Logo Website

CHÈ DÂY

10/05/2020
CHÈ DÂY có tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis (Hook. & Arn.) Planch., họ Nho (Vitaceae). Công dụng kinh nghiệm dân gian ở nước ta dùng dây lá chữa các chứng liên quan đến bệnh đau dạ dày như ợ chua, ợ hơi, đau rát thượng vị và làm thuốc an thần, gây ngủ. Hiện nay nhiều người biết đến chè dây như là vị thuốc chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng có hiệu quả, không gây tác dụng phụ, không gây ngộ độc cấp tính

CHÈ DÂY

Ramulus Ampelopsis

Tên khác: Chè hoàng gia, Song nho Quảng Đông, Chè hoàng giang, Pàn oỏng, Khau trà (Tày).

Tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis (Hook. & Arn.) Planch., họ Nho (Vitaceae). 

Tên đồng nghĩaAmpelopsis cantoniensis (Hook. & Arn.) K. Koch; Ampelopsis hypoglauca (Hance) C.L.Li; Ampelopsis loureiroi Planch.; Cissus cantoniensis Hook. & Arn.; Hedera hypoglauca Hance; Leea theifera H. Lév.; Vitis cantoniensis (Hook. & Arn.) Seem.; Vitis leeoides Maxim.; Vitis multijugata H. Lév. & Vaniot

Mô tả: Dây leo, cành hình trụ mảnh; tua cuốn đối diện với lá, chia 2-3 nhánh. Lá hai lần kép, mang 7-12 lá chét mỏng giòn, mép có răng thấp; gân bên 4-5 đôi; lá kèm gần tròn, dạng vẩy. Ngù hoa đối diện với lá có 3-4 nhánh; nụ hoa hình trứng; hoa mẫu 5. Quả mọng hình trái xoan to 6 x 5mm, màu đen, chứa 3-4 hạt. 

Ra hoa tháng 6, có quả tháng 10.

Thu hái: lá, loại bỏ lá sâu, già úa, phơi khô.

Phân bố: Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Inđônêxia và Việt Nam. Ở nước ta cây mọc dại theo bờ bụi ở nhiều nơi: Lào Cai, Hoà Bình, Hà Tây, Bắc Thái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An... tới Lâm Đồng, Đồng Nai.

Sinh thái: Cây mọc tự nhiên quanh lùm bụi, ven rừng, ở độ cao tới 1.500 m.

Bộ phận dùng: Dây lá (Ramulus Ampelopsis).

Thu hái, sơ chế: Dây và lá tươi quanh năm, lá, loại bỏ lá sâu, già úa, phơi khô.

Tác dụng dược lý, lâm sàng:

- Nghiên cứu hiện đại của các nhà khoa học Trung Quốc trên lâm sàng cho thấy, chè dây có khả năng trị liệu các bệnh như cốt tuỷ viêm, viêm hạch cấp tính, viêm tuyến vú cấp tính, nhiễm khuẩn ngoại khoa, viêm họng và Amidan cấp tính, viêm mủ tai giữa, viêm khí phế quản cấp tính, viêm thận cấp tính, thấp khớp giai đoạn tiến triển, viêm cơ, viêm răng lợi, mụn nhọt, đinh độc, eczema, nhiễm trùng vết thương.

- Tác dụng chống angiogenic

- Các hợp chất flavonoid từ lá Chè dây có tác dụng chống viêm.

- Phloretin và 5,7,3',5'-tetrahydroxyflavanone có tác dụng ức chế sản sinh nitric oxide (NO) với giá trị IC50tương ứng là 5.2, and 18.5 μM

- Nhiễm khuẩn dạ dày: Theo thống kê có đến 90% bệnh nhân mắc dạ dày mãn tính là do nhiễm khuẩn HP. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong chè dây có chứa hoạt chất có tác dụng loại bỏ chủng vi khuẩn này. Từ đó làm chúng chết dần và sớm đào thải ra ngoài dạ dày đồng thời hỗ trợ tốt cho việc phục hồi chức năng của dạ dày.  

 - Viêm loét dạ dày tá tràng: Chè dây chứa một lượng lớn hoạt chất flavonoid có tác dụng liền sẹo, cắt nguồn cơn đay và làm lành vết loét nhanh chóng. Các thí nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện cũng cho thấy, chè dây có khả năng diệt khuẩn, diệt trùng, giảm nồng độ acid trong dạ dày. Khi sử dụng chè dây kết hợp với thuốc đặc trị viêm loét dạ dày tá tràng, thời gian điều trị được rút ngắn đáng kể. 

- Trào ngược dạ dày thực quản: Chè dây cũng thường được sử dụng để kiểm soát chứng trào ngược dạ dày thực quản và tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa. Nhờ tác dụng trung hòa lượng axit trong dạ dày, hạn chế tối đa lượng axit dư thừa, chè dây có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng như ợ chua, ợ nóng, đau bụng do dư thừa axit mà dịch vị tiết ra. 

Thành phần hoá học: 

- Che dây có thành phần chính là flavonoid và tanin, chứa 2 loại đường là Glucose và Rhamnose. Lá chứa tanin (10.82 -13.30%), flavonoid toàn phần chiếm 18.15 +/- 0.36% trong đó myricetin chiếm 5.32+/- 0.04%.

Ở nước ngoài Ampelopsis cantoniensis (H.&A.) Pl. một nhóm các nhà khoa học đã tách chiết được 2 hợp chất hóa học từ chè dây là ampelopsin và myricetin với hàm lượng  ampelopsin  25,2 %  và myricetin 1,77 %.

Các hợp chất phân lập từ chè dây: cantonienol, nootkatone, aromadendrane-4β,10β-diol, acid abscisic, acid 12-oxo-hardwickiic, acid betulinic, acid platanic, acid vanillic, resveratrol, nectandrin B, nectandrin A, 3,5,7-trihydroxychromone, 5,7,3',4',5'-pentahydroxyflavanone, taxifolin và myricitrin.

Tính vị: vị ngọt, tính mát

Thu hái: Dây và lá tươi quanh năm.

Công năng: Giảm đau, làm liền sẹo, diệt khuẩn Helicobacter pylori, giảm viêm dạ dày. 

Công dụng:  

Kinh nghiệm dân gian ở nước ta dùng dây lá chữa các chứng liên quan đến bệnh đau dạ dày như ợ chua, ợ hơi, đau rát thượng vị và làm thuốc an thần, gây ngủ. Hiện nay nhiều người biết đến chè dây như là vị thuốc chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng có hiệu quả, không gây tác dụng phụ, không gây ngộ độc cấp tính.

Rễ và gốc chè dây chữa viêm gan thể vàng da, cảm mạo phong nhiệt, viêm họng, nhọt sảy, mẩn ngứa, viêm tủy xương, viêm hạch bạch huyết cấp tính, trúng độc khi ăn phải vi khuẩn thực vật ưa muối. Rễ cây dùng trị đòn ngã chấn thương, phong thấp tê đau, lá dùng ngoài đắp chữa chấn thương xuất huyết.

Cách dùng, liều lượng: Ngày10-50g pha uống như chè, dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác. 

Bài thuốc:

1. Chữa đau dạ dày: Theo kinh nghiệm của đồng bào Tày ở Lạng Sơn, Cao Bằng, hàng ngày lấy 30-50g chè dây hãm hoặc sắc uống nhiều lần. Một đợt điều trị từ 15-30 ngày.

2. Chữa cảm mạo phát sốt, hầu họng sưng đau: rễ và thân chè dây 15-60g, sắc uống.

3. Chữa phong thấp, đau nhức khớp, đau thần kinh tọa: rễ và thân chè dây 15-30g, sắc uống. Ngoài dùng lá chè dây tươi giã nát, xào nóng, gói vào vải sạch, đắp vào chỗ đau nhức.

4. Chữa trúng độc thực vật do vi khuẩn ưa muối (đau quặn thắt bụng trên, tiêu chảy ra nước như nước rửa thịt): Rễ tươi chè dây 50g, Gừng tươi 15g, thêm 2 chén nước sắc uống 1-2 lần. Trẻ em, người già hoặc chứng nhẹ giảm bớt liều lượng.

5. Chữa áp xe (ổ mủ do nhiễm trùng) hay tái phát: rễ chè dây 15g, thêm nửa rượu nửa nước sắc uống, hoặc thêm thịt heo nạc hầm ăn.

Chú ý:

- Hiện nay trên thị trường có chế phẩm Ampelop có 50% flavonoid chè dây, còn Viện Dược liệu chế ra chế phẩm Cantonin có 80% flavonoid chè dây.

Những lưu ý khi sử dụng chè dây chữa đau dạ dày:

- Với người bị bệnh đau dạ dày-hành tá tràng thể tăng tiết acid dịch vị nên dùng uống lúc no để phát huy hiệu quả tốt nhất.

- Không sử dụng quá 70g chè dây mỗi ngày/người, dùng quá nhiều sẽ gây khó chịu do chè dây có dược tính cao

- Nếu có ý định dùng chè dày để giải khát, chỉ nên hãm từ 10 – 15g với 150ml nước sôi mỗi ngày.

- Thời điểm sử dụng tốt nhất là trước bữa ăn chính từ 20 – 30 phút, dùng khi còn ấm, để nguội sẽ giảm bớt công hiệu 

- Không để nước trà qua đêm vì chúng sẽ lên men dẫn đến tiêu chảy, đầy bụng…

- Không dùng chè dây cho người huyết áp thấp nhất là khi đói vì dễ gây hoa mắt, chóng mặt.

- Khi sử dụng chè dây, cần hạn chế các thức ăn chua nhiều axit như dưa muối, xoài, cóc vì các gia vị như tỏi, ớt tiêu

- Hạn chế sử dụng thực phẩm khó tiêu, gây đầy hơi, nhiều dầu mỡ… Đặc biệt, tuyệt đối không dùng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích. 

- Mặc dù có tác dụng chữa bệnh nhưng chè dây chỉ phù hợp với trường hợp bệnh mới khởi phát. Chè dây không phải là thuốc đặc trị, chỉ nên sử dụng dưới dạng phương pháp hỗ trợ không dùng thay thế thuốc.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- Võ Văn Chi, 2012, Từ điển cây thuốc Việt Nam (Bộ mới), tập I, NXB Y học, Hà Nội.

- WEI Jian-guoDa-Song YangDa-Song YangCHEN Wei-yunShow LI Xiao-li; Chemical constituents from Ampelopsis cantoniensis and their anti-angiogenic activities; 2014, Chinese Traditional and Herbal Drugs 45(7):900-905

- Van Thu N, Cuong TD, Hung TM, Van Luong H, Woo MH, Choi JS, Lee JH, Kim JA, Min BS.; Anti-inflammatory compounds from Ampelopsis cantoniensis. Nat Prod Commun. 2015 Mar;10(3):383-5.