Logo Website

BÁN HẠ

14/04/2020
Theo nghiên cứu, bán hạ có tác dụng chữa ho và chống nôn; Được dùng theo kinh nghiệm dân gian chữa phụ nữ có thai bị nôn mửa hoặc chữa nôn trong trường hợp viêm dạ dày mãn tính.

BÁN HẠ (半夏)

Rhizoma Typhonii trilobati

Bán hạ nam Typhonium trilobatum

(Bán hạ nam: Typhonium trilobatum (L.) Schott.); Ảnh Le Hai)

Tên khác: Bán hạ nam, chóc chuột, củ chóc, Bán hạ lá ba thuỳ, Phiắc héo (Tày)

Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Schott.), họ Ráy (Araceae).

Tên đồng nghĩa: Arisaema pumilum Blume; Arum auriculatum Sims; Arum orixense Roxb. ex Andrews; Arum orixense Roxb.; Arum pumilum Lam.; Arum trilobatum L.; Desmesia orixensis (Roxb. ex Andrews) Raf.; Dracunculus trilobatus (L.) Raf.; Typhonium orixense (Roxb. ex Andrews) Schott; Typhonium siamense Engl.; Typhonium triste Griff.

Mô tả:

Cây: Cây cỏ, sống một năm, cao 20 - 30cm. Thân củ tròn, nạc. Lá chia 3 thùy, cuống dài, có bẹ. Cụm hoa là một bông mo, màu xanh pha đỏ tím. Hoa nhỏ, hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới, có mùi hôi. Quả mọng, khi chín màu đỏ.

Dược liệu: Phiến có hình tròn, đường kính thường là 0,5 – 3 cm, ít khi đến 4 cm; dầy 0,1- 0,3cm; màu trắng đục, trắng ngà hay vàng nhạt. Xung quanh phiến còn ít vỏ mỏng và vết tích sẹo của rễ con. Thể chất chắc, khô cứng. Vị nhạt, gây tê lưỡi, ngứa.

Bộ phận dùng: Dược liệu là thân rễ đã chế biến khô của cây Củ chóc (Typhonium trilobatum (L.) Schott.), họ Ráy (Araceae).

Phân bố: Cây mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta và một số nước khác. Ngoài ra, trên thế giới loài thực vật này còn mọc ở một số nước có khí hậu nhiệt đới như Ấn Độ, Thái Lan, Lào và Trung Quốc.

Thu hái, sơ chế: Rễ củ vào tháng 8 hoặc tháng 9, khi cây lụi. Đào lấy rễ củ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con. Đổ thành đống, ủ khoảng 7 - 10 ngày đến khi vỏ ngoài mềm nát, chà sát cho tróc hết lớp vỏ ngoài. Đồ bằng hơi nước đến khi củ chin đều (không còn nhân trắng đục). Thái phiến dày 0,2 - 0,3 cm. Phơi (hoặc sấy) đến khi khô kiệt.

Bào chế:

Củ chóc có thể gây tê, ngứa và ngộ độc nên trước khi dùng phải chế biến. Một số phương pháp bào chế dược liệu:

- Tẩm với nước bồ kết hoặc gừng, sao vàng để tăng tác dụng trị ho.

- Tẩm với phèn chua, nước vôi, nước cam thảo và nước vo gạo để giảm tính ngứa của dược liệu.

- Đem củ chóc rửa sạch và ngâm với nước trong 2 – 3 ngày. Mỗi ngày thay nước 1 lần cho đến khi nước trong hẳn. Tẩm 1kg dược liệu với 0.1 kg bồ kết và 0.1 kg cam thảo, cho nước vào. Đun sôi đến khi cạn, đem phơi hoặc sấy cho khô hoàn toàn.

Ngâm rửa củ chóc như trên. Sau đó dùng 1kg dược liệu thêm 300g gừng tươi (giã nát) và 50g phèn chua. Thêm nước vào cho ngập và ngâm trong 24 giờ. Sau đó lấy ra rửa sạch, đồ chính và thái mỏng. Lại tẩm thêm nước gừng theo tỷ lệ 1kg dược liệu với 150g gừng tươi (giã nát), thêm nước vào và vắt lấy nước. Cho dược liệu ngâm với nước gừng trong 1 đêm. Khi lấy ra, đem sao vàng là dùng được.

Ngâm củ chóc trong nước vo gạo từ 1 – 2 ngày. Sau đó vớt ra, rửa sạch và tiếp tục ngâm với phèn chua 2 ngày. Khi dùng lưỡi nếm không còn vị chua thì vớt ra, rửa sạch và để cho ráo nước hoàn toàn. Dùng chày giã củ cho hơi dập, sau đó phơi khô. Khi dùng tẩm nước gừng trong 3 giờ và sao cho cháy cạnh.

Tài liệu cổ có ghi, đem 120g dược liệu, 200g giấm chua và 80g bạch giới tử. Sau đó cho bạch giới tử giã nát và khuấy đều với giấm. Thêm dược liệu vào và ngâm trong 1 đêm. Cuối cùng rửa sạch và đem ra dùng.

Thành phần hóa học: Tinh bột, saponin, alkaloid, protein, chất sợi, chất vô cơ, phosphor. Ngoài ra dược liệu còn chứa một số thành phần khác như acid folic, iodin, choline, thiamin, niacin, catorene.

Tác dụng dược lý:

- Tác dụng ức chế thần kinh trung ương: Dùng dịch bán hạ tiêm dưới da ở chuột nhắt trắng nhận thấy tác dụng ức chế các hoạt động tự nhiên.

- Tác dụng chống nôn: Dịch chiết bán hạ có tác dụng ức chế nôn do đồng sulfat. Trong khi đó, nước sắc dược liệu có tác dụng đối với cả động vật được gây nôn bằng apomorphin.

- Tác dụng chống ho: Thực nghiệm trên mèo nhận thấy, hiệu lực giảm ho của bán hạ ở liều 0.6g/ kg trọng lượng tương đương với 1mg/ kg Codein.

- Tác dụng chống loét: Dịch chiết dược liệu có tác dụng ức chế quá trình bài tiết dịch vị và ngăn ngừa tình trạng viêm loét dạ dày lan rộng.

Tính vị: Vị cay, tính ôn và có độc.

Qui kinh: Tỳ và Vị.

Công năng: Hoá đàm táo thấp, giáng nghịch chỉ nôn, giáng khí chỉ ho

Công dụng: Thuốc chống nôn, trừ đờm, chữa ho nhiều đờm,  tiêu hoá kém, ngực bụng đầy chướng.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-16g, dạng thuốc sắc hay bột. Trước khi dùng phải chế biến cho gần hết ngứa. Có nhiều quy trình chế biến khác nhau, phụ liệu thường là nước vo gạo, nước vôi trong, gừng, cam thảo... Dùng cho phụ nữ có thai phải phối hợp với Hoàng cầm, Bạch truật.

Bài thuốc

1. Chữa mụn nhọt sưng đau: củ chóc tươi giã nát và đắp trực tiếp lên mụn nhọt sưng đau.

2. Chữa chứng nôn mửa, ho lâu ngày, ho gió và ho có đờm: Trần bì, củ chóc và rễ dâu mỗi thứ 150g, ô mai, lá táo, cát cánh, lá chanh và cam thảo dây mỗi thứ 100g, đường 200g. Mang cát cánh, rễ dâu, trần bì và củ chóc phơi và sấy cho giòn, sau đó tán bột mịn. Lá táo, cam thảo dây và lá chanh đem sắc với 400ml nước, còn lại khoảng 100ml, thêm đường và nấu cho thành cao. Ô mai lấy thịt, bỏ hạt và giã nát. Trộn các dược liệu lại, vo thành viên, mỗi viên nặng 0,5g. Trẻ nhỏ dùng từ 5 – 15 viên (tùy độ tuổi), người lớn dùng 15 – 20 viên/ ngày.

3. Chữa ho lâu ngày: Hạt củ cải, trần bì và củ chóc mỗi thứ 15g. Đem các vị sắc uống.

4. Chữa hoắc loạn khiến bụng đầy trướng: Quế chi và củ chóc (chế với gừng), mỗi vị bằng lượng nhau. Các vị tán bột và dùng uống với sắc từ xương bồ và lá lấu.

5. Chữa động kinh bị chảy dãi không tỉnh, trúng gió khiến răng cắn không nói được: Bột củ chóc thổi vào lỗ mũi, sau khi hắt hơi sẽ tỉnh. Đồng thời nên xát dược liệu vào răng lợi của bệnh nhân để há miệng và nói trở lại được.

6. Chữa chứng đau bụng, nôn mửa đi ngoài, ho tức ngực, vướng nghẹn ở cổ họng: Gừng sống 6g, trần bì và củ chóc mỗi thú 8g. Sắc lấy nước uống.

7. Chữa chứng hen suyễn: Mật lợn/ mật bò và củ chóc (tán bột). Đem dược liệu trộn với mật, chế với hồ làm thành viên. Mỗi lần dùng 2 – 3g uống với nước gừng. Ngày dùng 3 – 4 lần. Nếu đang bị cơn hen cấp, nên uống với nước sắc từ gừng và hẹ (mỗi vị 10g).

8. Chữa kinh giản lưng gáy, miệng chảy dãi: Gừng sống, kinh giới và củ chóc 12g. Sắc uống. Đồng thời nên dùng củ chóc tán bột, trộn với nước gừng và đắp lên bên mặt không méo và đắp sau gáy.

Kiêng kỵPhản Ô đầu. Không phối hợp với Phụ tử. Không nên dùng cho nguời âm hư, ho khan, khạc máu. Thận trọng khi dùng cho người mang thai.

Ghi chú:

- Vị thuốc bán hạ của Trung Quốc là thân rễ cây Bán hạ (Pinellia ternata (Thunb.) Brett), họ Ráy (Araceae).

- Thực tế chữa bệnh ở nước ta dùng Củ chóc làm Bán hạ, các lương y cho rằng có công hiệu tốt.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)