Logo Website

HOÀNG CẦM

11/08/2020
Cây Hoàng cầm có tên khoa học: Scutellaria baicalensis Georgi, họ Bạc hà (Lamiaceae). Công dụng: Phế nhiệt ho đờm đặc, đau sưng họng, nôn ra máu, máu cam, viêm gan mật, kiết ly, tiêu chảy, mụn nhọt, lở ngứa, động thai chảy máu.

HOÀNG CẦM (黄芩)

Radix Scutellariae

Tên khác: 

Hủ trường, Túc cầm, Hoàng văn, Kinh cầm, Đỗ phụ, Nội hư, Ấn dầu lục, Khổ đốc bưu, Đồn vĩ cầm, Thử vĩ cầm, Điều cầm, Khô cầm, Bắc cầm, Phiến cầm, Khô trường, Lý hủ thảo, Giang cốc thụ, Lý hủ cân thảo,  Điều cầm, Tử cầm, Đạm tử cầm, Đạm hoàng cầm, Tửu cầm, Đông cầm, Hoàng kim trà, Lạn tâm hoàng.

Tên khoa học: 

Scutellaria baicalensis Georgi, họ Bạc hà (Lamiaceae). 

Tên đồng nghĩa

Scutellaria adamsii A.Ham.; Scutellaria baicalensis f. albiflora H.W.Jen & Y.J.Chang; Scutellaria davurica Pall. ex Ledeb.; Scutellaria lanceolaria Miq.; Scutellaria macrantha Fisch. ex Rchb.; Scutellaria speciosa Fisch. ex Turcz.

Mô tả:

Cây:

Cây thảo sống lâu năm, mọc đứng, cao 30-50cm, thân vuông, phân nhánh nhiều. Rễ phình to thành hình chuỳ, mặt ngoài màu vàng sẫm, phần chất gỗ nham nhở, màu vàng nhạt, lõi ruột màu nâu vàng. Lá mọc đối, hình mác hẹp, đầu nhọn, mép nguyên, hầu như không cuống, mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới xanh nhạt, cả hai mặt đều có điểm tuyến đen. Hoa mọc sít nhau thành chùm dày ở đầu cành, màu lam tím; tràng hình ống dài chia hai môi, 4 nhị (2 dài, 2 ngắn), bầu có 4 ngăn. Quả màu nâu sẫm, trong có hạt tròn màu đen. Hoa tháng 7-8, quả tháng 8-9.   

Dược liệu: 

Rễ hình chùy, vặn xoắn, dài 8 – 25 cm, đường kính 1 – 3 cm. Mặt ngoài nâu vàng hay vàng thẫm, rải rác có các vết của rễ con hơi lồi, phần trên hơi ráp, có các vết khía dọc vặn vẹo hoặc vân dạng mạng; phần dưới có các vết khía dọc và có các vết nhăn nhỏ. Rễ già gọi là Khô cầm, mặt ngoài vàng, trong rỗng hoặc chứa các vụn mục màu nâu đen hoặc nâu tối. Rễ con gọi là Điều cầm, chất cứng chắc, mịn, ngoài vàng, trong màu xanh vàng, giòn, dễ bẻ. Hoàng cầm không mùi. Vị hơi đắng. Rễ to, dài, rắn chắc màu vàng đã nạo sạch vỏ là tốt. Rễ ngắn, chất xốp màu thẫm, thô, nhỏ là loại xấu.

Bộ phận dùng: 

Dược liệu là rễ (Radix Scutellariae) khô của cây Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis Georg.)

Phân bố:

Cây hoàng cầm vốn mọc tự nhiên ở Xibêri, xung quanh hồ Bai Can thuộc Liên bang Nga và Trung Quốc. Ở Việt Nam chỉ có một loài là hoàng cầm được nhập từ Liên Xô trước đây vào năm 1975, và được trồng có tính lưu giữ ở vườn của Trại thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu).

Hoàng cầm là loạỉ cây ưa sáng, ưa khí hậu ẩm mát của vùng núi cao. Cây trồng ở Sa Pa sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ trung bình năm từ 13 đến 15°C; về mùa đông toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi và sẽ mọc lại vào đầu mùa xuân năm sau. Cây ra hoa quả đều hàng năm, chưa thấy cây con mọc từ hạt. Tuy nhiên, các nhánh con mọc từ gốc đã được sử dụng làm cây giống để trồng.

Dược liệu phải nhập từ Trung Quốc.  

Thu hái, sơ chế: 

Thu hái rễ vào mùa xuân hay mùa thu, đem về cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, phơi đến hơi khô thì cho vào giỏ tre xóc cho rụng vỏ già bên ngoài, hoặc cạo bỏ vỏ ngoài, phơi hoặc sấy tiếp đến khô. Khi dùng tẩm rượu hai lần, sao qua.

Bào chế:

Hoàng cầm: Loại bỏ tạp chất, thân còn sót lại, ngâm vào nước lạnh hoặc ngâm vào nước sôi 10 phút, hoặc đồ trong 30 phút, lấy ra ủ cho mềm, thái phiến mỏng, phơi hoặc sấy khô (tránh phơi nắng to). Dược liệu là phiến mỏng hình tròn hoặc hình không đều, vỏ ngoài màu vàng nâu đến màu nâu, mặt cắt màu vàng nâu đến vàng lục có vân xuyên tâm. Hàm lượng baicalin không dưới 8,0%.

Tửu Hoàng cầm (chế rượu): Hoàng cầm đã thái phiến mỏng, phun rượu cho ướt, trộn đều. Dùng lửa nhỏ sao qua, đem phơi khô. Cứ 10 kg Hoàng cầm dùng 1,5 lít rượu.

Bảo quản

Dược liệu đã qua sơ chế cần để ở trong túi kín và bảo quản nơi thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp và độ ẩm thấp.

Thành phần hoá học: 

Trong rễ Hoàng cầm có tinh dầu, các dẫn xuất flavon: baicalin, bacalein, wogonoside, wogonin, skullcapflavone I, H, oroxylin A; còn có tanin và chất nhựa.

 Rễ hoàng cầm chứa flavonoid, chủ yếu là baicalein, ít wogonin (scutelarin). Ngoài ra, có nhiều tanin nhóm pyrocatechic (2 - 5%) và nhựa. Scutellarin có cả trong lá và thân với hàm lượng (8,4 - 10,3%)

Từ rễ củ hoàng cầm, các tác giả Trung Quốc đã xác định được 31 chất thuộc nhóm flavon và flavanon. Đó là baicalin, baicalein, shogaol, gingerol, chrysin, oroxylin A, viscidulin, rivularin, apigenin, salvigenin, scutelarein, boscutelarein, eriodictyol, dihydrobaicalin, dihydrooroxylin A,sculaflavon; 2, pentahydroxyflavanon; 2(S) 2’, 5, tetrahydroxyflavon; 5, 8 dihydroxy dimethoxyflavon 4', 5, 7 - trihydroxy - 8 - methoxyflavon; 5, 7, 2' trihydroxy - 8 - 6' dimethoxyflavon; 5, 7, 2', 5' tetrahydroxy - 8, 6’dimethoxyflavon; 5, 2', 5' trihydroxy 6, 7, 8 trimethoxyflavon; 3, 7, 2' trihydroxyflavon; 5, 7, 2', 6' tetrahydroxyflavon, 5 - hydroxy - 7, 8 - dimethoxyflavon; 5, 7, 2' trihydroxy - 6 - methoxyflavon; 5, 2' dihydroxy - 6, 7, 8 trimethoxyflavon; tetrahydroxyflavon, pentahydroxyflavon, 5, 7, 2', 5’ tetrahydroxyflavoa; 3 hợp chất ester là wogonin - 7 - O - glucuronid - methylester; oroxylin - A - 7 - O - glucuronid - methylester và O - glucuronid methylester.

Ngoài ra, trong rễ còn có 12 glycosid. Đó là wogonin 5 - ß - D glucosid, 2 - (3 - hydroxy - 4 - methoxyphenyl) - ethyl - O - α - L - rhamnosyl - (1 -> 3)-p-D-(4feruloyl)glucosid;chrysin6-C-ß-D-glucosid-8-C-α-L-arabinosid;6-C-α-L- arabinosyl - 8 - C - ß - D - glycosyl - chrysin; baicalein - 7 - O - ß - D - glucopyranosid; wogonosid; wogonin;7-O-glucuronid;1,2,3,4,6, penta- O - galoyl glucose; baicalein - 1 - O - glucosid; oroxylin - A - 7 - O - glucuronid; apigenin - 7 - O - glucuronid và isoscutelarein - 8 - O - glucuronid.

Các chất wogonin và skulcapflavon II có trong hoàng cầm là chất có hoạt tính sinh học đáng chú ý.

Tác dụng dược lý:

+ Cao ether rễ hoàng cầm có hoạt tính kháng khuẩn trên các vi khuẩn gram dương. Một trong những hoạt chất là 5, 7, 2', 6' - tetrahydroxyflavanon. Trong các flavon, wogonin có tác dụng ức chế Vibrio comma và Staphylococcus aureus ở độ pha loãng 1: 800 và 1: 400 , tương ứng. Trong các vi khuẩn ở miệng, Bacterioides melamnogenicus intermedius nhậy cảm nhiều nhất đối với nước sắc hoàng cầm 2%. Flavon của hoàng cầm skullcapflavon II có tính độc hại tế bào, với ED50 là 1,5 µg/ml. Trong thử nghiệm tác dụng chống hen trên khí quản cô lập chuột lang, baicalin và baicalein đều có tác dụng kháng histamin, kháng cholin và có hoạt tính chống papaverin. Baicalin có tác dụng hiệp đồng với ephedrin. Nhiều dẫn chất flavon gồm wogonin, wogonosid, skullcapflavon II và 5, 7, 2’ 5' - tetrahydroxy - 8, 6' - dimethoxyflavon, 5, 7, 2’ 6' - tetrahydroxyflavanon, 3,5,7,2’,6’ - pentahydroxyflavanon có tác dụng ức chế sự giải phóng histamin từ dưỡng bào phúc mạc chuột cống trắng.

Baicalin, baicalein và wogonin ức chế sự tăng độ thấm của mạch gây bởi acid acetic ở chuột nhắt, làm giảm phù thực nghiệm chân chuột cống trắng, và chặn sự phát triển thương tổn thứ phát trong viêm khớp gây bởi chất bổ thể ở chuột cống trắng. Phân đoạn flavonoid có hoạt tính ức chế bradykinin, ức chế co bóp hồi tràng hoặc tử cung gây bởi bradykinin, đối kháng với sự thoát mạch của huyết tương gây bởi bradykinin và bảo vệ chuột nhắt trắng khỏi sốc nội độc tố, làm giảm sự quặn đau gây bởi acid acetic ở chuột nhắt trắng. Baicalin, wogonin, oroxylin A, skullcapflavon II và chrysin có tác dụng ức chế in vitro sự kết tập tiểu cầu gây bởi collagen với nồng độ 0,1 µM. Chrysin còn ức chế kết tập tiểu cầu gây bởi ADP, baicalein và wogonin ức chế kết tập tiểu cầu gây bởi acid arachidonic. Baicalin và baicalein ức chế sự chuyển fibrinogen thành fibrin bởi thrombin và dự phòng sự giảm tiểu cầu và fibrinogen trong máu chuột cống trắng gây đông máu rải rác trong mạch bằng nội độc tố.

Trong nghiên cứu trên chuyển hóa lipid động vật có vú, wogonin ức chế sự lắng đọng của triglycerid gan, và làm tăng nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao - cholesterol trong huyết thanh chuột cống trắng cho ăn hỗn hợp dầu ngô - cholesterol - natri cholat. Skullcapflavon II làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần và triglycerid huyết thanh và làm tăng lipoprotein tỷ trọng cao - cholesterol huyết thanh. Baicalin và baicalein làm giảm mức acid béo tự do và triglycerid huyết thanh và lượng glycerid gan. Baicalein có tác dụng ức chế hoạt tính của cholesterol acetyltransferase, do đó ức chế sự tạo cholesteryl ester. Các dẫn chất flavon của hoàng cầm ức chế sự peroxy hóa lpid trong dịch treo mô gan đồng thể của chuột cống trắng kích thích bởi hỗn hợp FeCl2 và acid ascorbic hoặc hỗn hợp NADPH và ADP. Cao hoàng cầm có tác dụng bảo vệ động vật chống độc tính gây chết của galactosamin.

Wogonin và norwogonin có tác dụng gây đột biến trên Salmonella typhimurium. Mặt khác, baicalein ức chế sự tăng hoạt tính gây dimethylbenzanthracen bởi tetradecanoylphorbol - 13 - acetat (TPA). Baicalein có tác dụng ức chế sự giải phóng leucotrien B4 và leucotiien C4 từ các bạch cầu hạt người kích thích bởi C2+ tạo ion. Baicalin, wogonin, và oroxylin A có tác dụng ức chế sự sinh sản mầm của tế bào lympho phụ thuộc vào liều với IC50 là 3 - 7,7 µg/ml và như vậy các hợp chất trên tham gia vào tác dụng chống hen của bài thuốc chống hen cổ truyền có hoàng cầm do tác dụng ức chế phản ứng dị ứng tip IV. Baicalein, oroxylin A, baicalin và skullcapflawon II ức chế sản sinh eotaxin (là một chemokin đặc hiệu vói bạch cầu ưa eosin, kết hợp với sự di chuyển bạch cầu ưa eosin tới vị trí viêm dị ứng); EC50 của baicalein là 1,8 µg/ml. Baicalein còn dự phòng sự biểu hiện của mRNA eotaxin ở nguyên bào sợi người kích thích bởi interleukin - 4 cộng với yếu tố hoại tử u alpha, góp phần vào tác dụng chống hen.

Baicalein có tác dụng chống độc hại di truyền. Baicalin ức chế aflatoxin B1 và ức chế tính gây đột biến của N - methyl - N - nitro - N - nitrosoguanidin trong thí nghiệm đột biến trên vi khuẩn Salmonella typhimurium. Baicalein ở nồng độ 5 µM, làm giảm tần số sai cấu trúc nhiễm sắc thể gây bởi aflatoxin B1- Hoàng cầm có tác dụng ức chế dấu ấn (marker), BHsAg ở bệnh viêm gan virus B. Trong thử nghiệm nuôi cấy dòng tế bào sản sinh vừus viêm gan B in vitro, wogonin có tác dụng chặn sự sản sinh antigen bề mặt virus viêm gan B mà không có biểu hiện độc hại tế bào. Trong thử nghiệm về hoạt độ của DNA polymerase nội sinh ở vừus viêm gan B, thấy DNA của vừus viêm gan B giảm ở nhóm điều tri với wogonin và như vậy có thể nghiên cứu sử dụng wogonin để điều tri viêm gan virus B ở người.

Engym aldose reductase gây tích luỹ sorbitol trong tế bào, có thể dẫn đến những biến chứng nặng của đái tháo đường mạn tính như bệnh võng mạc, bệnh thần kinh, bệnh thận; cao chiết nước nóng rễ hoàng cầm vối nồng độ 0,25x10-1 mg/ml có tác dụng ức chế mạnh aldose reductase ở thủy tinh thể mắt bò.

+ Tác dụng miễn dịch: Tác dụng chống dị ứng của Baicalein liên hệ  đến  sự ức chế khả năng giải phóng enzym ra khỏi các tế bào, có lẽ do thủ thể ức chế. Tác dụng ngăn ngừa dị ứng này làm cho cơ dãn rathuốc có tác dụng đối với da của heo được gây dị ứng và chất Histamin. Chất baicalein và baicalin có tác dụng giãn phế quản đối với tiểu phế quản của heo bị gây dị ứng suyễn. Cả hai chất này  có tác dụng ức chế phù co thắt  và giảm tính thẩm thấu mao mạch ở chuột. Chất baicalin cũng ngăn ngừa phổi xuất huyết ở chuột xuống mức thấp nhất (Chinese Herbal  Medicine).

+ Tác dụng kháng khuẩn: Hoàng cầm có kháng phổ rộng. Trong thí nghiệm, nó có tác dụng ức chế đối với nhiều khuẩn bệnh gồm Tụ cầu vàng, Ytực khuẩn bạch hầu, phế cầu khuẩn, não mô viêm Neisseria. Có báo cáo cho thấy Tụ cầu khuẩn vàng kháng Peniciline lại rất nhậy ở trong Hoàng cầm.. nhiều thí nghiệm báo cáo cho thấy thuốc có tác dụng kháng lại trực khuẩn lao. Trong khi thuốc có dấu hiệu tốt đối với chuột thì lại không có tác dụng đối với heo Hà Lan. Cho chuột bị nhiễm virus dùng Hoàng cầm, không có dấu hiệu giảm tổn hại ở phổi và tăng thời gian sống hơn so với với nhóm đối chứng. Trong thí nghiệm cũng thấy có tác dụng kháng lại với nấm da và có khả năng diệt Leptospira (Chinese Herbal  Medicine).

+ Tác dụng điều hòa nhiệt độ: Từ  năm 1935, có báo cáo cho biết rễ Hoàng cầm có tác dụng hạ nhiệt (Chinese Herbal  Medicine).

+ Tác dụng đối với huyết áp: nước sắc, cồn chiết, dịch truyền, kể cả nước và cồn trích Hoàng cầm đều có tác dụng hạ áp đối với chó, thỏ và mèo được gây mê. Cho uống hoặc chích đều làm hạ áp đối với chó có huyết áp bình thường hoặc huyết áp cao do thận. Một nghiên cứu về tác dụng hạ áp cho thấy: chất trích từ loại cây ở Vân Nam có tác dụng mạnh nhất, kế đến là loại của Hà Bắc, còn những chất trích từ  phía Đông Bắc Trung Quốc thì yếu nhất. Đa số các nghiên cứu cho thấy tác dụng giáng áp của Hoàng cầm tùy thuộc vào tác dụng gĩan mạch (Chinese Herbal  Medicine).

+ Tác dụng lợi tiểu: Nước sắc Hoàng cầm có tác dụng lợi tiểu đối với chó và người bình thường (Chinese Herbal  Medicine).

+ Tác dụng chuyển hóa lipid: Nước sắc hỗn hợp Hoàng cầm, Hoàng liên và Đại hoàng không gây ảnh hưởng đối với Cholesterol/Phospholipid ở thỏ bình thường nhưng làm hạ lipid nơi người  thực hiện chế độ cao ăn kiêng Cholesterol trong 7 tuần hoặc nơi người đã được trị bằng Thyroid (Chinese Herbal  Medicine).

+ Tác dụng đối với mật: nước sắc hoặc cồn chiết xuất Hoàng cầm  làm tăng lượng mật ở chó và thỏ. Ảnh hưởng này do baicalei mạnh hơn là baicalin. Thỏ bị thắt ống mật cho thấy Bilirubin tăng sau 1-6 giờ và giảm trong khoảng 24-48 giờ so với nhóm đối chứng (Chinese Herbal  Medicine).

+ Tác dụng đối với vết vị trường: Nước sắc và cồn chiết xuấtHoàng câmg có tác dụng ức chế nhu động ruột. Cồn chiết xuất ức chế tác dụng của chất Pilocarpin, tác dụng này không ảnh hưởng bởi thần kinh phế vị (Chinese Herbal  Medicine).

+ Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Chất Baiclin làm giảm sự di chuyển và phản xạ của chuột (Chinese Herbal  Medicine).

Tính vị

vị đắng, tính hàn và không có độc.

Quy kinh

Đại trường, Tâm, Phế, Đởm, Bàng quang…

Công năng: 

Thanh nhiệt táo thấp, tả hoả giải độc, an thai.

Công dụng: 

Phế nhiệt ho đờm đặc, đau sưng họng, nôn ra máu, máu cam, viêm gan mật, kiết ly, tiêu chảy, mụn nhọt, lở ngứa, động thai chảy máu.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày 4 - 16g, dạng thuốc sắc, cồn hoặc bột.

Bài thuốc:

1. Chữa phế nhiệt, ho ra máu, sưng phổi, thổ huyết: Hoàng cầm tán nhỏ, uống mỗi lần 4-5g, ngày uống 2-3 lần với nước cơm hoặc nước sắc Mạch môn làm thang. 

2. Chữa đau bụng đi lỵ ra máu mũi, hay đau bụng khan: Hoàng cầm, Bạch thược mỗi vị 10g, tán bột sắc uống. 

3. Chữa động thai, đau bụng, kém ăn, bồn chồn: Hoàng cầm, Bạch truật, Củ gai, mỗi vị 10g sắc uống. 

4. Chữa vết cứu, bỏng ra máu không dứt: Hoàng cầm tẩm rượu sao, tán bột uống 6-12g.

5. Chữa phong nhiệt có đàm hay đau ở đầu lông mày: Hoàng cầm và bạch chỉ với liều lượng bằng nhau. Đem tán dược liệu thành bột mịn. Mỗi lần chỉ dùng đúng 8g và uống chung với nước trà ấm.

6. Chữa nôn ra máu, chảy máu cam: 40g hoàng cầm. Dược liệu đem bỏ phần ruột đen và tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy 12g đem sắc với 1 chén nước đến khi còn lại 6 phân. Uống trực tiếp khi nước thuốc còn ấm nóng.

7. Bài thuốc chữa nóng gan gây mờ mắt: 40g hoàng cầm cùng với 120g đạm đậu vị. Mỗi lần lấy ra 12g đem bọc trong gan lợn và chưng cho chín. Lưu ý, khi dùng bài thuốc này người bệnh cần kiêng rượu và miến.

8. Chữa rong kinh kèm nôn ra máu và chảy máu cam: 120g hoàng cầm. Đem dược liệu cho vào ấm sắc chung với 3 thăng nước trên lửa nhỏ. Đến khi còn 1,5 thang thì tắt bếp. Chia thành nhiều lần uống, dùng liều 1 thang/ngày.

9. Chữa sau sinh huyết ra nhiều: Hoàng cầm và mạch môn đông với liều lượng bằng nhau. Đem sắc với nước để uống như nước lọc hằng ngày. Nên dùng khi thuốc còn ấm nóng.

10. Chữa đơn độc, hỏa độc: Hoàng cầm với lượng tùy ý. Đem dược liệu đi tán bột rồi trộn đều với nước. Sau đó dùng hỗn hợp này để đắp trực tiếp.

11. Chữa phế nhiệt sinh ho: 12g hoàng cầm, 12g liên kiều, 12g chi tử, 8g hạnh nhân, 4g cát cánh, 4g bạc hà, 8g đại hoàng, 8g chỉ xác, 4g cam thảo. Các nguyên liệu đem cho vào ấm sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng 1thang/ngày.

12. Chữa thai động không yên: 12g hoàng cầm, 12g thược dược, 12g bạch truật, 8g đương quy, 4g xuyên khung. Cho hết dược liệu vào ấm sắc lấy nước uống. Uống thuốc khi còn ấm nóng với liều 1 thang/ngày.

13. Chữa chứng giật mình hay khóc đêm ở trẻ nhỏ: 0,4g hoàng cầm cùng với 0,4g nhân sâm. Đem dược liệu đi tán thành bột mịn. Mỗi lần cho trẻ uống 1 ít chung với nước sắc trúc diệp.

14. Chữa phong phế có hỏa: Hoàng cầm với lượng tùy ý. Dược liệu đem đi tán thành bột mịn rồi điều với nước và vo thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 20 viên cùng với nước sôi ấm.

15. Giúp thanh nhiệt, an thai: Hoàng cầm và bạch truật với lượng bằng nhau. Đem dược liệu đi sao vàng rồi tán thành bột mịn và trộn với nước cơm. Làm thành viên khoảng bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng cần uống 50 viên với nước sôi ấm.

16. Chữa chân tay lạnh, máu không cầm: 8g hoàng cầm. Đem dược liệu đi sao với rượu rồi tán thành bột mịn. Uống trực tiếp cùng với khoảng 20ml rượu trắng.

17. Chữa đau bụng do nhiệt lỵ: 12g hoàng cầm, 12g thược dược, 6g hậu phác, 3,2g mộc hương, 4g hoàng liên, 6g quảng trần bì. Cho nguyên liệu vào ấm sắc chung với nước và dùng khi còn ấm. Liều lượng 1 thang/ngày.

18. Chữa khi phong tán hàn: 8g hoàng cầm, 8g khương hoạt, 8g độc hoạt, 8g tần giao, 8g bạch chỉ, 12g ngưu tất, 8g đương quy, 12g thục địa, 12g đảng sâm, 8g xuyên khung, 0,8g bạch thược, 8g phục linh, 6g cam thảo, 12g bạch truật. Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc chung với 600ml nước đến khi còn phân nửa. Uống trực tiếp khi thuốc còn ấm. Sử dụng với liều lượng 1 thang/ngày.

19. Bài thuốc tán nhiệt, giải biểu

Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 4g hoàng cầm, 4g khương hoạt, 8g cát căn, 4g sài hồ, 4g bạch truật, 4g thược dược, 8g thạch cao, 2g cam thảo, 2g cát cánh, 2 quả đại táo, 3 lát gừng tươi. Sắc với nước uống 1 thang/ngày. Giúp trị cảm mạo, hơi rét nhưng sốt cao, chi mỏi, nhức đầu, nhức mắt khô mũi, không ngủ được…

Bài thuốc 2: Cần có 12g hoàng cầm, 12g cát căn, 4g hoàng liên, 4g cam thảo. Sắc uống 1 thang/ngày. Giúp hỗ trợ điêu trị mình nóng, phiền khát, viêm ruột cấp tính, lỵ…

20. Chữa co rút vùng lưng: 4g hoàng cầm, 8g cát căn, 6g kim ngân hoa, 6g bạch thược, 3g hoàng liên, 2g cam thảo, 2 con toàn yết, 2 con ngô công. Các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước uống. Liều lượng 1 thang/ngày.

21. Chữa kiết lỵ, đau bụng có mót rặn: 12g hoàng cầm, 24g bạch thược, 6g xuyên tiêu, 8g đại hoàng, 8g mộc hương, 8g binh lang, 12g đương quy, 2g nhục quế, 4g cam thảo. Đem tất cả các được liệu cho vào ấm sắc trên lửa nhỏ lấy nước uống. Uống khi thuốc còn ấm với liều lượng mỗi ngày 1 thang.

22. Chữa mắt đỏ sưng đau và chảy nước mắt: 12g hoàng cầm, 12g thạch thuyết minh, 12g cúc hoa, 16g quyết minh tử, 12g bạch thược, 12g mạn kinh tử, 12g mộc tặc, 5g xuyên khung và 20g thạch cao. Các dược liệu cho vào ấm sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng mỗi ngày đúng 1 thang thuốc.

23. Chữa hư lao, gầy ốm ở phụ nữ: 30g hoàng cầm, 30g tri mẫu, 40g sài hồ, 30g mạch môn, 40g sinh địa, 20g chích thảo, 30g xích thược, 30g thăng ma, 30g xạ can. Các dược liệu này đem đi tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 16g kết hợp với 27 lá đạm trúc diệp và 0,2g sinh khương sắc lấy nước uống. Liều lượng đúng 1 thang/ngày.

24. Bài thuốc chống cho giật: 10g hoàng cầm, 10g thiên ma, 14g câu đằng, 25g thạch quyết minh, 10g chi tử, 14g xuyên ngưu tất, 14g ích mẫu thảo, 25g tang ký sinh, 16g dạ đằng giao, 16g bạch linh. Các dược liệu cho tất cả vào ấm và sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.

25. Chữa cảm mạo kèm sốt, phiền khát và cứng đau gáy: 6g hoàng cầm, 6g khương hoạt, 6g bạch chỉ, 4g sài hồ, 10g cát căn, 6g cát cánh, 2g cam thảo, 16g thạch cao, 2 quả đại táo, 3 lát gừng tươi. Tiến hành sắc lấy nước uống. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.

26. Chữa chứng nhiệt tả: 12g hoàng cầm, 16g cát căn, 8g hoàng liên, 4g cam thảo. Các dược liệu cho vào ấm sắc với 500ml nước đến khi còn phân nửa. Uống khi thuốc còn ấm với liều lượng 1 thang/ngày.

27. Chữa viêm gan virus cấp tính: 12g hoàng cầm, 12g chi tử, 12g hoàng liên, 12g hoàng bá, 8g thạch xương bồ, 8g nhân sâm, 8g đại hoàng. Các vị thuốc đem cho vào ấm sắc chung với 600ml nước đến khi còn khoảng 300ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng với liều lượng 1 thang/ngày.

28. Chữa viêm gan mãn tính: 12g hoàng cầm, 12g mộc thông, 12g đại phúc bì, 12g hoạt thạch, 16g kim ngân, 8g phục linh, 8g đậu khấu, 8g nấm trư linh, 20g nhân trần, 4g cam thảo. Tất cả dược liệu cho vào ấm sắc cùng nửa lít nước trong 20 phút. Bỏ bã và uống khi thuốc còn ấm. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.

29. Chữa viêm loét dạ dày tá tràng: 16g hoàng cầm, 20g mai mực, 20g mạch nha, 6g cam thảo, 2g ngô thù du, 8g hoàng liên, 12g sơn chi, 12g đại táo. Cho các dược liệu trên vào ấm sắc chung với 1 lít nước đến khi còn 300ml. Chia làm 3 lần uống khi thuốc còn ấm nóng. Sử dụng với liều lượng 1 thang/ngày.

Kiêng kỵ: 

- Người tỳ vị hư hàn, không có thấp nhiệt, thực hoả thì không nên dùng.

- Không dùng khi bị tiêu chảy do hàn, hạ tiêu có hàn hay phế có hư nhiệt.

-  Không sử dụng đồng thời với hành sống, mẫu đơn, đơn sa, lê lô.

- Không dùng cho phụ nữ thai hàn hay tỳ vị hư hàn nhưng không có thực hỏa, thấp nhiệt.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org