Logo Website

CỐT KHÍ CỦ

19/06/2020
Cốt khí củ có tên khoa học: Reynoutria japonica Houtt., họ Rau răm (Polygonaceae). Công dụng: Dược liệu dùng để chữa Phong thấp tê bại, đau nhức gân xương, ngã ứ huyết; Viêm gan cấp, viêm ruột, lỵ; Viêm amygdal, viêm hầu; Viêm khí quản, viêm phổi nhẹ;

CỐT KHÍ CỦ

Radix Reynoutrii cuspidati

Tên khác: Hổ trượng, Củ cốt khi, Nam hoàng cầm, Điền thất, Hồ tượng căn, Ban trượng căn, Tử kim long, Hoạt huyết đan, Co hớn hườn (Thái), Mèng kéng (Tày), Hồng lìu (Dao)

Tên khoa học: Reynoutria japonica Houtt., họ Rau răm (Polygonaceae). 

Tên đồng nghĩaFallopia compacta (Hook.f.) G.H.Loos & P.Keil; Fallopia japonica (Houtt.) Ronse Decr.; Fallopia japonica f. colorans (Makino) Yonek.; Fallopia japonica var. compacta (Hook.f.) J.P.Bailey; Fallopia japonica var. compacta J. Bailey; Fallopia japonica var. hachidyoensis (Makino) Yonek. & H.Ohashi; Fallopia japonica var. uzenensis (Honda) Yonek. & H.Ohashi; Pleuropterus cuspidatus (Siebold & Zucc.) H.Gross; Pleuropterus zuccarinii (Small) Small; Polygonum compactum Hook.f.; Polygonum cuspidatum Siebold & Zucc.; Polygonum cuspidatum var. spectabile Noter; Polygonum hachidyoense Makino; Polygonum reynoutria Makino; Polygonum reynoutria f. colorans Makino; Polygonum sieboldii de Vriese ex L.H.Bailey; Polygonum zuccariniiSmall; Reynoutria compacta (Hook.f.) Nakai; Reynoutria hachidyoensis (Makino) Nakai; Reynoutria hachidyoensis var. terminalis Honda; Reynoutria hachijoensis Nakai ex Jotani; Reynoutria hastata Nakai ex Ui; Reynoutria henryi Nakai; Reynoutria japonica var. compacta (Hook.f.) Moldenke; Reynoutria japonica var. hastata (Nakai ex Ui) Honda; Reynoutria japonica var. spectabilis (Noter) Moldenke; Reynoutria japonica var. terminalis (Honda) Kitag.; Reynoutria japonica var. uzenensis Honda; Reynoutria uzenensis (Honda) Honda; Tiniaria japonica (Houtt.) Hedberg

Mô tả:

1. Cây: Cây thảo sống nhiều năm, cao 1-1,5m. Rễ phình thành củ cứng màu vàng nâu. Thân có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le, có bẹ chìa ngắn. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc thành chùm ở nách lá. Quả khô có 3 cạnh. Hoa tháng 6-7, quả tháng 9-10.

2. Dược liệu: Rễ (quen gọi là củ) hình trụ cong queo, vỏ sần sùi, nhăn nheo, màu nâu xám, có các đốt lồi lên chia củ thành từng gióng. Những rễ củ to được cắt thành lát mỏng 1- 2cm, phơi khô. Mặt cắt ngang thấy phần vỏ mỏng, phần gỗ dày. Thể chất rắn, mùi nhẹ, vị hơi se, đắng.

3. Vi phẫu:

Lớp bần có 5-7 hàng tế bào hình chữ nhật, dẹt, xếp thành dãy xuyên tâm. Lớp ngoài thường bong ra. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn, hình trứng. Libe cấp II bị những tia tủy rộng cắt ngang thành từng đám. Gỗ cấp II xếp thành vòng liên tục ở bên ngoài, bên ngoài bị hững tia tủy cắt thành từng nhánh. Tia tủy rộng, mỗi tia có 7- 12 dãy tế bào xếp xuyên tâm. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai hay dạng hạt cát nằm rải rác mô mềm vỏ hay mô mềm tủy.

4. Bột: Màu vàng sẫm. Soi kính hiển vi thấy: mảnh bần màu vàng nâu, có tế bào hình chữ nhật, thành dày, xếp đều đặn. Mảnh mô mềm có chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai, đường kính 38- 40mcm. Hạt tinh bột kích thước 6- 7mcm, rốn hạt mờ.

Bộ phận dùng: Rễ (Radix Reynoutrii cuspidati) phơi hay sấy khô của cây Cốt khí củ 

Phân bố: Cây của vùng Đông Á ôn đới có ở các nước như Trung Quốc, Nga, Nhật bản và Việt Nam. Ở nước ta, mọc hoang ở vùng đồi núi  như Sa Pa và các vùng lân cận, thường được trồng ở nhiều nơi để lấy củ làm thuốc.

Thu hái, sơ chế: Rễ củ quanh năm, tốt nhất là vào mùa thu đông. Sau khi hái rễ, đem cắt bỏ rễ con, rửa sạch tạp chất và đất cát. Sau đó cắt thành từng đoạn vừa phải, thái mỏng, đem sấy hoặc phơi khô. Dược liệu sau khi bào chế thường có mặt ngoài màu nâu vàng, đường kính 0,5 - 2cm, dài 1 - 8cm, cắt ngang thấy màu vàng bên trong. Không rõ mùi và thường có vị hơi đắng.

Bảo quản: Dược liệu cần bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát.

Thành phần hóa học:

Rễ chứa các dẫn chất anthranoid ở dạng tự do và dạng kết hợp glycosid hàm lượng 0,1-0,5%. Các thành phần đã xác định: Chrysophanol, emodin, physcion, emodin 8-b - glucosid. Ngoài các dẫn chất anthranoid trong rễ cốt khí còn có polydatin là một stilben glucosid khi thủy phân cho resveratrol. Trong rễ còn có tanin.

Cành, lá có một ít các dẫn chất anthranoid. Trong lá có các flavonoid: quercetin, isoquercetin, reynoutrin, avicularin, hyperin. Ngoài ra còn có các acid hữu cơ.

Tác dụng dược lý:

- Dược liệu có tác dụng hạ triglycerid, cholesterol và hạ huyết áp.

- Dược liệu giúp tiêu viêm, cầm máu, hạ đường huyết, an thần, lợi tiểu và cải thiện cơn ho suyễn.

- Dược liệu có khả năng ức chế một số vi khuẩn thường gặp như trực khuẩn lỵ, trực khuẩn đại tràng, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết,…

Tính vị: Vị đắng, tính ấm.

Quy kinh: Tâm bào và Can.

Công năng: Hoạt huyết, tiêu viêm, kháng sinh, chống virus, lợi tiểu, lợi sữa, chống ho, tiêu đờm.

Công dụng: Dược liệu dùng để chữa

- Phong thấp tê bại, đau nhức gân xương, ngã ứ huyết; 

- Viêm gan cấp, viêm ruột, lỵ; 

-  Viêm amygdal, viêm hầu; 

- Viêm khí quản, viêm phổi nhẹ; 

- Viêm ruột cấp, nhiễm trùng đường niệu; 

- Kinh nguyệt khó khăn, vô kinh, huyết hôi không ra (đẻ xong ứ huyết); 

- Táo bón.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 10-30g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị rắn cắn, vết đứt và bỏng, đòn ngã tổn thương, đinh nhọt, viêm mủ da, viêm âm đạo; thường dùng thuốc bột đắp.

Bài thuốc: 

1. Phong thấp, viêm khớp, đầu gối và mu bàn chân sưng đỏ đau nhức: Củ cốt khí, Gối hạc, lá Bìm bìm, Mộc thông, mỗi vị 15-20g sắc uống. 

2. Viêm gan cấp tính, sưng gan: Cốt khí củ, Lá móng, Chút chít, mỗi vị 15-20g sắc uống. Hoặc dùng Cốt khí với Nhân trần, mỗi vị 30g, sắc uống. 

3. Thương tích, ứ máu, đau bụng: Cốt khí củ 20g, Lá móng 30g, nước 300ml, sắc còn 150ml, hoà thêm 20ml rượu, chia 2 lần uống trong ngày.

4. Chữa đau bụng dưới do bế kinh, huyết ứ sau sinh nở, thống kinh, bụng đau và căng đầy do té ngã: Lá móng 30g và cốt khí củ 20g. Sắc uống, chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.

5. Chữa đau bụng do kinh nguyệt: Thành phần có Kê huyết đằng, cốt khí củ, đào nhân, ích mẫu và hồng hoa, điều chỉnh liều lượng theo từng trường hợp. Cách dùng sắc uống, dùng thuốc mỗi ngày 1thang.

6. Chữa sỏi tiết niệu, sỏi mật, viêm túi mật và viêm gan: Bài thuốc gồm có: Chút chít 15g, lá móng 20g, cốt khí củ 15g, tỳ giải, kim tiền thảo và xa tiền tử mỗi vị 12 – 16g. Cách dùng: sắc uống đều đặn, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi.

7. Chữa hoàng đản (viêm gan) do thấp nhiệt: Bài thuốc gồm: Bán chi liên 20g, cốt khí củ 20g, nhân trần 20g, đan sâm 20g, hoạt thạch 10g, hoắc hương 6g, đại hoàng 5g, bạch hoa xà thiệ thảo 20g, hy thiêm 20g, hồng táo 20g, phục linh 10g, cam thảo 6g, kim tiền thảo 20g. Cách dùng: Đem các vị sắc với lượng nước vừa đủ, chia nước sắc thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày.

8. Chữa bỏng lửa và bỏng nước: Củ cốt khí và ít dầu lạc. Cách dùng: đem rán dược liệu trong dầu lạc, sau đó để nguội và lấy dầu thoa lên vết bỏng.

9. Chữa bầm máu do té ngã. Bài thuốc gồm: Hồng hoa, Một dược, C củốt khí và Nhũ hương, gia giảm liều theo từng trường hợp bệnh. Cách dùng: Đem sắc các vị với nước, dùng hết trong ngày.

10. Chữa đau khớp do ứ huyết. Bài thuốc gồm Tần giao, Xuyên ngưu tất, Tang ký sinh, Phòng phong, Ích mẫu thảo, Cốt khí củ, gia giảm lượng tùy mức độ bệnh. Cách dùng: Đem các vị sắc lấy nước uống.

11. Chữa viêm họng gây ho: Bài thuốc gồm: Hoàng cầm, Tỳ bà diệp, Kim ngân hoa và Cốt khí củ. Cách dùng: Sắc uống, dùng trong nhiều ngày cho đến khi khỏi.

Kiêng kỵ, chú ý:

- Khi dùng phải sao kỹ để giảm bớt anthranoid, nếu dùng sống dễ bị ỉa lỏng.

- Dược liệu có tác dụng hoạt huyết mạnh nên không dùng cho phụ nữ mang thai vì có thể tăng co bóp tử cung và gây sảy thai, sinh non.

- Tránh dùng đồng thời với các loại thuốc chống đông máu và thuốc co mạch.

- Không dùng cho người bị rong kinh.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org