Logo Website

ĐỊA LONG

21/07/2020
Địa long có tên khoa học: Pheretima asiatica Michaelsen, họ Cự dẫn (Megascolecidae). Công dụng: Chữa sốt rét, sốt, ho hen do tác dụng làm dãn phế quản. Dùng chữa bệnh cao huyết áp, cứng mạch máu, nhức đầu.

ĐỊA LONG (地 龍)

Tên khác: Khâu dẫn, Giun đất, Khúc đàn, Ca nữ, Phụ dẫn

Tên khoa học: Pheretima asiatica Michaelsen, họ Cự dẫn (Megascolecidae).

Mô tả: Toàn thể đã được cắt phẫu, biểu hiện một phiến dài nhỏ cong nhăn teo, dài chừng 12cm-20cm, rộng chừng 10mm-17mm, toàn thân có nhiều khoang vòng, hai đầu dầy mà cứng còn có sợi thịt mỏng tồn tại, chính giữa rất nhỏ, bán trong suốt, hai bên có màu đen tro, chính giữa màu vàng nâu, chất thu khó bẻ gẫy.

Phân bố, sinh thái

Giun đất phân bố ở nhiểu nước, ở Việt Nam, giun sống phổ biến khắp nơi ở vùng đồng bằng, trong đất ẩm, xốp, có nhiều mùn. Khi trời mưa, do úng ngập, giun bò lên mặt đất rất nhiều. Giun ăn đất, lọc lấy chất mùn rồi thải bã ra ngoài. Giun là loài lưỡng tính, có cả bộ phận đực và cái trên một cá thể. Muốn bắt giun đất, người ta đổ nước bồ kết hoặc nước rau nghể vào những chỗ có nhiều giun.

Giun đất ưa sống ở những nơi đất ẩm và giàu mùn hữu cơ. Ban ngày chúng lẫn ở dưới đất, đêm khuya khi sương xuống mới ngoi lên. Mật độ của giun đất thay đổi tùy theo đặc điểm lý hóa của đất, và chính hoạt động của giun đất đã đóng góp phần đáng kể trong việc thay đổi đặc điểm lý hóa được. Giun đất thường phân bố hẹp. Loại có khoang trắng tốt nhất.

Hiện nay, có nơi người ta nuôi giun để lấy thức ăn cho ba ba, gà, vịt...

Bộ phận dùng: Vị thuốc là toàn thân bỏ ruột phơi khô của con Giun đất (Pheretima asiatica Michaelsen.)

Thu bắt: Đào lấy thứ khoang cổ, loại gìa. Hay gặp nơi mô đất ẩm, đền đình chùa, gốc bụi chuối lâu năm. Muốn bắt dễ dàng, lấy nước lá Nghễ răm hay nước Bồ kết, nước Chè, ngâm nước đổ lên đất thì giun bò trườn lên. Người ta bắt bỏ nó vào thùng có chứa sẵn lá tre, rơm hoặc tro, rồi rửa sạch bằng nước ấm cho sạch chất nhớt, ép đuôi vào gỗ sau đó mổ dọc thân giun, rửa sạch đất trong bụng, phơi hoặc sấy khô cất dùng. Không dùng giun tự nhiên lên mặt đất (có bệnh mới lên).

Cách chế biến:

Bắt giun cho vào tro bếp, dùng rơm xát nhẹ hoặc rửa bằng nước bồ kết hay nước phèn chua cho sạch lớp nhớt bên ngoài (như làm lươn). Sau đó, cắt bỏ đầu, tuốt cho ra hết đất cát trong bụng, rồi lộn lớp da phía trong của giun ra ngoài bằng một que nhỏ. Dùng nước ấm rửa nhiều lần cho sạch, lần cuối rửa bằng nước nóng có pha ít muối, rồi đem phơi hoặc sấy khô. Có nơi, người ta không rửa nước mà rửa toàn bằng rượu (cách làm thứ nhất). Hoặc sau khi xát hết nhớt, cắt bỏ đầu và đuôi, luồn một dao nhỏ hay que nứa vào rạch bụng, banh ra, rửa sạch đất cát, tẩm rượu cho giun săn lại, rồi sấy khô (cách làm thứ hai).

Dược liệu địa long, theo cách làm thứ nhất, có hình trụ tròn, cong queo, đường kính khoảng 0,2 - 0,5cm, mặt ngoài nhăn nheo, màu nâu xám nhạt, có đốt vòng, đỉnh đầu bằng có lỗ nhỏ. Hoặc theo cách làm thứ hai, có hình bản dài và mỏng, mặt ngoài màu nâu bóng, mặt trong nâu xỉn, mép uốn lượn, hơi cuộn lại, chất nhẹ, hơi dai. Loại màu nâu, thịt dày là tốt.

Khi dùng, thái nhỏ, tẩm rượu gừng, sao qua, tán thành bột mịn.

Thành phần hoá học: 

Trong giun đất có chất lumbrifebrin, lumbritin, teưestrolumbrolysin, chất béo, muối vô cơ, hypoxanthin và nhiều acid amin cần thiết cho cơ thể như alanin, adenin, tyrosin, cholin, lysin, methionin, valin..., các vitamin A, D, E, chất béo.

Tính vị: vị mặn, hơi tanh, tính lạnh, không độc.

Quy kinh: Tỳ, vị và thận

Công năng: Thanh nhiệt và kiềm phong nội sinh, dịu cơn hen, lợi tiểu.

Công dụng: Dùng theo kinh nghiệm dân gian để chữa sốt rét, sốt, ho hen do tác dụng làm dãn phế quản. Dùng chữa bệnh cao huyết áp, cứng mạch máu, nhức đầu. 

Dùng ngoài, giun đất đốt tồn tính, tán nhỏ, trộn với mỡ lợn, bôi chữa lở vành tai. Hoặc bột giun đất, trộn với lòng trắng trứng gà, đánh cho nhuyễn, phết vào chỗ đau chữa sưng dái ở trẻ em (Nam dược thần hiệu).

Ngoài ra, phân giun hoà với nước uống cũng có tác dụng chữa sốt nóng phát cuồng; giã nhỏ trộn với mỡ lợn, bôi chữa chốc lở ở trẻ em.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc 2-4g dưới dạng thuốc bột.

Bài thuốc:

1. Chữa co giật và co thắt do sốt cao: dùng phối hợp địa long với câu đằng, bạch cương tàm và toàn hạt. 

Giun đất (30g), quả trám trắng (l00g). Cả hai thứ phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn đều với hồ hoặc mật làm thành viên chừng 5 g. Mỗi ngày uống 6 vién chia làm hai lần trước bữa ăn.

2. Hội chứng ứ bế thấp nhiệt biểu hiện như các khớp đau, đỏ và sưng và suy yếu vận động: dùng phối hợp địa long với tang chi, nhẫn đông đằng và xích thược. 

3. Chữa liệt nửa người: Lương y Nguyễn An Định đã dùng giun đất phối hợp với dậu đen, đậu xanh và rau ngót trong bài thuốc "Thần dược cứu mệnh" chữa khỏi bệnh nhân đã liệt nửa người. Năm 1959, nhiều gia đình nấu cháo giun cho trẻ em ăn đã đẩy lùi được dịch sốt bại liệt trẻ em, tránh được biến chứng.

4. Chữa sốt rét: Giun đất (12g), vỏ thân hoặc rễ cây xoan rừng (12g), hậu phác nam (12g), gừng (8g), trần bì (8g), dây thần thông (8g). Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với hồ làm thành viên, uống hết trong một ngày.

5. Chữa cấm khẩu: Giun đất, lông nhím và quả bồ kết (lượng bằng nhau) phơi khô, đốt thành than, tán bột. Mỗi lần uống 4- 8g với nước ấm. Ngày hai lần.

6. Chữa sốt phát ban, sốt xuất huyết: Giun đất (5- 6 con), cỏ nhọ nồi (l0g), bạc hà (8g), trắc bá (8g), lá dâu (8g), kinh giới (8g), củ sả (5g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày (Kinh nghiệm của tỉnh An Giang).

7. Chữa bán thân bất toại do tắc kinh lạc do thiếu khí và ứ máu: dùng phối hợp địa long với đương qui, xuyên khung và hoàng kỳ dưới dạng bổ dương hoàn ngũ thang. 

8. Chữa tích nhiệt ở bàng quang biểu hiện như đi tiểu ít: dùng phối hợp địa long với xa tiền tử và mộc thông. 

9. Chữa hen: dùng phối hợp địa long với ma hoàng và hạnh nhân.  

10. Chữa huyết áp cao: Địa Long được bắt về sẽ làm sạch nhớt bằng tro bếp hay rơm, sau đó được rửa lại với nước bồ kết hoặc phèn chua. Cắt đi phần đầu và đuôi của giun, tuốt bỏ hết đất trong bụng rồi dùng một que nhỏ lộn lớp da bên trong ra để rửa sạch bằng nước nóng hay nước muối rồi đem phơi hoặc sấy khô.

Chữa huyết áp cao bằng Đông Y thì cần địa long và thêm 50g thịt gà, 50g cần tây, 10g cao ngựa, 10g nấm hương, 5g hành, 5g gừng, 5g muối cùng với 12g địa Long. Sau đó cho tất cả vào ấm nấu cùng 100ml nước đến khi nhừ và ăn hết trong một ngày. Bài thuốc tuy công đoạn phức tạp nhưng lại vô cùng hiệu nghiệm, các bạn kiên trì thực hiện.

Kiêng kỵ:  Hư hàn mà không có thực nhiệt thì cấm dùng. Sợ Hành.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)