Logo Website

NHẬN THỨC VỀ ÂM DƯƠNG SINH TRƯỞNG

03/12/2020

ĐIỀU 30. NHẬN THỨC VỀ ÂM DƯƠNG SINH TRƯỞNG 

Dương tiêu thì âm trưởng, âm tiêu thì dương vượng. Âm với dương là hai yếu điểm của con người, không thể bỏ đi một phía nào, mà cũng không thể để cho mất một phía nào. Các y giả đời nay, có người nói dương là trọng, cũng có người nói âm là trọng, đều không nêu rõ được cái điểm trọng yếu ấy là ở chỗ nào. Do đó mà thành ra sai lầm không phải nhỏ. Phàm nói "dương là trọng" tức là nói về chân dương của con người, không phải là cái loại cang dương như "tráng hỏa thực khí". Thứ cang dương đó, như bị đại hạn lâu ngày, cần phải có mưa nhuần mát mẻ mới làm dịu được cái khí "cang hại" của nó. Cho nên Đan Khê mới xướng lên thuyết "phù âm", mà các loại thuốc khổ hàn như Hoàng bá, Tri mẫu mới cần phải dùng đến. Nên biết rằng "phù âm" chính là để "giúp dương" đó. Như nói "âm là trọng" tức là nói về chân âm của con người, không phải là cái loại "trọc âm" như "kiên ngưng, hàn kết". Thứ trọc âm đó không khác mùa đông tháng giá, phải nhờ có vầng thái dương chói lọi, mới đem lại được khí ôn hòa. Vì đó, các tiên hiền mới xướng lên thuyết "phù dương" mà các loại tân nhiệt như Quế, Phụ, Can khương đều phải sử dụng. Nên biết rằng: "phù dương chính là để giúp âm". Bởi hỏa nóng quá thì thủy phải khô, thủy nhiều quá thì hỏa bị tắt, cả hai đều cần mà không thể bên trọng bên khinh. 

Y giả nếu trọng âm mà làm hại đến chân dương, hoặc trọng dương mà làm hại đến chân âm, thì thật là lầm. 

Nguồn trích: CHƯƠNG II: LÝ LUẬN VỀ ÂM DƯƠNG-TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990