Logo Website

KINH NGHIỆM DÙNG SÂM VÀ SÂU CHÍT

17/04/2021

ĐIỀU 187. KINH NGHIỆM DÙNG SÂM VÀ SÂU CHÍT 

Ở nước ta không phải không có Sâm, chỉ vì ít người chịu nghiên cứu tới cách trồng, cách thu hái và phương pháp bảo quản. Chỉ có cụ Hải Thượng là biết trọng dụng Sâm Bố chính, phần nhiều các phương thuốc do cụ chế ra, cụ đều dùng Sâm Bố chính. Cụ lại nghĩ ra cách bào chế, để cho khí vị, công năng được giống với Sâm của Trung Quốc. Tuy vậy, cách trồng, cách thu hái, cách bảo quản cũng không thấy chỉ dẫn. 

Tôi nghĩ: ngoài Sâm Bố chính, có thứ sâm ở núi Nhẫm (thuộc Hà Bắc bây giờ) nếu biết bào chế thì công năng cũng không kém Sâm Bố chính. Thứ Sâm này, cùng một loại với thứ mà ta quen gọi là Sâm nam, hoặc Cát sâm nhưng dạng nhỏ, chỉ bằng ngón tay, hai đầu hơi nhọn như hình quả trám, dài chừng 8, 9 cm, vì nó nhỏ nên có người còn gọi là sâm chuột. Chọn những củ không non, không già, thái ra bên trong cũng có mắt ngỗng, thịt cũng hơi hồng chứ không trắng bệch. Tôi thường mua Sâm này, sau khi rửa sạch, thái thành phiến hơi dày, phơi gần khô, đem tẩm với nước vo gạo nếp: cứ đêm tẩm ngày phơi, tẩm và phơi 5 lần, tẩm nước gạo xong tẩm nước gừng (phải là gừng già đã vắt lấy nước) một đêm, hôm sau phơi thật khô (nếu gặp ngày trời dâm thì phải sấy) rồi cứ 1 cân Sâm thì dùng một lạng Ngũ vị, đun lấy nước thật đặc, để tẩm sâm, qua 1 đêm, hôm sau đem sao cho hơi vàng giòn, rồi để vào lọ dùng dần. Tôi nhận thấy thứ Sâm Nhẫm nếu cứ sao tẩm được đúng phương pháp đó, hiệu lực của nó sẽ không kém Sâm Trung Quốc. 

Ngoài ra còn có thứ "sâu chít" công năng của nó cũng không kém Đông trùng hạ thảo. "Chít” thuộc loại thảo, có bông giống bông lau, thân cao từ 1 đến 2 thước, lá dài như lá mía. Tại các sườn đồi núi miền trung du, giống này mọc rất nhiều. Từ tháng 11, 12 âm lịch trở đi, bắt đầu đâm bông. Nhân dân miền đó thường hái lá để gói bánh - tục gọi là bánh tẻ - thay lá tre mai - còn bông thì cắt làm chổi. Chổi chít quét rất bền, thợ nề thường dùng làm chổi quét vôi. Cứ từ cuối tháng 11, sang tháng 12, hễ thấy trong bụi chít, cây nào cụt ngọn không đâm bông, thì biết ở trong thân có sâu. Cắt lấy từ đoạn giữa cây đem về, chẻ đôi ra, sẽ thấy ở trong có một con sâu, hệt như con tằm sắp chín. Từ năm 1940 trở về trước, cứ vào khoảng tháng 11, 12 âm lịch, đồng bào thiểu số vùng Lạng Sơn mang về Hà Nội bán, họ bó 10 cây làm một; các nhà tư sản thường mua về lấy sâu trộn với hạt kê cho chim yểng, họa mi ăn, họ bảo là cho ăn như thế chim chóng béo. Người địa phương thường đem xào với trứng, họ nói không phải dùng mỡ, chỉ mỡ nó rán nó mà ăn rất béo ngậy. Năm 1948, 49, tôi theo kháng chiến, vì Sơn Tây giặc Pháp tạm chiếm, ủy ban nhân dân tỉnh dời về khu vực Hòa Bình để làm việc. Được người bạn giới thiệu cho biết và cách lấy. Khi đã cắt được cây chít đem về, lấy sẵn chậu nước sạch, hòa vào một nhúm muối, bấy giờ mới xé cây chít, lấy sâu thả vào chậu nước, để qua một đêm cho nó mửa hết rãi (sức sống của nó rất dai, ngâm nước qua một đêm mà vẫn sống), ngâm qua một đêm, hôm sau để vào chảo đất sấy khô, rồi muốn ngâm mật ong hay ngâm rượu tùy ý. Riêng về phần tôi, vốn nghiện rượu, nên chỉ ngâm rượu. Trong chai rượu ngâm sâu chít thường nổi "váng" như mỡ gà. Rượu uống không có mùi gì, chỉ kèm vị béo. Tôi nghiệm thấy rượu ngâm sâu chít có tác dụng bổ ích rất nhiều, nhất là đối với bệnh ở Phế và Mệnh môn hỏa suy, công hiệu rất rõ rệt. Tôi đã mách nhiều người bị bệnh ho suyễn, bệnh thổ huyết. tới 3, 4 năm, uống thuốc gì cũng không khỏi mà chỉ uống chuyên rượu sâu chít 3, 4 tháng (ngâm hết hơn 100 con) khỏi hẳn. Vào khoảng năm 1953, 54 tôi đã viết bài đăng trên báo Đông y do Lê Huy Phách làm chủ nhiệm. Hồi viết bài đó tôi còn nhận "sâu chít" tức là Đông trùng hạ thảo. Thật là một ý thức chủ quan. Vì nó là sâu chít thì cứ gọi là sâu chít, hà tất còn phải gán cái tên Đông trùng hạ thảo làm gì cho thêm dài dòng. (Những loại thuốc chính có tên địa phương của mình rồi mà lại cố gán ghép vào tên Trung Quốc, e không chính xác. ở ta có rất nhiều trường hợp như vậy). Theo kinh nghiệm bản thân, công năng của sâu chít, có thể tóm tắt: "vị cam, ôn, đại bổ Phế, Thận và Mệnh môn, chữa được chứng Phế hư, ho và thổ huyết, Suyễn; Thận, Mệnh môn suy yếu, di tinh, hoạt tinh”. 

Nguồn trích: CHƯƠNG X: VỊ THUỐC VÀ PHƯƠNG THUỐC - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990