Logo Website

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ SỬ DỤNG CÂY THUỐC Ở VIỆT NAM

18/11/2020

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ SỬ DỤNG CÂY THUỐC Ở VIỆT NAM 

Nền y học cổ truyền của Việt Nam đã có từ rất lâu đời, nhiều phương thuốc bào chế từ cây thuốc được áp dụng chữa bệnh trong dân gian. Những kinh nghiệm này đã được ghi chép thành những cuốn sách có giá trị và lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Với lợi thế về khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm, Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật phong phú. Ước tính, nước ta có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao có mạch, 800 loài rêu, 600 loài nấm và hơn 2.000 loài tảo [3], [4], [5]. Có khoảng trên 3.000 loài thực vật bậc cao dùng làm thuốc. 

Trong cuốn sách “Nam Dược Thần Hiệu” và “Hông Nghĩa Giác Tư Y Thư” của Tuệ Tĩnh đã mô tả hơn 630 vị thuốc, 50 đơn thuốc chữa các loại bệnh trong đó 37 đơn thuốc chữa bệnh thương hàn. Hai cuốn sách này được xem là những cuốn sách xuất hiện sớm nhất về cây thuốc Việt Nam [6]. Đến thế kỷ 18, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã xuất bản bộ sách lớn “Y Tông Tâm Tĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển đã mô tả khá chi tiết vệ thực vật, các đặc tính chữa bệnh [7]. 

Thời kỳ Pháp thuộc (1884 – 1945), nền y học cổ truyền của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của dược học phương Tây. Các phương thức chữa bệnh mới được mang đến qua quá trình khai thác thuộc địa, họ đã gián tiếp thúc đẩy quá trình nghiên cứu thực vật của Việt Nam nói chung và nghiên cứu cây thuốc nói riêng. Đặc biệt bộ sách “Thực vật chí đại cương Đông Dương” của Lecomte xuất bản cuối thể kỷ XVIII đầu thể kỷ XIX đã mô tả và phân loại hơn 7.000 loài thực vật [8]. Đến năm 1952 tác giả Petelot P. A. cho ra cuốn sách “Những cây thuốc của Campuchia, Lào và Việt Nam” gồm 4 tập, 1.050 trang và thống kê khoảng 1.480 loài thực vật [9]. Tuy nhiên cuốn sách này chưa hoàn thiện về mô tả, phân bố, thành phần hóa học và dược lý của các loại thảo mộc. 

Phạm Hoàng Hộ đã xuất bản bộ sách “Cây cỏ Việt Nam” vào năm 1999-2000 tuy chưa giới thiệu được hết hệ thực vật Việt Nam nhưng phần nào cũng đưa ra được cộng dụng làm thuốc của nhiều loài thực vật [10] [11] [12]. Năm 2006 ông cũng cho ra cuốn sách “ Cây có vị thuốc Việt Nam” cũng đưa chọn lọc ra rất nhiều loài cây được sử dụng làm thuốc [13]. Đỗ Tất Lợi (1995) đã xuất bản bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” và tái bản vào năm 1999 [14]. Công trình này thống kê gần 800 loài cây, con và vị thuốc, trong đó nhiều loài thực vật đã được mô tả về mặt cấu tạo, phân bố, cách thu hái và chế biến, thành phần hóa học, công dụng và liều dùng. 

Cuốn sách từ điển cây thuốc Việt Nam, do Võ Văn Chi (1997) biên soạn đã mô tả được 3.200 loài cây thuốc, trong đó thực vật có hoa là 2.500 loài thuộc 1.050 chi, được xếp và 230 họ thực vật theo hệ thống của Takhtajan [15]. Tác giả đã trình bày về cách nhận biết, các bộ phận được sử dụng, nơi sống và thu hái, thành phần hóa học, tính vị và tác dụng, công dụng của các loài thực vật. Đến năm 1999-2002, Võ Văn Chi và Trần Hợp tiếp tục giới thiệu cuốn sách “Cây cỏ có ích ở Việt Nam” mô tả khoảng 6.000 loài thực vật bậc cao có mạch với các đặc điểm hình thái, sinh thái, phân bố và công dụng [16]. 

Trần Đình Lý (1993) và cộng sự đã xuất bản cuốn sách “1900 loài cây có ích” [17]. Trong số các loài thực vật bậc cao có mạch đã biết ở Việt Nam có 76 loài cho nhựa thơm, 160 loài có tinh dầu, 260 loài cho dầu béo, 600 chứa tanin, 500 loài cây gỗ có giá trị cao, 400 loài tre nứa, 40 loài song mây. Trong số các nhóm thực vật này, rất nhiều loài có công dụng làm thuốc. Cũng trong năm 1995, Vương Thừa Ân cho ra đời cuốn “Thuốc quý quanh ta” [18]. 

Nhiều cuốn sách có giá trị về tài nguyên cây thuốc được các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam biên soạn. Trong đó, đáng chú ý là những cuốn sách “Tài nguyên thực vật có tinh dầu ở Việt Nam” của tác giả Lã Đình Mỡi và cộng sự (2001 – 2002) các tác giả đã trình bày giá trị sử dụng làm thuốc của nhiều loài thực vật có tinh dầu của Việt Nam [19]. Năm 2005, Lã Đình Mỡi và cộng sự giới thiệu tiếp công trình “Những cây chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học” đây được coi là những ghi chép đầu tiên, có hệ thống và tương đối hoàn chỉnh về nguồn tài nguyên thực vật có chứa các chất có hoạt tính sinh học được sử dụng làm thuốc ở nước ta [20]. 

Nguyễn Tiến Bân và cộng sự (2003, 2005) đã công bố bộ sách “Danh lục các loài thực vật Việt Nam” [21]. Cuốn sách đã trình bày đầy đủ các thông tin về tên khoa học, tên thường gọi, nhận dạng, phân bố, dạng sống – sinh thái và công dụng. Bộ sách này rất có ý nghĩa cho việc tra cứu danh pháp các loài thực vật. 

Trong những năm qua, nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu về cây thuốc và kế thừa nền y học cổ truyền, phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các ngành Y tế, Lâm nghiệp và Sinh học đã tiến hành nhiều đợt điều tra cơ bản, đặc biệt là chương trình điều tra nghiên cứu cây thuốc của Viện Dược liệu – Bộ Y tế đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc. Đến nay ở nước ta có khoảng 3.948 loài cây thuốc được ghi nhận, thuộc 307 họ của 9 ngành thực vật bậc cao và bậc thấp, bao gồm cả nấm [22]. 

Nguồn: Trịnh Ngọc Hiệp; Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng tài nguyên cây thuốc tại khu BTTN Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai; Luận văn thạc sĩ sinh học; Hà Nội - 2019

Tài liệu tham khảo:

3. Lê Đình Bích, Trần Văn Ơn (2007), Thực vật học. NXB. Y học, Hà Nội.
4. Lê Trần Chấn (Chủ biên, 1999), Một số đặc điểm cơ bản hệ thực vật Việt Nam. NXB. Khoa học và kỹ thuật. 307tr.
5. Võ Văn Chi (1997), Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB. Y học, Hà Nội.
6. Tuệ Tĩnh (1996), Nam dược thần hiệu (Lê Trần Đức dịch), NXB Y học, Hà Nội, tái bản lần thứ 4, 376 tr.
7. Lê Hữu Trác (1780), Y tông tâm lĩnh, NXB Y học, Hà Nội.
8. Lecomte H. (editor), (1907-1937), Flore générale de L’Indo-chine, vol. 1- 7. Paris.
9. Pétélot P. A (1952 – 1954), Les plantes médicinales du Cambodge, du Laos et du Vietnam, Archives des Recherché Agronomiques et Pastorates du Viet Nam, Paris.
10. Phạm Hoàng Hộ (1999), Cây cỏ Việt Nam, NXB. Trẻ, TP Hồ Chí Minh. tập 1. 11. Phạm Hoàng Hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, NXB. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. tập 2. 12. Phạm Hoàng Hộ (2003), Cây cỏ Việt Nam, NXB.Trẻ,TP. Hồ Chí Minh. tập 3.
13. Phạm Hoàng Hộ (2006), Cây có vị thuốc ở Việt Nam, NXB. trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 

14. Đỗ Tất Lợi (1999), Cây thuốc và vị thuốc Việt Namin lần thứ 8 có bổ sung sửa chữa, NXB. Y học, Hà Nội.

15. Võ Văn Chi, Trần Hợp (1999;2002). Cây cỏ có ích ở Việt Nam. NXB. Giáo dục, TP Hồ Chí Minh. Tập I-II.
16. Trần Đình Lý (1993), 1900 loài cây có ích. NXB. Thế giới, Hà Nội, 544tr.
17. Vương Thừa Ân (1995), Thuốc quý quanh ta. NXB. Đồng tháp. 

18. Lã Đình Mỡi (chủ biên), Lưu Đàm Cư, Trần Minh Hợi, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Huy Thái, Ninh Khắc Bản (2001;2002), Tài nguyên thực vật có tinh dầu ở Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội. Tập 1 (314tr) và tập 2 (439tr) 

19. Lã Đình Mỡi (chủ biên), Trần Minh Hợi, Dương Đức Huyến, Trần Huy Thái, Ninh Khắc Bản (2005). Tài nguyên thực vật Việt Nam – Những cây chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội. 368 tr. 20. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên) (2003,2005), Danh lục các loài thực vật Việt Nam. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội. Tập 2 (1.203tr) và tập 3 (1.181tr). 

21. Viện Dược Liệu (2006), Nghiên cứu cây thuốc từ thảo mộc. NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 686tr.
22. Ninh Khắc Bản, Vũ Hương Giang, Trần Mỹ Linh, Lê Quỳnh Liên, Nguyễn Quốc Bình, Trần Thiện Ân, Huỳnh Văn Kéo, Jaciato Regalado (2013), Tri thức sử dụng các loài cây thuốc của cộng đồng dân tộc Cơ Tu và Vân Kiều tại Vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã, Báo cáo Khoa học về Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật – Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ 5. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội. Tr. 950 – 956