Logo Website

BẠCH TRUẬT

13/04/2020
Tương truyền, Hán Vũ Đế trong lần ngự giá tuần du đã gặp một lão nông 90 tuổi vẫn cuốc cỏ dưới ruộng, hỏi ra thì cụ khỏe nhờ dùng Bạch truật. Về sau, vị thuốc này được nhiều bậc vương hậu Trung Hoa sử dụng như trong bài thuốc của Từ Hy thái hậu hay trong viên tăng tuổi thọ của hoàng đế Quang Tự…Nhưng dùng Bạch truật để thoát bệnh đại tràng thì không phải ai cũng biết!

BẠCH TRUẬT (白术)

Rhizoma Atractylodes macrocephalae

Bạch truật Atractylodes macrocephala

(Bạch truật: Atractylodes macrocephala Koidz.; Ảnh naturelib.net và amazon.com)

Tên khác : Sơn kế, Dương bão kế, Sơn khương, Truật, Sơn tinh, Đông truật, Dương phu và Sơn liên.

Tên khoa học: Atractylodes macrocephala Koidz., họ Cúc (Asteraceae).

Tên đồng nghĩaAtractylis macrocephala (Koidzumi) Nemoto (1936), not Desfontaines (1799); Atractylis macrocephala var. hunanensis Y. Ling.

Mô tả:

Cây: Cây thảo cao 40-60cm, sống nhiều năm. Rễ thành củ mập, có vỏ ngoài màu vàng xám. Lá mọc so le, mép khía răng, lá ở gốc có cuống dài, xẻ 3 thuỳ; lá gần cụm hoa có cuống ngắn, không chia thuỳ. Cụm hoa hình đầu, ở ngọn; hoa nhỏ màu tím. Quả bế có túm lông dài. Mùa hoa quả tháng 8-10.

Dược liệu : Thân rễ to (quen gọi là củ) có hình dạng thay đổi, hình chùy có nhiều mấu phình ra, phía trên thót nhỏ, hoặc từng khúc mập, nạc, dài 5 - 10 cm, đường kính 2 - 5 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt hoặc xám, có nhiều mấu, có vân hình hoa cúc, có nhiều nếp nhăn dọc. Chất cứng, khó bẻ gãy, mặt cắt không bằng, có màu vàng đến nâu nhạt, rải rác có khoang chứa tinh dầu màu nâu vàng, mùi thơm nhẹ.

Bộ phận dùng: Thân rễ (Rhizoma Atractylodis macrocephalae), thường gọi là Bạch truật. 

Phân bố: Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, được trồng nhiều ở An Huy, Dư Huyện, Triết Giang, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Tứ Xuyên và Phúc Kiến. Hiện nay, loài này đã được di thực vào nước ta nhưng số lượng chưa nhiều. Dược liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Thu hái, sơ chế: Cây đã trồng 2 - 3 năm. Thân rễ của cây được thu hái vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Khi lá ở gốc cây đã khô vàng, đào lấy thân rễ, rửa sạch đất. Khi thu hoạch, cần quan sát biểu hiện của cây để tránh tình trạng thu hái phải thân rễ nghèo dinh dưỡng. Chỉ thu hái ở cây có vỏ màu vàng nâu, phần ngọn cây cứng và dễ bẻ gãy. Khi thu hái, cần chọn ngày nắng ráo và đất khô, nhổ trực tiếp từng cây. Sau đó cắt bỏ rễ con, thân cây và đem củ về chế biến.

Bào chế: Bạch truật đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, làm khô.Thổ Bạch truật: Lấy Bạch truật phiến, dùng bột mịn phục long can (đất lòng bếp) sao đến khi mặt ngoài có màu đất, rây bỏ đất, cứ 100 kg Bạch truật phiến dùng 20 kg bột mịn phục long can. Sao Bạch truật: Lấy cám mật chích, cho vào trong nồi nóng khi khói bốc lên, cho Bạch truật phiến vào sao cho đến khi có màu vàng sém, có mùi thơm cháy, lấy ra rây bỏ cám mật chích, cứ 100 kg Bạch truật phiến dùng 40 kg cám mật chích.

Tác dụng dược lý: Bạch truật có tác dụng điều tiết hướng đôi đối với họat động của ruột, lúc ruột hưng phấn có tác dụng ức chế, mà lúc ruột ức chế có tác dụng hưng phấn; có tác dụng phòng trị bao tử lóet thực nghiệm, có tác dụng cường tráng; có thể xúc tiến tăng gia thể trọng của chuột con; có thể xúc tiến hợp thành albumin ruột non rõ rệt; có thể xúc tiến công năng miễn dịch tế bào; có tác dụng tăng bạch cầu nhất định; còn có khả nang bảo vệ gan, lợi mật, lợi tiểu, giáng đường huyết, chống đông máu, kháng khuẩn, chống khối u. Dầu bay hơi Bạch truật có tác dụng trấn tĩnh (Trung dược học). 

Bảo quản: Củ bạch truật sau khi phơi khô rất dễ ẩm mốc và hư hại.Vì vậy cần phải bảo quản ở nơi khô ráo. Nếu thấy mốc phải đem sấy diêm sinh hoặc phơi sấy để tránh hư hại.

Thành phần hóa học: Tinh dầu (1%), trong đó chủ yếu là atractylol và atractylon, atractylenolid I, II và III, endesmol, atractylola, eudesmol, beta-selinene, alpha-curcumene, beta-elemol, humulene, palmitic acid, hinesol, 8b-ethoxyatractylenolide II và vitamin A.

Tác dụng dược lý:

Tác dụng đối với đường ruột: Thực nghiệm trên thỏ cho thấy, nước sắc từ dược liệu có tác dụng ức chế ruột ở trạng thái hưng phấn và có tác dụng hưng phấn đối với ruột ở trạng thái ức chế. Vì vậy bạch truật có khả năng chữa cả chứng tiêu chảy và táo bón.

Tác dụng lợi tiểu: Thảo dược có tác dụng tăng bài tiết natri và ức chế tiêu quản thận hấp thu nước.

Tác dụng đối với hệ tuần hoàn: Thực nghiệm cho thấy cồn chiết xuất và nước sắc từ bạch truật có tác dụng giãn mạch và chống đông máu.

Tác dụng bảo vệ gan: Nước sắc dược liệu có tác dụng bảo vệ tế bào gan và ngăn ngừa tình trạng sụt giảm glycopen trong gan.

Tác dụng bồi bổ sức khỏe: Thực nghiệm ở chuột cho thấy, nước sắc từ bạch truật có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức bơi lội, tăng trọng lượng, tăng bạch cầu và khả năng thực bào của hệ thống tế bào lưới. Ngoài ra bạch truật còn có tác dụng kích thích tổng hợp protein ở tá tràng.

Nước sắc từ bạch truật có tác dụng hạ đường huyết.

Atractylenoid trong dược liệu có tác dụng chống viêm (đặc biệt là ở khớp), chống suy giảm chức năng gan và chống loét ở các cơ quan tiêu hóa.

Một số nghiên cứu cho thấy, vị thuốc này có tác dụng ức chế một số loại vi khuẩn gây bệnh ngoài da.

Bạch truật có tác dụng ức chế quá trình bài tiết dịch vị của dạ dày, từ đó làm giảm tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng.

Tính vị: Vị ngọt, cay, hơi đắng, tính ấm và không có độc.

Quy kinh: Tỳ, Vị.

Công năng: Kiện tỳ, ích khí, táo thấp, lợi thủy, chỉ đạo hãn, an thai

Công dụng: Tỳ hư ăn kém, bụng trướng tiêu chảy, đàm ẩm, chóng mặt đánh trống ngực, thủy thũng, mồ hôi trộm, động thai.

Cách dùng, liều lượng: 10 - 20g mỗi ngày. Dạng thuốc sắc.

Bài thuốc : 

1. Thuốc bổ và chữa dị ứng: Bạch truật 6kg cho ngập nước vào nồi đất hay đồ sành, đồ sắt tráng men, nấu cạn còn một nửa, gạn lấy nước, thêm nước mới, làm như vậy 3 lần. Trộn 3 nước lại cô đặc thành cao. Ngày uống 2-3 thìa cao này. 

2. Viêm gan nhiễm trùng: Bạch truật 9g. Nhân trần 30g, Trạch tả 9g. Dành dành 9g. Phục linh 12g, nước 450ml sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. 

3. Viêm dạ dày cấp và mạn tính, bệnh về máu: Bạch truật 6g. Trần bì 4,5g, Toan táo nhân 3g. Hậu phác 4,5g. Gừng 3g, Cam thảo 1,5g nước 600ml, sắc, sau đó lọc, chia làm 3 lần uống trong ngày.

4. Chữa chứng tỳ hư gây tiêu chảy kéo dài, ăn kém và mệt mỏi: Chỉ thực 6g và bạch truật 12g, đem làm hoàn tán. Mỗi lần dùng 4 – 8g uống với nước cơm, ngày dùng từ 2 – 3 lần.

5. Chữa chứng ra mồ hôi do khí hư: Mẫu lệ 24g, bạch truật và phòng phong mỗi vị 12. Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng từ 8 – 12g.

6. Chữa chứng phù do tỳ hư: Sinh khương bì, bạch truật, đại phúc bì, trần bì, tang bạch bì và tang bì, gia giảm liều lượng dược liệu theo mức độ bệnh. Sắc uống, có thể dùng bài thuốc này cho phụ nữ mang thai.

7. Chữa chứng phong thấp gây đau nhức chân tay, mình mẩy: Tang chi, phòng kỷ, bạch truật và uy linh tiên, điều chỉnh liều theo tình trạng bệnh lý. Sắc uống.

8. Bài thuốc an thai, thích hợp với phụ nữ bị động thai do huyết hư: Xuyên khung 8g, bạch truật, hoàng cầm, bạch thược và đương quy mỗi vị 12g. Đem các vị sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang. Sử dụng liên tục từ 2 – 4 thang để đạt kết quả tốt.

9. Chữa chứng táo bón: Thăng ma 3g, sinh địa 30g, sinh bạch truật 60g. Đem sắc ngày 1 thang, dùng liên tục từ 1 – 4 thang.

10. Trị mặt đen, sạm và loang lổ. Bạch truật đem ngâm với giấm và thoa lên mặt hàng ngày.

11. Chữa chứng mồ hôi chảy nhiều và không cầm được: Truật tán bột. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 1 thìa canh.

12. Chữa chứng lỵ và tiêu chảy lâu ngày: Bạch truật loại thượng phẩm đem xắt lát và sắc với nước còn lại nửa chín. Chắt lấy nước và sắc khoảng 3 lần. Trộn đều nước sắc lại rồi cô thành cao, mỗi lần dùng 5 – 10ml uống với mật ong.

13. Bài thuốc ngũ âm tửu tích (tích trệ ngũ tạng): Quế tâm và gừng khô (sao) mỗi vị 320g, bạch truật 640g. Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó trộn với mật làm thành viên to bằng hạt ngô đồng. Ngày dùng 20 – 30 viên uống cùng với nước ấm.

Kiêng kỵ : Đau bụng do âm hư, nhiệt trướng, đại tiện táo, khát nước, không dùng.

Ghi chú: Trên thị trường nước ta có vị thuốc mang tên Bạch truật nam hay Truật nam thường đã thái phiến mầu trắng. Đó là thân rễ của cây Gynura pseudochina DC., họ Cúc (Asteraceae). Vị thuốc này để nguyên còn gọi là Thổ tam thất.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)