Logo Website

HY THIÊM-Chữa đau nhức xương khớp, tay chân tê mỏi

24/09/2020
Cây Cỏ đĩ có tên khoa học: Sigesbeckia orientalis L., họ Cúc (Asteraceae). Công dụng: Phong thấp tê đau (thuộc nhiệt), gân cốt mềm yếu, lưng gối mỏi rời rã, tứ chi tê buốt, bán thân bất toại, phong chẩn thấp sang (thuộc nhiệt), mụn nhọt, lở ngứa.

HY THIÊM (豨莶)

Herba Siegesbeckiae

Hy thiêm: Sigesbeckia orientalis L.

Tên khác: 

Cỏ đĩ, Cây cứt lợn, Chó đẻ hoa vàng, Niêm hồ thái, Chư cao, Hổ cao, Nụ áo rìa, Cỏ bà a, Hy tiên, Nhã khỉ cáy  (Thổ), Co boóng bo (Thái).

Tên gọi:

1- Cây Hy thiêm đầu tiên thấy ở nước Sở (miền Nam Trung Quốc) dân địa phương gọi là “Hy”. Gọi cỏ có vị đắng cay có độc gọi là “Thiêm” vì cây có khí vị hôi như mùi lợn cho nên gọi là “Hy thiêm thảo”.

2- Hoa của cây này có chất dính, khi người ta đi qua nó đeo dính theo người ta nên gọi là “Cỏ đĩ”.

Tên khoa học: 

Sigesbeckia orientalis L., họ Cúc (Asteraceae). 

Tên đồng nghĩa

Minyranthes heterophylla Turcz.; Sigesbeckia brachiata Roxb.; Sigesbeckia caspica Fisch. & C.A.Mey.; Sigesbeckia gracilis DC.; Sigesbeckia humilis Koidz.; Sigesbeckia iberica Willd.; Sigesbeckia orientalis f. angustifolia Makino; Sigesbeckia orientalis var. angustifolia Makino; Sigesbeckia orientalis subsp. caspica Kitam.; Sigesbeckia orientalis f. orientalisSigesbeckia orientalis var. orientalisSigesbeckia orientalissubsp. orientalisSigesbeckia orientalis var. tenggerensis Hochr.

Mô tả: 

Cây thảo sống hàng năm, cao chừng 30-40cm hay hơn, có nhiều cành nằm ngang. Thân cành đều có lông. Lá mọc đối, có cuống ngắn; phiến hình tam giác hình quả trám, dài 4-10cm, rộng 3-6cm, mép có răng cưa không đều và đôi khi 2 thuỳ ở phía cuống; 3 gân chính mảnh toả ra từ gốc. Hoa đầu có cuống dài 1-2cm. Bao chung có hai loại lá bắc; 5 lá ngoài to, hình thìa dài 9-10mm, mọc toả ra thành hình sao, có lông dính; các lá bắc khác ngắn hơn họp thành một bao chung quanh các hoa, 5 hoa phía ngoài hình lưỡi, các hoa khác hình ống, đều có tràng hoa màu vàng. Quả bế hình trứng 4-5 cạnh, màu đen. Mùa hoa quả tháng 4-7.   

Bộ phận dùng:  

Phần trên mặt đất (Herba Siegesbeckiae)

Phân bố, sinh thái

Hy thiêm phân bố ở vùng có khí hậu cận nhiệt đới và nhiệt đới : Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Indonesia, Philippin, Australia, ở Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở vùng núi và trung du phía bắc như Hà Giang. Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Cây ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc tương đối tập trung trên đất ẩm ở các bãi sông, ruộng hoang, ruộng trồng ngô và ven đường đi. Độ cao đưới 1500 m. Hàng năm, cây con mọc từ hạtvào tháng 4-5. Cây sinh trưởng nhanh và ra hoa ngay cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, sau tàn lụi vào đầu mùa đông, vỏ quả có lông dính, dễ dàng phát tán nhờ con người và động vật.

Trồng trọt:

Hy thiêm là cây dễ trồng, dễ sống ở cả miền núi, trung du và đồng bằng.

Cây đã được nghiên cứu trồng ở tỉnh Bắc Thái (cũ) có kết quả tốt.

Trồng hy thiêm bằng hạt. Hạt được gieo thẳng vào tháng 3 - 4. Đất trồng hy thiêm là đất cát pha, có ẩm nhưng không bị úng ngập; đất trồng màu là tốt nhất. Đất cần được cày bừa, để ải, đập nhỏ, đánh thành luống cao 20 - 25 cm, rộng 90 - 100 cm. Mỗi hecta bón lót 10 - 15 tấn phân chuồng hoai mục, bón theo rạch cách nhau 30 - 40 cm. Đảo phân đều với đất rồi gieo hạt, trên phủ rơm, rạ, tưới ẩm hàng ngày. Sau 5 - 7 ngày, hạt đã nảy mầm. Lúc này, cần dỡ bỏ rơm rạ. Khi cây cao 7 - 10 cm, tiến hành tỉa giặm, đảm bảo khoảng cách giữa các cây là 20 - 25 cm. Chú ý làm cỏ, bón thúc ngay sau khi cây mọc vì hy thiêm là cây ngắn ngày. Trung bình, cứ 20 - 25 ngày làm cỏ và thúc đạm một lần. Mỗi lần bón 2 kg urê cho một sào Bắc Bộ. Đến tháng 5 - 6, cây bắt đầu ra hoa và có thể thu hoạch.

Hy thiêm ít bị sâu bệnh. Cần chú ý thoát nước sau mưa lớn.

Nếu muốn thu hạt giống, phải đợi đến tháng 7 - 8, khi hạt chín, cắt cả cây và phơi khô rồi đập lấy hạt.

Thu hái: 

Thu hái cây vào tháng 4-6 và lúc cây sắp ra hoa hoặc mới có ít hoa. Cắt cây có nhiều lá, loại bỏ lá sâu, lấy phần ngọn dài khoảng 30-50cm, đem phơi hay sấy khô đến độ ẩm dưới 12%. Dược liệu còn nguyên lá khô không mọt, không vụn nát là tốt.

Bảo quản:

Hy thiêm rất dễ mục nát và bị nấm mốc, do đó bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, không ráo, tránh độ ẩm cao và nước trực tiếp. Thỉnh thoảng có thể mang dược liệu ra phơi nắng để tránh gây biến chất dược liệu.

Thành phần hoá học: 

Toàn cây chứa chất đắng daturosid (chất này khi thủy phân cho glucose và darutigenol), tinh dầu, orientin (diterpen lacton), orientalid, 3,7-dimethylquercetin.

Một số hợp chất phân lập từ phần trên mặt đất của cây Hy thiêm: β‐D‐glucopyranosyl‐ent‐2‐oxo‐15,16‐dihydroxy‐pimar‐8(14)‐en‐19‐oic‐late; [1(10)E,4Z]‐8β‐angeloyloxy‐9α‐methoxy‐6α,15‐dihydroxy‐14‐oxogermacra‐1(10),4,11(13)‐trien‐12‐oic acid 12,6‐lacton

Tác dụng dược lý:

Hy thiêm có các tác dụng hạ huyết áp, hạ đường huyết và kháng siêu vi khuẩn bệnh Ranikhet của gia cầm. Lá hy thiêm có tác dụng ức chế khá mạnh giai đoạn viêm cấp tính trong thí nghiệm gây phù chân chuột cống trắng bằng kaolin. Liều tiêm dưới da gây ức chế 50% cường độ viêm cấp là 3,8 g/kg chuột. Lá hy thiêm có tác dụng ức chế yếu giai đoạn viêm mạn tính và gây thu teo với mức độ trung bình tuyến ức chuột cống non. Tác dụng gây thu teo tuyến ức là một đặc điểm của thuốc ức chế miễn dịch. Liều chết 50% số động vật thí nghiệm xác định bằng đường uống trên chuột nhắt trắng theo phương pháp Karber là 77,5g/kg, chứng tỏ hy ihiêm có độc tính thấp.

Tác dụng chống viêm cấp của hy thiêm qua bài thuốc gồm hy thiêm, mộc qua, thiên niên kiện, ngưu tất, đã được chứng minh bằng cách cho chuột cống trắng uống, đồng thời gây giảm tỷ lệ gamma - globulin trong huyết thanh.

Hy thiêm có tác dụng an thần, làm giảm hoạt động tự nhiên của động vật thí nghiệm, có khả năng ức chế miễn dịch, nâng cao tỷ lệ sống của động vật trong thí nghiệm gây choáng phản vệ. Có hoạt tính kháng histamin và kháng acetylcholin thể hiện ở tác dụng làm giảm biên độ co thắt cơ trơn ruột cô lập gây bởi hai chất trên.

Tác dụng của hy thiêm đối với chuyển hóa lipid ở chuột cống trắng được gây tăng lipid máu thực nghiệm đã được nghiên cứu. Dược liệu gây giảm cả 3 chỉ số: mức cholesterol máu, tỷ số beta/alpha lipoprotein máu và mức lipid toàn phần trong máu động vật thí nghiệm.

Cao chiết cồn thô cho thấy có tác dụng chống tăng acid uric và chống viêm trong thực nghiệm. Các thành có tác dụng sinh học được xác định là các hợp chất phenolic. Phát hiện này chỉ ra ứng dụng của cây Hy thiêm trong điều trị bệnh gút.

Một nghiên cứu khác đã chứng minh rằng chiết xuất cồn của Hy thiêm là nguyên liệu thuốc có khả năng ngăn ngừa viêm, kể cả viêm cấp và viêm mạn. 

Chiết xuất cồn còn thể hiện các hoạt động chống viêm và chống tăng sinh mạnh mẽ. Đây có thể là một tác nhân bổ sung lý tưởng để điều trị cho bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung.

Hàm lượng kirenol trong rễ cây Hy thiêm cao. Kirenol có hiệu quả ức chế vi khuẩn gram dương, bao gồm Staphylococcus cholermidisStaphylococcus aureus và Acinetobacter baumannii.

Tính vị:

Tính hàn, vị đắng, cay, chứa một lượng độc nhỏ.

Quy kinh

Can và Thận.

Công năng: 

Bổ huyết, hoạt huyết, trừ thấp, giảm đau, lợi gân xương.

Công dụng: 

Phong thấp tê đau (thuộc nhiệt), gân cốt mềm yếu, lưng gối mỏi rời rã, tứ chi tê buốt, bán thân bất toại, phong chẩn thấp sang (thuộc nhiệt), mụn nhọt, lở ngứa.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 8 - 16g, dạng thuốc sắc hoặc cao. Dùng ngoài giã đắp không kể liều lượng.

Bài thuốc:

1. Chữa phong thấp hay chân tê bại, buốt xương, lưng gối đau mỏi: dùng Hy thiêm rửa sạch phơi khô, rưới rượu và mật vào, đồ lên rồi phơi, lại tẩm, đồ và phơi 9 lần, sấy khô tán nhỏ, viên với mật, uống mỗi ngày 10-15g. Hoặc dùng Hy thiêm 50g, Ngưu tất 20g, Thổ phục linh 20g, Lá lốt 10g làm bột uống ngày 3 lần, mỗi lần 10-15g. 

2. Chữa sốt rét cơn lâu ngày, đờm đọng hoặc tức đầy không muốn ăn: Dùng Hy thiêm tươi giã nhỏ, chế nước sôi vào, vắt lấy nước cốt uống một chén (30ml), uống nhiều thì nôn ra đờm. 

3. Chữa bán thân bất toại, méo miệng, mất tiếng do cảm gió: Lá và cành non Hy thiêm hái trước khi ra hoa, sao vàng, tán bột. Thêm mật vào làm thành viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 3-6 g, nếu uống được rượu thì nên dùng rượu để chiêu thuốc. Uống sau bữa ăn.

4. Chứa bại liệt nửa người: Cao Hy thiêm uống với máu mào gà (Theo danh y Lê Kinh Hạp, đời Tự Đức). 

5. Chữa tăng huyết áp: Hy thiêm 8g, Ngưu tất 6g, Thảo quyết minh 6g, Hoàng cầm 6g, Trạch tả 6g, Chi tử 4g, Long đởm thảo 4g, sắc uống ngày một thang, hoặc dùng dạng chè thuốc. (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).

6. Chữa mụn nhọt, mụn đầu đinh ở sau lưng: Hy thiêm thảo, ngũ trảo long, tiểu kế, đại toán mỗi thứ 4 g. Giã nát, dội chén rượu nóng vào, vắt lấy nước uống.

7. Chữa vẩy nến: Hy thiêm 16g; Hòe hoa, Sinh địa, cây Cứt lợn, Thạch cao, mỗi vị 20g; Thổ phục linh, Kim ngân hoa, Ké đầu ngựa, Cam thảo đất, mỗi vị 16g. Sắc uống ngày một thang.

8. Chữa tổ đỉa: Hy thiêm 16g, Thổ phục linh 20g; Ké đầu ngựa, Ý dĩ, Sinh địa, mỗi vị 16g; Kim ngân, Tỳ giải, cây Cứt lợn, Kinh giới, Cam thảo đất, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

9. Chữa rắn rết cắn, xuất huyết, đinh nhọt sưng tất: Sử dụng Hy thiêm thảo giã nát sau đó dùng đắp lên vết thương.

10. Chữa phong hàn, cảm mạo: Hy thiêm 3 chỉ, Lục nguyệt sương 5 chỉ, Thông bạch 2 chỉ, Tử tô 3 chỉ, sắc lấy nước dùng uống.

11. Trị mất ngủ, an thần, suy nhược thần kinh: Hy thiêm 5 chỉ, Hoa hòe 5 chỉ sắc thành thuốc, dùng uống khi còn ấm.

12. Chữa viêm khớp dạng thấp, viêm đa khớp: 4 lượng Hy thiêm sắc thành nước cốt, gia thêm đường đen nấu thành cao. Mỗi ngày sử dụng 2 lần, mỗi lần dùng 1 chén nhỏ.

13. Điều trị đau nhức xương khớp, tay chân tê mỏi: Dùng 10 lượng bột Hy thiêm thảo, 9 lượng cao mềm Hy thiêm, bột Xuyên khung 2 lượng, bột Thiên niên kiện 3 lượng, trộn đều, gia thêm mật ong làm thành viên hoàn. Mỗi lần sử dụng 4 – 5 viên, mỗi ngày dùng 2 lần.

14. Chữa ung nhọt phát bối: Sử dụng Hy thiêm, Đại toán, Ngũ diệp thảo, Dã hồng hoa, mỗi vị phân lượng bằng nhau, sau đó giã nát, lấy nước dùng.

15. Chữa cảm mạo: 12 g Hy thiêm thảo, Tía tô 12 g, Hành 8 g, sắc với 550 ml nước lọc, đến khi còn 250 ml thì chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang liên tục trong 5 ngày.

16. Chữa mất tiếng do nhiễm gió: Hy thiêm thảo phơi khô, sao vàng, tán thành bột mịn, trộn với mật ong, làm thành viên hoàn. Mỗi ngày sử dụng 3 – 6 g, dùng với nước đun sôi để nguội, sau bữa ăn chính.

17. Chữa huyết áp cao, tăng huyết cao: 8 g Hy thiêm, Thảo quyết minh, Trạch tả, Ngưu tất, Hoàng cầm, mỗi vị 6 g, Long đởm thảo 4 g, sắc với 700 ml nước, chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống một thang, duy trì trong 10 ngày liên tục.

18. Chữa bán thân bất toại: Cành và lá non Hy thiêm thảo thu hái trước khi ra hoa sao vàng, tán bột, gia thêm mật làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng uống 3 – 6 viên, nếu uống được rượu có thể cho thêm rượu để chiêu thuốc. Uống thuốc sau bữa ăn chính.

19. Chữa phát bổi, lên mụn đầu đinh sưng đau ở sau lưng: Dùng Hy thiêm thảo, Tiểu kế, Ngũ long trảo, Đại toán, mỗi vị đều 4 g, giã nát, cho thêm 1 chén rượu nóng, chắt lấy phần nước, dùng uống.

20. Hy thiêm trong bài thuốc trị bệnh gout: Dùng 100g Hy thiêm, 50g Thiên niên kiện nấu cùng đường và 1 lít rượu, nấu thành cao. Người bệnh uống đều đặn 1 ly nhỏ trước khi ăn tối, duy trì ngày uống 2 lần.

Kiêng kỵ: 

Không có phong thấp mà thuộc âm hư thì cấm dùng. Kỵ Sắt.

Không nên dùng hy thiêm tươi vì có thể gây nôn mửa. Tốt nhất nên nấu hoặc phơi khô.

Chú ý:

Chữ cứt lợn là dịch nghĩa Việt của tên cây, nhưng cần phân biệt với loại cây cứt lợn khác (Ageratum conyzoides L.) thường được người dân dùng nấu với bồ kết để gội đầu, hoặc vò lá tươi uống chữa rong kinh. Đã có trường hợp thu mua nhầm phải cây Cứt lợn với số lượng hàng tấn dược liệu (1962)

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org

- Li‐Li Wang, Li‐Hong Hu; Chemical Constituents of Siegesbeckia orientalis L.; Journal of Integrative Plant Biology; Volume48, Issue8, 2006, Pages 991-995