. multispiculum Trofim.; Hordeum vulgare var. pallidum Ser.; Hordeum vulgarevar. patimatae Omarov; Hordeum vulgare var. revelatum Körn.; Hordeum vulgare var. saidii Omarov; Hordeum vulgare var. sikangense Åberg; Hordeum vulgare subsp. spontaneum (K.Koch) Asch. & Graebn.; Hordeum vulgare subsp. tetrastichum (Stokes) Celak.: Hordeum vulgare var. trofimovskajae Omarov; Hordeum vulgarevar. valentinae Omarov; Hordeum vulgare subsp. vulgareHordeum vulgare var. vulgareHordeum vulgare var. zuleichatae Omarov; Hordeum walpersii R.E.Regel; Secale orientale Schreb. ex Roth 

Mô tả: 

Cây: Mạch nha là một loại cây thảo sống hàng năm. Loại cây này có rễ dạng sợi, thân to, mọc thẳng đứng với chiều cao giao động từ 50 - 100cm. Cây có lá thẳng, hơi khô ráp, có lưỡi bẹ ngắn. Cây có hoa tạo thành cụm. Cụm hoa là bông có góc cạnh xuất hiện với rất nhiều bông nhỏ. Chúng đều sinh sản và xếp trên 4 dãy. Các mày hình dải, hơi hẹp và thon thành râu. Các mày thường nhỏ có kích thước gần bằng nhau. Đồng thời chúng đều có các râu mọc đứng với chiều dài khoảng 10 - 20cm. Cây có quả thon xuất hiện với hình trái xoan có rãnh dọc.

Dược liệu: Mạch nha hình thoi dài 8 - 12 mm, đường kính 3 - 4 mm, mặt ngoài màu vàng nhạt, trên lưng có mày bao quanh với 5 đường gân và râu dài đã gẫy rụng. Phía bụng được bao trong mày hoa, bóc bỏ vỏ ngoài thấy mặt bụng có một rãnh dọc, phần dưới mọc ra mầm non và rễ con, mầm non dài dạng mũi mác, dài 0,5 cm với vài sợi rễ nhỏ cong queo. Chất cứng, mặt bẻ gẫy màu trắng có tinh bột. Không mùi, vị hơi ngọt.

Bộ phận dùng: 

Quả chín của cây Đại mạch làm mọc mầm, sấy ở nhiệt độ dưới 600C.  (Fructus Hordet germinatus)

Phân bố: 

Hiện nay Việt Nam mới di thực vào trồng và đang được phát triển để làm nguyên liệu chế bia, Mạch nha để làm thuốc, nhưng dược liệu nhập từ Trung Quốc.

Thu hái:

Quả được thu hái vào tháng 4 và tháng 5 hàng năm.

Chế biến:

Lấy hạt đại mạch đã nhặt sạch, ngâm nước cho thấm 6/10 - 7/10. Vớt ra, bỏ vào rá, đậy kín. Mỗi ngày vẩy nước 1 lần, giữ độ ẩm cho đến khi hạt lúa nứt mầm dài độ 0,5 cm, lấy ra phơi khô gọi là sinh mạch nha.

Bào chế:

Mạch nha sao: Lấy sinh mạch nha sạch, rang nhỏ lửa, sao đến màu vàng nâu, lấy ra để nguội, sẩy sạch bụi tro vụn là được.

Tiêu mạch nha: Lấy mạch nha sạch, cho vào nồi, đun to lửa, sao cho vàng sém, lấy ra để khô, sẩy hết tro bụi. 

Bảo quản

Dược liệu cần bảo quản tại những nơi khô ráo, thoáng mát.

Thành phần hoá học:

Cũng như các loại ngũ cốc khác, tinh bột là thành phần chính, các thành phần khác: protein, lipid, vitamin, chất khoáng. Trong hạt đại mạch nẩy mầm thì giàu các enzym. Dưới tác dụng của enzym, tinh bột chuyển thành dextrin và maltose, saccharose thì chuyển thành đường nghịch đảo, protein chuyển thành pepton, polypeptid thành amino acid. Do đó mạch nha là thức ăn rất dễ tiêu cho người ốm và trẻ em. Trong mầm hạt đại mạch có chứa một lượng nhỏ alcaloid (0,1-0,5%) gồm 2 chất: hordenin và gramin.

Hordenin là một dẫn chất phenylethylamin được phân lập năm 1906. Muốn chế hordenin người ta cho tác dụng lên mầm hạt đại mạch dung dịch HCl loãng, sau đó kết tủa alcaloid bằng kiềm.

Các polyphenol trong chiết xuất của hạt Hordeum vulgare có tính chất chống oxy hóa như: Flavanol: Catechin, Procyanidin B, Prodelphinidin B, Procyanidin C, Quercetin, Catechin dihexoside (C27H33O16) là thành phần có khả năng chống oxy hóa cao nhất

Acid hydroxycinnamic: Acid ferulic, Acid coumaric

Polyphenol phong phú nhất trong tổng thể chiết xuất là: Acid ferulic, Procyanidin B (Food Chemistry, Volume 210, 1 November 2016, Pages 212-220)

Khoáng chất có trong rễ tươi, rễ và hạt của Hordeum vulgare được sử dụng làm nguyên liệu của bia truyền thống gồm có: Ca, Mg, P, S, Fe, Cr, Cu, Mn, Ni và Zn (Indian Journal of Traditional Knowledge, Vol. 15 (3), July 2016, pp. 500-502)

Tác dụng dược lý: 

+ Mạch nha có amylase và vitamin B nên có tác dụng trợ tiêu hóa. Do amylase không chịu nóng nên cho vào sắc hoặc sao cháy thì hoạt lực giảm sút. Mạch nha có tác dụng hạ đường huyết. 

+ Hordenin có tác dụng giống giao cảm nhẹ, hơi làm tăng huyết áp, cường tim, ít độc, có tác dụng ức chế sự co bóp ruột.

+ Lượng độc tố của dược liệu Mạch nha trong thuốc có hàm lượng với tỉ lệ 0,02 - 0,35%. Khi uống khó hấp thu. Vì thế lượng độc tố của dược liệu không có ý nghĩa lâm sàng. Tuy nhiên nếu làm thức ăn cho gia súc với liều lượng lớn phải đặc biệt chú ý. Một số trường hợp người bệnh sử dụng dược liệu bị nhiễm độc là do Mạch nha đã biến chất. Ngoài ra một số nấm độc ký sinh ở mầm có thể được sinh ra nên lúc mua hoặc thu hoạch cần lưu ý.

+ Các hợp chất Phenolic trong hạt Hordeum vulgare có liên quan đến hoạt tính chống tăng đường huyết và được xem như là biện pháp dinh dưỡng cho bệnh nhân Đái tháo đường typ 2. Nghiên cứu lâm sàng để phát triển dược phẩm có hoạt tính sinh học giàu Phenolic và bổ sung cho chiến lược thiết kế thuốc hiện đại trong tăng đường huyết và stress oxy hóa liên quan đến giai đoạn sớm của Đái tháo đường typ 2 (Industrial Crops and Products, Availabe online 31 March 2017)

+ Vỏ của hạt Hordeum vulgare được sử dụng cùng với cellulose vi tinh thể và manitol trong thiết kế viên phân hủy nhanh (Journal of Young Pharmacists, Volume 3, Issue 3, July-September 2011, Pages 211-215)

+   Đường UDP pyrophosphorylase từ Hordeum vulgare với các tính chất sinh hóa thuận lợi như pH rộng, dung sai nhiệt độ rộng và ổn định cao trong tổng hợp (Journal of Biotechnology, Available online 24 March 2017)

Tính vị:

Tính ôn, vị ngọt.

Qui kinh:

Tỳ, Can và Vị.

Công năng, Công dụng:

Sinh mạch nha: Kiện tỳ, hoà vị, thư can, thông sữa. Chủ trị: Tỳ hư, kém ăn, sữa uất tích.

Mạch nha sao: Hành khí, tiêu thực, làm mất sữa. Chủ trị: Thực tích không tiêu, bầu vú đau trướng (phụ nữ cai sữa).

Tiêu mạch nha: Tiêu thực hoá trệ, điều trị thực tích không tiêu, thượng vị trướng đau.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 9 - 15 g. Làm mất sữa: 60 g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.

Bài thuốc: 

1.  Chữa viêm gan cấp - mạn tính: Dùng rễ non Mạch nha lên mầm ở nhiệt độ thấp sấy khô tán bột chế thành sirô, mỗi lần uống 10ml, ngày 3 lần, uống sau bữa ăn. Ngoài ra cho uống thêm men hoặc Vitamin B viên, 30 ngày là một liệu trình. Uống liên tục sau khi chức năng gan phục hồi, uống tiếp 1 liệu trình nữa. 

2. Chữa nhiễm nấm dùng cồn Mạch nha: Mạch nha sống 40g, cho vào cồn 75% - 100ml ngâm 1 tuần. (Mã thục Trân, Tạp chí Trung tây Y kết hợp 1987,4:210). 

3.  Chữa chứng sữa quá nhiều: 

+ Mạch nha sao 60 - 120g sắc nước uống, ngày 1 thang, uống liền 2 - 3 ngày có kết quả tốt cho người sữa nhiều căng tức vú đau hoặc muốn thôi cho con bú.

+ Sao Mạch nha 120g tán bột, mỗi lần uống 15g, ngày 4 lần với nước sôi nóng. Trị sữa quá nhiều làm vú căng tức đau.

4.  Chữa rối loạn tiêu hóa, bụng đầy, chán ăn do tỳ vị hư hàn:

+ Sao Mạch nha, Sinh Sơn tra đều 10g sắc uống.

+ Bổ tỳ thang: Mạch nha 10g, Đảng sâm, Bạch linh, Bạch truật đều 10g, Thảo quả 6g, Cam thảo 3g, Can khương 3g, Hậu phác 6g, Trần bì 5g, sắc uống. Trị chứng rối loạn tiêu hóa do tỳ vị hư hàn.

5. Điều trị khó tiêu biểu hiện như trướng bụng, chán ăn, thượng vị: Dùng dược liệu, kê nội kim, sơn tra và thần khúc với liều dùng bằng nhau. Sau khi rửa sạch, cho tất cả vị thuốc vào nồi. Rót thêm nước lọc và thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút. Chắt lấy phần nước và uống ngay khi còn ấm. Sử dụng 1 thang/ngày.

6. Trị ứ khí ở vị và can có biểu hiện như phình và đầy ở ngực, đầy ở vùng xương sườn, đau thượng vị: Dùng dược liệu, chỉ thực, sài hồ mỗi vị 10 gram. Mang tất cả dược liệu rửa sạch, cho vào nồi sắc cùng với 600ml nước lọc đến khi lượng nước trong nồi còn lại 200ml, tắt bếp. Chắt nước thuốc và chia thành 2 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày trong 3 ngày.

Ghi chú:

+ Nước ta có dùng hạt thóc tẻ mang mầm làm thuốc với tên Cốc nha. Các lương y vẫn dùng hạt cây Đại mạch không mầm để làm thuốc.

+ Kiện tỳ dưỡng vị: dùng sống, hành khí tiêu ích sao lên dùng. 

Kiêng kỵ: 

Phụ nữ cho con bú không nên dùng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org