Logo Website

CÂY TRÁM TRẮNG

10/05/2020
CÂY TRÁM TRẮNG có tên khoa học: Canarium album (Lour.) DC., họ Trám (Burseraceae). Công dụng: Quả Trám trắng chữa sưng đau cổ họng, ho nhiều đờm, sốt nóng, khát nước, ngộ độc cua cá. Nhựa Trám dùng cất tinh dầu, làm chất thơm và chất định hương cao cấp.

CÂY TRÁM TRẮNG

Fructus Canarii

Tên khác: Cảm lãm, Thanh quả, Mác cơm, Cây bùi, Cà na, Ô lãm, Mạy cưởm (Tày).

Tên khoa học: Canarium album (Lour.) DC., họ Trám (Burseraceae). 

Tên đồng nghĩaCanarium album Raeusch.; Canarium album Leenh.; Canarium tonkinense Engl.; Hearnia balansae C.DC.; Pimela alba Lour.

Mô tả: Cây gỗ to, cao khoảng 15 - 20m. Cành non màu nâu nhạt, có lông mềm. Lá kép lông chim, mọc so le, dài khoảng 30 - 40cm, gồm 7 - 11 lá chét. Lá gần gốc có đầu ngắn; lá ở giữa dài hơn, có đầu thuôn dài; lá tận cùng hình bầu dục. Lá chét dài 5 - 17cm, rộng 2 - 6cm, mép lá nguyên. Gân lá hơi rõ, mặt trên lá màu xanh nhạt, bóng; mặt dưới có lông mềm màu nâu bạc. Hoa mọc thành chùm kép ở đầu cành hay kẽ lá, tụ họp 2 - 3 hoa ở một mấu. Hoa hình cầu, màu trắng. Quả hình thoi, hai đầu tù, dài khoảng 45mm, rộng 20 - 25mm, khi chín có màu vàng nhạt, trong có hạch cứng nhẵn, hình thoi với 2 đầu nhọn, trong có 3 ngăn. Mùa ra hoa: tháng 6 - 7, mùa quả tháng 8 - 10.

Ở nước ta còn có loài trám đen (Canarium nigrum Lour. Engl.), họ trám (Burseraceae). Là cây cao trung bình, lá kép hình lông chim, gồm 4 đôi lá chét. Hoa mọc thành chuỳ mang những nhánh gồm nhiều chùm tán 6 - 10 hoa. Quả hình trứng, màu tím đen.

Bộ phận dùng: Quả (Fructus Canarii); nhựa.

Phân bố: Trám trắng phân bố chủ yếu Bắc Lào và ở một phần lãnh thổ phía nam Trung quốc, từ Quảng Tây đến Vân Nam. Ở Việt Nam, loại quả này tập trung chủ yếu ở các vùng núi miền Bắc, từ Quảng Bình trở ra. Cụ thể, cây phân bố nhiều ở các tỉnh như Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn, Hà Nội, Yên Bái, Vĩnh Phúc,…

Thành phần hoá học: Quả chứa protein (1,2%); chất béo (1%); carbohydrat (12%)...Nhựa có 18-30% tinh dầu, thành phần chủ yếu của tinh dầu là sabinen (45%); terpinen (16,7%). Dầu hạt trám chứa caproic, myristic, acid hexanoic, stearic, palmatic, decanoic, linoleic, octanic, lauric. Cùi trám chữa nhiều đường, chất béo, acid folic, acid hữu cơ, vitamin (C, B1, P), chất xơ và chất khoáng (kali, magie, calci, kẽm, carroten, sắt…).

Tác dụng dược lý:

Một số nghiên cứu cho biết, trong quả trám tươi chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, nên được xem là thức ăn thích hợp với trẻ nhỏ, người ở độ tuổi trung niên và phụ nữ mang thai có cơ thể bị suy nhược. Bên cạnh đó, nước sắc quả trám có tác dụng kích thích tuyến nước bọt, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, tăng cường khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nước sắc còn giúp bảo vệ gan chống lại các tác nhân gây hại.

Tính vị: Tính ôn, vị chua, ngọt và không có độc

Qui kinh: Phế và Vị

Công năng: Thanh nhiệt sinh tân, giải độc.

Công dụng: 

- Quả Trám trắng chữa sưng đau cổ họng, ho nhiều đờm, sốt nóng, khát nước, ngộ độc cua cá.

- Nhựa Trám dùng cất tinh dầu, làm chất thơm và chất định hương cao cấp.

Bài thuốc:

1. Chữa viêm khí phế quản ho khan ít đờm, đau sưng họng: Cháo trám vừng: Vừng đen 30g, trám quả 20g, bạch truật 15g, đào nhân 5g, mật ong 20g, gạo tẻ 60g. Đào nhân bóc bỏ vỏ và tâm. Đem bạch truật và trám nấu lấy nước. Lấy nước sắc được nấu cháo với gạo tẻ, vừng đen và đào nhân, khi cháo được cho thêm mật ong, khuấy đều. Ngày ăn 1 - 2 lần. Dùng mỗi đợt 7 - 20 ngày. 

2. Chữa sởi, thủy đậu thời kỳ nổi ban, sốt phát ban:Si-rô trám củ cải: Trám 20g, củ cải 500g, rau mùi 30g. Củ cải thái lát thêm nước nấu với trám, sau thêm rau mùi, đường trắng (hoặc chút muối, khuấy đều, gạn lấy nước cho uống, Ngày sắc 1 lần, chia uống nhiều lần trong ngày. 

3Chữa cảm nóng, cảm nắng, sốt nóng đau đầu, đau sưng họng, ho khan ít đờm. Thanh quả lô căn ẩm: Quả trám 10g, rễ sậy (lô căn) 30g. Trám đập vụn cùng rễ sậy đem sắc trong 30 phút. 

4. Chữa trường hợp viêm họng, viêm khí phế quản mạn tính, ho có đờm, đau sưng họng. Nước sắc trám mạch môn: Trám 30g, mạch môn 10g, huyền sâm 15g, cam thảo 6g. Cả 4 vị thuốc đều thái vụn, chia nhiều ấm nhỏ hãm cho uống trong ngày. Dùng liên tục một đợt 7 - 20 ngày. Chữa ngộ độc do ăn phải cá độc: trám 3 - 5 quả, sắc lấy nước để uống.

5. Chữa viêm tắc mạch: Quả trám trắng 200g, luộc kỹ, ăn và uống cả nước. Dùng liền trong 50 ngày.

6. Chữa cổ họng sưng đau, miệng ráo, lưỡi khô, nhiều đờm. Cao trám: Quả trám tươi 500g, đường trắng 125g. Đập vỡ quả, nấu với nước nhiều lần, bỏ bã, lấy nước, cho 125g đường trắng, hoà tan, lọc và cô lại còn 250ml. Ngày uống 2 - 3lần, mỗi lần 8 - 15ml, uống với nước đun sôi để nguội. 

7. Chữa đau răng, sâu răng: Quả trám đốt thành than, tán mịn, trộn với xạ hương. Bôi và xỉa vào chỗ đau.

8. Chữa lở sơnVỏ cây trám chặt nhỏ, nấu với nước để tắm.

9. Chữa nứt nẻ kẽ chân, gót chân khi trời rét: Hạt trám đốt thành than, tán mịn, thêm dầu lạc hay dầu vừng, trộn đều. Bôi hàng ngày.

10. Chữa tràng nhạcHạt trám, hạt gấc, vỏ quả mướp đắng đốt thành than, các vị liều lượng bằng nhau. Trộn đều, hoà với mỡ lợn, bôi vào chỗ sưng.

11. Quả trám tươi xanh có tác dụng giải độc rượu, chữa ngộ độc do cua cá. Quả chín có tác dụng an thần, chữa động kinh. Nhân hạt trị giun và chữa. Nhựa trám cất lấy tinh dầu, dùng trong kỹ nghệ nước hoa, colophan dùng trong kỹ nghệ vecni, xà phòng. Nhựa trám trộn với bột cây đậu tương, hương bài làm hương thơm. Do đó cây trám có nhiều tác dụng hữu ích trong phòng bệnh và chữa bệnh, cũng như kinh tế, dân sinh. 

12. Chữa mất ngủ, khô cổ, muốn ho khi ngủ đêm vào mùa đông: Sử dụng 2 – 3 quả trám trắng đem bỏ hột và đập dập lấy nước uống. Người bệnh có thể thêm mật ong hoặc gừng vào cho dễ uống.

13. Chữa ho khản tiếng: Sử dụng 4 quả trám tươi đem rửa sạch và bỏ hạt. Sau đó giã nát chung với  10 gram huyền sâm thái lát. Cuối cùng cho vào nồi, đổ ngập nước và nấu uống. Uống liên tục 3 – 5 ngày giúp lợi yết hầu, dư ấm, tiêu thũng, giáng hỏa và thanh nhiệt giải độc.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org