Logo Website

BẠCH MAO CĂN

11/04/2020
Có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta đều đã một lần thử một cốc nước sâm mát lạnh trong những ngày hè nóng nực. Nhưng ít ai biết một trong những nguyên liệu làm ra nó lại chính là rễ cỏ tranh, một loại cây dại mà trước đây vẫn bị xem như là “kẻ thù của nhà nông”. Và lợi ích của nó không dừng lại ở một cốc nước sâm giải nhiệt.

BẠCH MAO CĂN (白茅根)

Rhizoma Imperatae

Bạch mao căn Imperata cylindrica

(Bạch mao căn: Imperata cylindrica (Linn.) Beauv.Ảnh James H. Miller, USDA Forest Service, Bugwood.org và shopban.com)

Tên khác: Cỏ tranh, Rễ tranh, Nhả cà, Lạc cà (Tày), Gan (Dao), Đia (Kdong)

Tên khoa học: Imperata cylindrica (Linn.) Beauv.., họ Lúa (Poaceae).

Tên đồng nghĩaImperata arundinacea Cirollo; Lagurus cylindricus L.

Mô tả

Cây: Cây cỏ tranh là một cây cỏ sống lâu năm, thân rễ mọc bò lan dài sâu dưới đất, lá mọc đứng, hẹp, dài cứng, gân lá ở giữa phát triển, mặt trên nháp, mặt dưới nhẵn, mép lá sắc dễ cứa đứt chân tay. Hoa tự hình chuỳ, máu trắng bông, gió thổi bay đi rất xa. 

Dược liệu: Thân rễ hình trụ, dài 30-40 cm, đường kính 0,2 – 0,4 cm. Mặt ngoài trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt, mỗi đốt dài 1 – 3,5 cm, trên các đốt còn sót lại vết tích của lá vẩy và của rễ con. Dược liệu dai, dễ bẻ gẫy ở đốt, mặt bẻ có sợi. Mặt cắt ngang gần hình tròn, mặt ngoài lồi lõm không đều, ở giữa thường rách nứt. Dưới ánh sáng đèn tử ngoại 365 nm, phần tủy có phát quang màu xanh lơ, phần vỏ phát quang màu vàng nhạt. Dược liệu không mùi, không vị, sau hơi ngọt.

Bộ phận dùng: Dược liệu là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Cỏ tranh (Imperata cylindrica P. Beauv.), họ Lúa (Poaceae). 

Phân bố: Cây mọc hoang nhiều nơi.

Thu hái: Thường thu hoạch vào mùa thu (tháng 10 - 11) và mùa xuân (3-4). Đào lấy thân rễ, cắt bỏ phần trên cổ rễ, rửa sạch đất cát, tuốt bỏ sạch bẹ, lá và rễ con, xong đem phơi khô và phân loại to, nhỏ, buộc lại thành bó.

Bào chế:

Bạch mao căn: Rửa sạch, tẩm nước cho hơi mềm rồi cắt thành đọan phơi khô, sàng bỏ chất vụn.

Mao căn thán: Lấy những dọan Bạch mao căn, cho vào nồi sao lửa mạnh tới màu nâu đen, nhưng phải tồn tính, phun nước trong, lấy ra phơi khô

Thành phần hoá học: Rễ cỏ tranh chứa chất cylindrin, arundoin, glucose, fructose, acid hữu cơ, muối khoáng.

Tác dụng dược lý:

- Lợi tiểu tiện, tiểu tiện khó khăn

- Tiêu ứ huyết

- Giải độc

- Chữa thổ huyết

- Chỉ huyết (cầm máu)

- Điều trị sốt nóng

- Chữa viêm đường tiết niệu

- Trị bệnh sỏi thận

- Nục huyết (chảy máu mũi)

Tính vịBạch mao căn có tính hàn, có vị ngọt. Hoa (Bạch mao hoa): Tính ấm, vị ngọt, không chứa độc tố.

Quy kinh: Tâm, Vị và Tỳ.

Công năng: Lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu

Công dụng: Chữa sốt khát nước, hoàng đản, tiểu tiện ít, đái buốt, đái ra máu, ho ra máu, chảy máu cam.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 10 - 40g, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc: 

1: Chữa hen: Sinh mao căn (rễ tranh tươi) 20g. Sắc uống lúc nước còn ấm, sau bữa ăn.

2: Chữa đái ra máu: Bạch mao cănThán khương (gừng khô sao cháy đen) Thêm mật o­ng trắng. Sắc uống.

3: Chữa viêm cầu thận cấp (Bệnh viện Ngô Quyền Hải Phòng): Mã đề 10g, Kim ngân hoa 10g, Rễ cỏ tranh 10g, Cam thảo nam 10g, Kim anh tử 10g, Đậu đen 10g, Hoàng đằng 10g Kinh giới 10g, Cỏ mần trầu 10g. Đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, uống mỗi ngày 200 - 300 ml.

4: Chữa hư lao trong đờm có máu. Cũng có thể dùng chữa lao phổi, giãn phế quản, ho ra máu, chảy máu cam: Nước uống Tam Tiên (3 thứ tươi) Rễ cỏ tranh tươi 30g, Ngó sen tươi 30g, Rễ tiểu kế tươi 15g. Sắc uống.

5: Chữa đái ra máu: Rễ cỏ tranh 30g, Rễ đại kế 15g, Sắc uống.

6: Lợi niệu, chữa phù thũng do viêm thận cấp tính, bí tiểu tiện. Còn dùng chữa cả hoàng đản do thấp nhiệt, ho gà: Rễ cỏ tranh tươi 30gVỏ quả dưa hấu 30g, Râu ngô 9g, Xích tiểu đậu 12g. Sắc uống

7. Hỗ trợ điều trị viêm thận cấp: Dùng 200 gram rễ cỏ tranh khô sắc với 500 ml trên ngọn lửa nhỏ. Sau khi nước thuốc cạn còn 100 – 150 ml, chia thuốc và uống  2- 3 lần. Mỗi ngày uống 1 tháng và sử dụng liên tục trong 1 tháng để có kết quả trị liệu tốt.

8. Điều trị sốt xuất huyết: Sử dụng 20 gram rễ cây cỏ tranh khô sắc chung với 20 gram cỏ mực, 16 gram tang diệp, 20 gram rau má, 16 gram kinh giới, 24 gram đậu đen đã sao thơm, 12 gram cam thảo. Chia thuốc làm 2 phần và uống trong ngày.

9. Chữa khạc hoặc ho ra máu do phế nhiệt:Bài thuốc gồm có sinh địa 12 gram, rễ cây cỏ tranh khô 16 gram, rau má 20 gram cùng với cỏ mực 20 gram và ngân hoa 12 gram. Sắc thuốc và uống 2 lần trong ngày.

10. Trị chứng khô họng, khô miệng do tân dịch vị bị hao tổn: Lấy 16 gram rễ cỏ tranh cùng với các loại thảo dược khác như 16 gram đinh lăng, 10 gram cam thảo, 10 gram sơn thù, 12 gram sa sâm, 16 gram hoài sơn, 8 gram đan bì, 16 gram đinh lăng, 12 gram khởi tử, 10 gram trạch tả, 12 gram mạch môn, 20 gram cát căn. Mỗi ngày sắc 1 thang và chia làm 2 lần.

11. Chữa xuất huyết đường tiêu hóa: Rễ cây cỏ tranh khô 20 gram sắc chung với 6 gram cây a giao, 21 gram củ gừng nướng cháy, 12 gram thục địa và 16 gram trắc bạch diệp. Sắc và chia thuốc uống 2 – 3 lần/ ngày.

12. Điều trị chảy máu cam: Chi tử 18 gram kết hợp với bạch mao căn 36 gram. Cho hai vị thuốc vào nồi sắc chung với 400 ml nước. Thuốc cạn còn 100 ml, uống nóng sau hoặc trước khi đi ngủ. Sử dụng liên tục 7 – 10 ngày.

Kiêng kỵNgười hư hỏa, không thực nhiệt, kiêng dùng. Phụ nữ có thai không nên dùng.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)