Logo Website

LONG NHÃN -Chữa các triệu chứng kém ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt nhọc

22/10/2020
Cây nhãn có tên khoa học: Dimocarpus longan Lour., họ Bồ hòn (Sapindaceae). Công dụng: Long nhãn làm thuốc bổ, trị chứng trí nhớ bị sút kém, hay quên, mất ngủ, hay hốt hoảng, tâm thần hồi hộp mệt mỏi, thiếu máu.

LONG NHÃN (龍 眼 肉)

Arillus Longanae

Long nhãn Dimocarpus longan

Long nhãn: Dimocarpus longan Lour.; entomologytoday.org and theherbdepot.ca

Tên khác: 

Lệ chi nô, Á lệ chi, Quế viên, Mạy ngận, Mác nhan (Tày), Lày nghịn điẳng (Dao), dragon’ eye (Anh).

Tên khoa học: 

Dimocarpus longan Lour., họ Bồ hòn (Sapindaceae). 

Tên đồng nghĩa:

Dimocarpus pupilla Moon; Dimocarpus undulatus Wight; Euphoria cinerea (Turcz.) Radlk.; Euphoria glabra Blume; Euphoria gracilis Radlk.; Euphoria leichhardtii Benth.; Euphoria leichhardtii var. hebepetala Benth.; Euphoria longan (Lour.) Steud.; Euphoria longana Lam.; Euphoria malaiensis (Griff.) Radlk.; Euphoria microcarpa Radlk.; Euphoria nephelioides Radlk.; Euphoria undulata Wall.; Euphoria verruculosa Salisb.; Nephelium benghalense G.Don; Nephelium glabrum (Blume) Cambess.; Nephelium hypoleucum Kurz; Nephelium longan (Lour.) Hook.; Nephelium longana Cambess.; Nephelium mora Gardner ex Thwaites; Nephelium pupillum Wight; Sapindus benghalensis Roxb. ex Wight & Arn.; Sapindus cinereus Turcz.; Sapindus monogynus B.Heyne ex Wall.; Sapindus undulatus Wall. ex Voigt; Scytalia benghalensis Roxb. ex Wight & Arn.; Scytalia longan Roxb.; Scytalia verruculosa Stokes

Mô tả:

Cây: 

Cây nhãn cao 5-7m. Lá rườm rà, vỏ cây xù xì, sắc xám, nhiều cành, nhiều lá um tùm, xanh tươi luôn, không hay héo và rụng như lá các cây khác. Lá kép hình lông chim, mọc so le gồm 5 - 9 lá chét hẹp dài 7-20cm, rộng 2,5 - 5cm. Mùa xuân vào các tháng 2 - 3 - 4 có hoa màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá, đài 5 - 6 răng, tràng 5 - 6, nhị 6 - 10, bầu 2 - 3 ô. Quả có vỏ ngoài màu vàng xám, hầu như nhaün (chỉ có một ô của bầu phát triển thành quả, các ô kia tiêu giảm đi). Hạt đen nhánh có áo hạt trắng bao bọc.

Có nhiều giống nhãn khác nhau như:

Nhãn lồng

Nhãn đường phèn

Nhãn tiêu da bò

Nhãn miền thiết

Nhãn xuồng cơm vàng…

Dược liệu: 

Cùi quả nhãn dày mỏng không đều, rách nứt theo thớ dọc, màu vàng cánh gián hay màu nâu, trong mờ, một mặt nhăn không phẳng, một mặt sáng bóng, có vân dọc nhỏ, thường thấy cùi kết dính (dài 1,5 cm, rộng 2-4 cm, dầy chừng 0,1 cm). Thể chất mềm nhuận, dẻo dai, sờ không dính tay. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt đậm.

Ăn long nhãn có vị ngọt đậm, mùi thơm nhẹ, mềm, dẻo. Sờ tay vào thấy không bị dính.

Bộ phận dùng: 

Vị thuốc là áo hạt (thường gọi là cùi) đã chế biến khô của quả cây Nhãn (Arillus Longanae).

Phân bố, sinh thái

Nhãn xuất xứ từ vùng núi Mianma đến phía nam Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có tác giả cho rằng vùng phát nguyên của nhãn có giới hạn mở rộng đến tận miền Tây - Nam Ân Độ và Srilanca (Wong Kai Choo & Saichol Ketsa, 1991; Dimocarpus longan Lour, in E.W.M. Verheij and R.E. Coronel, PROSEA N°2 Edible fruits and nuts, 75 - 78.). Hiện nay nhãn được trồng rộng rãi ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Lào, Thái Lan cũng như những nước khác ở vùng Đông - Nam và Nam Á. Nhãn còn được trồng ở một số noi tại Australia và bang Florida (Hoa Kỳ).

Cây nhãn được trồng hiện nay trên thế giới bao gồm nhiều giống, ngay ở Việt Nam đã có 4 - 5 giống khác nhau chủ yếu bởi kích thước và phẩm chất của quả.

Nhãn là cây á nhiệt đới, qua thuần hoá và trồng trọt, đã thích nghi cao ở cả vùng khí hậu nhiệt đói nóng và ẩm. Nhiệt độ trung bình cho cây sinh trưởng, phát trển tốt từ 20 - 25°c. Sau khi đã kết quả, cây có thể chịu được ở nhiệt độ 36°C. Lượng mưa ở các vùng trồng nhãn là 1500 - 2500mm/năm. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, đặc biệt là đất mùn phong hoá từ đá vôi.

Nhãn ra hoa nhiều hàng năm. Quá trình hoa nở trên mỗi cụm hoa lần lượt từ hoa đực, sau đến hoa cái, hoa lưỡng tính và cuối cùng là hoa đực. Thời kỳ hoa đực và hoa cái nở xen kẽ nhau trên một cây thường kéo dài 4 - 6 tuần lễ; thụ phấn chéo nhờ côn trùng (thường từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều). Thời kỳ quả chín từ 5 - 7 tháng kể từ khi thụ phấn và tùy theo giống nhãn. Hạt nhãn có thời gian sống rất ngắn, hạt bị khô hết khả năng nảy mầm.

Trồng trọt:

Ở Việt Nam, nhãn được trồng từ lâu đời ở cả hai miền Nam - Bắc để lấy quả ăn và làm thuốc, lấy hoa nuôi ong, lấy gỗ dùng trong xây dựng và làm đồ mỹ nghệ. Các giống nhãn ở miền Bắc thường to cây hơn, có một thời gian nhiệt độ thấp vào mùa đông để phân hoá mầm hoa và vì vậy chỉ ra hoa mỗi năm một lần vào tháng 2-3, quả chín vào tháng 7-8. Còn các giống nhãn miền Nam nhỏ cây hơn, ra hoa nhiều đợt, có hai đợt tập trung vào tháng 3 - 4 (quả chín vào tháng 7 - 8) và tháng 7 -8 (quả chín vào tháng 11 - 12).

Nhãn có thể nhân giống bằng hạt, bằng chiết hoặc ghép.

Cây gieo bằng hạt có bộ rễ phát triển, mọc khoẻ, có khả năng thích nghi rộng, nhất là ở các vùng khô hạn, nhưng chậm ra hoa, độ phân ly lớn, không giữ được đặc tính tốt ban đầu của cây mẹ nên chỉ dùng để sản xuất gốc ghép, ở miền Bắc, thường dùng giống nhãn nước hoặc nhãn thóc, còn ở miền Nam, nhãn long là gốc ghép chính.

Hạt cần loại bỏ hết cùi, rửa sạch và đem gieo ngay, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90%. Nếu để lâu, vỏ hạt khô đi, tỷ lệ nảy mầm sẽ giảm (sau 2 tuần, tỷ lệ nảy mầm chỉ còn khoảng 5%).

Trước khi gieo, ủ hạt trong cát ẩm, giữ ở nhiệt độ 25°c trong vài ngày. Khi hạt nứt nanh đem gieo với khoảng cách 8 x 10cm. Khi cây con có 4 lá thật, chuyển vào bầu. Cần cắt bớt rễ cái trước khi cấy vào bầu để kích thích bộ rễ phát triển.

Cây nhãn con trong bầu được chăm sóc cẩn thận, đến khi đường kính gốc đạt khoảng lem thì ghép. Thòi vụ ghép ở miền Bắc là tháng 3 -4 hoặc tháng 9 - 10, ở miền Nam vào đầu hoặc cuối mùa mưa (nhưng miền Nam hay dùng phương pháp chiết hơn). Có thể ghép mắt hoặc ghép cành đều được. Những giống nhãn lá to, quả to nên dùng gốc ghép cùng loại, nếu ghép vào gốc ghép có lá nhỏ, quả nhỏ thì tỷ lệ sống thấp, cây sinh trưởng yếu. Đối vói phương pháp ghép mắt theo kiểu cửa sổ, lấy mắt ghép từ cành có 4 - 7 tháng tuổi. Đối với các phương pháp ghép cành (ghép nêm, ghép chẻ bên, ghép vát) thì lấy cành bánh tẻ, có 2-3 tháng tuổi làm cành ghép.

Sau khi ghép xong, nên dùng giấy PE mỏng bọc kín để giữ ẩm cho vết ghép, không nẽn dùng loại giấy dày.

Nếu dùng phương pháp ghép mắt, sau 7 - 1 0 ngày, kiểm tra thấy mắt ghép sống thì 2 tuần sau, cắt bỏ ngọn cây và vặt bỏ các mầm phụ, lá già trên gốc ghép, tưới nước và bón thúc phân cho cây. Khi cần có thể dùng Dipterex (1:800) để phòng trừ sâu bệnh. Không cần phải mở giấy PE (nếu là loại mỏng) vì mầm ghép sống có thể tự đâm thủng màng PE và vươn ra ngoài. Cần đợi cây ghép tương đối lớn (khoảng 12 tháng tuổi) mới đem trồng. Có thể sang bầu lớn hơn (chứa 3 - 4 kg đất), để chỗ râm, chăm bón tốt sau 4 -5 tháng.

Nhãn còn có thể nhân giống bằng chiết cành. Cách này rất phổ biến ở miền Nam vì chóng ra rễ hơn. Thời gian chiết tốt nhất là mùa mưa. Khoảng 2 tháng sau khi chiết, cắt ươm vào chỗ râm, tưới giữ ẩm, khi ra rễ mới, lá xanh lại thì đem trồng.

Thời vụ trồng vào tháng 2 - 3 ở miền Bắc, tháng 4 - 5 ở miền Nam. Nếu trổng ít cây trong vườn thì trồng mùa nào cũng được, riêng ở miền Bắc không nên trồng vào các tháng mùa đông.

Nhãn trồng được trên nhiều loại đất, trừ đất quá bạc màu, khô hạn, kém thoát nước và chua mặn. Trong thực tế, nhãn thường được trồng trên đất phù sa dày, giàu dinh dưỡng, đủ độ ẩm quanh năm.

Khi trồng, người ta đào hố kích thước 60 X 60 X 60cm với khoảng cách 8 X 8m (đất đồng bằng) hoặc 80 X 80 X 80cm với khoảng cách 7 X 7m hay 6 X 7m (đất trung du và miền núi). Mỗi hố bón lót 30 - 50 kg phân chuồng (nhiều hơn càng tốt) + 1,0 - l,5kg supe lân + 0,5 - 0,7 kg vôi bột + 0,1 - 0,15kg urê. Trộn đểu phân với đất, phá thành hố và lấp đất, sau đó đặt câv giống, lèn chắc gốc, tưới nước và dùng rơm, rạ phủ quanh gốc.

Thời kỳ đầu, cần tưới ẩm thường xuyên nhưng tránh làm đóng váng mặt đất, giữ sạch cỏ dại, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và tỉa cành tạo hình cho cây. Khi cây chưa giao lán, có thể trồng xen cây họ đậu để tăng thu nhập, che phủ đất, chống xói mòn và tăng độ phì cho đất.

Trong 3 - 4 năm đầu, có thể dùng nước phân chuồng pha loãng tưới cho cây, cứ 2 - 3 tháng tưới một lần, mỗi lần 5 lít/cây, hoặc có thể thay bằng 50- 100 g urê.

Khi cây ra quả, mỗi năm cần bón 5 lần: vào tháng 2 lúc cây phân hóa mầm hoa, tháng 3-4 để tăng khả năng đậu quả, tháng 6 để nuôi quả, tháng 7-8 để cân đối nhu cầu dinh dưỡng cho quả và sự phát triển của cành và lần cuối cùng bón vào tháng 8-9 sau khi thu hoạch quả. Trong 5 lần bón trên, lần bón trước lúc cây ra hoa và sau khi thu hoạch quả là quan trọng nhất. Những lần đầu chủ yếu bón đạm, về sau cần phối hợp giữa đạm, lân và kali. Cách bón tốt nhất là hòa phân với nước tưới theo hình chiếu của tán cây, từ ngoài vào trong, cách xa gốc chừng 0,7-lm. Phân chuồng có thể bón theo rãnh đào quanh mép ngoài của hình chiếu tán cây. Ngoài ra, còn có thể bón phân qua lá (đạm, vi lượng).

Nhãn bị khá nhiều sâu bệnh hại. Sâu chủ yếu có bọ xít, nhện, rầy; bệnh có mốc sương, sương mai. Cần thường xuyên phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu có bán trên thị trường. Đặc biệt, cần đề phòng dơi hại quả chín. Cách tốt nhất là dùng lưới bao lấy cả cây.

Khi vỏ quả chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu sáng, mọng, nhẩn, hạt có màu đen là có thể thu hoạch. Nên thu hoạch quả vào buổi sáng hoặc buổi chiều của những ngày tạnh ráo, tránh buổi trưa quá nóng. Cắt cả chùm quả, nhưng không cắt quá dài làm ảnh hưởng đến các mầm ngủ phía dưới.

Thu xong, đem quả vào chỗ râm, rải mỏng, không xếp thành đống, ở điều kiện bình thường, quả có thể bảo quản được 5 - 7 ngày, nếu bảo quản lạnh hoặc dùng hoá chất (ngâm trong dung dịch Thiabendazol 500 – l000 ppm qua 1 phút, vớt ra, hong khô trong râm rồi đóng gói) có thể để được lâu hơn.

Thu hái, sơ chế: 

Mùa hạ, thu, hái quả nhãn đã chín, cùi dày, ráo nước đem phơi nắng to hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 40-50oC đến khi lắc quả có tiếng kêu lóc cóc, mang ra bóc vỏ, lấy cùi đã nhăn vàng, rồi sấy ở 50 - 60oC đến khi nắm mật không dính tay (độ ẩm dược liệu dưới 18%) thì bỏ ra, tách rời từng cùi một. Chú ý giữ vệ sinh khi bóc cùi và khi sấy, phơi. Chùm quả trước khi phơi hoặc sấy có thể nhúng nước sôi 1-2 phút. 

Bảo quản:

Bảo quản long nhãn trong hộp kín hoặc đóng gói hút chân không, để nơi thoáng mát, khô ráo.

Thành phần hoá học:

Cùi nhãn khi tươi có 77,15% nước, độ tro 0,01%, chất béo 0,13%, protid 1,47%, hợp chất có nitơ tan trong nước 20,55%, đường sacarose 12,25%, vitamin A và B.

Cùi khô (Long nhãn nhục) chứa 0,85% nước, chất tan trong nước 79,77%, chất không tan trong nước 19,39%, đội tro 3,36%. Trong phần tan trong nước có glucose 26,91%, sacarose 0,22%, acid taetric 1,26%. Chất có nitơ 6,309%.

 Hạt nhãn chứa tinh bột, saponin, chất béo và tanin.

 Trong chất béo có các acid xyclopropanoid và acid dihydrosterculic C19H36O2 khoảng 17,4% (C.A 1969, 71, 103424m). Hạt nhãn cạo bỏ lớp vỏ đen, thái mỏng tán bột rắc lên những vết thương chảy máu, hoặc trộn với dầu bôi lên nơi bị bỏng.

 Trong lá nhãn có quexitrin, quexitin, tanin (C.A. 1949, 43, 8611 8611c), ngoài ra còn có ß-sitosterol, epifriendelanol C30H52O friedelin C30H50O và 16-hentriacontanol. Lá nhãn có vị nhạt, tính bình, có tác dụng chữa cảm mạo với liều 10 - 15g dưới dạng thuốc sắc.

Tác dụng dược lý:

Tác dụng ức chế các nha bào của nấm

Tăng sức đề kháng, kháng phóng xạ

Chống lão suy, tăng cường hoạt tính của các tế bào thần kinh não

Tăng cường tăng độ bền và độ đàn hồi của các mạch máu, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu

Cải thiện hệ miễn dịch, giảm các nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và tim mạch

Ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Tác dụng chống lão hóa, trẻ hóa da

Tác dụng phụ của long nhãn:

Nóng trong

Nổi mụn

Táo bón

Tăng cân

Tăng lượng đường trong máu

Thai phụ ăn nhiều long nhãn có thể bị ra huyết, đau bụng, động thai

Tính vị:

Vị ngọt, tính bình, ấm, không chứa độc.

Quy kinh:

Quy vào 2 kinh Tâm và Tỳ

Công năng: 

Bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết, an thần.  

Công dụng: 

Làm thuốc bổ, trị chứng trí nhớ bị sút kém, hay quên, mất ngủ, hay hốt hoảng, tâm thần hồi hộp mệt mỏi, thiếu máu.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 9 - 18g. Dạng thuốc sắc hay cao lỏng.

Bài thuốc: 

1. Chữa các triệu chứng kém ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt nhọc: Cao ban long và long nhãn (đơn thuốc của Hải Thượng Lãn Ông). Còn có tên là nhị long ẩm: Cao ban long 40g, long nhãn 50g. Sắc long nhãn với nước. Thái nhỏ cao ban long cho vào nước sắc long nhãn. Đun nóng để hòa tan. Để nguội, thái thành từng miếng mỏng. Trước khi đi ngủ tối và sáng sớm uống mỗi lần 10g cao này.

2. Chữa các chứng do tư lự quá độ, buồn bực không ngủ hay quên: Bài quy tỳ: Nhân sâm 10g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, long nhãn 12g, toan táo nhân 12g, phục thần 12g, viễn chí 8g, mộc hương 6g, cam thảo 8g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.

3. Bổ huyết, kiện tỳ, dưỡng tâm, an thần: Dùng cháo long nhãn cho người huyết hư Long nhãn 16g, Đại táo 15g, Ngạnh mễ (gạo tẻ) 100g nấu cháo ăn thường xuyên mỗi ngày một thang, ăn liên tục vài ba tuần.

4. Tác dụng ích khí huyết, bổ thận âm: Dùng Long nhãn 16g, Hoài sơn 16g, Giáp ngư 500g. Giáp ngư mổ bỏ ruột, cắt thành miếng rồi đem hầm với 2 vị thuốc trên, khi chín nhừ nêm gia vị vào, ăn thịt và uống nước.

5. Bổ can, thận, ích khí huyết: Dùng Câu kỷ tử 12g, Long nhãn 12g, Hoàng tinh 12g, đường kính 50g, trứng chim bồ câu 4 quả. Lấy ba vị thuốc đem rửa sạch, thái nhỏ, bỏ vào nồi thêm 3 bát nước đun sôi, sau 30 phút đập trứng chim câu vào, chia đều uống làm hai ngày, mỗi ngày một lần, trong vài tuần.

6. Bổ ích khí huyết, dưỡng tâm an thần: Long nhãn tươi 300g, đường kính trắng 500g, hai thứ bỏ vào chưng kỹ, để nguội cho vào lọ kín. Mỗi lần ăn 12-16g, ngày 2 lần.

7. Bổ huyết, điều trị chứng thiếu máu, cơ thể suy nhược, thể trạng mệt mỏi, đoản hơi: Long nhãn 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần, uống ấm.

8. Tác dụng an thần, ích trí, trị chứng mất ngủ, trí nhớ suy giảm, hay quên, lo nghĩ quá nhiều dẫn đến tâm hồi hộp, loạn nhịp, hoa mắt, chóng mặt: Dùng Long nhãn 16g, Câu đằng 12g, Toan táo nhân 10g, Thục địa 16g.

9. Chữa tỳ hư, ăn uống tiêu hóa kém, không ngon miệng: Dùng Bạch truật 12g, Hoài sơn 12g, Long nhãn 12g, Ý dĩ nhân 10g, Liên nhục 10g, Phục thần 12g, Cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

10. Khe ngón chân lở ngứa: Hạt nhãn bỏ vỏ đen, thái mỏng, phơi khô, tán nhỏ, rắc vào.

11. An thần, bổ tỳ vị: Long nhãn, rượu trắng ngon: Cho long nhãn vào bình thủy tinh và đổ ngập rượu vào ngâm. Rượu long nhãn ngâm trong 3 tháng 10 ngày là dùng được. Mỗi lần uống 20ml x 2-3 lần/ngày.

12. Khắc phục chứng thiếu máu, chảy máu dưới da: Long nhãn (10g), lạc (15g). Lạc để nguyên vỏ, đập dập và nấu chung với long nhãn. Nêm thêm ít muối ăn mỗi ngày 1 lần.

13. Chữa chứng hay quên, hồi hộp, ngủ không ngon giấc, mất ngủ: Hoàng kỳ, phục thần, toan táo nhân, đảng sâm, bạch truật, đương quy, long nhãn ( mỗi vị 12g); Mộc hương (4g); Chích thảo (4g); Đương quy (8g); Viễn Chí (6g). Tất cả các vị thuốc đã chuẩn bị đem trộn chung tạo thành một thang sắc lấy nước. Chia làm 2 -3 lần uống trong ngày. Có thể gia thêm các vị như gừng tươi, đại táo để đạt hiệu quả tốt hơn.

14. Chữa tâm phế âm hư: Long nhãn và kỷ tử (mỗi vị 20g); Yến sào (30g), đường phèn: Cho yến sào, kỷ tử và long nhãn vào nồi, đổ nước cho ngập mặt rồi hầm nhừ. Cuối cùng bỏ thêm đường phèn vào sao cho vừa đủ ngọt và dọn ra ăn. Món ăn bài thuốc này có tác dụng trị tâm phế âm hư với các biểu hiện như mất ngủ, rối loạn nhịp tim, tăng thân nhiệt về chiều, đổ mồ hôi trộm vào ban đêm, ho khan hoặc ho ít đờm.

15. Chữa suy nhược cơ thể, chữa ăn ngủ kém, hay đánh trống ngực, nóng ở lòng bàn tay và gan bàn chân: Long nhãn và Hoài sơn (mỗi vị 20g), ba ba (một con cỡ 300 – 400g). Sơ chế ba ba sạch sẽ, cho vào tô ướp gia vị, thêm long nhãn, sơn dược vào hấp cách thủy ăn.

16. Chữa ăn uống lâu tiêu, kém ăn, da dẻ xanh xao, hồi hộp, lo âu: Long nhãn, đại táo và mật ong (mỗi loại 250g), một ít nước cốt gừng. Nấu long nhãn cùng với đại táo cho đến khi 2 nguyên liệu này chín nhừ. Tiếp tục cho mật ong và nước cốt gừng vào nấu cho sôi đều trở lại thì tắt bếp. Ăn cái và uống cả nước.

17. Bổ khí huyết, dưỡng tâm: Long nhãn dạng tươi (300g), đường trắng (500g). Chưng long nhãn với đường trong 30 – 40 phút, để nguội, cất vào lọ kín ăn dần. Mỗi lần dùng 12 – 16g x 2 lần/ngày.

18. Chữa đoản hơi, chống mệt mỏi, suy nhược cơ thể: Long nhãn và thục địa (mỗi vị 16g); Hoàng kỳ và đương quy (mỗi vị 12g). Mỗi ngày dùng 1 thang sắc lấy nước đặc. Chia thuốc uống làm 2 lần trong ngày khi còn ấm.

19. Chữa suy giảm trí nhớ, lo âu, mất ngủ, bồi bổ trí não: Long nhãn và thục địa (mỗi vị 16g); Toan táo nhân (10g ); Câu đằng (12g). Sắc uống mỗi ngày 1 thang

20. Chữa tiêu chảy, tỳ hư: Long nhãn khô (14 quả), sinh khương (3 lát): Sắc uống ngày 1 lần

Kiêng kỵ:

Bên ngoài cảm mạo, bên trong uất hoả, đầy bụng, ăn uống đình trệ, cấm dùng.

Thời điểm tốt nhất để ăn long nhãn là sau bữa ăn từ 1- 2 giờ. Tránh dùng khi bụng đang trống rỗng bởi thành phần vitamin C trong long nhãn có thể gây cồn cào, xót ruột, ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org