Logo Website

ĐAN SÂM

14/07/2020
Đan sâm có tên khoa hoc: Salvia miltiorrhiza Bunge, họ Bạc hà (Lamiaceae). Công dụng: Chữa hồi hộp mất ngủ, kinh nguyệt không đều, bế kinh, hạ tiêu kết hòn cục, khớp sưng đau, mụn nhọt sưng tấy.

ĐAN SÂM (丹参)

Radix Salviae

Tên khác: Huyết sâm, Xích sâm, Huyết căn, Tử đan sâm.

Tên khoa hoc: Salvia miltiorrhiza Bunge, họ Bạc hà (Lamiaceae).

Tên đồng nghĩaSalvia miltiorrhiza f. alba C.Y.Wu & H.W.Li; Salvia miltiorrhiza var. miltiorrhizaSalvia pogonocalyx Hance

Mô tả:

Cây: Cây thảo lâu năm, cao chừng 40-80cm; rễ nhỏ dài hình trụ, đường kính 0,5-1,5cm, màu đỏ nâu (nên còn có tên là Xích sâm, Huyết sâm, Hồng căn). Lá kép mọc đối, thường gồm 3-7 lá chét; lá chét giữa thường lớn hơn, mép lá chét có răng cưa tù; mặt trên lá chét màu xanh tro, có lông. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, dài 10-15cm, với 6 vòng hoa; mỗi vòng 3-10 hoa, thông thường là 5 hoa, màu đỏ tím nhạt. Tràng hoa 2 môi, môi trên cong hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ ba thuỳ; 2 nhị ở môi dưới; bầu có vòi dài. Quả nhỏ, dài 3mm, rộng 1,5mm. Ra hoa tháng 4-6, kết quả tháng 7-9. 

Dược liệu: Rễ ngắn, thô, đôi khi ở đầu rễ còn sót lại gốc của thân cây. Rễ hình trụ dài, hơi cong queo, có khi phân nhánh và có rễ con dạng tua nhỏ; dài 10-20 cm, đường kính 0,3-1 cm. Mặt ngoài màu đỏ nâu hoặc đỏ nâu tối, thô, có vân nhăn dọc. Vỏ rễ già bong ra, thường có màu nâu tía. Chất cứng và giòn, mặt bẻ gẫy không chắc có vết nứt, hoặc hơi phẳng và đặc, phần vỏ màu đỏ nâu và phần gỗ màu vàng xám hoặc màu nâu tía với bó mạch màu trắng vàng, xếp theo hình xuyên tâm. Mùi nhẹ, vị hơi đắng và se.

Phân bố, sinh thái: Cây đan sâm trồng ở nước ta có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cây trồng ở Trại thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu) tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới vùng núi cao. Cây sinh trưởng phát triển tương đối tốt; ra hoa quả hàng năm; hạt giống thu được đã gieo đi gieo lại nhiều năm. Một số cây đưa xuống Trại thuốc Tam Đảo (Viện Dược liệu) sinh trưởng kém hơn. Đan sâm chưa được đưa vào sản xuất. Những cây còn lại ở Sa Pa chỉ có ý nghĩa để giữ giống

Vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.

Trồng trọt

Đan sâm là cây thuốc nhập nội, ưa khí hậu nóng và ẩm, được trồng chủ yếu ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Cây được nhân giống bằng rễ củ. Khi thu hoạch, chọn những củ có da màu đỏ, đường kính trên dưới 1cm, không bị xây xát, thối, dập, cắt ra thành từng đoạn, dài 2-2,5cm, giâm trong cát ẩm hoặc vườn ươm, đến khi nảy mầm thì đánh đi trồng. Đất vườn ươm phải làm thật nhỏ, tơi xốp, lên thành luống. Các đoạn củ giống được rải đều trên mặt luống, phủ kín đất, sau đó phủ một lớp rơm, rác và tưới ẩm hàng ngàv. Từ khi giâm đến khi nảy mầm, mất khoảng 30-40 ngày.

Đan sâm trồng tốt nhấí vào tháng 2 - 3 để đến tháng 11 - 12 thu hoạch.

Đất trồng cần chọn đất phù sa, đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều màu, cao ráo, thoát nước. Sau khi cày bừa kỹ, cần lên luống cao 20-25cm, rộng 90-120cm, rãnh phải dốc để dể thoát nước. Dùng 15-20 tấn phân chuồng ủ với 1,4-2,8 tấn tro bếp, 270kg supe lân để bón lót cho một hecta. Tốt nhất, nên bón theo hốc để tiết kiệm phân và hạn chế cỏ dại. Hốc được chuẩn bị với khoảng cách 30x30cm. Sau đó, đặt mầm giống, lấp đất và tưới giữ ẩm.

Đan sâm thường trồng trên đất tốt, đủ ẩm nên cỏ dại mọc nhiều. Vì vậy, cần thường xuyên làm cỏ, xới xáo cho đất tơi xốp, thông thoáng. Chú ý càng về sau càng phải xới mạnh, cần bón thúc 2-3 lần, mồi lần dùng 80-100kg urê pha loãng để tưới cho mỗi hecta, lần nọ cách lần kia 25-30 ngày.

Mỗi hom giống thường mọc ra rất nhiều mầm. Cần tỉa bớt, mỗi gốc chỉ giữ lại 2-3 mầm. Khi cây tốt chú ý tỉa bớt lá già. về mùa hè, cây ra hoa, kịp thời ngắt bỏ ngồng hoa để tập trung dinh dưỡng nuôi củ.

Đan sâm thường bị các loại sâu thông thường hại lá. Bệnh thường gặp là héo lá, thối củ, rỉ sắt. Cần phát hiện và phòng trừ kịp thòi.

Năng suất trung bình đạt 10-15 lấn củ tươi/ha.

Thu hái và sơ chế: Thu hái rễ của cây vào tháng 11 – 12 hằng năm, sau đó rửa sạch, bỏ rễ con và phơi khô.

Có thể dùng sống hoặc bào chế bằng cách thái phiến, thêm rượu và ủ trong vòng 1 giờ, sau đó đem sao với lửa nhỏ cho khô (theo tỷ lệ 10:1).

Bảo quản: Dược liệu cầnb ảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ẩm, gió và côn trùng.

Bộ phận dùng: Dược liệu là rễ (Radix Salviae) đã phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia mitiorrhiza).

Thành phần hoá học : Các dẫn chất có nhóm ceton (tansinon I, tansinon II, tansinon III) và chất tinh thể màu vàng cryptotanshinon, isocryptotanshinon, methyl-tanshinon.. Ngoài ra còn có acid lactic, phenol, vitamin E.

1. Phenol và acid phenolic:

Danshensu, acid rosmarinic, OH acid rosmarinic methyl ester, các acid salvianolic A, B, C, G, acid lithospermic, acid lithospermic dimethyl ester.

2. Các hợp chất diterpen: Militrion, salviol, Ro 09 - 0680, feruginol, dehydromiltrion, miltiodiol, miltionon, danshenspirocetal lacton, epi-danshenspirocetal lacton, tanshinon I, tanshinon IIA, tanshinon IIB, methyltanshinonat, hydroxytanshinon, HA, cryptotanshinon, dihydro-tanshinon I, przewaquinon A, przewaquinon B, miltionon II, tanshinlacton, isocryptotan-shinon, isotanshinon I, isotanshinon IIA, danshenxinkun D, silvilenon.

3. Các thành phần khắc : ß-sitosterol, tanin, vitamin E

Tác dụng dược lý : 

1. Cao rễ đan sâm có tác dụng trên rối loạn vi tuần hoàn gây bởi noradrenalin ở túi má chuột hang (hamster), làm giãn tiểu động mạch và tăng tốc độ vi tuần hoàn. Cũng nhận xét thấy tác dụng tương tự ở vi tuần hoàn tĩnh mạch và mao mạch. Tiêm dẫn chất tanshinon II nalri sulfonat của hoạt chất tanshinon Img/kg vào đầu phía xa của động mạch vành đi xuống, ở xa chỗ tắc, làm giảm có ý nghĩa kích thước của nhồi máu cơ tim cấp tính 24 giờ sau khi cho thuốc. Kích thước vùng thiếu hụt mạch giảm đáng kể hoặc mất đi. Tác dụng tốt của tanshinon II natri sulfonat trên thiếu máu cục bộ của tim có liên quan với sự thúc đẩy mở nhanh những nhánh mạch vành. Thử nghiệm lâm sàng trên 180 bệnh nhân có bệnh mạch vành tim chứng tỏ chất nêu trên có tác dụng cải thiện bệnh trên điện tâm đồ cũng như về lâm sàng đối với đau thắt ngực và tức ngực.

Tanshinon II natri sulfonat có tác dụng in vitro ổn định màng hồng cầu, làm tăng sức kháng của hồng cầu đối với sự tan huyết gây bởi dung dịch nhược trương, nhiệt lượng, pH thấp hoặc saponin. Không nhận xét thấy tác dụng độc ở chuột nhắt và chuột cống trắng sau khi cho uống hoặc tiêm dưới da cao đan sâm. Cao đan sâm có tác dụng hạ sốt ở thỏ, chống viêm ở chuột cống trắng có viêm khớp nhiễm khuẩn và ở chuột nhắt trắng có viêm tai gây bởi dầu ba đậu. Ngoài ra, những sắc tố có liên quan với tanshinon có hoạt tính kìm vi khuẩn chống tụ cầu khuẩn vàng và những chủng kháng với kháng sinh của vi khuẩn này và chốngMycobacterium sp. Tuy nhiên, những sắc tố này gắn vào protein huyết tương với mức độ khác nhau, làm giảm có ý nghĩa hoạt tính kìm vi khuẩn.

Đã nghiên cứu dược động học với chất phóng xạ [3H] tanshinon II natri sulfonat ở chuột cống trắng, thấy hoạt tính phóng xạ cao nhất ở gan, tiếp đến ở lách, thận và phổi sau khi tiêm tĩnh mạch. Hoạt tính phóng xạ đạt mức độ đỉnh trong phủ tạng 2 giờ sau khi tiêm. Nửa đời của thuốc trong hai giai đoạn nhanh và chậm là 27 và 199 phút tương ứng. Trong vòng 72 giờ, 75% hoạt tính phóng xạ đưa vào được thải trừ trong phân và 18% trong nước tiểu. Đã phát hiện 3 chất chuyển hoá bằng sắc ký lớp mỏng và phóng xạ tự chụp từ mật, nước tiểu và phân. Sau khi đưa cryptotanshinon vào tá tràng chuột cống trắng, chất này đã biến đổi thành tanshinon II do hydrogen hoá trong gan.

Chất acid 3,4-dihydroxyphenyllactic (danshensu) trong rễ đan sâm gây giãn động mạch vành lợn cô lập, và đối kháng với đáp ứng co mạch gây bởi morphin và propranolol. Những tương tác này có tầm quan trọng thực tiễn khi có thể dùng morphin hoặc propranolol phối hợp với danshensu để điều trị cơn đau thắt ngực nặng. Mặt khác, danshensu có tác dụng đối kháng với đáp ứng co động mạch vành gây bởi môi trường có nồng độ cao kali. Nước sắc rễ đan sâm còn làm giảm lượng GPT huyết thanh tăng cao và giảm những biến đổi bệnh lý ở thỏ có thương tổn gan cấp tính gây bởi carbon tetraclorid. Trong thử nghiệm lâm sàng, thuốc này cũng có tác dụng phục hồi chức năng gan và dự phống xơ hoá gan.

Đã nghiên cứu tác dụng của nhân sâm trên tính biến dạng của hồng cầu. Ủ hổng cầụ của 16 người cho máu trong dung dịch cao đan ^âm ở những nồng độ khác nhau trong 1 giờ ở 37,5° C. Sau đó, những dịch treo loãng của hồng cầu đã ủ với thuốc và hồng cầu đối chứng chịu tác động của lực keó với mức độ tăng dần trong một máy điện nghiệm. Kết quả cho thấy sự tăng có ý nghĩa về tính kéo dãn (10-20%), và sự phục hồi hình dạng của hồng cầu ủ với đan sâm nhanh hơn (7-25%). Các thành phần trong đan sâm: miltrion và salvinon có tác dụng ức chế sự kết tập tiểu cầu in vitro. Đan sâm có tác dụng bảo vệ cơ tim chống lại những rối loạn về chức năng và chuyển hoá gây bởi thiếu hụt oxy.

Một bài thuốc Trung Quốc gồm đan sâm, xuyên khung, nụ hoè và một số vị khác được áp dụng điều hoà huyết khối não trên bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy thuốc có xu hướng làm giảm độ nhớt của máu, độ nhớt của huyết thanh, tỷ lệ thể tích huyết cầu và tỷ lệ % kết tập tiểu cầu và làm tăng tốc độ điện di hồng cầu. Nghiên cứu độc chất học cho thấy thuốc có tính an toàn, không có tác dụng phụ đáng kể. Nghiên cứu ảnh hưởng trên sự phục hồi của lực co của tứn sau sự giảm oxy không khí thở vào ở tim chuột cống trắng cho thấy, khi cho tác động trên tim hợp chất phân lập từ đan sâm 3-alpha-hydroxymethylen tanshinquinon với 500 µM, đã nhận xét thấy sự phục hồi 16% của lực co sau sự giảm oxy máu thở vào, trong khi không thấy có sự cải thiện ở tim chuột cống trắng được truyền với một số hợp chất khác của đan sâm.

Tất cả các thành phần của đan sâm đều ức chế sự peroxy - hoá lipid gây bởi NADPH-vit C và Fe2+- cystein ở những tiểu thể não, gan và thận chuột cống trắng in vitro. Thứ tự của tác dụng ức chế là : acid salvianolic A, acid salvianolic B, và acid rosmarinic. Tác dụng ức chế sự peroxy - hoá lipid gây bởi NADPH-vit c mạnh hơn sự peroxy hoá lipid gây bởi Fe2- cystein. Ngoài ra, 3 hợp chất trên làm giảm sản sinh gốc anion superoxyd (O2) trong hệ xanthin-xanthin oxydase. Thứ tự của hoạt tính này tương tự như thứ tự về chống peroxy-hoá lipid, cho thấy hoạt tính mạnh in vitro chống peroxy-hoá lipid của các thành phần của đan sâm có thể một phần do thu nhặt loại bỏ những anion superoxyd.

Áp dụng liệu pháp ion hoá với nước sắc đan sâm, huyền hồ (radix Corydalis) ở vùng trước tim cùng với dung dịch acid nicotinic trong điều trị chứng đau vùng trước tim trên 36 bệnh nhân. Kết quả điều trị tốt ở 52,8% bệnh nhân dùng liệu pháp trên, so với 23,3% ở nhóm bệnh nhân đối chiếu dùng thuốc giãn mạch và hạ lipid máu uống thông thường. Bình thường lượng catecholamin trong nước tiểu tăng lên ở bệnh nhân có hội chứng nhiệt và giảm ở bệnh nhân có hội chứng hàn. Nhưng khi điều trị với bài thuốc cổ truyền có đan sâm, hoàng kỳ, vân mộc hương, cam thảo và riềng, catecholamin lại giảm ở người có hội chứng nhiệt và tăng ở người có hội chứng hàn. Sự điều chỉnh trạng thái này có vẻ là một trong những nguyên lý điều trị trong y học cổ truyền Trung Quốc.

Những nghiên cứu lâm sàng cho thấy có mối liên quan giữa tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, trị ứ máu của đan sâm trong y học cổ truyền vối sự chẩn đoán của y học hiện đại về tác dụng điều trị bệnh tim mạch, viêm mạch tạo huyết khối nghẽn và huyết khối tắc mạch não. Đã điều trị 23 ca bệnh thần kinh ngoại biên đái tháo đường với thuốc tiêm bào chế từ đan sâm và sinh địa trong 14 lần. Sau điều trị, những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên được cải thiện có ý nghĩa. Liệu pháp này có thời gian điều trị ngắn và hiệu quả đáng kể. Cơ chế có thể là do sự cải thiện vi tuần hoàn.

Acid salvianolic A trong rễ đan sâm ức chế H+, K+-ATPase và p-nitrophenyl phosphat ở dạ dày lợn. Acid salvianolic A có tác dụng ức chế cạnh tranh đối với ATP và không cạnh tranh đối với K+. Acid salvianolic A ức chế có ý nghĩa sự tiết acid ở dạ dày chuột cống trắng thắt môn vị và làm giảm có ý nghĩa thương tổn dạ dày gây bởi việc ngâm chuột trong nước và stress do gò bó. Như vậy, acid salvianolic A có hoạt tính chống tiết và chống ỉoét có thể do ức chế

ATPase ở dạ dày. Chất salviolon phân lập từ rẽ tươi đan sâm biểu lộ hoạt tính độc hại tế bào. Đan sâm làm tăng tốc độ cử động của răng chỉnh hình lên 1,6 lần. Xét nghiệm mô học cho thấy sự tiêu xương ở phía chịu áp lực của răng cử động rõ rệt hơn ở nhóm động vật thử thuốc so với nhóm đối chứng.

Tính vị: Vị đắng, không có độc, tính hơi hàn.

Qui kinh: Can, Tâm và Tâm bào.

Công năng: Khứ ứ chỉ thống, hoạt huyết thông kinh, thanh tâm trừ phiền.

Công dụng: Chữa hồi hộp mất ngủ, kinh nguyệt không đều, bế kinh, hạ tiêu kết hòn cục, khớp sưng đau, mụn nhọt sưng tấy.

Cách dùng, liều lượngNgày 6 - 12g, dạng thuốc sắc.

Bào chế: 

Đan sâm khô, loại bỏ tạp chất và thân sót lại, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi khô để dùng.

Tửu đan sâm (Chế rượu): Lấy đan sâm đã thái phiến,  thêm rượu, trộn đều dược liệu với rượu, đậy kín, để 1 giờ cho ngấm hết rượu, đem sao nhỏ lửa đến khô, lấy ra, để nguội. Cứ 10 kg đan sâm cần 1 lít rượu.

Bài thuốc:

1. Chữa kinh nguyệt không đều, động thai, đẻ xong máu hôi không ra hết, đau khớp xương: Dùng Ðan sâm rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, tán nhỏ, ngày uống 8g chia 3 lần, chiêu thuốc với nước nóng. 

2. Chữa viêm gan mạn tính hoặc sưng gan, đau vùng gan: Dùng Ðan sâm, Cỏ nọc sởi, mỗi vị 20g, sắc uống hàng ngày. 

3. Chữa phong nhiệt, ghẻ lở: Dùng Ðan sâm 20g, Thổ sâm 16g, Sà sàng (hạt) 16g, nấu nước để rửa khi còn nóng. 

4. Chữa tim sưng đau, hoặc điên cuồng, tâm thần hoảng hốt: Dùng Ðan sâm, Mạch môn, Ngưu tất, Sinh địa, mỗi vị 20g, Tâm sen sao, Hoàng liên (hay Dành dành) mỗi vị 8g, sắc uống.

5. Chữa viêm khớp cấp tính: Hy thiêm thảo, thổ phục linh, kim ngân hoa và ké đầu ngựa mỗi thứ 20g, đan sâm 12g, tỳ giải và kê huyết đằng mỗi thứ 16g, cam thảo nam và ý dĩ mỗi thứ 12g. Đem các vị sắc thành nước và dùng hàng ngày.

6. Chữa thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và mất máu ở phụ nữ sau khi sinh nở: Địa hoàng 12g, đan sâm 8g, mạch môn 10g, huyền sâm 12g, thiên môn 10g, toan táo nhân, phục linh, đương quy, bá tử nhàn và viễn chí mỗi thứ 8g, cát cánh 6g, ngũ vị tử 6g và chu sa 0.6g. Để chu sa riêng, các vị khác sắc và uống cùng với chua sa. Hoặc tán bột và làm thành viên, mỗi ngày dùng 20g.

7. Chữa viêm khớp đi kèm với tổn thương ở tim: Kim ngân hoa 20g, đảng sâm 16g, bạch truật 16g, đương quy 12g, đan sâm 20g, hoàng kỳ 16g, hoàng bá 12g, liên kiều 12g, táo nhân 8g, hoàng cầm 12g, phục linh 8g, viễn chí và mộc hương mỗi thứ 6g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

8. Chữa đau nhói vùng tim và đau tức ở ngực: Uất kim, xuyên khung và trầm hương mỗi thứ 20g, hương phụ chế, qua lâu, xích thược và hẹ mỗi thứ 12g, đan sâm 32g và đương quy vĩ mỗi thứ 10g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

9. Điều trị thấp khớp mãn tính thể nhiệt: Cốt toái bổ, kê huyết đằng, rau máu, hy thiêm, độc hoạt, thổ phục linh, đan sâm, thạch cao, địa hoàng, uy linh tiên, khương hoạt, thiên hoa phấn mỗi thứ 12g, cam thảo 4g và bạch chỉ nam 8g. Đem sắc uống mỗi ngày 1 thang.

10. Điều trị thấp khớp thể hàn: Đảng sâm 20g, đan sâm 12g, ngưu tất 10g, u chát chìu, thục địa, thổ phục linh, độc hoạt, tang ký sinh, kê huyết đằng, xích thược, thiên niên kiện, khương hoạt và đỗ trọng mỗi thứ 12g, nhục quế 8g, hoài sơn 16g. Đem các vị sắc uống mỗi ngày.

11. Chữa suy nhược thần kinh và mất ngủ: Viễn chí 4g, quả trắc bá, đan sâm, táo nhân sao và liên tâm mỗi thứ 8g. Đem sắc mỗi ngày 1 thang.

12. Chữa xơ gan giai đoạn đầu: Nhân trần 20g, đan sâm 16g, bạch truật 12g, cam thảo, gừng, đại táo và đại phúc bì mỗi thứ 6g, ý dĩ 16g, bạch thược, hoàng kỳ, bạch linh và sài hồ mỗi thứ 10g, chi tử và ngũ gia bì mỗi thứ 8g. Sắc các dược liệu, ngày dùng 1 thang.

13. Chữa động kinh: Đảng sâm, kỷ tử, bạch truật và hà thủ ô mỗi thứ 12g, cam thảo và trần bì mỗi thứ 6g, đan sâm 8g, phục linh, bột rau thai nhi và viễn chí mỗi thứ 8g, cam thảo và trần bì mỗi thứ 6g. Đem các vị sắc uống hoặc tán bột làm thành viên.

14. Chữa đau dây thần kinh liên sườn: Bạch thược, đan sâm, uất kim, thanh bì, bạch truật, bạch linh và sài hồ mỗi thứ 8g, gừng 4g, hương phụ, bạc hà và cam thảo mỗi thứ 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

15. Chữa di chứng của viêm não Nhật Bản: Quyết minh tử sao 16g, huyền sâm, đơn bì, bạch thược, sinh địa, huyền sâm, đơn bì và bạch thược mỗi thứ 12g, đan sâm 12g, liên tâm, hoàng bá, câu dằng và lá bọ mẩy mỗi thứ 8g. Đem các vị sắc uống.

16. Chữa đinh râu: Kim ngân hoa, thạch cao và bồ công anh mỗi thứ 40g, tạo giấc thính 16g, đan sâm và sinh địa mỗi thứ 12g. Đem sắc uống.

17. Trị viêm tắc động mạch chi: Đương quy vĩ 16g, hoàng kỳ và đan sâm mỗi thứ 20g, tô mộc, hồng hoa, nhũ hương, bạch chỉ, xích thược, đào nhân, một dược, nghệ, quế chi mỗi thứ 12g. Đem các vị sắc uống.

18. Chữa đại tiện ra máu, chảy máu mũi hoặc chảy máu dưới da: Mao căn 40g, hồng hoa 4g, đan sâm 12g, đơn bì, liên kiều, xích thược, ích mẫu và bạch thược mỗi thứ 12g. Đem các vị sắc uống.

19. Điều trị sốt xuất huyết: Bồ công anh 100g, mộc thông, thông thảo, huyền sâm và xa tiền mỗi thứ 16g, đan sâm 12g và sài đất 40g, tạo giác thích 8g. Đem sắc uống.

20. Chữa mất kinh: Hoàng kỳ, đảng sâm và bạch truật mỗi thứ 12g, ngưu tất, thăng ma, đương quy, bạch thược và sài hồ mỗi thứ 8g, đan sâm 8g, cam thảo 4g và trần bì 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Kiêng kỵ:

- Không dùng chung với Lê lô. 

- Một số dược liệu có trong bài thuốc từ đan sâm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của phụ nữ mang thai. Do đó bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org