Logo Website

CÚC HOA

23/06/2020
Cây cúc hoa có Tên khoa học: Chrysanthemum indicum L., họ Cúc (Asteraceae). Công dụng: Thuốc chữa nhức đầu, chóng mặt, cao huyết áp, hoa mắt, đau mắt đỏ, mắt mờ, chảy nước mắt, đinh độc, mụn nhọt sưng đau. Dùng để ướp chè, nấu rượu.

CÚC HOA (菊 花)

Flos Chrysanthemi    

Tên khác: Cúc hoa vàng, Kim cúc, Cúc hoa vàng, Dã cúc, Cam cúc, Khổ ý, Hoàng cúc, Bióoc kim (Tày).

Tên khoa học: Chrysanthemum indicum L., họ Cúc (Asteraceae).

Tên đồng nghĩaAchillea bandana Buch.-Ham.; Achillea berdana Buch.-Ham. ex DC.; Arctotis elegans Thunb.; Bidens bardanna Wall.; Bidens marginata DC.; Chrysanthemum indicum var. albescens Makino; Chrysanthemum indicum var. coreanum H.Lév.; Chrysanthemum indicum var. edule Kitam.; Chrysanthemum indicum var. hiberinumjMakino; Chrysanthemum indicum var. indicumChrysanthemum indicum var. litorale Ling; Chrysanthemum indicum var. lushanense (Kitam.) Hand.-Mazz.; Chrysanthemum indicum var. procumbens (Lour.) Nakai; Chrysanthemum japonicumThunb.; Chrysanthemum japonicum var. japonicumChrysanthemum koraiense Nakai; Chrysanthemum lushanenseKitam.; Chrysanthemum nankingense Hand.-Mazz.; Chrysanthemum procumbens Lour.; Chrysanthemum purpureumPers.; Chrysanthemum tripartitum Sweet; Collaea procumbens (Rich.) Spreng.; Dendranthema indicum (L.) Des Moul.; Dendranthema indicum var. edule (Kitam.) Kitam.; Dendranthema indicum var. huludaoensis "G.Y.Zhang, L.J.Yu & Y.J.Liu"; Dendranthema indicum var. procumbens (Lour.) Kitam.; Dendranthema nankingense (Hand.-Mazz.) X.D.Cui; Dendranthema nankingense (Hand.-Mazz.) P.S.Hsu; Matricaria indica (L.) Desr.; Pyrethrum indicum (L.) Cass.; Tanacetum indicum (L.) Sch.Bip.

Mô tả:

Cây: Cây thảo sống hằng năm hay sống dai. Thân cứng cao tới 1m phân cành ở ngọn. Lá mọc so le, có thuỳ sâu, mép có nhiều răng; không cuống. Cụm hoa hình đầu, ở nách lá hay ở đỉnh cành, đường kính 1-1,5cm, cuống dài 2-5cm. Lá bắc xếp 3-4 hàng. Các hoa vòng ngoài hình lưỡi xếp hai vòng, các hoa ở trong hình ống, màu vàng. Quả bế, có mào lông. Mùa hoa quả tháng 10-12 cho đến tháng 5 năm sau. 

Dược liệu: Cụm hoa hình đầu, màu vàng hơi nâu, đôi khi còn đính cuống; đường kính 0,5 – 1,2cm. Tổng bao gồm 4 – 5 hàng lá bắc, mặt ngoài màu xanh hơi xám hoặc nâu nhạt, ở giữa hai bên mép rất nhạt và khô xác. Có 2 loại hoa: Hoa hình lưỡi nhỏ một vòng, đơn tính, không đều ở phía ngoài; nhiều hoa hình ống, đều, mẫu năm, lưỡng tính ở phía trong. Chất nhẹ, mùi thơm, vị đắng.

Đặc điểm bột dược liệu: Bột hoa màu vàng, mùi thơm. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh cánh hoa màu vàng có tế bào thành mỏng nhăn nheo. Mảnh lá bắc có tế bào dài thành mỏng và tế bào dài thành dày, có ống trao đổi rõ. Hạt phấn hoa hình cầu có gai, màu vàng. Lông che chở bị gãy vụn. Mảnh núm nhụy có tế bào đầu tròn, kết lớp lên nhau, ở đầu núm tế bào dài nhô ra.

Bộ phận dùng: Dược liệu là cụm hoa (quen gọi là hoa) (Flos Chrysanthemi) đã chế biến và làm khô của cây Cúc hoa (Chrysanthemum indicum)

Phân bố: Trên thế giới cây có ở các nước Trung Quốc và Nhật Bản, được trồng làm thuốc và làm cảnh ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Ấn Độ. Ở nước ta, cây được trồng để làm thuốc ở vùng Nghĩa Trai (Hưng Yên) có truyền thống trồng cúc hoa, và trồng ở Nhật Tân, Tế Tiêu.

Sinh thái: Cây ưa sáng và ưa ẩm, thường được trồng ở vườn, công viên hoặc trên cánh đồng với mục đích sản xuất dược liệu. Cây ra hoa nhiều hàng năm, hiếm có hạt. Mùa đông có hiện tương rụng lá hoặc hơi tàn lụi. Chính lúc này người ta thường cắt bỏ phần thân cành, giữ lại gốc để tái sinh hoặc làm giống trồng vào mùa xuân năm sau.

Trồng trọt:

Cây chủ yếu được nhân giống bằng phương pháp vô tính. Trước đây người ta thường tách khóm, vít cành. Hiện nay, phổ biến dùng phương pháp giâm cành. Vào tháng 4-5, chọn những cành khỏe, dùng dao sắc cắt lấy đoạn trên dài 10-15 cm, bỏ bớt lá ở phần dưới rồi giâm vào bản hoặc vườn ươm đặt dưới bóng râm và giữ ẩm. Sau khi cành giâm ra rễ, có thể đánh đi trồng. Có thể xử lý bằng các loại thuốc kích thích ra rễ có bán trên thị trường.

Đất trồng tốt là đất phù sa, đất thịt nhẹ, tơi xốp, màu mỡ, thoát nước. Sau khi cày bừa kỹ, vơ sạch cỏ, để ải, lên thành luống cao 25-30 cm, rộng 0,8-1m. Dùng phân chuồng để bón lót theo hốc với lượng từ 15 – 30 tấn cho một hecta. Cây con được trồng với khoảng cách 35×35 hoặc 40×40 cm. Trồng xong cần tưới ngay và giữ ẩm thường xuyên cho tới khi bén rễ.

Khi cây đã lớn, chỉ cần giữ độ ẩm vừa phải. Đất quá ẩm ướt để làm cho cây bị bệnh. Thường xuyên làm cỏ, xới xáo giữ cho đất tơi xốp. Trong thời kỳ cây phân cành, dùng nước phân chuồng, tốt nhất là phân bắc, hay nước giải ngâm kỹ để tưới thúc, mỗi tháng tưới một lần. Nén hạn chế dùng đạm vì đạm dễ làm thân lá sinh trưởng quá mạnh, ảnh hưởng xấu tới việc ra hoa và độ bền của hoa. Cần thường xuyên tỉa bỏ cành già, bấm ngọn để kích thích cây ra nhiều chồi..

Cúc hoa vàng thường bị sâu xám, rệp, muội phá hoại. Chú ý phát hiện kịp thời để trừ diệt. Sau khi trồng 4-5 tháng, cúc hoa vàng bắt đầu cho thu hoạch hoa, tập trung vào các tháng cuối năm. Hiện nay, có những giống hoa vàng nhập nội ra hoa vào các thời điểm khác nhau. Tùy theo mức độ chăm sóc, có thể thu hoạch hoa được nhiều đợt hay ít đợt.

Thu hái, sơ chế: Thu hái hoa bắt đầu từ tháng 9 hay tháng 10. Tùy theo sự chăm sóc, thu hoạch được nhiều hay ít đợtDược liệu được thu hái lúc trời khô ráo, hái hoa đem xông lưu huỳnh kỹ, xong nén chặt độ một đêm, khi thấy nước chảy ra đen là được, sau đó phơi nắng nhẹ (khoảng 3-4 nắng) hay sấy ở 40-50oC đến khô. Nếu trời râm thì ban đêm phải sấy lưu huỳnh. 

Bào chế:

+ Lúc hoa mới chớm nở, hái về, phơi nắng nhẹ hoặc phơi trong râm, dùng tươi tốt hơn.

+ Muốn để được lâu thì xông hơi Lưu hoàng 2-3 giờ, thấy hoa chín mềm là được, rồi đem nén độ một đêm, thấy nước đen chảy ra, phơi khô cất dùng.

Không được sấy nóng quá, chỉ nên hong gió cho khô nếu bị ẩm.

Bảo quản: Dược liệu cần bảo quản ở nơi khô ráo.

Thành phần hoá học:

Tinh dầu, flavonoid, vitamin A, adenin, cholin, stachydrin, vitamin A, Sắc tố của hoa là chrysantemin khi thủy phân sẽ được glucose và xyanidin.

Carotenoid (chrysanthemoxanthin)

Tinh dầu trong đó có pinen, sabinen, myrcen, terpinen, p-cymen, cineol, thuyon, chrysanthenon, borneol, linalyl acetat, bornyl acetat, cadinen, caryophyllen oxyd cadinol, chrysanthetriol.

Sesquiterpen: angeloyl cumambrin B, arteglasin…

Flavonoid: acaciin, glucopyranosid, acacetın, galactopyrianosid, chrysanthemin.

Acid amin: adenin, cholin,stachydrin.

Các thành phần khác gồm: indicumenon, Sitosterol, amyrin, friedelin, sesamin, vitamin A.

Hạt chứa 15,80% dầu béo.

Tác dụng dược lý:

- Cúc hoa vàng có tác dụng tốt trên động vật thí nghiệm (chó) tăng huyết áp cũng như có tác dụng tốt trên bệnh nhân tăng huyết áp. Hoạt tính của cúc hoa vàng làm hạ huyết áp có thể là hiệu quả của tác dụng ức chế phản xạ vận mạch có nguồn gốc trung tâm và tác dụng ức chế adrenalin. Lưu lượng tim và sự dẫn truyền thần kinh ở hạch không bị ảnh hưởng. Cúc hoa vàng có tác dụng chống viêm thực nghiệm trên chuột cống trắng. Cao lỏng của hoa cúc vàng gây hạ huyết áp thỏ, nhưng tác dụng không bền vững. Đồng thời, cao này có tác dụng làm tăng độ bền mao mạch ruột thỏ cô lập, và kháng khuẩn đối với Bacillus mycoides và Escherichia coli.

- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc Cúc hoa, trong thí nghiệm, có tác dụng ức chế tụ cầu trùng vàng, Liên cầu trùng dung huyết Bêta, Lỵ trực trùng Sonnei, trực trùng thương hàn (Trung Dược Học).

- Tinh dầu cất từ nụ hoa cây cúc hoa vàng, đã được thử trên các chủng vi khuẩn Diplococcus pneumoniaeStreptococcus haemolyticusStreptococcus faecalisStaphylococcus aureusShigella shigaeShigella flexneriBacillus subtilisBacillus pyocyaneusEscherichia coliKlebsiella pneumoniae. Kết quả cho thấy tinh dầu này có tác dụng kháng khuẩn khá mạnh.

- Arteglasin A có trong cúc hoa vàng có hoạt tính gây phản vệ trên da chuột lang và gây viêm da dị ứng tiếp xúc ở người. Hoa cúc vàng thể hiện hoạt tính ức chế invitro sự kết tập tiểu cầu của máu động vật thí nghiệm gây bởi những vi khuẩn như tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn coli, trực khuẩn subtilis và trực khuẩn mủ xanh.

- Một bài thuốc gồm cúc hoa vàng và 5 vị thuốc khác đã được thử lâm sàng trên những bệnh nhân bị cảm phong hàn. Thuốc đã có tác dụng làm hết sốt ở 80% số bệnh nhân sau ngày điều trị thứ nhất, làm giảm bệnh ở 12% số bệnh nhân, và không tác dụng ở 8% số bệnh nhân còn lại.

- Đã điều trị cho bệnh nhân suy nhược thần kinh loại hưng phấn tăng, đa số có nguyên nhân do sang chấn tinh thần. Phương pháp chữa là hạ hưng phấn, an thần. Để giảm hưng phấn, một bài thuốc gồm cúc hoa vàng và 5 dược liệu khác, phối hợp với châm cứu đã đạt kết quả tốt.

+ Điều trị huyết áp cao: Nước sắc Cúc hoa cho 46 người bệnh huyết áp cao hoặc bệnh xơ mỡ động mạch. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ các chứng đầu đau, chóng mặt, mất ngủ có cải thiện, 35 người trở lại huyết áp bình thường. Trên 10-30 ngày sau những triệu chứng còn lại tiến triển tốt (Chinese Hebral Medicine).

Tính vị: vị đắng cay, tính ôn.

Quy kinh: 3 kinh, phế, can và thận.

Công năng: Thanh tán phong nhiệt, bình can, minh mục, thanh nhiệt, giải độc

Công dụng: Thuốc chữa nhức đầu, chóng mặt, cao huyết áp, hoa mắt, đau mắt đỏ, mắt mờ, chảy nước mắt, đinh độc, mụn nhọt sưng đau. Dùng để ướp chè, nấu rượu.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 2 - 10g dưới dạng thuốc sắc.

Bảo quản: dễ bị sâu, mọt, mốc. Không nên phơi nắng nhiều mất hương vị và nát cánh hoa, biến màu. Để nơi cao ráo, khô, đậy kín.

Kiêng ky: kiêng lửa, Bạch truật và rễ Câu kỷ tử.

Bài thuốc :

1. Chữa chứng ngoại cảm phong nhiệt- chứng phong ôn giai đoạn đầu: sốt hơi rét, đau đầu, mắt sưng đỏ thường gặp trong viêm đường hô hấp trên, viêm màng tiếp hợp cấp, dùng bài: 

- Tang cúc ẩm : Tang diệp 6g. Cúc hoa 6g, Liên kiều 4g, Bạc hà 4g, Cát cánh 4g, Cam thảo 4g.  Sắc uống.

- Gia giảm Tang cúc câu liên hợp tề: Cúc hoa, Tang diệp, Câu đằng, Cát cánh mỗi thứ 8g, Liên kiều 12g, Xa tiền tử 12g, Cam thảo 4g, sắc nước uống.

2. Chữa viêm màng tiếp hợp cấp: (đau mắt sưng đỏ) thường kết hợp với các thuốc tư âm thanh can hỏa, dùng bài: Cúc hoa tán: Cúc hoa, Bạch tật lê, Mộc tặc thảo mỗi thứ 12g, Thuyền thoái 3g, Huyền sâm 12g, Liên kiều 8g, Khương hoạt 4g, sắc nước uống.

3.Chữa huyết áp cao mắt mờ: do Can thận âm huyết kém dùng bài:

- Kỷ cúc Địa hoàng hoàn: Thục địa 20g, Hoài sơn 16g, Bạch linh, Trạch tả, Đơn bì, Sơn thù, Cúc hoa, Kỷ tử mỗi thứ 12g. Theo tỷ lệ của bài thuốc. Thục địa sắc lấy nước còn bã cùng các vị thuốc khác sấy khô tán bột mịn trộn đều với nước. Thục địa làm thành hoàn. Mỗi lần uống 6 - 12g, uống 2 lần/ngày hoặc sắc thuốc thang uống.

4. Chữa chứng âm hư hỏa vượng, đau đầu, hoa mắt, hồi hộp, hay quên, huyết áp tăng: cúc hoa 8g, câu đằng, kỷ tử, hoài sơn, thục địa, sa sâm, mạch môn, mỗi vị 12g, trạch tả, sơn thù, mẫu đơn bì, bạch phục linh, táo nhân, bá tử nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày một thang.

5. Phòng cảm cúm: Cúc hoa (cành, lá), Diếp cá, Kim ngân dây, mỗi vị 30g, đun sôi với 500ml nước còn 200ml. Lọc lấy nước, uống mỗi lần 20ml, ngày 3 lần. 

6. Đinh nhọt: Cúc hoa, Bồ công anh, Tử hoa địa đinh 30g, Kim ngân 60g, sắc uống. 

7. Các loại mụn nhọt, viêm tuyến vú, mụn nhọt sưng, nóng đỏ đau chưa lên mủ: Cúc hoa (hoa, lá, cành) 20g khô hoặc 60-80g tươi, Kim ngân (hoa hoặc dây) 12g, Bồ công anh 12g, Cam thảo 12g. Sắc kỹ, uống nóng, ngày một thang. Bên ngoài, dùng một nắm lá Cúc hoa tươi và 3 cây hành tươi rửa sạch, giã nhỏ, thêm vài hạt muối đắp, ngày 1 lần.

8. Chữa suy nhược thần kinh: (a). Cúc hoa vàng 12g, Sài hồ 16g, Chi tử, Mạn kinh Táo nhân, Bá tử nhân, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang. (b). Cúc hoa vàng, Sài hồ, mỗi vị 12g, Bạch truật, Bạch thược, Hương phụ, mỗi vị 8g, Tiêu khương, Bạch linh, Viễn chí, mỗi vị 6g, Cam thảo 3g. Sắc uống, ngày một thang.

9. Chữa can âm hư, thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, tăng huyết áp và vữa xơ động mạch ở người già, suy nhược thần kinh (triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, lưỡi khô): Cúc hoa vàng 8g, Kỷ tử, Hà thủ ô đỏ, Thục địa, Sa sâm, Đỗ đen sao, mỗi vị 12g, Tang thầm, Long nhãn, Mạch môn, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

10. Chữa bệnh hysteria (triệu chứng: tinh thần uất ức, hay xúc động, ngực sườn đầy tức, đầy bụng ợ hơi, ăn kém, rêu lưỡi trắng): Cúc hoa vàng 12g, Đảng sâm 16g, Chỉ xác, Thanh bì, Uất kim, Hương phụ, Đan sâm, Táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày một thang.

11. Chữa đinh râu: Hoa và lá Cúc hoa vàng 80g, Bồ công anh 80g, giã nát, lọc lấy nước uống, bã đắp tại chỗ.

12. Chữa co giật, hôn mê do sốt cao ở thời kỳ toàn phát các hội chứng nhiễm độc não, viêm não, viêm màng não: Cúc hoa vàng 12g, Sinh địa, Thạch cao, Thảo quyết minh, mỗi vị 20g, câu đằng 16g. Nếu màu đỏ thêm long đờm thảo 8g, khò khè do ứ đọng dịch tiết thêm trúc lịch 30 ml; lưỡi đỏ, miệng khô thêm mạch môn 12g, Thiên hoa phấn 8g. Sắc uống.

13. Chữa nhọt ống tai ngoài: Cúc hoa vàng 11g, bồ công anh, sài đất, kim ngân hoa, kê huyết đằng, mỗi vị 16g, hoàng liên, sinh địa, mỗi vị 12g, chi tử 8 g. Sắc uống

14. Chữa hội chứng Meniere (Mê-ni-e) với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ù tai, miệng khô, đắng, nôn, đầu lưỡi đỏ: Bài lục vị hoàn gia giảm: Cúc hoa vàng 8g, Thục địa 16g, Hoài sơn, Kỷ tử, long cốt, Mẫu lệ, mỗi vị 12g, Sơn thù, Phục linh, Trạch tả, Đan bì, Bạch thược, Đương quy, mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày một thang.

15. Chữa viêm thoái hóa hoàng điểm, thì lực còn 1/10 tới 3/10, đã được điều trị bằng bài thuốc gồm: Cúc hoà vàng, Thục địa, Chi tử, Hoàng cầm, Câu kỷ tử, Đại táo, Long nhãn, Viễn chí, Thảo quyết minh, Thương truật, Thuyền thoái. Sau thời gian điều trị từ 1 đến 2 tháng, các bệnh nhân không còn các triệu chứng đau đầu, mất ngủ, thị lực tăng từ từ, có bệnh nhân trở lại bình thường, đa số có thị lực từ 5/10 đền 7/10. Sau 6 năm, trên một số bệnh nhân có điều kiện theo dõi thấy vẫn tốt, thị lực ổn định.

16. Suy nhược thần kinh, kém ăn, kém ngủ: Cúc hoa, Chi tử, Mạn kinh tử, Táo nhân, Bá tử nhân mỗi vị 12g; Sài hồ 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần sau bữa ăn.

Ghi chú: Việt Nam nhập từ Trung Quốc vị Cúc hoa lấy từ cây Chrysanthemum morifolium Ramat., thường có mầu trắng hoặc vàng nhạt, cụm hoa to hơn Cúc hoa vàng của ta.

Cúc hoa vàng chủ yếu dùng cho hội chứng phong, nhiệt ở biểu, còn Cúc hoa trắng dùng để làm sơ Can, trừ phong và làm sáng mắt. 

Kiêng kỵ: Người có thực tà thấp nhiệt thì không dùng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Vin dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org