Logo Website

BỒ CÔNG ANH

18/04/2020
Cây bồ công anh Việt Nam còn gọi là rau bồ cóc, diếp hoang, diếp dại, mũi mác, rau lưỡi cày. Đây là một trong số ít những cây thuốc có nhiều lợi ích nhất đối với sức khỏe. Chính vì láy do đó mà bồ công anh còn được mệnh danh là dược thảo điều trị lành mọi bệnh.

BỒ CÔNG ANH (蒲公英)

Bồ công anh Lactuca indica

Bồ công anh: Lactuca indica L., họ Cúc (Asteraceae); Ảnh: Leonardo L. Co and temperate.theferns.info

Tên khác: Rau bồ cóc, Diếp dại, Mũi mác, Rau diếp dại, Rau bồ cóc, Rau bao, Rau mét, Phắc bao, Lin hán (Tày), Lằy mắy kìm (Dao)

Tên khoa học: Lactuca indica L., họ Cúc (Asteraceae).

Tên đồng nghĩaBrachyramphus sinicus Miquel; Lactuca amurensis Regel & Maximowicz ex Regel; L. brevirostrisChampion ex Bentham; L. cavaleriei H. Léveillé; L. indica f. indivisa (Maximowicz) H. Hara; L. indica f. runcinata(Maximowicz) Kitamura; L. kouyangensis H. Léveillé; L. laciniata (Houttuyn) Makino (1903), not Roth (1797); L. squarrosa (Thunberg) Miquel; L. squarrosa var. dentata Komarov; L. squarrosa f. indivisa Maximowicz; L. squarrosavar. integrifolia Komarov; L. squarrosa var. laciniata (Houttuyn) Kuntze; L. squarrosa f. runcinata Maximowicz; L. squarrosa var. runcinatopinnatifida Komarov; Prenanthes laciniata Houttuyn; P. squarrosa Thunberg; Pterocypsela indica (Linnaeus) C. Shih; P. laciniata (Houttuyn) C. Shih.

Mô tả: Lá mỏng nhăn nheo, nhiều hình dạng, thường có lá hình mũi mác, gần như không có cuống, mặt trên màu nâu sẫm, mặt dưới màu nâu nhạt, mép lá khía răng cưa, to nhỏ không đều. Có lá chỉ có răng thưa hay gần như nguyên. Gân giữa to và nổi nhiều. Vị hơi đắng. Đoạn thân dài 3 - 5 cm, tròn, thẳng, lõi xốp, đường kính khoảng 0,2 cm, mặt ngoài màu nâu nhạt, lốm đốm, có mấu mang lá hoặc vết tích của cuống lá.

Bộ phận dùng: Lá, cành.

Phân bố: Cây mọc hoang, phân bố chủ yếu ở các vùng ấm thuộc các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Inđônêxia, Philippin và các nước Đông Dương. Ở Việt Nam, Bồ công anh phân bố rải rác khắp mọi nơi (thường ở độ cao dưới 1000 mét) đến trung du và đồng bằng. Cây thường mọc ở nơi đất ẩm, trong vườn, ven đường đi, bãi sông hoặc trên các thửa ruộng, nương rẫy đã bỏ hoang.

Thu hái, sơ chế: vào khoảng tháng 5 - 7, lúc cây chưa ra hoa hoặc bắt đầu ra hoa, loại bỏ lá già, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.

Thành phần hoá học:

Bồ công anh chứa 91,8% nước, 3,4% protid, 1,1% glucid, 2,9% xơ, 1,2% tro, 3,4mg% caroten, 25mg% vitamin C, 2 chất đắng chính là lactucin và lactucopicrin. Ngoài ra, còn có beta-amyrin, taraxasterol, germanicol.

Tác dụng dược lý

Bồ công anh được thử nghiệm với phương pháp lồng cử động để thể hiện tác dụng an thần.

Flavonoid của bồ công anh đã được nghiên cứu tác dụng sinh học thấy vó tác dụng ức chế men oxy hoá khử peroxydase và catalase máu chuột cống trắng. Những thí nghiệm tiến hành với huyết thanh người cũng cho những kết quả ức chế men oxy hoá khử rõ rệt.

Tính vị: vị ngọt, hơi đắng, tính hàn

Công năng: giải độc, tiêu viêm, thanh nhiệt, tán kết.

Công dụng: Vị thuốc kinh nghiệm trong nhân dân để chữa bệnh sung vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mù, hay bị mụn nhọt, đinh râu.

Còn dùng uống trong chữa bệnh đau dạ dày, ăn uống kém tiêu.

Liều dùng: hàng ngày: 20 đến 40g lá tươi hoặc 10 đến 15g lá khô hay cành và lá khô. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, thường dùng dưới dạng thuốc sắc có thêm đường cho để uống. Còn dùng giã nát đắp ngoài không kể liều lựợng.

Bài thuốc:

1. Chữa tiêu độc chữa sưng vú, mụn nhọt: Bồ công anh 12g, Ké đầu ngựa 12g, Vòi voi 12g, Liên kiều 12g, Kim ngân hoa 10g, Kinh giới l0g, Hạ khô thảo l0g, Cỏ mần trầu l0g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn l00ml, uống làm 2 lần trong ngày. (Kinh nghiệm của bệnh viện Hưng Yên - Hải Hưng).

2. Chữa sưng vú, tắc tia sữa: hái 20-40 g lá bồ công anh tươi, rửa sạch, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước uống, còn bã dùng đắp lên nơi vú sưng đau. Thường chỉ dùng 2-3 lần là đỡ. (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

3. Chữa đau dạ dày: Lá Bồ công anh khô 20g, lá Khôi 15g, lá Khổ sâm l0g, nước 300ml. Đun sôi trong vòng 15 phút, thêm đường, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong vòng 10 ngày. Nghỉ 3 ngày rồi lại tiếp tục cho đến khi khỏi (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

4. Chữa mụn nhọt, lành nhọt chóng chín và vỡ mủ: Lá Bồ công anh tươi phối hợp với lá Phù dung, rễ Vông vang hoặc rễ Gai, giã đắp (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

5. Chữa ăn uống kém tiêu, hay bị mụn nhọt: lá bồ công anh khô 10-15 g; nước 600 ml (khoảng 3 bát con); sắc còn 200 ml (1 bát) (có thể đun sôi kỹ và giữ sôi trong vòng 15 phút); uống liên tục trong vòng 3-5 ngày, có thể kéo dài hơn. (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

6. Chữa mắt đau sưng đỏ: Bồ công anh 40 g, dành dành 12 g. Sắc uống ngày một thang.

7. Chữa viêm họng: Bồ công anh 40 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo nam 10 g. Sắc uống ngày một thang.

8. Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng: Bồ công anh 40 g, lá khôi, nghệ vàng 20 g, mai mực 10 g, cam thảo 5 g. Sắc uống ngày một thang. 

9. Viêm phổi, phế quản: Bồ công anh 40 g, vỏ rễ dâu 20 g, hạt tía tô 10 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo nam 10 g. Sắc uống ngày một thang. (theo BS Anh Minh, Sức Khỏe & Đời Sống).

10. Chữa Viêm gan virus: Bồ công anh 30 g, nhân trần 20 g, chó đẻ răng cưa (kiềm vườn) 20 g, rau má 30 g, cam thảo nam 20g. Sắc uống ngày một thang. 

Kiêng kỵ: Các chứng âm hư hoặc tràng nhạc, ung nhọt đã vỡ cấm dùng.

Ghi chú:  Rễ, lá Bồ công anh Trung Quốc (Taraxacum officinale Bigg), họ Cúc (Asteraceae) được dùng với công dụng tương tự Bồ công anh Việt nam.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)