Logo Website

ĐẠI HOÀNG

10/07/2020
Đại hoàng có tên khoa học: Rheum officinale Baill., họ Rau răm (Polygonaceae). Công dụng: Liều nhỏ có tác dụng kích thích tiêu hoá, liều cao tẩy nhẹ trong trường hợp táo bón, làm thuốc bổ đắng cho người mới ốm dậy, người già thiếu máu, biếng ăn

ĐẠI HOÀNG (大 黃)

Rhizoma Rhei

Tên khác: Tướng quân, Cẩm văn đại hoàng, Xuyên đại hoàng, Hoàng lương, Phu như, Phá môn, Vô thanh hổ, Cẩm trang hoàng.

Tên khoa học: Rheum officinale Baill., họ Rau răm (Polygonaceae).

Mô tả:

Cây: Cây thảo sống lâu năm. Rễ và thân rễ to. Thân cao tới 2m, giữa rỗng, mặt ngoài nhẵn. Lá ở dưới to, dài tới 35cm, có cuống dài; phiến lá hình tim nhưng xẻ thành 3-7 thuỳ, có mép nguyên hoặc hơi có răng cưa. Lá ở phía trên thân nhỏ hơn. Cụm hoa là một chùm dài, mang nhiều hoa nhỏ màu tun đỏ; bao hoa gồm 6 phiến bằng nhau; nhị 9; bầu có 1 ô. Quả bế, hình trứng thuôn, có 3 cạnh, dài hơn 1cm, có cánh dạng màng.

Dược liệu: Thân rễ (còn gọi là củ) lớn dài 5-17cm có khi lớn hơn nữa, rộng 4-10cm, dày 2-4cm hoặc khoanh tròn, trên mặt có bụi màu vàng đẹp, chắc cứng và thơm gắt, cắt ra trơn nhánh, cắn dính vào răng là tốt. Tùy theo loại, có thứ mềm đầu có màu vàng đen có thứ thịt khô ít dầu. Loại dầu nhiều bóng là tốt

Bộ phận dùng: Thân rễ (Rhizoma Rhei) đã cạo vỏ và phơi khô của cây Đại hoàng (Rheum officinale Baill.)

Phân bố, sinh tháiVị thuốc nhập từ Trung Quốc.

Đại hoàng là cây ở vùng ôn đới. Cây trồng ở Việt Nam tỏ ra thích nghi với vùng có khí hậu á nhiệt đới núi cao (khoảng 1300m trở lên), quanh năm ẩm mát. Một số loài mọc tự nhiên ở Đông Bắc Ấn Độ và Tây Trung Quốc có khả năng chịu được thời tiết băng giá khắc nghiệt của mùa đông; lượng mưa về mùa hè và mùa thu rất thấp. Trong khi đó, cây trồng ở Sa Pa vẫn sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện lượng mưa hàng năm lên tới 2800mm. Tuy nhiên, đại hoàng là cây không chịu được ngập úng, dù chỉ 1-2 ngày.

Đại hoàng trồng bằng hạt sau 2 năm có hoa quả nhiều. Hạt giống thu ở Sa Pa có sức nảy mầm tốt. Cây còn có khả năng tái sinh vô tính bằng các nhánh con.

Trồng trọt:

Đại hoàng là cây thuốc di thực từ năm 1962, được trồng ở những vùng mát, có độ cao từ l000m trở lên như Sa Pa, Tam Đảo, Hà Giang, Đà Lạt, Hoà Bình. Cây trồng thử ở các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ không có hiệu quả.

Ở Việt Nam, cây ra hoa nhưng kết hạt kém, vì vậy được nhân giống bằng tách mầm. Khi thu hoạch hàng năm tách lấy mầm con để làm giống. Thời vụ trồng là tháng 2-3 ở miền núi và tháng 8-9 ở trung du và đồng bằng. Hiện nay cây chỉ còn được trồng ở miền núi.

Cần chọn đất có tầng canh tác dày, nhẹ, thoát nước tốt. Đất được làm nhỏ, lên thành luống cao 25-30cm, rộng 90cm hoặc làm thành các đường đồng mức. Dùng 15-20 tấn phân chuồng mục trộn với 300-500kg supe lân và tro thảo mộc để bón lót. Nên bón lót theo hốc, với khoảng cách 45x45 hoặc 50x45cm. Chú ý khi trồng cần để thò đầu mầm lên khỏi mặt đất, dận chặt và hàng ngày tưới đủ ẩm. Nếu trời còn lạnh quá, cần phủ mặt luống bằng rơm, rạ, cỏ khô, hay màng polyethylen.

Đại hoàng trồng 2-3 năm mới được thu hoạch. Ngoài làm cỏ, xới xáo, hàng năm cần dùng phân chuồng, nước phân chuồng, nước giải pha loãng để bón thúc 2-3 lần. Nếu cây quá tốt, có thể bón thêm kali hay tro bếp, tỉa bớt lá. ó nhiều nơi, nhân dân dùng cuống lá đại hoàng nấu canh chua, kho với thịt, cá.

Thu hái, sơ chế : Sau 3 năm thì thu hoạch được vào tháng 9-10. Đào cả cây cắt bỏ thân chồi, rễ con, lấy củ cạo vỏ ngoài, rửa sạch, để nguyên củ hay bổ đôi ra phơi cho mau khô. Đặc biệt không nên dùng dao sắc thiết để cạo vỏ ngoài vì làm như thế sẽ biến củ đại hoàng thành màu đen.

Cách bào chế:

Theo Trung y: Đại hoàng đắng tả hạ mạnh: trị bệnh ở hạ tiêu thì dùng sống, trị bệnh ở thượng tiêu thì tẩm rượu.

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Thứ có dầu, rửa sạch cho nhanh, ủ cho đến mềm, thái lát mỏng 1 - 2 ly; sấy nhẹ cho khô tẩm rượu sao qua (thường dùng). Thứ xốp, cũng rửa sạch nhanh, đồ qua cho mềm thái mỏng.

Bảo quản: vị thuốc Đại hoàng trong hộp kín, ở nơi thoáng mát, khô ráo để tránh ẩm mốc và sâu mọt.

Thành phần hoá học: Trong Đại hoàng có 2 loại hoạt chất có tác dụng ngược nhau.

- Loại có tác dụng tẩy là các dẫn chất của anthraquinonoid tổng lượng chiếm khoảng 3 - 5% phần lớn ở trạng thái kết hợp gồm có chrysophanol emodin, aloe-emodin, rhein và physcion

Anthraquinon glucosid chiếm 60-70% các dẫn chất nói trên trong dược liệu khô: physcion monoglucosid, aloe-emodin monoglucosid, emodin monoglucosid, chrysophanol monoglucosiđ, rhein-8- mono - ß - D - glucosid.

- Anthron. Đại hoàng chứa một số chất trong nhóm này ở dạng dimer : các rheidin A, B, c, các palmidin A, B, C, dirhein.

- Anthron glucosid ở dạng dimer : các senosid A, B,C, D.

Các chất ở dạng khử chiếm 30-40% trong số các chất anthranoid của dược liệu khô và thường gặp ở cây tươi vào mùa đông.

Santosh K. Agarwal và cộng sự (1998) đã chứng minh rể đại hoàng có 2 chất mới là rheinal và rhein-11-O-ß-glucosid (Indian. f. of chem, vol 38B, 1999, 749.751).

- Loại có tác dụng thu liễm là các hợp chất có tanin (rheotannoglycosid) chủ yếu có glucogallin, rheumtannic acid, gallic acid, catechin, tetrarin, cinnamic acid, rheosmin. 

- Ngoài ra còn có acid béo, tinh bột, tinh dầu (vết), chất nhựa, chất mầu, calcium oxalat, glucose, fructose, sennosid A,B,C,D,E, các acid hữu cơ và các chất giống oestrogene.

Tác dụng dược lý:

- Chất gây tiêu chảy của Đại hoàng là anthraquinon. Tác dụng của thuốc chủ yếu là ở Đại tràng, thuốc làm cho trương lực của đoạn giữa và cuối đại tràng tăng, nhu động ruột tăng, nhưng không trở ngại cho việc hấp thu chất dinh dưỡng của tiểu tràng. Nhưng trong Đại hoàng có chất Tanin nên sau tiêu chảy thường hay táo bón, hoặc liều nhỏ (ít hơn 0,3g/kg) thường gây táo bón. 

- Tác dụng lợi mật: thuốc tăng co bóp túi mật, giãn cơ vòng oddi khiến mật bài tiết. 

- Tác dụng cầm máu: thuốc có tác dụng cầm máu, rút ngắn thời gian đông máu, làm giảm tính thấm của mao mạch, cải thiện độ bền của thành mạch, làm tăng fibrinogene trong máu, làm mạch máu co thắt tăng, kích thích tủy xương chế tạo tiểu cầu, nhờ vậy làm tăng nhanh thời gian đông máu. Thành phần cầm máu chủ yếu là chrysophanol. 

- Tác dụng kháng khuẩn: Đại tràng có tác dụng kháng khuẩn rộng chủ yếu đối với tụ cầu, liên cầu, song cầu khuẩn lậu, trực khuẩn bạch hầu, thương hàn, phó thương hàn, kiết lị .Thành phần ức chế vi khuẩn chủ yếu là dẫn chất của anthraquinon. Thuốc còn có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh và virus cúm. 

Đối với Bacteroides fragilis là một vi khuẩn kị khí trong hệ vi khuẩn ruột ở người, đã thử 178 vị thuốc thường dùng trong y học cổ truyền Trung Quốc thấy đại hoàng có hoạt tính khá so với các vị thuốc khác và chất có hoạt tính đã xác định được là rhein.

- Nước sắc Đại hoàng cho chó gây mê uống gây hạ áp. Liều nhỏ của Đại hoàng kích thích tim ếch, liều lớn ngược lại ức chế. 

- Thành phần emodin và rhein trực tiếp ức chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư của hắc lựu (melanoma), ung thư vú và ung thư gan có ascite (nước bụng) ở chuột. 

- Thuốc có tác dụng lợi tiểu, bảo vệ gan và giảm cholesterol máu đối với thỏ gây cao cholesterol và cho uống thuốc. Nhưng với thỏ bình thường thì không có tác dụng.

Tác dụng lợi niệu và ức chế Na+K+ATPase của tuỷ thận thỏ: Emodin trong đại hoàng làm tăng thể tích nước tiểu lên 5,9 lần, tăng thải trừ natri 4,4 lần và kali lên 3 lần so với lô chứng. Nhưng các hoạt chất aloe emodin và chrysophanol chỉ có tác dụng yếu.

Emodin, rhein và aloe emodin có tác dụng ức chế cạnh tranh mạnh trên Na+K+ATPase màng tế bào của tuỷ thận thỏ ở các nồng độ lần lượt là 9,8; 11,0 và 19,3 µg/ml. Đã xác định được nồng độ ức chế Ki của 3 chất lan lượt là 1,33.10-6 1,41.10-6  và 7,41.10-6  mol/lít. Ki càng nhỏ thì tác dụng ức chế càng mạnh; như vậy emodin và rhein có tác dụng ức chế mạnh hơn nhiều (hơn 5 lần) so với aloe emodin. Có lẽ tác dụng lợi niệu của emodin và rhein là do ức chế Na+K+ATPase.

- Tác dụng độc tế bào của anthraquinon đại hoàng: Thử trên một số loại tế bào ung thư, các glucosid anthraquinon đại hoàng có tác dụng độc ở mức độ vừa phải.

- Tác dụng kích thích co bóp ruột ở người: Tác dụng chậm, xảy ra khoảng 5-10 giờ sau khi uống thuốc, có khi lâu hơn. Phân mềm, vàng hoặc nâu sẫm, màu này một phần do màu của đại hoàng, một phần do chất mật tiết ra nhiều hơn. Thường không thấy đau bụng, đôi khi buồn nôn, chóng mặt hoặc nổi mẩn.

Mặc dù đại hoàng kích thích co bóp ruột, gây ra tác dụng nhuận tràng và tẩy là do loại hoạt chất anthraquinon, nhưng không nên dùng cho người hay bị táo, vì thường sau khi gây tác dụng nhuận tràng, đại tràng hay gây táo bón mạnh hơn trước. Đó là do trong đại tràng còn có tanin đặc biệt là glucogallin. Đối với người bị trĩ cũng không nên dùng đại hoàng do tác hại gây xung huyết các mạch máu trĩ.

- Thử lâm sàng xuất huyết đường tiêu hoá trên: Đã thử 2 bài thuốc có đại hoàng. Bài thứ nhất gồm bột hỗn hợp đại hoàng và bạch cập; bài thứ hai là nước sắc đại hoàng, địa hoàng, hoàng liên và hoàng kỳ tỷ lệ có kết quả và thời gian điều trị trung bình của bài thứ nhất là 97,1% (68/70 bệnh nhân) sau 4,13 ± 3,00 ngày; của bài thứ hai là 90% (90/100 bệnh nhân) sau 3,51 ± 1,54 ngày. Chú ý phải điều trị thận trọng nếu là bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày-ruột do ung thư, do giãn tĩnh mạch thực quản hoặc xơ gan.

- Tác dụng trên vi tuần hoàn của móng tay ở bệnh nhân tâm thần phân liệt: Đã quan sát phân tích vi tuần hoàn của móag tay ở 120 bệnh nhân bị tâm thần phân liệt có so sánh vơí 100 người khoẻ mạnh sau khi dùng bài thuốc hạ huyết tán ứ gồm có đại hoàng, đan sâm, chỉ thực và hắc tam lăng (Sparganium stoloniferum).

Kết quả ở nhóm thứ nhất có 60 bệnh nhân chỉ dùng bài thuốc cổ truyền, thấy 45% có tác dụng; ở nhóm hai, 60 bệnh nhân điều trị kết hợp công thức trên và thuốc tây y, kết quả đạt 75%. Như vậy, tác dụng hiệp đồng giữa thuốc cổ truyền và thuốc hiện đại được thể hiện tốt hơn. Khám lâm sàng thấy các biểu hiện của tâm thần phân liệt giảm song song với việc cải thiện vi tuần hoàn của móng tay.

- Khi dùng thuốc, các chất màu trong đại hoàng thấm vào máu, nước tiểu, mồ hôi, sữa tạo ra màu vàng. Nếu nước tiểu có phản ứng kiềm sẽ có màu đỏ. Thuốc tiết vào sữa mẹ, nên có thể gây tác dụng tẩy cho trẻ bú.

- Trong đại tràng, có một tỷ lệ đáng kể calci oxalat, nên không dùng dài ngày cho người bị sỏi thận, dễ làm cho bệnh nặng thêm.

- Tác dụng của đại hoàng thay đổi tuỳ theo liều dùng, liều thấp có tác dụag làm săn, se; liều trung bình có tác dụng lợi mật, tiêu tích trệ, phá ứ; liều cao có tác dụng tẩy. Liều trung bình thường được dùng nhiều hơn.

Tính vị: Vị đắng, hàn (theo Bản Kinh)

Quy kinh: Tỳ, Vị, Tâm, Can, Đại tràng.

Công năng: nhuận tràng; hạ hỏa và giải độc; hoạt huyết

Công dụng: Liều nhỏ có tác dụng kích thích tiêu hoá, liều cao tẩy nhẹ trong trường hợp táo bón, làm thuốc bổ đắng cho người mới ốm dậy, người già thiếu máu, biếng ăn.

Cách dùng, liều lượng: Thuốc bổ 0,15-0,3g; thuốc nhuận 0,2-0,4g; tẩy 1,0-4,0g. Dạng dùng: thuốc sắc, cao, cồn, siro.

Bài thuốc:

1. Chữa đau bụng, bí đại tiện, nôn mửa: Dùng Ðại hoàng 7g, Cam thảo 4g, nước 300ml, sắc còn 100ml, uống lúc đói. 

2. Chữa bị thương ứ máu, viêm gan, tắc mật: Dùng Ðại hoàng tẩm rượu sao, tán bột, uống mỗi lần 2-3g, ngày uống 3-4 lần. 

3. Chữa sưng tấy, hắc lào: Mài Ðại hoàng với rượu bôi, hoặc ngâm Ðại hoàng 10g trong giấm (5ml), rượu (50ml) trong 10 ngày, dùng bôi lên vết hắc lào đã rửa sạch.

4. Chữa bỏng ngoài da: Đại hoàng tán thành bột mịn, trộn với dầu mè, thoa vao vị trí bỏng hoặc sưng tấy do nhiệt.

5. Chữa trường vị, thực nhiệt gây táo bón: Dùng 10 – 15 g Đại hoàng, Chỉ Thực, Hậu phác, mỗi vị 8 g, sắc thành thuốc, lại hòa cùng 10 g Mang tiêu, dùng uống trong ngày

6. Chữa táo bón, đau bụng do trường ung: 12 g Đại hoàng, 16 g Mẫu đơn bì, Mang tiêu, Đông qua tử, Đào nhân, mỗi vị 12 g, sắc uống trong ngày.

7. Chữa tâm khí bất tức, chảy máu mũi, nôn mửa ra máu: Đại hoàng 80 g, Hoàng Cầm, Hoàng liên, mỗi vị 40 g, sắc với 3 chén nước, đến khi còn 1 chén thì dùng uống.

8. Chữa kinh bế, huyết trệ, hậu sản ứ huyết, đau nhức bụng dưới: Đại hoàng, Đào nhân, mỗi vị 12g, Miết trùng 4 g, sắc thành thuốc dùng uống.

9. Điều trị chân đau do phong khí, thắt lưng nhức mỏi: 80 g Đại hoàng cắt nhỏ như con bờ, trộn với một ít sữa, sao khô, để cho đen. Mỗi lần dùng uống 8 g sắc với 3 chén nước và 3 lát gừng tươi, dùng uống khi đói.

10. Chữa nói sảng do nhiệt: 200 g Đại hoàng, cắt nhỏ, sào hơi đỏ rồi tán bột. Sau lại dùng 5 thăng Lạp tuyết thủy nấu cô lại thành cao. Mỗi lần dùng uống nửa muỗng cà phê với nước lạnh.

11. Chữa phong nhiệt tích trong, trị tức đầy, tiêu thực, dẫn huyết, hóa đờm dãi, hóa khí: 160 g Đại hoàng, 160 g Khiên ngưu tử (80 g sao vàng, 80 g để sống). Mang tất cả dược liệu tán thành bột mịn, gia thêm mật làm thành viên hoàn, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng uống 10 viên với nước ấm. Nếu tình trạng nghiêm trọng có thể tăng lên 20 viên mỗi lần.

12. Chữa sườn bì tích thành khối: 80 g Đại hoàng, 40 g Phát tiêu, tán thành bột mịn. Lại dùng tỏi giã nát trộn với dược liệu đắp lên vùng đau. Ngoài ra, có thể gia thêm 40 g A ngùy để tăng hiệu quả.

13. Chữa bụng căng tràn, có bỉ khối, hòn cục: 400 g Đại hoàng tán thành bột, thêm 2 muỗng mật ong, 3 thăng giấm trộn đều, nấu thành cao, làm thành viên hoàn có kích thước to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên với nước gừng ấm.

14. Chữa cam tích, tỳ tích: 120 g Đại hoàng tán thành bột mịn. Cho vào nồi đất cùng 1 chén giấm, đun nhỏ lửa nấu thành cao. Sau đó cho thuốc lên một tấm ngói phơi nắng và phơi sương 3 ngày 3 đêm, mang đi nghiền nát. Lại gia thêm Lưu hoàng, Quan quế chi, mỗi vị 40 g, tán nhuyễn trộn đều.

Trẻ em mỗi lần dùng 2 g, người lớn dùng 6 g với nước cơm. Bên cạnh đó, ăn cháo trắng trong nửa tháng, kiêng ăn đồ sống lạnh.

Ghi chú:

- Loài Rheum  palmatum L. cũng được dùng

- Thổ đại hoàng là cây Chút chít (Rumex wallichii Meissn.), họ Rau răm (Polygonaceae). Rễ cây này cũng có anthranoid, thường dùng làm thuốc nhuận tràng và chữa hắc lào.

- Phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc người bị sỏi tiết niệu do calci oxalat không dùng đại hoàng.

- Phụ nữ kinh nguyệt không đều không nên dùng.

- Người bị bón do huyết ứ và người cao tuổi không được dùng.

- Người suy nhược cơ thể không nên dùng.

- Đại hoàng không nên sắc quá lâu. Khi sắc thuốc được rồi thì mới cho Đại hoàng vào, dùng uống.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org