Logo Website

ĐINH LĂNG

23/07/2020
Đinh lăng có tên khoa học: Polyscias fruticosa (L.) Harms, họ Ngũ gia (Araliaceae). Công dụng: Chữa cơ thể suy nhược, tiêu hoá kém, sốt, sưng vú, ít sữa, nhức đầu, ho, ho ra máu, thấp khớp, đau lưng.

ĐINH LĂNG

Radix, Caulis et Folium Polyciatis

Tên khác: Cây gỏi cá, Nam dương lâm, Đinh lăng lá nhỏ.

Tên khoa học:  Polyscias fruticosa (L.) Harms, họ Ngũ gia (Araliaceae). 

Tên đồng nghĩaAralia deleauana L.Linden; Aralia fruticosa (L.) L.H.Bailey; Aralia tripinnata Blanco; Nothopanax fruticosus (L.) Miq.; Nothopanax fruticosus var. plumata (W.Bull ex W.Richards) Merr.; Nothopanax fruticosus var. plumatus (W. Bull ex W. Richards) Merr.; Panax aureus Sander; Panax diffusus W.Bull; Panax dumosus W.Bull; Panax fissus W.Bull; Panax fruticosus L.; Panax fruticosus var. crispus W.Bull ex Rafarin; Panax fruticosus var. deleauanus (L.Linden) N.E.Br.; Panax plumatus Barb.Rodr.; Panax plumatus W.Bull ex W.Richards; Polyscias fruticosa var. plumata (W.Bull ex W.Richards) L.H.Bailey; Tieghemopanax fruticosus (L.) R.Vig.

Mô tả:

Cây: Đinh lăng thuộc loại cây nhỏ, cao 0,8-1,5m. Cây có lá kép, mọc so le, lá 3 lần xẻ lông chim, mép khía có răng cưa. Hoa nhỏ, màu trắng xám, tụ tập thành chùm tụ tán ở đầu cành. Quả dẹt, dài 3-4mm, dày khoảng 1mm. Lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng, dân gian gọi nôm na là mùi "thuốc bắc". Lá tươi không có mùi thơm này. Mùa hoa quả: tháng 4 - 7.

Bột dược liệu: Bột rễ Đinh lăng có màu vàng, thể chất tơi thô, không có mùi, có vị ngọt gồm các thành phần sau: Nhiều hạt tinh bột hình chuông, hình đa giác, đường kính từ 10-20 µm nằm riêng lẻ, hạt tinh bột kép 2, 3, 4 hay tụ tập thành khối. Mảnh bần tế bào đa giác, kích thước khác nhau, vách dày, màu vàng. Mảnh mô mềm tế bào hình chữ nhật, kích thước khác nhau chứa tinh bột, vách mỏng. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai, hình khối kích thước khác nhau. Nhiều mảnh mạch vạch có khoang rộng.

Bộ phận dùng: Rễ, thân, cành, lá (Radix, Caulis et Folium Polyciatis).  

Phân bố, sinh thái

Đinh lăng có nguồn gốc ở vùng đảo Polynésie ở Thái Bình Dương. Cây được trồng ở Malaysia, Indonesia, Campuchia, Lào... ở Việt Nam, đinh lăng cũng có từ lâu trong nhân dân và được trồng khá phổ biến ở vườn gia đình, đình chùa, trạm xá, bệnh viện... để làm cảnh, làm thuốc và rau gia vị.

Đinh lăng là loại cây ưa ẩm và có thể hơi chịu bóng, trồng được trên nhiều loại đất; thậm chí với một lượng đất rất ít trong chậu nhỏ, cây vẫn có thể sống được, theo kiểu cây cảnh bonsai. Trồng bằng cành sau 2-3 nămcây có hoa quả. Chưa quan sát được cây con mọc từ hạt.

Đinh lăng có khả năng tái sinh vô tính khoẻ. Với một đoạn thân hoặc cành cắm xuống đất đều trở thành cây mới.

Trồng trọt:

Đinh lăng được trồng phân tán ở khắp nơi, để làm cảnh, lá làm gia vị, rễ làm thuốc. Hiện nay, một số nơi đã bắt đầu trồng đinh lăng ở quy mô sản xuất thử (1000 - 2000m2).

Đinh lăng được nhân giống bằng cành. Trong dân gian, khi trồng một vài cây trong chậu, trong bồn, góc sân, góc vườn,... người ta chỉ cần lấy một đoạn thân cành cắm xuống đất là được. Nếu trồng lớn, chọn cành bánh tẻ có đường kính 1-1,5 cm, cắt thành đoạn dài 5-7 cm, giâm trong cát ẩm (70%). Sau 7-10 ngày, hom giống nảy mầm và sau 1,5 - 2 tháng có thể ra ngôi. Cành giâm lúc đầu chỉ ra rễ ở đầu dưới của cành. Thực tiễn thấy rằng, rễ này nhỏ và chất lượng kém hơn rễ phát sinh từ gốc chồi tái sinh. Tuy nhiên, chồi tái sinh của đinh lăng ra rễ rất chậm. Đó là lý do tại sao đinh lăng lâu được thu hoạch. Vấn đề này đang được nghiên cứu để tìm giải pháp khắc phục.

Đất trồng đinh lăng cần nhiều màu, tầng canh tác sâu, tơi xốp, cao ráo, thoát nước và tiện tưới. Sau khi làm đất, khơi rãnh thoát nước hoặc lên thành luống, bứng cây con ra trồng với khoảng cách 0,8 x 0,6m. Mỗi gốc cây, cần bón lót 3 - 5 kg phân chuồng hoai mục. Đinh lăng trồng được quanh năm, tốt nhất là giâm cành vào tháng 5 - 6 và trồng vào tháng 7-8. Khi trồng nên cắt bớt lá để hạn chế thoát hơi nước, giúp cây nhanh hồi phục. Cây ưa bóng và ưa ẩm nên có thể trồng xen dưới tán cây trong vườn. Thường xuyên làm cỏ, nhất là lúc mới trồng.

Từ giữa mùa xuân đến mùa thu, thời kỳ cây sinh trưởng mạnh, cần bón thúc cho cây. Dùng nước phân chuồng, nước giải pha loãng, phân vi sinh hoặc NPK, liều lượng tuỳ mức độ sinh trưởng của cây.

Đinh lăng không có sâu bệnh nghiêm trọng. Cây trồng sau 7 - 1 0 năm mới được thu hoạch. Cây càng già, năng suất và chất lượng rễ càng cao.

Thu hái, sơ chế: Rễ, thu hái vào mùa thu ở cây đã trồng từ 3 năm trở lên; thái lát phơi hoặc sấy khô.

Bào chế: Đem rễ tẩm nước gừng tươi sao sơ qua, sau đó tẩm với mật ong và mật mía.

Bảo quản: Nơi khô thoáng, tránh ẩm và ánh nắng mặt trời.

Thành phần hoá học:  Saponin triterpenic

Vỏ rễ và lá đinh lăng chứa saponin, alcaloid, các vitamin B1, B2, B6, vitamin C, 20 acid amin, glycosid, alcaloid, phytosterol, tanin, acid hữu cơ, tinh dầu, nhiều nguyên tố vi lượng và 21,10% đường. Trong lá còn có saponin triterpen (1,65%), một genin đã xác định được là acid oleanolic.

Từ lá đinh lăng, Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh thuộc Viện Dược liệu đã phân lập được 5 hợp chất polyacetylen là panaxynol, panoxydol, heptadeca-1,8 (E)-dien-4,6 diyn-3,10 diol, heptateca-1,8 (E)-dien-4,6 diyn-3 ol-10 on và heptadeca-1,8 (Z)-dien-4,6 diyn-3 ol-10 on. Hai hợp chất sau chỉ có trong lá đinh lăng mà chưa thấy trong các cây khác thuộc chi Panax và họ Araliaceae. Trong rễ đinh lăng cũng tìm thấy 5 hợp chất polyacetylen, nhưng chỉ có panoxydol, panaxynol và heptadeca-1,8 (E)-dien-4,6 diyn-3,10 diol là trùng hợp với các chất trong lá. Ba chất này có tác dụng kháng khuẩn mạnh và chống một số dạng ung thư.

Tác dụng dược lý:

- Tăng lực trên động vật thí nghiệm và trên người. Thân và lá cũng có tác dụng tăng lực nhưng yếu hơn so với rễ.

- Bổ, làm tãng cân đối với động vật và người. Thân và lá cũng có tác dụng này, nhưng yếu hơn.

- Làm tăng hiệu lực điều trị của cloroquin trong bệnh sốt rét thực ngiệm trên động vật.

- Tăng co bóp tử cung và tăng tiết niệu.

- Tác dụng an thần và ít độc.

Đinh lăng đã được nghiên cứu và chứng minh có tác dụng nội tiết kiểu oestrogen.

Nước sắc đinh lãng có tác dụng kháng đối với trùng roi Euglena viridis, trùng tiêm mao Paramecium caudatum và một số động vật nguyên sinh khác trong nước ngâm rodĩi và nước ao. Nước sắc đinh lăng còn có tác dụng chống choáng phản vệ ở mức độ vừa, bảo vệ được 60% chuột lang qua cơn choáng.

Dựa theo kinh nghiệm dân gian, đinh lăng được áp dụng điều trị bệnh nhân lỵ amip cấp. Sau 10 ngày, hết triệu chứng lâm sàng, yà sau 16 ngày xét nghiệm lại, trong phân hết thể amip thực huyết, hết kén.

Đinh lăng có tác dụng kháng Entamoeba histolytica, làm đơn bào co thành kén và có tác dụng kích thích miễn dịch gây chuyển dạng lympho bào trong thí nghiệm nuôi cấy in vitro.

Đinh lăng đã được nghiên cứu tác dụng kích thích miễn dịch không đặc hiệu trong thí nghiệm gây mẫn cảm chuột nhắt bằng hồng cầu cừu. Sau đó 4 ngày, mổ tách tế bào lách và ủ với kháng nguyên trong môi trường. Đếm số tế bào tạo mảng dung huyết và thấy đinh lăng thể hiện tác dụng kích thích miễn dịch mạnh. Đã thử tác dụng chống trầm uất theo nghiệm pháp "trạng thái thất vọng" và thấy đinh lăng có tác dụng giảm "trạng thái thất vọng", chống trầm uất. Trong thí nghiệm trên động vật được uống đinh lăng cũng như trong thí nghiêm in vitro, ủ tổ chức não hoặc gan với dịch chiết đinh lăng và sau đó định lượng hoạt độ men MAO, thấy đinh lăng có tác dụng ức chế mạnh hoạt độ men MAO ở não và gan. Đinh lăng còn có tác dụng giảm chứng tăng cholesterol trong máu gây theo cơ chế nội sinh bằng Tween 80.

Dịch chiết đinh lăng còn được thử tác dụng đối với ATPase màng tế bào, và thấy Na+ATPase đều được kích thích bởi dịch chiết thân, rễ và lá của cây. Đối với ATPase dạng hoà tan, kết quả tương tự như ATPase của màng tế bào. Sự kích thích hoạt tính men của dịch chiết đinh lăng có khả năng đối kháng sự kìm hãm Na+ATPase của aminazin. Đinh lăng còn có tác dụng kích thích sinh dục ở động vật già và kích thích tăng sỉnh lực ở động vật gây mệt mỏi, tác dụng kéo dài và bền vững.

Tăng biên độ điện thế não, tăng tỉ lệ các sóng alpha, bêta và giảm tỉ lệ sóng delta. Những biến đổi này diễn ra ở vỏ não mạnh hơn so với ở thể lưới.

Tăng khả năng tiếp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não với các kích thích ánh sáng.

Tăng nhẹ quá trình hưng phấn khi thực hiện phản xạ trong mê lộ.

Tăng hoạt động phản xạ có điều kiện gồm phản xạ dương tính và phản xạ phân biệt.

Tính vị: Lá cây đinh lăng có vị đắng, tính mát. Rễ có vị ngọt, hơi đắng, tính mát.

Công năng: Rễ đinh lăng có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ.

Công dụng: Chữa cơ thể suy nhược, tiêu hoá kém, sốt, sưng vú, ít sữa, nhức đầu, ho, ho ra máu, thấp khớp, đau lưng.

Cách dùng, liều lượng:  Ngày 1-6g rễ hoặc 30-50g thân, cành dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu. Lá tươi (50-100g) nấu cháo để ăn, lợi sữa, giã đắp chữa vết thương, mụn nhọt, lá còn dùng để ăn gỏi cá.

Bài thuốc:

1. Bồi bổ cơ thể, ngừa dị ứng: Lá đinh lăng tươi từ 150-200g, nấu sôi khoảng 200ml nước (có thể dùng nước sôi có sẵn ở "phích"). Cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai. Cách dùng lá tươi thuận tiện vì không phải dự trữ, không tốn thời gian nấu lâu, lượng nước ít, người bệnh dễ uống nhưng vẫn đảm bảo được lượng hoạt chất cần thiết.

2. Chữa tắc tia sữa: Rễ đinh lăng 40g, gừng tươi 3 lát, đổ 500ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.

3. Chữa nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng: Lá đinh lăng khô 80g, đổ 500ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.

4. Chữa ho suyễn lâu năm: Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá tất cả đều 8g, củ xương bồ 6g; Gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

5. Phong thấp, thấp khớp: Rễ đinh lăng 12g; Cối xay, hà thủ ô, huyết rồng, cỏ rễ xước, thiên niên kiện tất cả 08g; Vỏ quít, quế chi 04g (Riêng vị quế chi bỏ vào sau cùng khi sắp nhắc ấm thuốc xuống). Đổ 600ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.

6. Chữa viêm gan: Dùng nhân trần 20g, ý dĩ 16g, rễ cỏ tranh, biển đậu, chi tử, hoài sơn, xa tiền tử, rễ đinh lăng, ngũ gia bì, mỗi thứ 12g, uất kim, ngưu tất, nghệ, mỗi thứ 8g. Sắc mỗi ngày một thang.

7. Chữa thiếu máu: Dùng hà thủ ô, hoàng tinh, thục địa, rễ đinh lăng, mỗi thứ 100g và tâm thất 20g đem đi tán bột. Mỗi lần sắc uống 100g.

8. Chữa liệt dương: Rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g; sa nhân 6g. sắc uống, ngày một thang.

9. Chữa sốt rét: Rễ đinh lăng, sài hồ, mỗi vị 20g; rau má 16g; lá tre, cam thảo nam, mỗi vị 12g; bán hạ sao vàng 8g, gừng 6g. Sắc uống.

Kiêng kỵ:

- Đinh lăng chứa nhiều saponin có thể làm vỡ hồng cầu. Ngoài ra dùng rễ đinh lăng liều cao còn gây say thuốc, tiêu chảy, buồn nôn và mệt mỏi. Phụ nữ đang có thai và đang cho con bú không tự ý sử dụng đinh lăng.

Chú ý:

- Loài Đinh lăng lá tròn (Polyscias balfourii Baill.) thường trồng làm cảnh cũng được dùng với công dụng tương tự.

- Đinh lăng lá to hay đinh lăng lá ráng (Polyscias filicifolia (C.Moore ex E.Fourn.) L.H.Bailey): Lá kép có 11 - 13 lá chét; lá chét hình mác có răng cưa to và sâu.

- Đinh lăng trổ hoặc đinh lăng viền bạc (Polyscias guilfoylei (W.Bull) L.H.Bailey) Lá kép có 7 lá chét; lá chét thường có viền trắng. Loài này lại có 2 thứ là:

Polyscias guilfoylei Baill. var. laciniata Baill. 

Polyscias guilfoylei Baill. var. victoriae Baill.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org