Logo Website

BÀO CHẾ THỎ TY TỬ (hạt cây tơ hồng)

27/03/2020
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, loại bỏ hạt lép và tạp chất, phơi cho ráo, tẩm nước muối (1kg thỏ tỵ tử dùng 30g muối và 250ml nước), sao qua thấy nổ đều là được (thường dùng).

THỎ TY TỬ (hạt cây tơ hồng)

Tên khoa học: Cuscuta sinensis Lamk.; Họ bìm bìm (Convolvulaceae)

Bộ phận dùng: Hạt. Hạt nhỏ, đen như hạt ngò rí, mẩy, chắc không mốc mọt là tốt.

Đây là hạt của quả cây dây tơ hồng xanh. Cây này thường mọc bám vào cây sim trên rừng (Rhodomyrtus tomemtosawight, họ sim-Myrtaceae).

Cây của Trung Quốc có tên là Cuscuta japonica Choisy, Họ bìm bìm (Convolvulaceae)

Ta còn dùng cây dây tơ hồng vàng Cuscuta hygrophllae p, Họ bìm bìm (Convolvulaceae), thường hay bám vào cây cúc tần (Pluchea indica - họ cúc) cây này chưa thấy có quả. Ta chỉ dùng dây nấu cao đặc (1ml = 10g) để áo viên thuốc chống mốc.

Thành phần hóa học: Chất nhựa, một chất glucosid gọi là cuscutin.

Tính vị - quy kinh: Vị ngọt, cay, tính ôn. Vào hai kinh can và thận.

Tác dụng: Bổ can thận, ích tinh tủy, mạnh gân cốt, làm thuốc cường tráng, thu liễm.

Công dụng: Thận hư tính lạnh, liệt dương, di tinh, lưng gối đau nhức, tiếu tiện nhiều, đại tiện lỏng, đẻ non.

Liều dùng: Ngày dùng 4 - 12g.

Kiêng kỵ: thận hỏa, dễ cường dương, bí đại tiện không nên dùng.

Cách bào chế:

Theo Trung y:

- Rửa vào nước ấm cho sạch đất cát, tẩm rượu một đêm, phơi khô, giã dập, lại tẩm rượu, lại phơi, lại giã nát nhỏ.

- Tẩm rượu 4 - 5 ngày, đồ chín, phơi 4 - 5 lần, nghiền ra làm bánh, sấy khô lại nghiền ra bột hoặc phơi khô rồi lúc giả cho vào vài tờ giấy cùng giã thì dễ thành bột (Lý Thời Trân).

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

- Rửa sạch, loại bỏ hạt lép và tạp chất, phơi cho ráo, tẩm nước muối (1kg thỏ tỵ tử dùng 30g muối và 250ml nước), sao qua thấy nổ đều là được (thường dùng).

- Thỏ ty bánh: sau khi tẩm sao tán bột, trộn với bột gạo nếp (đồng lượng) in thành bánh.

Bảo quản: Dễ mốc nên cần để nơi khô ráo, kín.

Tham khảo Bào chế Đông dược 2005