Logo Website

CÁT CĂN

02/05/2020
CÁT CĂN, Vị thuốc là rễ củ (Radix Puerarie) cạo vỏ phơi khô của cây Sắn dây. Công dụng chữa sốt, cảm nóng, khát nước, ban sởi mới phát, giải nhiệt. Chế tinh bột làm thực phẩm, làm thuốc.

CÁT CĂN (葛根)

Radix Puerarie

Sắn dây - cát căn Pueraria montana var. chinensis

Pueraria montana var. chinensis (Ohwi) Sanjappa & Pradeep; Photo: Forest Starr & Kim Starr and rones.tistory.com

Tên khác:  Sắn dây, Củ sắn dây, Cam cát căn, Bạch cát, Phấn cát. 

Tên khoa học: Pueraria montana var. chinensis (Ohwi) Sanjappa & Pradeep, họ Đậu (Fabaceae). 

Tên đồng nghĩaDolichos grandiflorus Wall.; Dolichos grandifolius Wall; Dolichos trilobus Lour.; Pachyrhizus trilobus DC.; Pueraria chinensis Ohwi; Pueraria lobata subsp. chinensis (Ohwi) Ohwi; Pueraria lobata var. chinensisOhwi; Pueraria lobata subsp. thomsonii (Benth.) H.Ohashi & Tateishi; Pueraria lobata var. thomsonii (Benth.) Maesen; Pueraria lobata subsp. thomsonii (Benth.) Ohashi & Tateishi; Pueraria thomsonii Benth.; Pueraria triloba sensu auct.

Mô tả:

Cây: Sắn dây là loài dây leo, sống lâu năm, có thể dài tới 10 m. Rễ phát triển thành củ dài, to. Lá kép, mọc so le gồm 3 lá chét nguyên hoặc xẻ thùy. Cụm hoa hình chùm mọc so le gồm 3 lá chét nguyên hoặc xẻ thùy. Cụm hoa hình chùm mọc ở kẽ lá gồm nhiều loại hoa màu xanh tím, thơm. Quả giáp dẹt màu vàng nhạt, có lông mềm, thắt lại giữa các hạt.

Dược liệu: Rễ củ đã cạo lớp bần bên ngoài, hình trụ, hoặc hình bán trụ, dài 12 - 15 cm, đường kính 4 - 8 cm, có khi là những lát cắt dọc hoặc vát, dày, có kích thước khác nhau. Mặt ngoài màu trắng hơi vàng, đôi khi còn sót lại ở các khe một ít lớp bần màu nâu. Chất cứng, nặng và nhiều bột. Mặt cắt ngang có nhiều sợi tạo thành những vòng  đồng tâm màu nâu nhạt; mặt cắt dọc có nhiều vân dọc do các sợi tạo nên. Mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt, mát.

Bộ phận dùng: Vị thuốc là rễ củ (Radix Puerarie) cạo vỏ phơi khô của cây Sắn dây.

Phân bố: Cây được trồng ở nhiều nơi ở nước ta làm thực phẩm và làm thuốc.

Thu hái, sơ chế: Rễ củ sắn dây được thu hoạch vào mùa thu hay mùa đông đào lấy rễ củ, rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, phơi hoặc sấy khô một phần, cắt thành khúc hay bổ dọc củ hay thái lát dày hoặc miếng và phơi hoặc sấy khô.

Bào chế:

Khúc củ: Rửa sạch, cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài sau cắt thành từng đoạn ngắn 13cm. Xếp vào bên trong vại và cho nước muối đặc vào ngâm trong nửa ngày. Sau đó tiếp tục pha nước muối ngâm dược liệu trong 7 ngày rồi vớt ra, đem ngâm dưới sông trong 3 – 4 giờ rồi phơi trong 2 – 3 ngày. Bỏ dược liệu vào hòm và xông với lưu hoàng trong 2 ngày đêm cho củ mềm và trong, mất màu vàng chỉ còn lại màu trắng bột. Đem dược liệu phơi khô hoàn toàn và bảo quản dùng dần.

Miếng vuông: Gọt bỏ vỏ ngoài, cắt thành khối vuông có cạnh từ 1.5 – 3cm, sau đó xông với lưu hoàng và đem sấy khô là dùng được.

Khoanh củ: Bóc bỏ vỏ ngoài, cắt thành khúc dài từ 8 – 15cm, xông với lưu hoàng 3 lần. Sau đó đem phơi dược liệu vào ban ngày và tối đến sấy lưu hoàng cho đến khi khô hoàn toàn.

Chế bột sắn dây: Cạo bỏ vỏ, xay giã cả củ, lọc lấy nước, thêm nước lạnh vào rồi dùng khăn mỏng lọc xác, tạp chất và bụi bặm, đất cát. Thực hiện lọc trong vòng 1 tháng cho đến khi khuấy nước không còn đục là được. Sau đó đổ bột ra miếng vải và phơi khô thành bột, bảo quản dùng dần.

Bảo quản: Dược liệu dễ ẩm mốc và mối mọt nên cần đậy kín và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Tác dụng dược lý: 

+ Bảo vệ thiếu máu cấp tính cơ tim: Tiêm dưới da hoặc vào xoang bụng hoạt chất cát căn trong ethanol với liều 10g/kg thể trọng chuột bạch đã được gây thiếu máu cơ tim cấp tính và theo dõi bằng điện tâm đồ sẽ thấy có tác dụng bảo vệ rõ rệt (Trung Quốc y học khoa học viện dược vật nghiên cứu sở; Y học nghiên cứu thông báo, 1972 (2), 14).

+ Tác dụng giải nhiệt: Cho thỏ gây sốt uống dịch chiết sắn dây bằng cồn êtylic với liều 2g/kg thể trọng thấy tác dụng giảm sốt rõ rệt (Trung Hoa y học tạp chí, 1956 (10), 964).

+ Tác dụng giải nhiệt: 

. Trên súc vật thực nghiệm, nước sắc Cát căn có tác dụng giải nhiệt mạnh (‘Nghiên Cứu Dược Lý Tác Dụng giải Nhiệt Một Số Thuốc Trung Y’, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1956, 42 (10): 964-967).

. Nước sắc loại Cát căn mọc ở Nhật Bản  có tác dụng hạ nhiệt đối với thỏ được gây sốt nhân tạo (Trung Dược Học).

+ Tác dụng giãn cơ: Chất Daidzein có tác dụng gĩan cơ  ở ruột của chuột, tương tự như chất spasmaverine (Trung Dược Học).

+ Tác dụng đối với tim mạch: Chích chất Puerarin vào động mạch cảnh trong của chó được gây mê, thấy tăng lưu lượng máu trong não và giảm sức đề kháng của mạch máu. Tác dụng này kéo dài khoảng 20 phút. Chích tĩnh mạch có tác dụng nhẹ hơn và không thể so sánh với hiệu quả của Epinephrin hoặc Norepinephrine. Cát căn thường làm tăng lưu lượng máu trong não người bị xơ vữa động mạch. Chất Tincture hoặc chất Puerarin của Cát căn  làm tăng lưu lượng máu trong động mạch vành của chó (Trung Dược Học).

+ Điều trị huyết áp cao: Dựa vào công trình theo dõi điều trị dài ngày việc dùng Cát căn trị cổ gáy cứng, đau do ngoại nhân, cho thấy nước sắc Cát căn có tác dụng đối với chứng gáy cứng đau do huyết áp cao gây nên. Nước sắc Cát căn cho thấy 33% bớt các triệu chứng chủ quan, có tiến triển đối vơi 58%. Thuốc cũng đồng thời cải thiện các triêïu chứng khác như chóng mặt, đầu đau, tự nó không có tác dụng đối với huyết áp thấp (Trung Dược Học). 

+ Điều trị rối loạn ở động mạch vành: Nghiên cứu dùng nước sắc Cát căn cho thấy thuốc có một số tác dụng đối với chứng đau thắt ngực. Kết quả cho thấy 38%  có cải thiện, 42% có cải thiện điện tâm đồ. Thường các dấu hiệu cải thiện xẩy ra trong khoảng 1 tháng. Hiệu quả không rõ lắm đối với bất cứ trường hợp giảm Cholesterol (Trung Dược Học).

+ Dùng trong tai mũi họng: Nước sắc Cát căn cho 33 ca điếc đột ngột uống mỗi ngày, kèm uống thêm Vitamin B complex. Kết quả 9 ca khỏi, 6 ca có dấu hiệu tiến triển (Trung Dược Học).

+ Giãn động mạch vành: Kết quả thực nghiệm cho thấy, nước sắc Cát căn có tác dụng đối kháng với nội kích tố thùy sau, gây phản ứng thiếu máu cơ tim cấp (‘Nghiên Cứu Thực Nghiệm Và Ứng Dụng lâm Sàng Vị Cát Căn Phòng trị Bệnh Tâm Phế, Bệnh Mạch Vành và Huyết Áp Cao’, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1972, 42 (10): 96-102).

+ Có tác dụng tăng lượng huyết ở não do làm gĩan mạch não trên súc vật thực nghiệm (Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1972, 42 (10): 96-102).

+ Nước sắc Cát căn có tác dụng thu liễm, tiêu viêm, làm gĩan co thắt của cơ (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Thành phần hóa học chính:

Tinh bột 12 - 15% (rễ tươi)

Flavonoid:

 + Puerarin, puerarin-xyloside, daidzein, daidzin, beta-sitosterol, arachidic acid (Trung Dược Học).

+ Daidzein, daidzin, puerarin, 4’-methoxypuerarin, daidzein-4’, 7-diglucoside (Chương Dục Trung, Dược Vật Phân Tích Tạp Chí 1984, 4 (2): 67).

+ Daidzein-7-(6-O-malonyl)-glucoside (Hirakura K và cộng sự, C A 1990, 112: 42557y).

+ Genistein, formononetin, daidzein-8-C-apiosyl (1-6)-glucoside), genistein-8-C-apiosyl (1-6)-Glucoside), puerarinxyloside, PG 2, 3’-hydroxypuerarin PG-1, 3’-methyoxypuerarin, PG-3 (Kinjio J và cộng sự, Chem Pharm Bull, 1987, 35 (12): 4846).

Tính vị:

- Vị ngọt, cay, tính bình, không độc. Nước cốt rễ dùng sống thì có tính rất hàn.

- Cát hoa có vị ngọt, không độc, tính bình.

Quy kinhBàng quang, Tỳ, Vị và Phế.

Công năng: Giải cơ, thoát nhiệt, thấu chẩn, sinh tân chỉ khát, thăng tỳ dương để chỉ tả.

Công dụng:

- Chữa sốt, cảm nóng, khát nước, ban sởi mới phát, giải nhiệt.

- Chế tinh bột làm thực phẩm, làm thuốc.

Cách dùng, liều lượng: 8 -12g mỗi ngày, dạng thuốc sắc. Có thể chế bột Sắn dây (tinh bột) pha nước uống.

Bài thuốc:

1. Chữa cảm mạo: Sốt phiền khát cứng đau gáy, dùng bài: Sài cát giải cơ thang: Sài hồ 4g, Cát căn 8 - 12g, Khương hoạt, Bạch chỉ, Hoàng cầm, Bạch thược mỗi thứ 4 - 8g, Cam thảo 2g, Cát cánh 4 - 8g, Thạch cao 16g, Gừng tươi 3 lát, Đại táo 2 quả sắc nước uống.

2. Chữa chứng nhiệt tả (Viêm ruột cấp, l trực khuẩn ) dùng bài: Cát căn hoàng cầm hoàng liên thang: Cát căn 12 - 20g, Hoàng cầm 12g, Hoàng liên 8g, Cam thảo 4g sắc nước uống.

3. Chữa sởi trẻ em lúc mới mọc, mọc không đều, dùng bài:

+ Thăng ma 6 -10g, Cát căn 8 - 16g, Thược dược 8 -12g, Chích thảo 2 - 4g, sắc nước uống ngày 1 thang. Hoặc dùng bài:

+ Cát căn thang: Cát căn 12g, Ngưu bàng tử 12g, Kinh giới 8g, Thuyền thoái 4g, Liên kiều 12g, Uất kim 8g, Cát cánh 8g, Cam thảo 4g sắc nước uống.

4. Trị chứng tiểu đường: kết hợp với thuốc tư âm thanh nhiệt, dùng bài: Cát căn 16 - 20g, Mạch môn 12 - 16g, Sa sâm 12g, Ngũ vị tử 6 - 8g, Khổ qua 12g, Thạch hộc 12g, Đơn bì 12g, Thỏ ty tử 12g, Cam thảo 3g sắc nước uống.

5. Chữa Huyết áp cao giai đoạn 1: dùng bài Lục vị hoàn hoặc Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia Cát căn 20g, có tác dụng giảm bớt triệu chứng hoa mắt, ù tai, chân tay tê dại, ổn định huyết áp.

6. Trị bệnh mạch vành: do thuốc làm giãn mạch vành mà bớt cơn đau thắt ngực và cải thiện điện tâm đồ.

7. Chữa điếc đột ngột mới mắc: do co thắt mạch máu tai trong gây rối loạn thần kinh thính giác.

8. Trị say rượu không tỉnh: Cát căn sống: Sắc uống 2 thăng, khi nào tiểu ra là khỏi.

9. Chữa chứng nhiệt khát lâu ngày ở trẻ nhỏ: 20g cát căn. Đem các vị sắc lấy nước uống.

10. Chữa chứng máu mũi chảy không cầm được: Cát căn sống. Ép lấy nước, chia thành 3 lần và dùng uống sẽ khỏi.

11. Chữa chứng nhiệt khát lâu ngày ở trẻ nhỏ: 20g cát căn. Đem các vị sắc lấy nước uống.

12. Ngoài ra còn dùng: 

+ Bột sắn dây 5g, Thiên hoa phấn 5g, Hoạt thạch 20g, trộn đều rắc lên vùng nhiều mồ hôi ngứa.

+ Giã lá sắn dây vắt nước uống, bã đắp ngoài chữa rắn cắn.

+ Hoa sắn dây giải độc say rượu.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)