Logo Website

CỎ DÙI TRỐNG

10/06/2020
CỎ DÙI TRỐNG có tên khoa học: Eriocaulon sexangulare L., họ Cỏ dùi trống (Eriocaulaceae). Công dụng chữa đau mắt do phong nhiệt, chữa nhức đầu mãn tính, đau răng, đau họng, ngứa lở, thông tiểu.

CỎ DÙI TRỐNG

Flos Eriocauli

Tên khác: Cốc tinh thảo (穀 精 草), Đầu đinh, Co nhả gô khao (Thái), cây Cố tinh, Cỏ đuôi công, Thiên tinh thảo, Đái tinh thảo, Phật đỉnh châu, cây Cốc tinh.

Ý nghĩa tên gọi Cốc tinh thảo: Hình dạng của cụm hoa các loài này trông giống dùi để đánh trống nên được dân gian đặt cho tên gần gũi là Cỏ dùi trống. Cỏ dùi trống mọc lên sau khi gặt lúc xong, mọc lên nhờ vào dư khí của lúa sinh ra cỏ lên được gọi là Cốc tinh thảo.

Tên khoa học: Eriocaulon sexangulare L., họ Cỏ dùi trống (Eriocaulaceae).

Tên đồng nghĩaEriocaulon cantoniense Hook. & Arn.; Eriocaulon cantoniensis Hook. & Arn.; Eriocaulon consanguineum Kunth; Eriocaulon kwangtungense Ruhland; Eriocaulon miyagianum Koidz.; Eriocaulon nitidumBuch.-Ham. ex Wall.; Eriocaulon petrosepalum Hayata; Eriocaulon pterosepalum Hayata; Eriocaulon quadrangulare Lour.; Eriocaulon quadriangulare Lour. ex Moldenke; Eriocaulon setaceum B.Heyne ex Wall.; Eriocaulon sexangulare var. micronesicum Moldenke; Eriocaulon sinicum Miq.; Eriocaulon sinii Ruhland; Eriocaulon tenue Buch.-Ham. ex Wall.; Eriocaulon wallichianum Thwaites; Eriocaulon wallichianum Mart.; Eriocaulon wallichianum Wight ex Kunth; Eriocaulon wallichianum Heyne ex Moldenke; Eriocaulon wallichianum var. tenellum Wight ex Moldenke  

Mô tả:

Cây: Cây thảo mọc thành bụi. Lá rộng hình dải, dài 15-40cm, rộng 6-8mm, nhẵn, có nhiều gân, có vách. Cuống cụm hoa có 6 cạnh sắc, xoắn lại nhiều hay ít, dài 10-55cm. Ðầu hoa hình trứng hay hình trụ, đường kính 4-6mm, có lá bắc kết lợp dày, các lá bắc ngoài màu vàng, các lá bắc trên xám xám, hoa mẫu 3, trừ hoa đực có hai lá đài; bao phấn đen. Ra hoa quanh năm.

Dược liệu: Hoa và thân Cốc tinh thảo có hoa thân khô nhỏ mịn, dài khoảng 16-20cm, vỏ ngoài màu vàng xanh lục, thường cong, hoa loại như hình cầu mọc ở đỉnh, đường kính khoảng hơn 1,6mm, lớp ngoài là bao phiến của tổng bao, màu vàng lục nhạt, nhiều quả dạng phiến vảy chất màng phần trong là phiến dài liền với cánh hoa, màu trắng Thương phẩm thường đem vài trăm thân hoa bọc lại thành một bó, lấy loại đã khô hoàn toàn, đoá hoa lớn là loại tốt.

Bộ phận dùng: cụm hoa (Flos Eriocauli) phơi khô của cây Cỏ dùi trống (Eriocaulon sexangulare)

Phân bố: Trên thế giới cây có ở các nước Cam phu chia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật bản, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Sri Lanka, Thái lan, Việt Nam; Châu Phi. Ở Việt Nam cây phân bố Quảng Ninh, HưngYên, Bắc Giang. Cũng phân bố ở các xứ nóng. Vị thuốc phải nhập một phần từ Trung Quốc.

Sinh thái: Cây mọc trên đất ẩm lầy đến độ cao 800m.

Thu hái: vào tháng 9, hái hoa hình sao trắng là tốt, phơi âm can cất dùng.

Sơ chế: Đem những phần thân và hoa của cỏ dùi trống vừa thu hoạch được đem rửa ra nước để loại bớt bụi bẩn rồi đem phơi nắng hoặc sấy khô và cất trữ để sử dụng dần.

Bảo quản: Ở nhiệt độ phòng, nơi thoáng mát, tránh để dược liệu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tốt nhất, nên cất trữ dược liệu trong bọc kín để được sử dụng lâu dài, bởi cỏ dùi trống rất dễ lên móc và dễ nhàu nát.

Thành phần hoá học : Carbohydrat. Lá có flavonoid (quercetagetin).

Tác dụng dược lý:

- Dịch chiết nước tỷ lệ 1:6 có tác dụng ức chế nhiều chủng Microsporums (in vitro)

- Dịch chiết nước cũng ức chế vi khuẩn Pseudomonas aeruginosaStreptococcus pneumoniae và Escherichia coli.

Tính vị: Vị the, hơi ngọt, tính bình.

Tác dụng: Tán phong nhiệt, làm sáng mắt và sát trùng.

Công năng: Tán phong nhiệt, làm sáng mắt và sát trùng.

Công dụng: Chữa đau mắt do phong nhiệt, chữa nhức đầu mãn tính, đau răng, đau họng, ngứa lở, thông tiểu.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 10 - 16g, dạng thuốc sắc, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc:

1. Chữa viêm giác mạc: Cốc tinh thảo 16g, Phòng phong 16g, tán nhỏ; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2g.

2. Chữa thiên đầu thống: Cốc tinh thảo 8g, Ðịa long (Giun đất) 1g, Nhũ hương 4g. Các vị tán nhỏ, mỗi lần 4g, đốt, xông khói vào lỗ mũi.

3. Chữa màng mộng trong mắt: Cỏ dùi trống và phòng phong mỗi vị 9 gram. Sắc hai vị thuốc trên cùng với hai chén nước, sắc cô đặc còn lại một chén để dùng. Người bệnh dùng thuốc khi thuốc còn nóng.

4. Chữa đau mắt đỏ: Cỏ dùi trống, ngưu bàng tử, xích nhược, phục long mỗi vị 9 g, long đởm, kinh giới và mộc thông mỗi vị 6 g cùng với 3 gram cam thảo. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với 1000 ml nước lọc, bắt lên bếp đun trên ngọn lửa nhỏ. Đun cho đến khi nước cô đặc lại. Dùng nước sắc được thay cho nước trà để dùng trong ngày. Dùng liên tục trong 2 đến 3 ngày, nếu sau ngày thứ 3, chứng đau mắt đỏ không thuyên giảm, người bệnh nên ngưng sử dụng thuốc và tìm phương pháp chữa bệnh khác.

5. Chữa đau mắt đỏ kéo màng: Dùng 20 g cỏ dùi trống, 10 g long đờm thảo cùng với ngưu bàng, phục linh, kinh giới, cam thảo, hồng hoa, mộc thông, sinh địa và xích thược mỗi vị 8 g. Đem tất cả nguyên liệu trên sao qua rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 3 - 6 gram hỗn hợp bột để dùng cùng với nước ấm.

6. Chữa khô mắt, quáng gà: Cỏ dùi trống, vỏ hến nung mỗi vị 20 g, cúc hoa vàng và thạch quyết minh mỗi vị 10 g cùng với 8 g khởi tử. Đem tất cả các nguyên liệu trên rồi đem phơi khô sau đó tán thành bột mịn. Mỗi ngày sử dụng 12 gram đối với người lớn và 4-5 gram đối với trẻ em. Dùng hỗn hợp bột cùng với ly nước ấm hoặc nước sôi để nguội.

7. Chữa đục thủy tinh thể (theo tài liệu nước ngoài): Cỏ dùi trống, sò huyết và ngao biển mỗi vị 50 gram. Đem các nguyên liệu trên sao khô rồi tán nhỏ. Sau đó đem nấu cùng với 100 gram gan lợn (đã được rửa sạch và sơ chế qua). Dùng cả phần cái và phần nước, nên dùng khi canh còn nóng, dùng trước khi đi ngủ vào ban đêm.

8. Chữa đau mắt, phong nhiệt, đau đầu: 20 g cỏ dùi trống, 16 g huyền sâm, 8 g thanh ngâm cùng với kinh giới, mộc thông và dành dành mỗi vị 10 g. Đem một thang thuốc trên thái nhỏ rồi đem phơi khô. Cho các vị thuốc trên vào trong nồi cùng với 400 ml nước lọc, sắc cô đặc còn 100 ml nước để dùng. Chia phần nước sắc được thành hai lần uống mỗi ngày. Người bệnh nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm.

9. Chữa chứng cam tích, nhìn không rõ, mắt đó, sợ ánh sáng ở trẻ em: Cỏ dùi trống cùng với gan heo mỗi vị 60 g để sắc lấy nước dùng. Nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm.

10. Chữa đau răng, viêm lợi: 30 g cỏ dùi trống cùng với 15 g cam thảo. Đem hai vị thuốc trên sắc cùng với hai chén nước, sắc cô đặc còn lại một chén để dùng. Chia phần nước sắc được thành hai lần dùng trong ngày vào hai buổi chính là buổi sáng và buổi tối. Dùng thuốc trong khoảng 3-5 ngày, chứng đau răng sẽ không còn.

11. Chữa chảy máu cam không cầm: Dùng một lượng vừa đủ cỏ dùi trống, đem tán thành bột mịn, rồi uống cùng với nước miến sắc. Mỗi lần sử dụng 6 g để chữa chảy máu cam.

12. Chữa trẻ em bị trúng nắng, khát nước bồn chồn khó chịu, trên ói mửa dưới tiêu chảy: Một lượng vừa đủ cỏ dùi trống đốt tồn tính, sau đó đem hạ khử thổ rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 2 g thuốc cùng với nước cơm nguội.

13. Chữa đau đầu, đau nửa đầu: Dùng 6 g cỏ dùi trống, 9 g địa long cùng với 3 g nhũ hương. Đem các nguyên liệu trên tán thành bột mịn rồi trộn đều vào nhau. Mỗi lần sử dụng một lượng hỗn hợp bột bằng hạt gạo đốt cháy cho bóc hơi vào ống rồi hít thật mạnh.

14. Trị lợi răng sưng đau: Cốc tinh thảo 15g-30g sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

Kiêng kỵ

- Không sử dụng những bài thuốc từ cỏ dùi trống cho các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần cho trong chúng hoặc một số dược liệu khác trong bài thuốc.

- Thận trọng khi sử dụng bài thuốc từ dược liệu cỏ dùi trống cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Hỏi ý kiến thầy thuốc để biết cụ thể liều dùng cho phù hợp.

- Không nên xông hơi hoặc nhỏ trực tiếp các nước sắc từ cây cỏ dùi trống vào mắt.

Các đối tượng có phong nhiệt không được sử dụng các bài thuốc từ dược liệu cỏ dùi trống.

- Dược liệu kỵ sắt.

Ghi chú: Ở Trung Quốc, người ta thường dùng các loài Cốc tinh thảo khác - Eriocaulon buergerlanumKoern và Eriocaulon sieboldianum Sieb, et Zucc. Ở nước ta, loài Cỏ dùi trống nam - Ericocaulon australe R. Br cũng có thể dùng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- Bate-Smith, E. C., (1969), Quercetagetin and Patuletin In Eriocaulon, Phpchemiatry, 8, 1035-1037.

- chineseherbshealing.com