Logo Website

ĐỖ TRỌNG

25/07/2020
Đỗ trọng có tên khoa học: Eucommia ulmoides Oliv., họ Đỗ trọng (Eucomiaceae). Công dụng: Thuốc bổ thận, gân cốt, chữa đau lưng, mỏi gối, di tinh, đái đêm, liệt dương, phụ nữ khó có thai, động thai. Chữa cao huyết áp.

ĐỖ TRỌNG (杜仲)

Cortex Eucommiae

Tên khác: Xuyên Đỗ Trọng, Tiểu bạch bì đằng, Tư trọng, Ty liên bì, Mộc miên.

Tên khoa học: Eucommia ulmoides Oliv., họ Đỗ trọng (Eucomiaceae).  

Mô tả :

Cây: Cây nhỡ hay cây to cao 10m hay hơn. Vỏ thân và lá có nhựa mủ trắng, vỏ màu xám, khi bẻ đôi sẽ thấy những sợi nhựa trắng mảnh như tơ nối giữa các mảnh vỏ. Lá mọc so le, hình trứng rộng, dài 6-8cm, rộng 3-7,5cm, màu lục bóng, mép khía răng. Lá cũng có gôm tựa gutta percha như ở vỏ. Hoa đơn tính khác gốc; hoa đực và hoa cái không có bao hoa; hoa đực mọc thành chùm; hoa cái tụ tập 5-10 cái ở nách lá. Quả hình thoi dẹt, màu nâu. Hoa tháng 3-5; quả tháng 7-9.

Dược liệu: Từng tấm phẳng hoặc hai bên mép hơi cong vào, to nhỏ không đều, dày 0,2 - 0,5 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt hoặc màu hạt dẻ, có nhiều nếp nhăn dọc và vết tích của cành con. Loại vỏ mỏng (bóc ở cây ít năm) không cạo bỏ bớt vỏ thô bên ngoài có thể thấy rõ bì khổng. Mặt trong vỏ màu tím sẫm, trơn, chất giòn, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ có nhiều sợi màu trắng bạc, có tính đàn hồi như cao su. Vị hơi đắng.

Bộ phận dùng: Vỏ thân (Cortex Eucommiae) đã phơi hay sấy khô của cây Đỗ trọng (Eucomia ulmoides Oliv.)

Phân bố, sinh thái: Cây của Trung Quốc mọc hoang ở vùng lạnh và cũng được trồng nhiều. Ta nhập giống vào trồng năm 1958, đến năm 1960, việc trồng thử ở Sapa đạt kết quả tốt. Ta đã nhân giống và trồng ở một số nơi khác ở Vĩnh Phú. Lai Châu, Thanh Hoá, Gia Lai, Lâm Đồng thì nhận thấy cây sinh trưởng tốt ở vùng núi cao trên 1000m.

Đỗ trọng được nhập vào Việt Nam từ năm 1962 - 1963. Lúc đầu, cây được trồng thử nghiệm ở Sa Pa, đến đầu những năm 70 được đưa sang Nông trường dược liệu Bắc Hà (Lào Cai) và Sìn Hồ (Lai Châu). Những năm gần đây, cây được tiếp tục phát triển rộng ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà Giang), Tuần Giáo (Lai Châu) và Mai Châu (Hoà Bình). Đỗ trọng thuộc loại cây gỗ nhỡ, ưa khí hậu ẩm mát của vùng á nhiệt đới núi cao (trên 1300m); nhiệt độ trung bình năm là 15-20°C; lượng mưa 2200 - 2800mm. Các nơi trồng ở Trung Quốc có lượng mưa thấp hơn. Cây rụng lá và chịu được băng tuyết về mùa đông. Đến tháng 3 năm sau, các chồi ngủ mọc nhiều lá non, đồng thời ra hoa quả. Tỷ lệ cây cái so với cây đực trong quần thể trồng ở Sa Pa hiện nay từ 1/8 đến 1/10. Cây trồng từ hạt sau 7-8 năm mới ra hoa lần đầu. Hoa thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Đỗ trọng có khả nàng tái sinh cây chồi khoẻ sau khi chặt. Chồi mọc lên từ rễ cũng là nguồn cây giống để trồng.

Dược liệu đỗ trọng sử dụng ở Việt Nam chủ yếu vẫn do nhập khẩu từ Trung Quốc. Qua thực tế trồng ở các địa phương kể trên cho thấy, nước ta có thể tự túc được loại dược liệu này, nếu được quan tâm đầu tư đúng đắn.

Trồng trọt:

Đỗ trọng là cây thuốc di thực, đang được phát triển trồng ở vùng núi phía bắc, có độ cao 1000-1500m, khí hậu mát lạnh quanh năm.

Cây có thể nhân giống bằng hạt và bằng các phương pháp vô tính. Nhân giống bằng hạt là phương thức đang được dùng phổ biến trong sản xuất. Hạt được lấy từ những cây trên 20 năm tuổi, mọc khoẻ không có sâu bệnh ở những nơi đủ ánh sáng. Vào cuối mùa thu đầu mùa đông, khi vỏ hạt cìiuyển sang màu nâu hoặc màu cánh gián sẫm, chọn ngày lặng gió, dùng sào đập vào cành cho hạt rụng, đem về hong ở chỗ râm mát, không để thành đống hay phơi nắng. Sau khi khỏ đem bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, đến mùa xuân thì gieo trong vườn ươm.

Trước khi gieo, cần ngâm hạt vào nước 20-30°C trong 2-3 ngày, mỗi ngày thay nước 1-2 lần. Khi thấy hạt no nước, vớt ra rửa sạch, để ráo rồi đem gieo theo rạch, mỗi rạch cách nhau 20 cm, hạt cách hạt 4-5 cm. Dùng đất nhỏ hoặc mùn phủ nhẹ lên hạt, sau đó, phủ rơm rạ, cỏ khô và tưới nước, giữ ẩm. Trong điểu kiện khí hậu ở Sa Pa, hạt đỗ trọng nảy mầm sau khoảng 20 ngày. Cùng với việc chăm sóc thông thường, cần tỉa bớt những cây yếu, đảm bảo khoảng cách giữa các cây là 20 - 22 cm. Hiện nay còn áp dụng cách gieo trong bầu rất tiện lợi.

Trong số các biện pháp nhân giống vô tính đối với đỗ trọng, nhân bằng rễ đã được áp dụng ở một số nơi. Vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân, người ta bới nhẹ xung quanh gốc, chọn những rễ nằm ngang có đường kính 0,5-1 cm, đùng dao sắc khía ngang vỏ thành từng đoạn. Các đoạn này sẽ nảy mầm thành cây và được tách ra tiếp tục chăm sóc ở vườn ươm. Các đoạn rễ còn sót lại sau khi thu hoạch cũng có thể mọc thành cây.

Ngoài ra, còn có thể chiết và giâm cành. Theo tài liệu nước ngoài, cành giâm của đỗ trọng xử lý với IBA và acid succinic đạt tỷ lệ ra rễ khá cao. Những phương pháp này chưa được thử nghiêm rộng rãi ở Việt Nam.

Cây đỗ trọng giống thường được chăm sóc trong vườn ươm qua một năm, đến đầu mùa xuân sang năm thì ra ngôi.

Đất trồng đỗ trọng thích hợp nhất là đất thịt, đất hơi chua và đất cát ẩm, nhiều mùn, có tầng đất mặt sâu. Cây được trồng xung quang nhà, ven đường, vườn rừng. Khi trồng, đào hố càng rộng và sâu càng tốt, ít nhất 40 x 40 x 50 cm, với khoảng cách 2 x 2 m hoặc 2,5 x 2 m. Mỗi hố cần bón lót 15 - 20 kg phân chuồng. Trộn đều phân với đất rồi đặt cây, lấp đất và tưới nước. Sau khi cây bén rễ, hồi phục, nếu thời tiết thuận lợi, không cần tưới. Thực tế ở miền núi, đỗ trọng vẫn mọc tốt, mặc dù điều kiện tưới gặp khó khăn. Cần định kỳ làm cỏ và dùng cỏ phơi khô rải lên mặt đất để giữ ẩm. Trong thời kỳ đầu, có thể trồng xen các loại rau đậu, khoai, mì.

Đỗ trọng ít bị sâu bệnh, ở Việt Nam, mới quan sát thấy bệnh đốm nâu hại lá vào tháng 5-6, tác hại không đáng kể.

Sau khi trồng 10 năm, có thể thu hoạch vỏ. ở Việt Nam thường thu hoạch vào mùa hè. Có thể đốn cả cây rồi bóc lấy vỏ. Một kinh nghiệm cần được nghiên cứu thêm là không đốn cây mà chỉ bóc lấy khoảng 1/3 vỏ thân và tỉa cành lấy vỏ. Cây vẫn sống và phần vỏ đã thu hoạch lại tái sinh.

Thu hái, sơ chế: Trồng 10 năm, cây chu vi 50-60cm mới thu hoạch được vỏ tốt. Có thể thu vỏ vào mùa xuân bằng cách bóc trừ lại 1/3 chu vi thân đảm bảo cho cây vẫn sinh trưởng bình thường, để sau vài năm lại tiếp tục thu hoạch. Vỏ bóc ra, đem ép phẳng, xếp thành đống, ủ 6-7 ngày đến khi mặt trong có màu đen. Phơi hay sấy khô. Cạo vỏ ngoài cho nhẵn bóng.

Bào chế:

Đỗ trọng: Cạo vỏ thô còn sót lại, rửa sạch, thái miếng hoặc sợi còn tơ, phơi khô, dùng sống hoặc chế.Diêm đỗ trọng (Chế muối): Đỗ trọng thái miếng còn tơ, tẩm nước muối trong 2 giờ (1 kg Đỗ trọng dùng 30 g muối trong 200 ml nước), sao vàng, đứt tơ là được; hoặc sao đến khi mặt ngoài màu đen sém khi bẻ gẫy, tính đàn hồi tơ kém so với khi chưa sao; vị hơi mặn.

Bảo quản: Dược liệu cần bảo quản ở nơi thoáng mát, cần đậy kín sau khi sử dụng, tránh lên móc.

Thành phần hoá học: Vỏ cây chứa gutta-pereha, còn có pino-resinol-diglucosid, geniposid, acid geniposidic, ulmoprenol, acid chlorogenic, aucubin, loganin, chất màu, albumin chất béo, tinh dầu và muối vô cơ.

Tác dụng dược lý:

Những kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy vỏ thân đỗ trọng có tác dụng kích thích với liều thấp, và với liều cao nó có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, đặc biệt vùng dưới vỏ não. Có tác dụng gây hạ huyết áp do ảnh hưởng trên trung tâm vậĩi mạch ở hành tuỷ và trên hệ thống dây thần kinh phế vị và làm tăng sức co bóp của cơ tim. Nước sắc vỏ thân làm tàng tiết niệu ở chuột nhắt, tăng trương lực cơ trơn tử cung và ruột động vật thí nghiệm. Vị thuốc ít độc. Cho chuột nhắt cái thiến uống dịch chiết của một bài thuốc bổ thận đông y gồm đổ trọng và một số vị thuốc khác, thấy có tác dụng gây động dục kiểu oestrogen.

Cao ethanol vỏ thân tiêm tĩnh mạch cho chó gây mê, đã gây hạ huyết áp. Nhưng sau khi cho thuốc nhiều lần, có hiện tượng quen thuốc. Đỗ trọng gây hạ áp còn do tác dụng làm giãn mạch ngoại vi và tác dụng trực tiếp trên cơ trơn thành mạch. Dịch chiết từ quả cũng có tác dụng gây hạ áp.

Nước sắc vỏ thân cho vào dạ dày chó đã gây tăng huyết áp do thận trong 4 tuần, đã có tác dụng hạ áp yếu.

Trên thỏ và chó được tiêm tĩnh mạch các chế phẩm đỗ trọng, thấy dược liệu sao có tác dụng mạnh hơn thuốc sống, nước sắc tác dụng mạnh hơn cao cồn.

Nhiều công trình nghiên cứu về sinh học trên các dẫn chất lignoid chiết từ vỏ thân đỗ trọng đã chứng minh một số các chất đó có tác dụng kháng khuẩn, chống phân bào, chống ung thư và tác dụng ức chế đặc hiệu một số enzym.

Các dẫn chất iridoid chiết từ vỏ thân đỗ trọng được nghiên cứu và thấy có một số tác dụng dược lý như tác dụng kháng khuẩn, hạ huyết áp, giảm đau, chống viêm, an thần, nhuận tràng và chống ung thư.

Các hợp chất phân lập từ vỏ thân đỗ trọng đã được nghiên cứu về hoạt tính chống kết hợp bổ thể. Cao 50% methanol và nước của vỏ thân có tác dụng ehống kết hợp bổ thể rõ rệt.

Trong các dẫn chất lignanoid từ vỏ thân đỗ trọng, eucommin A và một số chất khác có tác dụng chống kết hợp bổ thể ở mức độ trung bình. Những lignan glucosid có hoạt tính mạnh hơn những aglycon của chúng. Trong các hợp chất iridoid từ vỏ thân đỗ trọng, genipin có hoạt chất chống kết hợp bổ thể mạnh nhất, eucommiol có hoạt tính yếu. Trong các glucosid mdoid, geniposid và một số chất khác cũng có hoạt tính chống kết hợp bổ thể yếu.

+ Tác dụng hạ áp: sắc nước và ethanol chiết xuất thuốc đều có tác dụng hạ áp, nước sắc còn có tác dụng mạnh hơn, nước sắc Đỗ trọng sao tốt hơn nước sắc Đỗ trọng sống. Cơ chế tác dụng chủ yếu do thuốc trực tiếp làm thư giãn cơ trơn của mạch máu, nhưng có tác dụng hạ áp thời gian ngắn. 

+ Thuốc có tác dụng hạ cholesterol huyết thanh, dãn mạch tăng lưu lượng máu của động mạch vành. 

+ Có tác dụng chống viêm, có tác dụng tăng cường chức năng vỏ tuyến thượng thận, tác dụng hưng phấn hệ thống tuyến yên, vỏ tuyến thượng thận. 

+ Thuốc có tác dụng an thần giảm đau (trấn kinh, trấn thống). 

+ Thuốc làm tăng tính miễn dịch của cơ thể: thực nghiệm chứng minh thuốc có tác dụng điều chỉnh chức năng của tế bào miễn dịch và nhận thấy lá, cành, vỏ tái sinh của Đỗ trọng đều có tác dụng như nhau. 

+ Tác dụng đối với tử cung: nước sắc và ethanol chiết xuất Đỗ trọng có tác dụng hưng phấn tử cung cô lập của thỏ và chuột lớn làm cho tử cung ở trạng thái co bóp được hồi phục, nhưng đối với tử cung cô lập của mèo thì tác dụng hưng phấn lại rất nhẹ. 

+ Thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu và tác dụng lợi tiểu. 

+ Thuốc sắc có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau đối với tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ Flexner, trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn bạch cầu, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn dung huyết B.

Tính vị: vị ngọt, hơi cay, có tính ôn và không độc.

Quy kinhCan và Thận

Công năng: Bổ can thận, mạnh gân xương, an thai.

Công dụng: Thuốc bổ thận, gân cốt, chữa đau lưng, mỏi gối, di tinh, đái đêm, liệt dương, phụ nữ khó có thai, động thai. Chữa cao huyết áp.

Cách dùng, liều lượng: 5-12g mỗi ngày dạng thuốc sắc, ngâm rượu hay cao lỏng.

Bài thuốc:

1. Chữa đau vùng thắt lưng: Đỗ trọng, hạt Quít mỗi vị đều 80g, sao, tán nhỏ uống dần với thang nước muối và rượu. Hoặc dùng Tỳ giải, Địa cốt bì sắc cách thuỷ với rượu, uống thường ngày. 

2. Chữa thận yếu, thận hư, tăng cường chức năng thận, chữa liệt dương: 250 g đỗ trọng, 125 g lộc nhung, 63 g ngũ vị tử, 500 g thục địa, 250 g mạch môn, 240 g sơn thù nhục, 250 g hoài sơn, 250 g câu kỷ tử, 250 g thỏ ty tử, 250 g ngưu tất. Đem tất cả nghiền thành bột mịn rồi làm thành hoàn. Sử dụng 12 g/ lần, mỗi ngày sử dụng 2 lần và nên uống với nước muối nhạt.

3. Chữa đau cột sống:  Đem ngâm 3 kg đỗ trọng bỏ vỏ và 2 lít rượu. Sau 7 ngày có thể lấy ra sử dụng, mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần uống từ 15-30 ml. Hoặc có thể sử dụng bài thuốc sau để chữa đau cột sống: 300 g đỗ trọng, 200 g xuyên khung, 160 g quế chi, 80 g tế tân. Thái nhỏ các vị thuốc và đem ngâm với 10 lít rượu. Sau 5 ngày ngâm có thể sử dụng được, sử dụng 15 – 20 ml/ lần, mỗi ngày uống 2 lần.

4. Chữa đau thắt lưng do thận hư: Đỗ trọng (tách bỏ vỏ), sao vàng, sữa tô mỗi loại 1 kg. Chia làm 10 thang, mỗi lần sử dụng 1 thang sắc với 1 thăng nước, sắc còn 3 phần, giảm 1 phần nước, lấy nước bỏ bã. Sau đó dùng 3-4 cái thận dê sắc lát bỏ vào và tiếp tục sắc.

5. Chữa thận yếu, đau lưng, mỏi gối, liệt dương: Đỗ trọng, Ngưu tất, Tục đoạn, Đương quy, Thục địa, Ba kích, Cẩu tích, Cốt toái bổ, Mạch môn, Hoài sơn, mỗi vị đều 12g, sắc uống hoặc tán bột làm viên với mật ong, mỗi ngày dùng 15-20g, chia làm 2 lần. Hoặc dùng Đỗ trọng 16g, Tỳ giải 16g, Cẩu tích 20g, Dây đau xương 12g, rễ Gốc hạc 12g, Thỏ ty từ 12g, rễ Cỏ xước 12g, Cốt toái bổ 16g, Củ mài 25g, Sắc uống.

6. Chữa ra mồ hôi trộm: Đỗ trọng, Mẫu lệ đều bằng nhau tán nhỏ, uống với rượu, mỗi lần một thìa. 

7. Chữa các chứng trẻ em thuộc hư hàn và bẩm sinh ốm yếu, kinh giản, hen suyễn, lỵ mạn tính, mất tiếng, cam tích, bị trướng, còi xương, chậm nói, chậm đi: Đỗ trọng 4g, Thục địa 4g, Hoài sơn 4g, Sơn thù 4g, Phục linh 4g, Ngưu tất 4g, Mẫu đơn 3g, Ngũ vị 2g, Trạch tả 3g, Phụ tử chế 1,2g, Nhục quế 0,8g, sắc uống. 

8. Chữa phụ nữ sẩy thai quen lệ (uống dự phòng khi thai được 2-3 tháng): Đỗ trọng, Cẩu tích, Ba kích, Thục địa, Vú bò, Củ gai, Đương quy, Tục đoạn, Ý dĩ sao, mỗi vị đều 10g, sắc uống. 

9. Chữa huyết áp cao: 80 g đỗ trọng sống, 80 g hạ khô thảo, 40 g đơn bì, 40 g thục địa, nghiền thành bột mịn rồi hoàn thành viên. Sử dụng 12 g cho mỗi lần uống, mỗi ngày uống từ 2-3 lần. Hoặc có thể sử dụng bài thuốc sau: 16 g đỗ trọng, 16 g tang ký sinh, 20 g mẫu lệ sống, 12 g cúc hoa, 12 g câu kỷ tử đem sắc uống và sử dụng mỗi ngày.

10. Chữa đau lưng, đau chân, đi lại khó khăn: 320 g đỗ trọng (đem đi nướng), 160 g gừng, 80 g thạch nam, 3 cái đại phụ tử (tách bỏ vỏ). Thái nhỏ các dược liệu rồi ngâm với 7 lít rượu. Sau 5 ngày có thể sử dụng, sử dụng 15 ml/ lần, mỗi ngày uống 2 lần.

11. Chữa đau dây thần kinh tọa: 30 g đỗ trọng, thịt thăn heo, nấu trong vòng 30 phút. Sử dụng mỗi ngày 2 lần và sử dụng liên tục trong vòng 7-10 ngày.

12. Chữa viêm tắc động mạch (Bài bổ huyết trừ phong - thông u cao phối hợp): Đỗ trọng 16g; đan sâm, hoàng bá, mỗi vị 20g; phụ tử chế, quy bản, ý dĩ, hoàng kỳ, đảng sâm, bạch thược, ngưu tất, miết giáp, hổ cốt, sinh địa, mỗi vị 16g; tùng tiết, uy linh tiên, hồng hoa, đào nhân, mộc qua, xuyên khung, phòng kỷ, tần giao, độc hoạt, phục linh, hoàng cầm, đương quy, mỗi vị 12g; trần bì, tế tân, binh lang, quế chi, mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Nấu thành cao.

Kiêng kỵ:

- Âm hư hỏa vượng không nên dùng.

- Không sử dụng cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong cây đỗ trọng.

- Không được sử dụng cho các đối tượng có lượng máu chảy không ổn định, gây ra kiềm hãm, máu chảy không cầm được.

- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Bởi thuốc có thể truyền sang con thông qua đường cho bú.

Ghi chú: Hiện nay trên thị trường có vị thuốc Đỗ trọng nam, đây là vỏ thân của một số cây, ví dụ cây Đỗ trọng nam (Parameria glandulifera Benth.), họ Trúc đào (Apocynaceae), cây Cao su (Hevea brasilensis (HBK.) Muell.-Arg.), họ Thầu dầu   (Euphorbiaceae), Cây chân danh (Euonymus indicus B.Heyne ex Wall.) họ Săng máu (Celastraceae), Cây san hô hay bạch phụ tử (Jatropha multifida L.) họ Thầu dầu (Enphorbiaceae).

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org