Logo Website

LÔ HỘI - Chữa táo bón cấp tính, điều trị vết thương và viêm da nhẹ, bỏng

23/10/2020
Cây Lô hội có tên khoa học: Aloe vera (L.) Burm.f., họ Lô hội (Asphodelaceae). Công dụng: Nhựa thường dùng trị: Kinh bế, kinh nguyệt ít, táo bón; đại tiện bí, sung huyết não, kinh phong. Lá thường dùng trị: Ðau đầu, chóng mặt, táo bón, trẻ em co giật, suy dinh dưỡng, ho gà. Còn dùng trị sâu răng, viêm mủ da, vết chảy và bỏng, eczema.

 LÔ HỘI (蘆 薈)

Aloe

Lô hội Aloe vera

Lô hội: Aloe vera (L.) Burm.f.; Photo vn.nfextract.com and nestreeo.com

Tên khác: 

Lưu hội, Nha đam, Lưỡi hổ, Hổ Thiệt.

Tên khoa học: 

Aloe vera (L.) Burm.f., họ Lô hội (Asphodelaceae). 

Mô tả: 

Cây: 

Cây sống nhiều năm, thân có thể hóa gỗ, phần trên mang lá tập trung thành hình hoa thị. Lá hình mũi mác dày, mọng nước, có nhiều chất nhầy nên giữ nhiều nước làm cho cây thích ứng được nơi khô hạn. Khi ra hoa thì trục hoa nhô lên ở giữa bó lá, mang chùm hoa màu vàng hoặc đỏ.

Aloe ferox Mill. có thân cao từ 2 - 5m, lá mọc thành hoa thị dày, dài 15 -50cm, rộng 10cm ở gốc, có gai ở mặt dưới lá và ở mép lá. Hoa màu đỏ. Loài này là loài chủ yếu có ở nam Phi, cho “lô hội xứ ”

Aloe vera (L.) Burm.f. Có thân ngắn: 30 - 50cm. Lá chỉ có gai ở 2 mép. Hoa màu vàng. Cây nguồn gốc ở bắc Phi, di nhập vào Antille nhưng hiện nay chỉ trồng ở các đảo Aruba và Bonaire cho “lô hội Barbade”.

Dược liệu: 

Khối nhựa có kích thước không đồng đều, màu nâu đen bóng, dễ vỡ vụn, chỗ vỡ óng ánh như thuỷ tinh. Mùi hơi khó chịu, vị đắng nồng.

Bộ phận dùng: 

Chất dịch đã cô đặc và sấy khô, đóng thành bánh, lấy từ lá cây Lô hội

Phân bố, sinh thái

Cây lô hội được trồng nhiều ở các nuớc Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Philippin và Việt Nam. Cây được nhập vào Malaysia từ thế kỷ 16. Chưa rõ thời gian nhập trồng ở Việt Nam. Về nguồn gốc nguyên thủy của loài, có thể từ Ả Rập.

Ở Việt Nam, lô hội được trồng rải rác ỏ khắp nơi, nhiều nhất là các tỉnh phía nam và ven biển miềa Trung. Cây được trồng ở chậu hay trên đồng ruộng để làm cảnh và làm thuốc. Lô hội là cây có biên độ sinh thái khá rộng, thích nghi với nhiều loại đất, kể cả đất pha cát hoặc chỉ có cát. Cây có khả năng chịu hạn tốt do khả năng giữ nước của lá (lá mọng nước), sinh trưởng phát triển mạnh trong điều kiện chiếu nhiều.

Trồng trọt:

Lô hội là cây nhập trồng từ lâu đời. Hiện nay, cây mọc tự nhiên được phát hiện ở vùng bờ biển Bình Thuận và Yên Bái.

Cây được trồng chủ yếu bằag mầm. Mầm có thể

tách và trồng quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa xuân, ở quy mô lớn hơn, cần làm đất, lên luống và trồng vói khoảng cách 30 X 30 cm hay 30 X 40 cm. Muốn cho cây mọc khoẻ, lá to, cần bón lót phân chuồng. Sau khi trồng và sau mỗi lần thu hoạch lá, bón thúc thêm nước phân chuồng, nuớc giải hoặc đạm pha loãng. Chú ý không tưới phân lên ngọn cây vì dễ làm thối nõn và lá non. Cây ít có sâu bệnh, cần giữ cho cây không bị ngập úng.

Thu hái, sơ chế:

Thu hái quanh năm dùag tươi hoặc điều chế thành nhựa lô hội bằng cách cắt lá, loại bỏ lớp biểu bì lấy hết khối nhựa trong suốt, sấy ở nhiệt độ khoảng 50°C. Cũng có thể ép lá lấy dịch, đem cô cách thủy đến khô

Chế biến:

Sử dụng nha đam tươi, gọt bỏ phần vỏ, làm sạch lớp nhựa mủ màu vàng rồi cắt thành khúc.

Thành phần hoá học :  

Các dẫn chất anthranoid.  Đây là thành phần có tác dụng của lô hội gồm:

Aloe emodin, chất này không có trong dịch lô hội tươi. Trong nhựa lô hội aloe emodin chiếm khoảng 0,05 - 0,50%. Chất này tan trong ether, chlorofom, benzen và kết tinh hình kim vàng cam.

Barbaloin, chiếm 15 - 30% là thành phần chính của nhựa lô hội, công thức được nghiên cứu và sửa đổi nhiều lần. Hiện nay công thức được xác định là 1,8-dihydroxy-3-hydroxymethyl-10-b-D-glucopyranosyl anthron. Phần aglycon là anthron tương ứng của aloe emodin, phần đường là glucose nối với carbon số 10 theo dây nối C -glycosid. Nó là bột kết tinh hình kim màu vàng chanh đến vàng xẫm, vị đắng, đen dần ngoài không khí và ánh sáng, tan trong nước, cồn, aceton, ammoniac, hydroxyd kiềm, rất ít tan trong benzen, chloroform, ether. Barbaloin cũng như những loại C - glycosid khác, rất khó bị thủy phân bằng acid. Muốn thủy phân có hiệu suất cao thì phải thủy phân có kèm theo chất oxy hóa (như natri periodat hoặc sắt III chlorid).

Barbaloin là một hỗn hợp 2 đồng phân S và R (do carbon bất đối ở C-10). Aloin A là đồng phân 10S có năng suất quay cực phải. Aloin B  là đồng phân 10R có năng suất quay cực trái. Bên cạnh hai chất trên còn có aloinosid B (= aloin 1” - O - a - L - rhamnopyranosid), cấu hình ở C -10 chưa xác định. Ngoài ra còn có một số anthranoid khác.

Trong lô hội còn có aloenin, aloenin B là các dẫn chất phenyl pyran 2 - on; aloesin, aloesol là các dẫn chất benzo pyran 4 - on.

Tác dụng dươc lý:

- Tác dụng đối với Vị trường:

Aloin là chất tẩy xổ mạnh và mạnh hơn so với Đại hoàng. Aloin tác động trên kết trường. Lô hội dùng thụt Đại trường có tác dụng cũng như uống (Trung Dược Học).

- Tác dụng tẩy xổ:

Aloin là chất tẩy xổ mạnh, tác dụng kích thích đại trường gây xổ thường kèm theo đau bụng, hố chậu sung huyết. Nghiêm trọng có thể gây viêm Thận. Lô hội dùng thụt Đại trường có tác dụng cũng như uống (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).

- Tác dụng kháng khuẩn:

Một vài nghiên cứu đã phát hiện các hoạt chất chứa trong nhựa lô hội có tính gây tê và kháng khuẩn. Vì vậy, có thể dùng chúng để thanh nhiệt, sát trùng và thông tiểu. 

- Tác dụng chống viêm:

Lô hội có tác dụng chống viêm nhờ chứa các hoạt chất như chromone C-glucosyl, acid salixylic và enzyme bradykinase. Theo nghiên cứu đăng tải vào năm 2004 trên tạp chí Alimentary Pharmacology and Therapeutics cho thấy, khoa học đã chứng minh nha đam có công dụng trong việc điều trị chứng viêm ruột. Hơn nữa, chúng còn giúp làm dịu các vết loét viêm kết tràng ở trường hợp bệnh nhẹ.

Một số nghiên cứu in vivo và in vitro chứng minh hoạt tính chống viêm của gel lô hội. Làm giảm viêm cấp túứi ở chuột cống trắng, không tác dụng trên viêm mạn tính. Có thể tác dụng chống viêm là do hoạt tính của bradykinase và do ức chế thromboxan B2 và prostaglandin F2. Ba sterol thực vật có trong lô hội làm giảm viêm cấp tính trên chuột nhắt trắng, trong đó lupeol có tác dụng mạnh nhất.

- Tác dụng đối với tim mạch:

Nước  sắc Lô hội có tác dụng ức chế tim cô lập của ếch (Trung Dược Học).

- Tác dụng với nấm và bệnh ngoài da:

Nước  ngâm kiệt Lô hội có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau đối với nấm gây bệnh ngoài da (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).

- Tác dụng kháng ung thư:

Lô hội còn có tác dụng kháng hoạt tính ung thư (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).

- Tác dụng chữa vết thương và vết phỏng: 

Nước  sắc Lô Hội 10% bôi trên thỏ  và chuột thấy rút ngắn được thời gian điều trị. Trong những năm gần đây, nước  sắc Lô hội dùng điều trị phỏng có kết quả tốt, 1 số trường hợp cho thấy Lô hội kháng được với Pseudomonas aeruginosa (Trung Dược Học).

Nghiên cứu lâm sàng cho thấy gel lô hội làm mau lành vết thương. Nghiên cứu thực nghiệm in vivo chứng minh gel lô hội làm mau lành vết thương do kích thích trực tiếp hoạt tính của đại thực bào và nguyên bào sợi. Các nguyên bào sợi được hoạt hóa bởi gel lô hội làm tăng sự tổng hợp của colagen và proteoglycan, do đó thúc đẩy sự lành vết thương.

Một số hoạt chất là polysaccharid gồm nhiều monơsaccharid, chủ yếu là manose, Như vậy, chất manose - 6 - phosphat có trong gel có thể chịu trách nhiệm một phần về tác dụng làm lành vết thương của gel. Manose 6 - phosphat có thể gắn với thụ thể của yếu tố sinh ưưởng trên bề mặt của nguyên bào sợi và do đó làm tăng hoạt tính.

Ngoài ra, acemannan là một phức hợp carbohydrat phân lập từ lá lô hội, được chứng minh làm mau lành vết thương và giảm phản ứng da do phóng xạ. Có 2 cơ chế tác dụng: một là acemannan là một chất gây hoạt hóa mạnh các đại thực bào và do đó có thể kích thích giải phóng cytokin tạo fibrinogen, hai là yếu tố sinh trưởng có thể gắn trực tiếp với acemannan, làm tăng đô ổn đinh và kéo dài sư kích thích mô hạt.

- Tác dụng chống khối u:

Lô hội chiết xuất bằng alcohol có tác dụng ức chế sự phát triển của 1 số khối u và xơ gan cổ trướng (Trung Dược Học).

- Tác dụng đường tiêu hoá:

Liều nhỏ Lô hội giúp kích thích tiêu hóa (Liều thường dùng: 0,5-1g), vì nó kích thích nhẹ niêm mạc ruột và không cho cặn bã ở lâu trong ruột. Liều cao, nó là vị thuốc tẩy mạnh nhưng tác dụng chậm, gây sự sung huyết ở các cơ quan bụng, nhất là ở ruột gìa. Tùy theo liều dùng, có thể gây độ tẩy cần thiết. Có tác dụng sau 10-15 giờ, phân mềm nhão, không lỏng. Có khi hơi đau bụng (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam). 

- Tác dụng xổ:

Lô hội liều cao 200-500mg nhựa khô (3-5 lá tươi) có tác dụng xổ mạnh. Công năng xổ này là do các chất có nhân Anthraquinon của Lô hội có tính kích ứng đường ruột, gây ra đau bụng quặn nên không tốt bằng các loại Muồng (Cassia) hoặc  Tả diệp [Séné] (Thuốc Và Sức Khỏe 1996, 80: 23).

- Tác dụng kháng sinh:

Aloe vera gel có tác dụng làm săn da, kháng sinh, làm đông  kết dịch rỉ (Thuốc Và Sức Khỏe 1996, 80: 24).

Các nghiên cứu mới nhất chứng minh gel Lô Hội tươi có tính sát khuẩn, gây tê (làm giảm đau sau khi bôi), tăng vi tuần hoàn vì vậy giúp mau lành vết thương khi bôi lên (Cuzzel 1986, David và cộng sự 1987, Rodriguez và cộng sự 1988, Hogan 1988).

- Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường:

Các Anthraquinon của các loại Aloe kết hợp được với các ion Calcium trong đường tiểu thành hợp chất tan được để tống ra ngoài theo nước  tiểu (Thuốc Và Sức Khỏe 1996, 80: 23).Vào năm 2006, các nhà khoa học đã nghiên cứu và công bố trên tờ Biological and Pharmaceutical Bulletin về tác dụng điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 của gel nha đam nhờ hoạt chất phytosterol chứa trong nó. Và để khẳng định điều này, một nghiên cứu khác đăng tải trên tờ Saudi Pharmaceutical Journa cũng chỉ rõ, sau khi bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 bổ sung gel nha đam mỗi ngày, kết quả triệu chứng bệnh thuyên giảm đáng kể.

Tính vị:

Vị đắng, tính hàn.

Quy kinh:

Can, tỳ, vị, đại tràng

Công năng: 

Thanh can nhiệt, thông tiện.

Công dụng: 

Nhựa thường dùng trị: Kinh bế, kinh nguyệt ít, táo bón; đại tiện bí, sung huyết não, kinh phong. Lá thường dùng trị: Ðau đầu, chóng mặt, táo bón, trẻ em co giật, suy dinh dưỡng, ho gà. Còn dùng trị sâu răng, viêm mủ da, vết chảy và bỏng, eczema.

1. Lô hội được dùng trị táo bón cấp tính. Dùng liều cần thiết nhỏ nhất để làm phân mềm. Liều nhuận tràng cho ngưòd lớn và trẻ em trên 10 tuổi là 0,04 - 0,11g dịch ép khô lá lô hội, tương đương với 10 - 30mg hydroxyanthraquinon trong một ngày, hoặc uống một liều 0,1 g vào buổi chiều.

2. Gel lô hội được dùng trong y học cổ truyền để điều trị vết thương và viêm da nhẹ, bỏng, vết thâm tún và vết trầy da, nhất là những vết bỏng do nhiệt ở độ I và II, và bỏng do phóng xạ đều khỏi nhanh và ít có sẹo.Dùng gel mói pha chế vì để lâu dễ bị phân hủy do men, do oxy hóa hoặc vi khuẩn. Không dùng gel lô hội bằng đuòng uống, vì không có tác dụng điều trị chắc chắn.

Cách dùng, liều lượng:

0,05- 0,1g kích thích nhẹ niêm mạc, giúp tiêu hoá, ăn uống không tiêu. Liều lớn chữa nhức đầu, sung huyết phổi, sung huyết các phủ tạng.

Bài thuốc:

1. Chữa tiểu đường: Dùng lá Lô hội 20g nấu lấy nước uống, cũng có thể uống sống.

2. Chữa đau đầu, chóng mặt: Dùng Lô hội 20g, hoa Đại 12g, lá Dâu 20g, đem nấu lấy nước uống hết trong ngày, chia 2-3 lần.

3. Chữa ăn uống khó tiêu: Dùng Lô hội 20g, Bạch truật 12g, Cam thảo 4g, đem nấu lấy nước uống trong ngày, chia 2-3 lần uống.

4. Chữa viêm loét tá tràng: Dùng Lô hội 20g, Dạ cẩm 20g, Nghệ vàng 12g (tán bột mịn), cam thảo 6g. Tất cả nấu lấy nước uống trong ngày, chia 2 - 3 lần uống.

5. Chữa bế kinh, đau bụng kinh: Dùng Lô hội 20g, Nghệ đen 12g, rễ củ Gai 20g, Tô mộc 12g, cam thảo 4g. Đem tất cả nấu lấy nước uống trong ngày, chia 2-3 lần uống.

6. Chữa ho có đàm: Dùng lô hội 20g, bỏ vỏ ngoài, đem nấu lấy nước uống.

7. Chữa chàm: Dùng lá Lô hội xẻ mỏng, bôi nhựa vào chỗ bị giống như chữa bỏng. Hằng ngày bôi phủ lên nhưng không được chà rửa, khi nhựa này khô đóng vảy bong ra thì có thể đã lên da non. Nếu chàm chảy nước nhiều, có thể cô nhựa lô hội thành cao đặc sệt mà phết vào, phủ dày cho đến khi ra da non.

8. Chữa táo bón: Dùng lá Lô hội tươi mỗi ngày ăn 1 lá, hoặc lô hội 20g xay nhỏ với 0,5 lít nước, chia uống 2-3 lần trong ngày.

9. Chữa Mụn nhọt: Dùng lá Lô hội tươi giã nát, đắp lên nơi có mụn nhọt.

10. Trị trứng cá: Dùng lá Lô hội tươi bóc vỏ, lấy phần gel tươi, xoa lên vùng bị mụn trứng cá, ngày làm 1 lần. Làm liên tục nhiều ngày.

11. Chữa viêm đại tràng mãn: Dùng 5 lá lô hội tươi bỏ vỏ ngoài, đem xay nhỏ cùng với 500 ml mật ong. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần khoảng 30 ml.

12. Trị vết cháy và bỏng: Dùng lá Lô hội chiết dịch xoa tại chỗ. Lấy một lá (15-18cm) đun nước sôi, thêm đường dùng uống.

13. Chữa xơ gan cổ trướng:

Dùng một nắm lá nha đam, gọt bỏ vỏ. Sau đó, rửa sạch và cho vào máy xay sinh tố cùng với nửa lít mật ong nguyên chất. Uống nước nha đam và mật ong trước bữa ăn 15 phút. Mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần uống khoảng 20 ml. Uống liên tục cho đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm thì ngừng.

14. Chữa bệnh tiểu đường và cao huyết áp

Bài 1: Dùng 1 nắm lá lô hội, bỏ vỏ và phần gai hai bên, rửa sạch. Sau đó, nấu sôi để nguội. Cuối cùng cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn và lấy nước uống. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1 muỗng. Nên nhớ uống trước khi ăn 15 phút.

Bài 2: Dùng 2 – 3 nhánh cây lô hội, gọt bỏ vỏ và rửa sạch. Sau đó, nấu sôi rồi uống và ăn cả phần thịt lá. Mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần uống 1 muỗng canh trước bữa ăn 15 phút.

Bài 3: Dùng 1 đến 2 lá lô hội đem gọt lấy phần thịt, rửa sạch và ăn sống. Tốt nhất nên ăn 3 lần mỗi ngày để cải thiện triệu chứng bệnh.

Chú ý: Để dễ ăn hơn, người bị huyết áp mà không bị tiểu đường có thể ăn lô hội với đường phèn hoặc đường nguyên chất. Còn đối với người bị tiểu đường nhưng không bị cao huyết áp thì nên ăn với muối.

Mức độ an toàn của lô hội:

- Đối với phụ nữ có thai và cho con bú:

Độc tính của lô hội sử dụng theo đường uống không an toàn đối với phụ nữ có thai và cho con bú. Theo các báo cáo của các chuyên gia, việc tiêu thụ nha đam với liều lượng lớn có thể gây sảy thai hoặc sinh quái thai ở phụ nữ mang thai. Còn ở chị em đang cho con bú, chất độc có thể truyền sang con khiến trẻ bị ngộ độc.

- Đối với trẻ em:

Gel chiết xuất từ lô hội có thể an toàn đối với trẻ nếu sử dụng ngoài da. Tuy nhiên, cha mẹ nên thận trọng khi cho con dùng nha đam theo đường uống, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi. Bởi trẻ có thể bị tiêu chảy, đau dạ dày.

- Đối với người bệnh sắp phẫu thuật:

Nha đam có thể can thiệp vào kiểm soát lượng đường trong máu trước và sau khi phẫu thuật, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phẫu thuật. Vì vậy, trước khi tiến hành mổ, bệnh nhân nên ngưng sử dụng lô hội trước đó hai tuần.

- Người bị bệnh trĩ:

Theo một số nghiên cứu, lô hội có thể khiến bệnh trĩ trở nên tồi tệ hơn.

- Bệnh nhân bị Crohn hoặc viêm loét đại tràng:

Nhựa cây lô hội có tác dụng nhuận tràng và kích thích đường ruột. Vì vậy, chúng thường gây ảnh hưởng xấu ở những bệnh nhân bị viêm loét đại tràng hoặc mắc bệnh lý về đường ruột như bệnh Crohn.

Tương tác với những loại thuốc:

Một số loại thuốc có thể tương tác với thành phần hóa học có trong lô hội như:

Digoxin (Lanoxin®)

Thuốc trị bệnh đái tháo đường, bao gồm glyburide (Glynase®, DiaBeta®, PresTab® và Micronase®), glipizide (Glucotrol®), insulin, tolbutamide (Orinase®) và pioglitazone (Actos®)

Sevoflurane (Ultane®)

Warfarin (Coumadin®)

Thuốc nhuận trường: Senna (Senokot®) hoặc bisacodyl (Dulcolax® và Correctol®)

Thuốc lợi tiểu như chlorthalidone (Thalitone®), hydrochlorothiazide (HydroDIURIL®, HCTZ® và Microzide®), chlorothiazide (Diuril®) và furosemide (Lasix®)

Ghi chú:

- Dược liệu có độc, liều quá cao (trên 8g) có thể gây ngộ độc chết người. Phụ nữ có thai, người bị ỉa lỏng không dùng.

- Gel lấy từ lá Lô hội được dùng để sản xuất nước uống bổ dưỡng, chế một số loại mỹ phẩm.       

- Cây dễ nhầm lẫn: Cây Lưỡi hổ (Sauropus rostratus Miq.) thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae)

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org