Logo Website

CÀ ĐỘC DƯỢC

22/04/2020
Theo Đông y, Cà độc dược hay cà diên có vị cay, tính ôn và có độc. Thảo dược này thường được sử dụng trong các bài thuốc: Khử phong thấp; Chữa hen suyễn

CÀ ĐỘC DƯỢC

Folium et Flos Daturae

Cà độc dược Datura metel L.

Cà độc dược: Datura metel L.; Ảnh: whiteflowerfarm.com and prota4u.org

Tên khác: Mạn đà la hoa, Mạn đà la, Độc giã, Cà diên, Sùa tùa (Hmông), Plờn (Kho), Cà lục lược (Tày), Hìa kía piếu (Dao)

Tên khoa học: Datura metel L., họ Cà (Solanaceae). 

Tên đồng nghĩaDatura alba Nees; Datura fastuosa Linnaeus; Datura fastuosa var. alba (Nees) C. B. Clarke.

Mô tả: Cây thảo cao đến 2m, sống hằng năm, phần gốc của thân hoá gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ ngắn. Lá đơn, mọc so le; phiến lá nguyên, hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều. Hoa to, mọc đứng, thường đơn độc, ít khi xếp từng đôi ở nách lá; đài hoa liền nhau, hình ống, màu xanh, phía trên có 5 răng; cánh hoa màu trắng, dính liền với nhau thành hình phễu dài đến 20cm nhưng vẫn thấy có 5 thuỳ; có 5 nhị dính trên cánh hoa; bầu trên, có 2 lá noãn, hàn liền nhau, chứa nhiều noãn. Quả hình cầu, màu lục, đường kính 3cm, có nhiều gai mềm mỏng ở mặt ngoài, khi chín nở làm 4 mảnh. Hạt nhiều, nhăn nheo, màu nâu nhạt. Mùa hoa quả: Tháng 4 đến tháng 11. 

Bộ phận dùng: Lá, hoa (Folium, Flos Daturae).

Phân bố: Cây của Mỹ châu nhiệt đới, được thuần hoá ở nhiều miền nhiệt đới và ôn đới. Ở nước ta, cây mọc hoang khắp nơi và cũng được trồng làm cảnh và làm thuốc.

Thu hái, sơ chế: Từ tháng 4 đến tháng 11, thu hái hoa lúc bắt đầu nở, hái lá bánh tẻ, loại bỏ các lá bị sâu bệnh và héo vàng, đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khô.

Bảo quản: Nơi khô thoáng, tránh ẩm

Thành phần hoá học: 

Trong lá, hoa, hạt và rễ cà độc dược có chứa chất scopolamin, hyoscyamin, atropin, hyoxin. Tỷ lệ các alcaloid trên thay đổi tùy theo bộ phận và tùy theo thời kỳ thu hái. Thường trong lá là 0,10-0,50%, có khi tới 0,60-0,70%, trong rễ 0,10-0,20%, trong hạt 0,10-0,50%, trong quả 0,12%, hoa 0,25- 0,60%.

Tác dụng dược lý:

Tác dụng của cà độc dược là tác dụng của hyoxin và của atropin:

Atropin làm cơ vòng của mắt dãn ra, nên đồng tử dãn. Nhãn cầu dẹt lại, áp lực mắt tăng lên. Sự tiết nước bọt, mồ hôi, dịch vị, dịch ruột ngừng lại.

- Làm nở khí đạo khi khí đạo bị co thắt và phó giao cảm bị kích thích. Lúc bình thường, atropin không tác dụng. ít tác động trên nhu động ruột và co thắt ruột.

- Liều độc atropin tác động lên não làm say có khi phát điên, hô hấp tăng, sốt, cuối cùng thần kinh trung ương bị ức chế và tê liệt.

Tác dụng của hyoxin gần giống atropin, nhưng làm giãn đồng tử trong thời gian ngắn hơn.

- Khác với atropin, là khi ngộ độc thì hyoxin ức chế thần kinh nhiều hơn là kích thích.

- Vì vậy hyoxin được dùng ở khoa thần kinh để chữa cơn co giật của bệnh Parkinson, phối hợp với atropin để chống say phi cơ hoặc tàu thủy, làm thuốc dịu thần kinh.

Tính vịTính ôn, vị cay và có độc

Công năng: Bình xuyễn, chỉ khái, chỉ thống.

Công dụng: Hoa được dùng trị ho, suyễn thở, ngực bụng lạnh đau, phong thấp đau nhức, trẻ em cam tích. Còn dùng làm thuốc tê trong phẫu thuật. Lá Cà độc dược là vị thuốc chặn cơn hen suyễn, chống co bóp trong bệnh đau loét dạ dày ruột, chống say sóng gây chóng mặt, nôn mửa khi đi tàu, thuyền và máy bay. Còn dùng chữa phong tê thấp, cước khí (sưng chân), đau dây thần kinh toạ, đau răng, động kinh, lòi dom. Lá đem ngâm lấy nước trị chứng ho có tính co cứng, suyễn và các nhánh khí quản viêm.

Cách dùng, liều lượng:    

- Thuốc độc bảng A. Dạng cao, bột, cồn để uống. Bột, cao lỏng 1/1 - Liều trung bình: 0,1g x 3 lần trong một ngày; cồn 1/10 - 0,5g x 4 lần trong một ngày.

- Hoa, lá thái nhỏ phơi khô cuốn vào giấy hút như thuốc lá chữa hen, liều 1-1,5g/ngày.

Bài thuốc

1. Chữa đau nhức xương khớp: Sử dụng cành, lá, hoa và rễ cây cà độc dược đem rửa sạch, phơi khô và ngâm với rượu. Sau 10 ngày ngâm, dùng rượu thoa đề lên vùng xương khớp bị đau nhức. Kiên trì sử dụng một khoảng thời gian ngắn giúp giảm đau.

2. Chữa đau thần kinh tọa: Sử dụng một nắm lá cà độc dược đem hơ nóng trên lửa rồi đắp vào vùng bị đau nhức. Mỗi ngày đắp 1 lần, kiên trì trong 1 tuần cơn đau do thần kinh tọa gây ra sẽ được đẩy lùi.

3. Chữa hen suyễn và ho: Dùng lá cà độc dược đem rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô. Sau đó cho vào giấy và cuộn lại như điếu thuốc lá rồi hút. Mỗi ngày chỉ hút khoảng 1 gram. Lưu ý, nên dừng hút ngay nếu có triệu chứng bị ngộ độc.

4. Chữa mụn nhọt gây sưng đau: Sử dụng lá cà độc dược ngâm rượu và đắp lên nốt mụn, giúp giảm sưng và đau.

5. Điều trị nôn mửa: Dùng lá cà độc dược tươi đem rửa sạch và ngâm rượu. Mỗi ngày uống khoảng 15 giọt, giúp hỗ trợ điều trị bệnh.

6. Chữa viêm xoang: Sử dụng 3 – 4 lá cà độc dược đem rửa sạch, thái nhỏ và cho vào lon sữa trống, đậy kín. Sau đó cho lon sữa lên bếp và đun dưới lửa nhỏ cho khói bay lên. Tiếp đó, dùng giấy cuốn thành hình phễu, đầu to đưa vào nơi khói bốc lên và đầu nhỏ đặt lên mũi. Hít bằng mũi và thở ra bằng miệng trong vòng 3 – 6 phút. Thực hiện đều đặn 2 lần/ ngày, sau 1 tháng sẽ thấy triệu chứng bệnh thuyên giảm.

Tác dụng phụ:Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ như: Khô miệngsốtbí tiểuđổ mồ hôico thắtda khô đỏnhịp tim nhanhao giácco giậthôn mêđổ mồ hôithị lực mờ.

Kiêng kỵ:

- Đối với lá chống chỉ định cho người hen suyễn do nhiễm trùng hô hấp, cao huyết áp, thiên đầu thống.

- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Một số nghiên cứu chứng minh, dùng cà độc dược không an toàn trong thời kỳ mang thai. Chất độc của thuốc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, các hoạt chất chứa trong thảo mộc tự nhiên này có thể làm giảm sản xuất sữa, đồng thời đi vào sữa gây hại đối với trẻ.

- Bệnh nhân bị suy tim: Không nên dùng thuốc bởi chúng làm tăng nhịp tim khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn.

- Bệnh nhân bị táo bón.

- Người bị huyết áp cao hoặc rối loạn tâm thần.

- Bệnh nhân mắc chứng khó đi tiểu, viêm đại tràng kết loét hoặc tăng nhãn áp góc hẹp. 

- Bệnh nhân mắc hội chứng Down.

- Bệnh nhân bị sốt, loét dạ dày hoặc trào ngược thự quản.

- Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, tắc nghẽn đường tiêu hóa.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)