Logo Website

HOÀNG KỲ

15/08/2020
Hoàng kỳ có tên khoa học: Astragalus propinquus Schischkin, họ Đậu (Fabaceae). Công dụng: Chữa khí hư mệt mỏi, kém ăn; trung khí hạ hãm, tiêu chảy lâu ngày, sa tạng phủ, tiện huyết, rong huyết; ra mồ hôi; nhọt độc khó vỡ; nội nhiệt tiêu khát; viêm thận mạn.

HOÀNG KỲ (黄芪)

Radix Astragali

Tên khác: 

Miên Hoàng kỳ, Tiễn kỳ, Khẩu kỳ, Bắc kỳ

Tên khoa học: 

Astragalus propinquus Schischkin, họ Đậu (Fabaceae). 

Tên đồng nghĩa

Astragalus membranaceus (Fisch.) Bunge    

Astragalus membranaceus var. mongholicus (Bunge) P.K.Hsiao  

Astragalus propinquus var. glabra Vydr.; Phaca membranacea Fisch.

Mô tả:

Cây: 

Cây thảo sống lâu năm, phân nhánh nhiều, cao khoảng 50-70cm. Rễ hình trụ, đường kính 1-2cm, dài và đâm sâu, dai, khó bẻ, vỏ ngoài màu nâu đỏ hay vàng nâu. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le gồm 15-25 lá chét hình trứng dài, có lông trắng mịn ở mặt dưới. Cụm hoa chùm ở nách lá, dài hơn lá, mang 5-20 hoa màu vàng tươi. Quả đậu dẹt, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, mặt ngoài có lông ngắn; hạt hình thận màu đen. Còn có một thứ (var. mongholicus (Bge) Hoicus) gọi là Hoàng kỳ Mông cổ cũng giống như trên, nhưng có số lá chét ít hơn (12-18) và nhỏ hơn cũng được sử dụng. Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 7-9.   

Dược liệu: 

Rễ hình trụ, đôi khi phân nhánh, trên to, phần dưới nhỏ dần, dài 30-90 cm, đường kính 1 – 3,5 cm. Mặt ngoài màu vàng hơi nâu nhạt hoặc màu nâu nhạt, với nếp nhăn dọc và rãnh dọc không đều. Chất cứng, dai, không dễ bẻ gãy, mặt gãy nhiều sợi và nhiều tinh bột; phần vỏ màu trắng hơi vàng, gỗ màu vàng nhạt với những vết nứt và tia hình nan quạt. Phần giữa của rễ già, đôi khi có dạng gỗ mục nát, màu nâu hơi đen hoặc rỗng. Mùi nhẹ, vị hơi ngọt và hơi tanh như mùi đậu khi nhai.

Bộ phận dùng: 

Vị thuốc là rễ (Radix Astragali) đã phơi hay sấy khô của cây Hoàng kỳ.

Phân bố, sinh thái:

Hoàng kỳ được trồng tương đối phổ biến ở Trung Quốc. Trước đây, Viện Dược liệu có nhập hạt giống hoàng kỳ của Liên Xô trước đây, gieo thử tại Trại thuốc Sa Pa, đến năm 1978 chuyển vào Đà Lạt, nhưng chưa đạt kết quả.

Hoàng kỳ là cây ưa sáng và ưa ẩm, phát triển tốt ở vùng có khí hậu ôn đới ấm, nhiệt độ trung bình khoảng 15°C. vào  mùa đông, cây rụng lá, do có phần rễ ăn sâu dưới đất nên có thể chịu được qua thời kỳ băng giá. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Gieo trồng bằng hạt.

Vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.

Thu hái, sơ chế: 

Thu hái rễ của những cây 5-6 tuổi (ít nhất phải sau 3 năm trồng mới cho củ) vào mùa thu, mang về rửa sạch, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, phơi hay sấy khô.

Bào chế:

Hoàng kỳ sống: Loại bỏ tạp chất, phân loại to, nhỏ, rửa sạch, ủ mềm, thái phiến dày, phơi khô. 

Mật chích Hoàng kỳ (chế mật): Hoàng kỳ đã thái phiến, lấy mật ong, hoà với ít nước sôi, trộn đều, ủ cho ngấm, sao nhỏ lửa cho vàng, khi sờ không dính tay thì lấy ra để nguội. Cứ 10 kg Hoàng kỳ dùng 2,5 - 3,0 kg mật ong.

Bảo quản

Dược liệu dễ hư hại và ẩm mốc, vì vậy nên bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát. Nếu chế thành chích kỳ thì không nên để quá lâu.

Thành phần hoá học: 

Rễ Hoàng kỳ chứa saccharose, glucose, tinh bột, chất nhầy, gôm; còn có cholin, betain, nhiều loại acid amin, calycosin, astragaloside I-V, III.

Các thành phần có hoạt tính sinh học thuộc 2 nhóm: polysacharid và saponin.

- Polysacharỉd:

- 3 astragalan I, II, III được phân lập từ dịch chiết nước rễ hoàng kỳ A. membranaceus var. mongholicus.

Astragalan I gồm D - glucose, D - galactose và L- arabinose với tỷ lệ 1,75 : 1,63 : 1. Astragalan I còn có vết pentose. Trọng lượng phân tử là 36.000

Các astragalan II và III có trọng lượng phân tử theo thứ tự 12.300 và 34.600. Thành phần cấu tạo phần đường là D-glucose, astragalin I và II có các gốc của α (1-> 4) glucopyranosyl và một ít α (1-> 6) glucopyranosyl.

Thứ Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge var. mongholicus (Bge) Hsiao còn có 2 glucan (AG-1) và AG-2) và 2 heterosacharid (AH-1 và AH-2).AG-1 là α-glucan với các liên kết α (1-> 4) và α (1 -> 6) theo tỷ lệ vào khoảng 5:2.

AH-1 là một polysaccharid acid. Thành phần đường được nhận dạng là acid hexuronic (acid galacturonic và acid glucuronic), glucose, rhamnose và arabinose theo tỷ lệ vào khoảng 1: 0,04: 0,02: 0,01.

- Saponin gồm 9 astragalosid và isoastragalosid: astragalosid I, astragalosid II, astragalosid III, astragalosid IV, astragalosid V, astragalosid VI, astragalosid. VII, isoastragalosid I, isoastragalosid II và 2 saponin kiểu olean: astragalosid VIII và soyasaponin I.

Ngoài ra, hoàng kỳ còn có 3 saponin (trong đó có cis - tramembranin I, astramembranin II) và nhiều chất khác (sucrose, ß-sitosterol, calycosin, focmononetin, 3 - hydroxy - 9, 10 dimethoxypterocarpan 3-O-ß-D - glucosid, 2’,7 - dihydroxy - 3', 4’ - dimethoxy isoflavon 7-O-ß-D- glucosid và calycosin 7-O-ß-D-glucosid. Chinese Drugs of Plant origin 1992; WHO monographs on selected medicinal plants I, 1999).

Tác dụng dược lý: 

1. Tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể:

Hoàng kỳ làm tăng chức năng thực bào của hệ thống tế bào lưới, nếu cùng dùng với Linh chi, Đảng sâm thì tác dụng càng rõ. Người bình thường sau khi cho uống nước  sắc Hoàng kỳ thì IgM, IgE và cAMP trong máu tăng lên rõ, SIaA trong nước  miếng giảm rõ. Hoàng kỳ và Polysaccharide của nó có khả năng làm cho tế bào tương của lách súc vật tăng sinh, thúc đảy sự hình thành kháng thể và nâng cao tính miễn dịch của thể dịch. Hoàng kỳ không những làm tăng cường chức năng miễn dịch mà lại còn có tác dụng điều tiết 2 chiều, có thể coi Hoàng kỳ như 1 vị thuốc điều tiết miễn dịch (Trung Dược Học).

2. Thúc đẩy quá trình chuyển hóa trong cơ thể:

Làm thí nghiệm mỗi ngày: thụt vào bao tử chuột nhắt nước  sắc Hoàng kỳ trong 3 tuần, chuột khỏe lên. Hoàng kỳ dùng trong nuôi dưỡng tế bào làm cho tế bào sinh trưởng nhanh, số lượng tế bào hoạt động tăng lên nhiều, tuổi thọ kéo dài. Nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy thuốc làm tăng cương1 chuyển hóa sinh lý của tế bào, tác dụng này có thể do thuốc có tác dụng điều chỉnh cAMP và cGMP trong tế bào.Hoàng kỳ có thể thúc đẩy sự chuyể hoa Protid của huyết thanh và gan, đây cũng là  1 mặt quan trọng của tác dụng ‘Phù Chính’ của thuốc (Trung Dược Học).

3. Tác dụng lợi tiểu:

Nước  sắc và cao lỏng Hoàng kỳ đối với súc vật thực nghiệm (chuột cống, thỏ, chó...) và người thường đều có tác dụng lợi tiểu rõ rệt. Súc vật sau khi uống thuốc, lượng nước  tiểu tăng 64% (Trung Hoa Y Học Tạp Chí,  47 (1): 7-11, 1961) nhưng phạm  vi liều lượng có hiệu quả hẹp, liều thấp không có tác dụng, ngược lại, liều quá cao lại làm cho nước  tiểu giảm (Tác Dụng Hạ Áp Và Lợi Niệu Của Hoàng Kỳ, Dược Học Học Báo 12 (5), 319-324, 1965).       

4. Tăng Lực co bóp của của tim bình thường:

Đối với trạng thái suy tim do mệt mỏi hoặc  do nhiễm dộc, tác dụng cường tim của thuốc càng rõ. Dịch tiêm Hoàng kỳ có tác dụng 100% làm cho mạch co bóp và làm  nhanh nhịp tim cô lập của thỏ (Trung Dược Học).

5. Hạ áp:

Nước  sắc, cao lỏng, cồn Hoàng kỳ tiêm dưới da hoặc  tĩnh mạch cho súc vật đã gây mê đều có tác dụng hạ áp nhanh nhưng thời gian ngắn. Tác dụng hạ áp có thể do thuốc làm dãn mạch ngoại vi ( Trung Dược Ưùng Dụng Lâm Sàng). Thí nghiệm trên chuột bạch và chuột lang còn chứng minh thuốc có tác dụng tăng sứ đề kháng của mao mạch, do đó, có thể đề phòng hiện tượng thẩm thấu của mao mạch tăng mạnh do Clorofoc, Histamin tạo nên (Trung Dược Học).

6. Đối với Thận và niệu đạo:

+  Trên lâm sàng cho thấy Hoàng kỳ cùng dùng với Đảng sâm trị đạm niệu do Thận hư nhiễm mỡ. Nếu dùng liều cao thuốc có tác dụng làm giảm đạm niệu. Có báo cáo cho bằng dùng bột Hoàng kỳ tốt hơn (Trích Luận Văn Hội Nghị Khoa Học Sinh Lý Trung Quốc, trang 135,1964).  

+ Dùng lượng lớn Hoàng kỳ có thể giảm phù và cải thiện trạng thái dinh dưỡng của cơ thể (Trích Luận Văn Báo Cáo  Tại Hội Nghị Khoa Học Sinh Lý Toàn Quốc Trung Quốc Lần Thứ 2, trang 13,1963).

7. Kháng Khuẩn:

Trong ống nghiệm thuốc có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn lỵ Shigella, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu, tụ cầu vàng (Trung Quốc Tạp Chí 1947, 67: 648-656,).

8. Đối với tử cung:

Dịch tiêm Hoàng kỳ có tác dụng hưng phấn co bóp tử cung cô lập của chuột cống 100%. Nước  sắc Hoàng kỳ có tác dụng ức chế ruột cô lập của thỏ. Polysaccharid Hoàng kỳ có tác dụng kháng tế bào ung thư. Dịch tiêm Hoàng kỳ trong ống nghiệm có tác dụng làm tăng trưởng xương đùi của phôi thai gà (Trung Dược Ưùng Dụng Lâm Sàng).

9. Đối với gan:

Hoàng kỳ có tác dụng bảo vệ gan, chống giảm sút Glycogen ở gan (Trích Luận Văn Báo Cáo Tại Hội Nghị Học Thuật Của Hội Dược Học Trung Quốc 1963, trang 332-333).  

10. Độc tính:

Hoàng kỳ có độc tính cấp thấp. Cho chuột nhắt trắng uống liều 100 g/kg, là liều gấp 500 lần cao hơn liều thường dùng cho người, không có chuột chết và không thấy có biểu hiện tác dụng phụ có hại.

Thử tác dụng sinh đột biến, dùng nghiệm pháp Ames trên vi khuẩn Salmonella typhỉmurium TA98 và TA100, thấy hoàng kỳ không gây đột biến. Hơn nữa, cao nước hoàng kỳ còn có tác dụng bầo vệ chống lại sự sinh đột biếĩi khi dùng chất gây đột biến là benzopyren.

11. Nghiên cứu lâm sàng:

a. Tác dụng miễn dịch :

Cao nước nóng hoàng kỳ cho người uống có tác dụng kích thích miễn dịch. Liều 15,6 g/người/ngày trong 20 ngày làm tăng có ý nghĩa IgM, IgE và AMP vòng. Hoàng kỳ có tác dụng kích thích cơ thể sản xuất ra interferon là một protein có tác dụng kháng vừus. Cao nước nóng hoàng kỳ, tiêm bắp thịt trong 3 - 4 tháng cho bệnh nhân bị viêm cơ tim do vừus B coxsackie làm tăng tế bào diệt tự nhiên trong cơ thể, một đáp ứng trung gian qua cơ chế tăng sản sinh interferon.

Có một sự hợp đồng tác dụng của hoàng kỳ và interferon trong điều trị sướt cổ tử cung và chống vừus. Bằng nghiệm pháp hai lần mù, đã điều trị 164 bệnh nhân bị sướt cổ tử cung trong đó có 50 ca bị nhẹ, 89 vừa và 25 nặng. Nếu điều trị riêng interferon thì kết quả là 31,8%, eòn dùng phồi hợp kết quả là 60,7%.

b. Tác dụng kích thích phát triển cơ thể:

Tác dụng này có lẽ có liên quan đến tác dụng kích thích và điều hoà miễn dịch.

Trong một dịch cảm cúm, uống hoặc nhỏ mũi cao nước hoàng kỳ cho 1000 người làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và rút ngắn thời gian bệnh nếu bị mắc. Uống 2 tháng, hoàng kỳ làm tăng có ý nghĩa hàm lượng IgA và IgG trong dịch tiết mũi của bệnh nhân bị cảm lạnh.

Dùng 2 công thức thuốc bổ khí là hoàng kỳ - đảng sâm và hoàng kỳ - đan sâm để điều trị cho 52 bệnh nhân có 3 trạng thái là suy khí, suy tim và ứ huyết, thấy công thức hoàng kỳ - đan sâm có tác dụng hợp đồng tốt trên các bệnh nhân.

c. Thử lâm sàng loạn nhịp tim có điện thế tâm thất chậm (ventricular late potentials; VLP) :

Đã thử 316 bệnh nhân, 84% (266 bệnh nhân) được ghi điện tim cả ngày bằng máy holter. Bệnh nhân bị đau thắt ngực, VLP tăng trung bình 6,1%, nhối máu cơ tim tăng 25%, viêm cơ tim 25,7%, bệnh cơ tim 14,3% và loạn nhịp tim không rõ nguyên nhân tăng 5,5%. Dùng hoàng kỳ có đối chiếu với lidocain và mexiletin thấy hoàng kỳ làm giảm VLP từ 44,5 ± 5,9 ms còn 39,8 ± 3,3 ms (khoảng 10%).

d. Bệnh viêm thận tiểu Gầu thận mạn tính :

Đã điều trị 54 bệnh nhân gồm các thể viêm thận, hư thận, và suy thận bằng cách tiêm bắp dịch chiết hoàng kỳ 2 ml/ngày, sau một đợt 30 ngày thấy cải thiện được protein niệu và nhiều íhông số chức năng thận.

e. Điều tri viêm loét dạ dày - tá tràng:

- Đã điều trị 79 bệnh nhân bị viêm tá tràng, chia làm 2 lô, lô 1 có 61 bệnh nhân điều trị bằng bài thuốc gồm hoàng kỳ và bồ công anh, lô 2 điều trị bằng hydroxyd nhôm có 18 bệnh nhân. Sau 40 ngày, lô 1 cải thiện rõ ở 40 bệnh nhân (65,57%), lô 2 là 5 (27,78%); có cải thiện 21,3% ở lô 1 và 44,44% ở lô 2.

- Điều tri 40 người loét dạ dày đã xác định bằng chụp dạ dày bằng bài thuốc gồm hoàng kỳ 30g, bạch thược 20g, cam thảo l0g, gừng 2g, đại táo 3g, maltose 20g, ngày 1 thang. Sau một tháng khỏi 55%, sau 2 tháng khỏi thêm 20%, 3 tháng 12,5%, 6 tháng 2,5%, không khỏi 10%.

Tính vị:

Vị ngọt, tính ấm.

Quy kinh:

Tỳ, Phế, Đại trường và Tâm.

Công năng: 

Bổ khí cố biểu, lợi tiểu, trừ mủ, sinh cơ.

Công dụng:

+ Chữa khí hư mệt mỏi, kém ăn; trung khí hạ hãm, tiêu chảy lâu ngày, sa tạng phủ, tiện huyết, rong huyết; ra mồ hôi; nhọt độc khó vỡ; nội nhiệt tiêu khát; viêm thận mạn.

+ Hoàng kỳ chích mật: Kiện tỳ ích khí. 

+ Sinh Hoàng kỳ: Cố biểu, lợi tiểu, trừ mủ sinh cơ.

Cách dùng, liều lượng: 

6 - 12g một ngày, có thể tới 40 - 80g, dạng thuốc sắc hoặc thuốc cao.   

Bài thuốc:

1. Chữa phù thũng, phong thấp: Hoàng kỳ 5g, Cam thảo 2g, Phòng kỷ 5g, Quế chi 3g, Phục linh 6g, nước 300ml, sắc còn 100ml, uống trong ngày. 

2. Chữa cơ thể suy nhược, không muốn hoạt động, thích nằm, biếng nói, ngắn hơi, thở yếu, kém ăn, người xanh bủng, rù mỏi hay bệnh lòi dom do ỉa chảy lâu ngày, sa dạ con, sa dạ dày: Dùng Hoàng kỳ (tẩm mật sao), Đẳng sâm đều 10g, Bạch truật, Đương quy đều 8g, Thăng ma, Sài hồ, Trần bì, Cam thảo đều 4g sắc uống.

3. Chữa trực trường sa, lòi dom:  Dùng Hoàng kỳ 30-50g phối hợp với Đan sâm 15g, Sơn tra nhục 10g, Phòng phong, Thăng ma mỗi thứ 3g, sắc nước uống mỗi ngày l thang, dưới 3 tuổi giảm liều. Nếu có lòi ra ngoài, thêm Thuyền thoái, Kinh giới (than), Băng phiến tán bột trộn với Hương dầu bôi trị sa trực trường, kết quả tốt (Vương Chí Thanh, ‘Trị Sa Trực Trường Bằng Thuốc’, Sơn Đông Trung Y Tạp Chí 1983, 2: 43).

4. Chữa  Phế ung, thổ ra huyết: Hoàng kỳ 80g,  tán bột, mỗi lần dùng 8g  sắc với  nước uống lúc còn nóng. Ngày uống 3-4 lần (Thánh Huệ Phương).

5. Chữa tiêu khát: Can địa hoàng  200g Chích thảo 120g, Hoàng kỳ 120g, Mạch môn (bỏ lõi) 120g, Phục thần 120g, Quát lâu 120g, sắc uống ( Hoàng Kỳ Thang - Thiên Kim phương).

6. Chữa phong thấp, cơ thể nặng, ra nhiều mồ hôi, sợ gió và mạch phù: Táo 1 trái, gừng 4 lát, bạch truật 30g, cam thảo 20g, phòng kỷ 40g và hoàng kỳ 40g. Để gừng và táo riêng, đem các vị còn lại tán bột. Đem 20g sắc với sừng và táo, dùng uống trong ngày.

7. Chữa chứng sa dạ dày, sa thận, sa trực tràng, sa tử cung: Chim câu 1 con, hoàng kỳ 60g và kỷ tử 30g. Đem hầm chín, nêm nếm gia vị và dùng ăn khi nóng.

8. Chữa phì đại tuyến tiền liệt, tiểu nhiều lần, bí tiểu, tiểu ít nhưng vẫn có cảm giác buồn tiểu: Cá chép 1 con khoảng 250g và hoàng kỳ 30g. Hầm chín, thêm gia vị và ăn nóng. Mỗi tuần ăn 2 lần.

9. Cháo hoàng kỳ tẩm bổ và phục hồi cơ thể sau khi phẫu thuật: Nếp 200g, hoàng kỳ 30g, đường đen 20g, a giao 30g. Đem A giao giã nát, cho vào chảo sao vàng, tán mịn và để riêng. Dùng hoàng kỳ nướng khô, thái phiến và cho vào nồi cùng với nếp nấu thành cháo. Nêm thêm đường đen và bột a giao, đun thêm vài phút thì tắt bếp và ăn nóng.

10. Chữa chứng suy nhược, dễ bị cảm, đầu óc hay quên, tức ngực, hồi hộp: Nấm hương 150g, gừng tươi 15g, hoàng kỳ 30g, hành 20g. Đem sơ chế nguyên liệu và để ráo. Cho dầu vừng vào nồi, để dầu nóng, do gừng, hành và thịt gà vào xào chín. Thêm ít muối và rượu đảo cho thấm gia vị, sau đó cho nấm và một lượng nước vừa đủ vào. Đun sôi với lửa nhỏ trong 30-60 phút. Cho nấm hương và thịt gà ra đĩa, tiếp tục têm cải bẹ vào nước canh, đun sôi và dùng ăn kèm với gà.

11. Trà hoàng kỳ phòng ngừa cảm cúm và viêm phế quản: Hoàng kỳ thái lát mỏng, phơi khô. Mỗi lần dùng 5-10g hãm với nước sôi trong 30 phút và dùng thay cho trà.

12. Chữa chứng suy nhược cơ thể, miệng khô, khó thở, ăn uống kém, mồ hôi nhiều, sốt âm ỉ, mặt xanh vàng, tim đập nhanh

Bài thuốc 1: Cam thảo 1 phần (nửa sống nửa sao), chích kỳ 6 phần. Đem các vị tán nhỏ, mỗi lần dùng 4 – 8g sắc uống. Ngày dùng 3 lần (sáng-trưa-tối).

Bài thuốc 2: Quế chi và cam thảo mỗi vị 2g, đại táo 6g, sinh khương 4g, thược dược 5g, chích kỳ 6g. Đem các vị sắc lấy nước, chia thành 3 lần uống hết trong ngày. Khi uống có thể thêm mật ong hoặc mạch nha vào.

Bài thuốc 3: Phòng phong và bạch truật mỗi vị 8g, hoàng kỳ 24g. Đem tán thành bột mịn, trộn đều các vị. Mỗi lần dùng 6-8g uống với nước hoặc rượu, ngày dùng 2 lần.

Bài thuốc 4: Đương quy, bạch truật và đảng sâm mỗi vị 12g, trích thảo và thăng ma mỗi vị 4g, trần bì và sài hồ mỗi vị 6g, hoàng kỳ 16g. Đem sắc uống. Nếu cơ thể hư nhược nhiều, gia thêm tri mẫu 8g và huyền sâm 10g.

13. Chữa viêm mũi dị ứng và phòng ngừa chứng cảo mạo

Bài 1: Đại táo 10g và hoàng kỳ 15g. Đem các vị sắc uống hằng ngày.

Bài 2: Hoàng kỳ sống đem chế thành viên nặng 1g. Mỗi ngày dùng 5 – 6 viên liên tục trong 10 ngày. Ngưng khoảng 5 ngày rồi lặp lại liệu trình.

14. Chữa viêm phế quản và ho kéo dài: Bách bộ và tuyên phục hoa mỗi vị 10g, địa long 6g, hoàng kỳ 24g. Tán mịn, chế thành viên. Ngày dùng 3 lần liên tục trong 10 ngày. Nghỉ vài ngày rồi dùng lại, thực hiện từ 3-4 liệu trình sẽ thấy bệnh thuyên giảm.

15. Chữa bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim và thiếu máu cơ tim): Xuyên khung 10g, đương quy 12g, hoàng kỳ 30g, đan sâm 15g và xích thược 15g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang liên tục trong 4-6 tuần.

16. Giúp bổ huyết, trị chứng huyết hư, mất nhiều máu kèm theo sốt: Đương quy 8g và hoàng kỳ 40g. Sắc uống ngày dùng 1 thang.

17. Chữa chứng viêm thận: Đại táo 3 quả, gừng tươi 12g, bạch truật 8g, phòng kỷ 12g, hoàng kỳ 12g và cam thảo 4g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

18. Chữa phì đại tuyến tiền liệt: Hoạt thạch 30g và hoàng kỳ sống 100g. Sắc 2 lần, chắt lấy nước sau đó thêm 3g hổ phách (tán bột) và chia ra nhiều lần uống, nên dùng khi đói.

19. Chữa viêm khớp quanh vai, viêm khớp mãn tính, đau liệt nửa người do tai biến mạch máu não: Hồng hoa, xuyên khung, địa long và đào nhân mỗi vị 4g, xích thược và đương quy vĩ mỗi vị 8g, hoàng kỳ 40-160g.: Đem sắc uống.

20. Chữa đau nhức xương khớp do khí huyết hư và cơ thể suy nhược: Quế chi 6g, đại táo 3 quả, sinh khương và bạch thược mỗi thứ 12g, hoàng kỳ 16g. Sắc uống hằng ngày.

21. Chữa chứng lupus ban đỏ: Hoàng kỳ 30g. Sắc uống ngày 1 thang.

22. Chữa sang thương lâu ngày không làm mủ, ung nhọt, nhọt lở loét

Bài thuốc 1: Kim ngân 20g, hoàng kỳ 20g, cam thảo 6g và đương quy 16g. Sắc uống ngày dùng 1 thang.

Bài thuốc 2: Chuẩn bị đương quy, bạch truật, thiên hoa phấn, tạo giác thích và trạch tả mỗi vị 12g, cam thảo 4g, xuyên khung 6g, hoàng kỳ 16g. Đem các vị sắc uống.

23. Chữa vàng da do nghiện rượu, chân sưng đau, vùng dưới tim đau: Mộc qua 40g và hoàng kỳ 80g. Tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 8g với rượu. Ngày dùng 3 lần.

24. Chữa chứng sưng tấy và lở loét ở móng tay: Lan nhự 120g và hoàng kỳ 80g. Đem ngâm với giấm qua 1 đêm. Cho dược liệu vào nồi, thêm 1 chén mỡ heo nhỏ, sắc còn 3 chén. Dùng hỗn hợp sắc thoa lên chỗ lỡ loét, ngày thay 3 lần cho đến khi khỏi.

25. Chữa phế ung thổ ra huyết: Hoàng kỳ 80g. Tán bột, mỗi lần dùng 8g uống với nước ấm. Ngày dùng từ 3-4 lần.

26. Chữa ngực phiền, tiêu khát, chứng hư, mụn nhọt, ghẻ lở: Chích kỳ 240g và chích thảo 40g. Giã nát, mỗi lần dùng 8g sắc với đại táo 1 quả.

27. Chữa chứng bứt rứt, mệt mỏi ở người cao tuổi: Trần bì (bỏ xơ trắng) và miên hoàng kỳ mỗi vị 20g. Đem tán bột, mỗi lần dùng 12g. Đồng thời dùng 1 chén mè nhỏ, nghiền nát, lọc và sắc đến khi nổi bọt như sữa thì thêm 1 thìa mật ong vào. Dùng bột thuốc uống với nước sắc mè và mật ong khi đói.

28. Chữa chứng nôn ra máu: Tử bối phù bình 20g và hoàng kỳ 10g. Tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4g uống với nước mật và gừng.

29. Chữa mụn nhọt lâu ngày không vỡ mủ: Tạo giác thích 6g, đương quy 8g, xuyên khung 12, hoàng kỳ 16g và xuyên sơn giáp (sao) 4g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

30. Chữa chứng tiểu không thông: Miên hoàng kỳ 8g. Sắc với 2 chén nước còn lại 1 chén, uống khi nóng. Nếu dùng cho trẻ nhỏ, chỉ nên dùng ½ liều lượng thông thường.

31. Chữa bạch trọc do khí hư: Phục linh 40g, hoàng kỳ (sao muối) 20g. Đem tán bột mịn, mỗi lần dùng 8g uống với nước khi bụng đói.

32. Chữa tả huyết, trường phong: Hoàng liên và hoàng kỳ bằng lượng nhau. Đem tán thành bột mịn, trộn với miến chế thành hoàn. Dùng uống hằng ngày cho đến khi khỏi.

33. Chữa chứng tiểu buốt, tiểu đau và tiểu ra máu: Nhân sâm và hoàng kỳ bằng lượng nhau, đại la bặc 1 củ. Đem tán bột hoàng kỳ và nhân sâm, để riêng. Cắt đại la bặc thành miếng vừa ăn, đem tẩm với mật ong 80g và sao cho đến khi sờ vào không còn dính. Sau đó chấm với bột thuốc ăn hằng ngày.

34. Chữa chứng ho ra mủ và máu: Hoàng kỳ loại tốt 160g và cam thảo 40g. Tán bột, mỗi lần dùng 8g uống cùng với nước nóng.

35. Chữa chứng ngứa ở cơ quan sinh dục: Nhân sâm và hoàng kỳ 40g (đem tán bột) và long não 4g. Hòa thuốc bột với nước ngó sen tươi làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng 20 viên uống cùng với nước nóng.

36. Chữa băng huyết, rong huyết, sa tử cung, sa trực tràng, sơ thể suy yếu: Hoàng kỳ, đảng sâm, bạch truật, đương quy, cam thảo mỗi vị 12g, thăng ma 4g, sài hồ 6g và trần bì 6g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

37. Thịt rắn hầm hoàng kỳ trị viêm khớp dạng thấp, đau mỏi cột sống, phong tê thấp, đau mỏi do thời tiết lạnh: Tục đoạn 10g, hoàng kỳ 60g, gừng tươi 15g, thịt rắn 1kg và mỡ lợn bỏ da 30g. Đun cho chảo nóng, cho mỡ lợn vào đến khi mỡ chảy ra hết. Thêm thịt rắn vào, đảo đều cho chín, sau đó thêm một ít rượu vào. Sau đó cho thịt rắn vào nồi, thêm tục đoạn, hoàng kỳ, muối, hành và gừng vào. Cuối cùng đổ một lượng nước vào hầm trong vòng 1 giờ. Khi chín, nêm nếm gia vị vừa ăn và dùng khi nóng.

38. Cháo hoàng kỳ trị cảm cúm, suy nhược cơ thể: Đảng sâm 30g, phục linh 15g, gạo tẻ 60g, hoàng kỳ 30g, bạch truật 15g và cam thảo 6g. Sắc vị thuốc lấy nước, bỏ bã và cho gạo vào nấu thành cháo.

39. Cháo hoàng kỳ trị chứng động thai: Gạo nếp 60g, hoàng kỳ và xuyên khung mỗi vị 30g. Đem thuốc đun lấy nước, bỏ bã và thêm gạo tẻ vào nấu cháo.

40. Cháo hoàng kỳ da nhím trị bệnh trĩ xuất huyết: Gạo tẻ 60g, da nhím nướng 15g và hoàng kỳ 30g. Đem nấu da nhím và hoàng kỳ nấu lấy nước, bỏ bã thêm gạo tẻ vào nấu cháo. Dùng cháo ăn khi đói.

41. Tim lợn chấm hoàng kỳ trị lở ngứa, huyết trắng và sa tử cung: Hoàng kỳ (sao rượu, tán bột), tim lợn 1 cái. Đem tim lợn luộc, cắt miếng nhỏ và chấm bột thuốc ăn.

Kiêng kỵ

Hoàng kỳ ghét Bạch tiễn bì và Miết giáp, sợ vị Phòng phong.

Cấm dùng cho trường hợp hư chứng, thực chứng và âm hư hỏa vượng.

Ghi chú: 

Hoàng kỳ nam là rễ Cây vú chó (Ficus heterophyllus L.), họ Dâu tằm (Moraceae) cần chú ý phân biệt.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org