Logo Website

CAM THẢO

23/04/2020
Cây cam thảo bắc đã được sử dụng làm thuốc từ hàng trăm năm trước. Cây cam thảo bắc giúp chữa ho, chống viêm loét dạ dày, giúp nhanh chóng lành vết thương, thuốc bổ và được sử dụng như vị thuốc điều vị của nhiều bài thuốc.

CAM THẢO (甘草)

Radix Glycyrrhizae

CAM THẢO Glycyrrhiza glabra

Glycyrrhiza glabra L.; Photo from alibaba.com

 Tên khác:  Cam thảo bắc, sinh cam thảo, bắc cam thảo, quốc lão

 Tên khoa học: Glycyrrhiza glabra L. và Glycyrrhiza uralensis Fisher, Họ đậu (Fabaceae).

Mô tả:

Cây: Cây nhỏ mọc nhiều năm, có một hệ thống rễ và thân ngầm rất phát triển. Thân ngầm dưới đất có thể đâm ngang đến 2 mét. Từ thân ngầm này lại mọc lên các thân cây khác. Thân cây mọc đứng cao 0,5-1,50 m. Thân yếu, lá kép lông chim lẻ, có 9-17 lá chét hình trứng. Hoa hình bướm màu tím nhạt; loài glabra có cụm hoa dày hơn loài uralensis. Quả loại đậu, loài glabra nhẵn và thẳng, loài uralensis thì quả cong và có lông cứng.

Dược liệu: Đoạn rễ hình trụ, thẳng hay hơi cong queo, thường dài 20-30 cm, đường kính 0,5-2,5 cm. Cam thảo chưa cạo lớp bần bên ngoài có màu nâu đỏ cùng những vết nhăn dọc. Cam thảo đã cạo lớp bần có màu vàng nhạt. Khó bẻ gãy, vết bẻ màu vàng nhạt có nhiều xơ dọc. Mặt cắt ngang có nhiều tia ruột từ trung tâm tỏa ra, trông giống như nan hoa bánh xe. Mùi đặc biệt, vị ngọt hơi khé cổ.

Bộ phận dùng: Rễ, thân rễ cây Cam thảo bắc (Glycyrrhiza uralensis Fish.) Loài này ta phải nhập từ Trung Quốc. Một số nước châu Âu thường khai thác Cam thảo từ loài Glycyrrhiza glabra L., họ Đậu (Fabaceae), loại này cũng được nhập vào nước ta.

Phân bố: Cây cam thảo có nguồn gốc từ Trung Quốc, phân bố chủ yếu ở các tỉnh thành như Triệu Châu, Khánh Dương, Dân Biên tỉnh Thiểm Tây, Phú Tân tỉnh Liêu Ninh, Ôn Minh tỉnh Sơn Tây, Kiến Bình, An Đạt tỉnh Hắc Long Giang,… Ngoài ra, cây cũng được trồng thí điểm ở các tỉnh nước ta như Vĩnh Phú (Tam Đảo) nhưng không thành công. 

Dược liệu phải nhập từ Trung Quốc.

Thu hái, sơ chế: Sau 3-4 năm thì thu hoạch vào cuối thu. Ba năm đầu có thể trồng xen các hoa màu khác. Rễ và thân ngầm đào lên, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, ủ đống làm cho màu trở nên vàng. Rễ và thân ngầm thường được cắt thành đoạn dài 15 - 30 cm, đường kính 5 - 20 mm, bó thành từng bó. Dược liệu mặt ngoài có lớp vỏ màu nâu, vết bẻ có xơ, màu vàng, dễ xé theo chiều dọc. Vị rất ngọt, hơi khé cổ.

Bào chế:

Sinh thảo: Rễ cây được rửa nhanh rồi đồ mềm và thái thành miếng mỏng 2 mm. Cuối cùng phơi hoặc sấy khô.

Bột cam thảo: Cạo bỏ lớp vỏ ngoài của rễ cam thảo. Sau đó, thái thành từng miếng tròn, sấy khô rồi tán thành bột cho vào lọ thủy tinh, bảo quản và dùng dần.

Chích thảo: Cam thảo sau khi sấy khô đem tẩm mật. Cứ 1 kg cam thảo tẩm với 200 gram mật pha với 200 ml nước đun sôi. Sau đó, đem sao vàng cho đến khô.

Tác dụng dược lý: 

- Dịch chiết cam thảo có tác dụng chống loét dạ dày. Tác dụng đã được chứng minh bằng thí nghiệm trên súc vật. Trên chuột lang thì gây loét bằng cách tiêm những liều xác định histamin; trên chó thì gây loét bằng atophan (= acid 2-phenyl quinolein 4-carboxylic); trên chuột cống thì thắt u môn. Súc vật thí nghiệm được mổ và quan sát tình trạng tổn thương trên niêm mạc dạ dày.

- Tác dụng chống co thắt của dịch chiết cam thảo được chứng minh trên ruột cô lập của chuột lang hoặc thỏ thấy có tác dụng đối kháng với histamin, acetylcholin. Tác dụng chống co thắt và tác dụng bảo vệ chống loét dạ dày chủ yếu là do các thành phần flavonoid.

- Tác dụng long đờm do các saponin .

- Tác dụng tương tự như cortison do glycyrrhizin, giữ nước trong cơ thể kèm theo tích các ion Na+ và Cl- và tăng thải ion K+, giảm lượng nước tiểu, tăng huyết áp. Nếu dùng cam thảo một thời gian lâu thì có hiện tượng phù. Trong một số trường hợp thí nghiệm trên súc vật cho thấy tác dụng chống viêm bằng 1/5 hydrocortison. Glycyrrhizin làm giảm những tổ chức hạt tạo thành xung quanh viên bông cấy dưới da của chuột cống trắng hoặc làm giảm độ sưng của chân chuột sau khi tiêm formol. Acid liquiritic cũng có tác dụng chống viêm, chống loét và làm chóng lành sẹo.

- Tác dụng ức chế enzym monoaminoxydase (MAO) của 2 hoạt chất liquiritigenin và isoliquiritigenin cũng được phát hiện. Chất isoliquiritigenin có tác dụng mạnh hơn.

- Thí nghiệm trên súc vật cho thấy cam thảo có khả năng giảm độc của morphin, cocain, strychnin, atropin, chloralhydrat, giải độc các độc tố bạch hầu, uốn ván.

- Nghiên cứu gần đây còn cho thấy cam thảo có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.

Thành phần hóa học:

- Glycyrrhizin là một saponin thuộc nhóm olean, hàm lượng từ 10-14% trong dược liệu khô, chỉ có trong bộ phận ở dưới mặt đất, có vị rất ngọt (gấp 60 lần đường saccharose). Đây là saponin quan trọng nhất của rễ cam thảo. Glycyrrhizin được Robiquet phân lập năm 1809 dưới dạng mảnh màu vàng. Glycyrrhizin tinh khiết ở dạng bột kết tinh trắng dễ tan trong nước nóng, cồn loãng, không tan trong ether và chloroform. Glycyrrhizin ở trong cây dưới dạng muối Mg và Ca của acid glycyrrhizic (còn gọi là acid glycyrrhizinic). 

Dưới tác dụng của acid vô cơ, acid glycyrrhizic bị đẩy ra khỏi muối của nó. Khi thủy phân bằng acid thì cho phần aglycon là acid glycyrrhetic (còn gọi là acid glycyrrhetinic) và 2 phân tử acid glucuronic. Acid glycyrrhetic có một OH ở C-3 (2 phân tử acid glucuronic nối vào đó), một nhóm carbonyl ở C-11, một nối đôi ở C-12-13 và ở C-30 là nhóm carboxyl. Glycyrrhizin trên thị trường là muối ammoni glycyrrhizat thu được bằng cách chiết bột cam thảo với nước rồi acid hoá để kết tủa, rửa tủa rồi lại hoà tan trong ammoniac, bốc hơi trong các khay mặt bằng sẽ thu được những vẩy màu đen nhạt, bóng, tan trong nước và rất ngọt.

Trong cam thảo còn có các dẫn chất triterpenoid khác như: acid liquiritic (acid này khác acid glycyrrhetic bởi nhóm carboxyl ở C-29), acid 18-a-hydroxy-glycyrrhetic, acid 24-hydroxyglycycrrhetic, glabrolid, desoxyglabrolid, isoglabrolid, 24-a-hydroxyisoglabrolid, acid liquiridiolic, acid 11-desoxoglycyrrhetic, acid 24-hydroxy 11-desoxoglycyrrhetic.

- Các flavonoid là nhóm hoạt chất quan trọng thứ hai có trong rễ cam thảo với hàm lượng 3-4%. Có 27 chất đã được biết, quan trọng nhất là hai chất liquiritin (hay liquiritirosid) và isoliquiritin (hay isoliquiritirosid).

Liquiritin được Shinoda và Ueda (1934) phân lập. Chất này thuộc nhóm flavanon, có phần aglycon là liquiritigenin (= 4',7 dihydroxy - flavanon).

Isoliquiritin được Puri và Seshadri phân lập (1954). Chất này là đồng phân của chất trên và thuộc nhóm chalcon, phần aglycon là isoliquiritigenin (= 4,4',6' trihydroxy chalcon). Isoliquiritigenin ở môi trường acid thì đồng phân hoá thành liquiritigenin (xem phần flavonoid).

Ngoài ra còn có nhiều flavonoid thuộc các nhóm khác: isoflavan (gla-bridin), isoflavon (glabron), isoflaven (glabren).

- Những hoạt chất estrogen steroid: phần này tan trong ether dầu hỏa, khi thí nghiệm trên chuột cống đã thiến thì thấy xuất hiện những tế bào sừng trong niêm dịch âm đạo.

- Những dẫn chất coumarin: umbelliferon, herniarin, liqcoumarin (= 6-acetyl-5-hydroxy-4-methyl coumarin).

- Trong rễ cam thảo còn có 20-25% tinh bột, 3-10% glucose và saccharose. Toàn bộ các chất chiết được bằng nước có thể đến 40%.

Phần trên mặt đất của cây cam thảo cũng đã xác định được các flavonoid: pinocembrin (= 5,7-dihydroxyflavanon), prunetin (= 5,4'-dihydroxy 7-methoxy-isoflavon), isomucronulatol (= 7,2'-dihydroxy 3',4'-dimethoxyisoflavon).

Tính vị: tính bình và vị ngọt

Quy kinh: tỳ vị, tâm và phế.

Công năng: Kiện tỳ ích khí, nhuận phế chỉ  ho, giải độc, chỉ thống, điều hoà tác dụng các thuốc. 

 Công dụng:

- Thuốc chữa ho.

- Thuốc chữa loét dạ dày và ruột, uống 10-14 ngày, nghỉ vài ngày để tránh hiện tượng phù, thường hay phối hợp với bismuth nitrat kiềm, magnesium carbonat, calci carbonat, bột vỏ Rhamnus (hoặc đại hoàng).

- Acid glycyrrhetic được dùng làm thuốc chống viêm tại chỗ.

- Trong bào chế khoa, cam thảo dùng làm tá dược điều vị để làm mất các vị khó uống trong các chế phẩm.

- Vì có tác dụng chống co thắt, cam thảo được phối hợp làm trà nhuận tràng.

- Cam thảo còn được dùng làm mứt, nước uống, làm thơm thuốc lá.

Cách dùng, liều lượng: 2-9g mỗi ngày. Dạng thuốc sắc, cao thuốc, bột, thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Tác dụng phụ:

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, việc tiêu thụ quá nhiều cam thảo có thể khiến nồng độ kali trong cơ thể giảm xuống và gây nên các vấn đề sức khỏe như:

- Huyết áp cao

- Suy tim sung huyết

- Nhịp tim bất thường

- Xuất hiện hội chứng co giật

Bài thuốc:

1. Chữa ho lao, ho lâu ngày: Dùng Cam thảo nướng 120g tán bột, uống mỗi lần 4g, ngày uống 3-4 lần (Nam dược thần hiệu).

2. Loét dạ dày: dùng cao Cam thảo 2 phần, nước uống 1 phần hoà tan. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê. Không uống liên tục quá 3 tuần lễ.

3. Chữa tâm phế suy nhược, khó thở, mệt xỉu, mạch nhỏ yếu (huyết áp thấp hay hạ đường huyết): Dùng Cam thảo 12g, Đương quy 10g, Nhị sâm 8g, tán bột uống mỗi lần 4g, ngày uống 3-4 lần, hay sắc uống lúc nguy cấp.

4. Chữa mụn nhọt, ngộ độc: Dùng cao mềm Cam thảo, ngày uống 1-2 thìa cà phê.

5.  Chữa viêm họng: Dùng 10 gram cam thảo sống hãm với nước sôi. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần và uống liên tục cho đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm.

6. Điều trị viêm tắc tĩnh mạch: Sử dụng 50 gram cam thảo tươi sắc với 3 bát nước cho đến khi cạn còn 1. Chia thuốc làm 3 phần và uống trong ngày. Nên uống thuốc trước bữa ăn 15 – 20 phút.

Kiêng kỵ:

- Không dùng chung với các vị Đại kích, Nguyên hoa, Hải tảo, Cam toại.

- Người tỳ vị nhiệt, bụng đầy trướng, nôn mửa, người huyết áp thấp, người bệnh đái đường không nên dùng.

- Theo các chuyên gia sức khỏe, phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ cam thảo hoặc lấy rễ cây cam thảo để làm chất bổ sung. Bởi theo một số nghiên cứu, hoạt chất glycyrrhiza có trong cây cam thảo có thể gây hại đến não bộ đang phát triển của thai nhi. Từ đó, làm ảnh hưởng đến vấn đề nhận thức của trẻ sau này.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu về cam thảo được đăng tải trên tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ vào năm 2002 chỉ ra, việc tiêu thụ quá nhiều cam thảo trong thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng sinh non. Do đó, phụ nữ mang thai nếu muốn sử dụng cam thảo để điều trị bệnh hoặc cải thiện sức khỏe, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

- Ngoài đối tượng đang mang thai, người bị lợi tiểu trừ thấp, bụng đầy hơi hoặc phù trướng,… không nên sử dụng cam thảo, tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Tương tác thuốc

Cam thảo có thể tương tác với một số loại thuốc sau đây:

- Thuốc hạ kali

- Thuốc nhịp tim

- Thuốc lợi tiểu, bao gồm chlorothiazide và hydrochlorothiazide

- Thuốc điều trị tăng huyết áp như captopril, valsartan, amlodipine, furosemide và hydrochlorothiazide 

- Chất làm loãng máu Coumadin®

- Thuốc ngừa thai

- Nhóm thuốc trị viêm Corticosteroid như methylprednisolone, dexamethasone và prednisone 

- Nhóm thuốc hormone nội tiết như estrogen, estradiol và ethinyl estradiol

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)