Logo Website

TIỀM NĂNG, TRIỂN VỌNG CỦA CÂY GẤC, NHẬN DẠNG CÁC GIỐNG GẤC TRIỂN VỌNG VÀ QUY TRÌNH CANH TÁC THÂM CANH CÂY GẤC ĐẠT NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG CAO

31/10/2020

TIỀM NĂNG, TRIỂN VỌNG CỦA CÂY GẤC, NHẬN DẠNG CÁC GIỐNG GẤC TRIỂN VỌNG VÀ QUY TRÌNH CANH TÁC THÂM CANH CÂY GẤC ĐẠT NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG CAO 

1. Chọn giống gấc: 

Với gấc hiện nay có hai cách trồng là bằng hạt và bằng hom giống. Do đó việc chọn giống gấc cũng phải dựa trên các cách trồng khác nhau. 

Trồng bằng hom: Chọn những dây gấc cái, khỏe, cho trái to, chất lượng tốt ổn định để làm cây mẹ phục vụ cho việc cắt cành.

Trồng bằng hạt: cách này được người trồng đang áp dụng rất phổ biến. Chọn những trái gấc to, trọng lượng từ 1,5kg trở lên, vỏ mỏng cơm dày, ráo đỏ để lấy hạt làm giống. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu thị hiếu của thị trường mà có thể chọn các giống gấc như gấc nếp, gấc tẻ, gấc bắc (thường gọi là gấc lai), hoặc các giống gấc có tên gọi theo địa phương khác, ví dụ gấc nếp Ninh Thuận, gấc nếp Hóc Môn, gấc nếp Cần Thơ…

Gấc nếp:

Trái to, hạt nhiều, gai to, ít gai, khi chín chuyển sang màu đỏ cam rất đẹp. Cơm hạt và màng hạt có màu đỏ tươi rất đậm và dày, ráo

Gấc tẻ:

Trái nhỏ hoặc trung bình, vỏ dày tương đối, có ít hạt, gai nhọn, cơm có màu vàng nhạt và màng đỏ bao bọc hạt thường có màu đỏ nhạt hoặc màu hồng, không được đỏ tươi đậm như gấc nếp.

Gấc lai (gấc bắc): 

Trái to, gai nhỏ, thưa, quả thon dài, hạt nhiều, cơm hạt dính chặt hạt, vỏ cứng dày, màu của cơm hạt không đỏ thẩm mà hay có màu đỏ nhạt.

2. Xác định thời vụ trồng: 

Việc xác định thời vụ trồng đúng sẽ giúp cho cây gấc sinh trưởng và phát triển tốt trong giai đoạn đầu, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản, cây cho trái sớm và thu hoạch sớm.

Miền Bắc: thời vụ trồng thường từ tháng 2 – 3 dương lịch, tùy thời tiết từng năm mà có thể trồng sớm hay trồng trễ.

Miền Nam: thời vụ trồng đầu mùa mưa hoặc cuối mùa mưa, tùy theo vùng đất mà có thể bố trí thời vụ trồng phù hợp. Tuy nhiên đối với những vùng đất có điều kiện nước tưới, đủ nước tưới thì nên trồng vào thời điểm cuối mùa mưa (vụ đông xuân). Do thời điểm này là tiết Đông Xuân nên ẩm độ đất, ẩm độ không khí rất thích hợp cho các loại cây trồng phát triển, trong đó có cây gấc.

3. Làm đất và chuẩn bị hố trồng: 

Đất được cày để dọn và diệt các loại cỏ dại, cây bụi. Đối với những vùng đất có mực thủy cấp nhỏ dưới 0,5 m thì cần phải lên liếp để đảm bảo cho cây không bị ngập úng. Còn với những vùng mực thủy cấp lớn hơn 0,5 m thì không cần lên liếp mà có thể tiến hành phân lô và đào hố. Việc đào hố có thể đào theo hàng thẳng hoặc theo hàng nanh sấu. Kích thước hố trồng dao động từ 40-60 cm (dài) x 40-60cm (rộng) x 40-60cm (sâu). Mật độ trồng là cây cách cây 4 hoặc 5m và hàng cách hàng 5m (5m x 5m). Mật độ 400 – 500 cây (trụ)/ 10.000 m2. Tùy theo từng loại đất mà có thể tăng giảm mật độ cây, ví dụ nếu trồng hàng cách hàng 5 mét, cây cách cây 4 mét thì mật độ trồng trên 1 ha (10.000 m2 ) là 500 trụ (cây). Đất trong hố được đào lên có thể để khoảng 2 tuần để các chất độc trong đất (thường là các chất khí độc H2S, metan CH4, hoặc NH3… trao đổi và thoát ra môi trường. Sau đó sử dụng lại 1/2 hoặc 2/3 lượng đất đã đào từ hố (lưu ý chọn phần đất tầng trên) để trộn với khoảng 5-10 kg phân hữu cơ (như phân bò, rơm rạ, vỏ đậu, tro trấu + mụn dừa đã được ủ hoai), cùng với 0,5kg phân lân, 0,5 kg vôi. Sau khi trộn đều tất cả các thành phần thì cho trở lại hố chờ đến khi trồng cây. 

4. Làm giàn cho gấc: 

Do cây gấc là cây thuộc họ bầu bí nên nó có nhu cầu leo giàn rất cao. Vì vậy cần thiết phải làm giàn, nếu gấc bò dưới đất thì tỉ lệ đậu trái rất thấp, trái bị chai, đèo, hư rất cao. Cách thức làm giàn cho gấc cũng có nhiều dạng, từ đơn giản ít chi phí cho đến kiên cố chi phí cao. Hiện nay đối với gấc trồng phân tán theo bờ rào thì có thể cho gấc leo tự nhiên theo cây cối xung quanh, hay bờ rào. Tuy nhiên để trồng gấc thương phẩm thì cần thiết phải đầu tư làm giàn một cách bài bản.

Đối với những hộ trồng với chi phí thấp thì có thể tận dụng các cây trong vườn như tre, tầm vông, các cây thân gỗ để làm trụ, và thả giàn bằng lưới nilon hoặc dây kẽm, dây thép. Khoảng cách giữa các trụ từ 2,5 đến 4 mét, hàng cách hàng cũng khoảng từ 3 đến 4 mét, do trụ bằng tre hay tầm vông nên sức chống đỡ yếu, chiều cao của giàn từ 2 đến 2,2 mét. Các dây kẽm, dây thép đan thành giàn với kích thước ô -13- khoảng 40cm x 40cm. Tuy nhiên với quy mô giàn như vậy thì cần phải duy tu, bổ sung chỉnh sửa liên tục, vì các cây làm trụ không bền, không kiên cố, dễ bị mục. 

Với những hộ có chi phí và đầu tư dài hạn thì có thể sử dụng trụ betong cốt thép làm trụ cho giàn gấc, thả giàn bằng dây cáp thép, hoặc dây điện thoại đã qua sử dụng. Khoảng cách trụ cách trụ là 4 đến 5 mét, hàng cách hàng 4 đến 5 mét, và chiều cao của giàn gấc từ 2 đến 2,2 mét. Giàn được đan bằng dây cáp thép hay dây điện thoại với kích cỡ ô khoảng 40cm x 40cm. Với thiết kế giàn loại này thì thời gian sử dụng lâu, đầu tư một lần sử dụng lâu dài, tuổi thọ có thể trên 10 năm hoặc lâu hơn. 

Lưu ý: khi làm giàn phải chú ý các trụ của giàn phải gần các hố trồng để cây gấc thuận tiện leo lên giàn, và mặt khác cây trụ có tác dụng nâng đỡ dây gấc trong giai đoạn từ năm thứ 3 trở đi. Vì thời gian đó cây gấc có xu hướng mang quả gần thân chính ở gốc.

5. Chuẩn bị cây con: 

Ươm cây con: có 2 cách ươm cây con là giâm cành (hom) và gieo hạt. Phương pháp nhân giống bằng in-vitro thì ít được người dân sử dụng trong sản xuất, do hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất và kỹ thuật của người dân trong việc sản xuất cây con. Vì vậy, giâm cành và gieo bằng hạt là 02 cách nhân giống dễ thực hiện nhất đối với người dân. 

5.1. Ươm cây con bằng cách giâm cành: Chọn cây mẹ sai trái, chất lượng tốt, cắt một đoạn cành bánh tẻ, đường kính 1- 1,5cm, có 2-4 đốt/hom, mỗi hom dài 30 – 40 cm, rồi tiến hành giâm ươm theo cách sau:  

Giâm hom không xử lý kích thích: Cắt bằng đầu gần đốt thân khoảng 3cm, xử lý hom bằng thuốc trừ nấm nhằm hạn chế các loại nấm tấn công vào vết cắt, sau đó đem giâm xuống giá thể tro trấu, hoặc mụn dừa + tro trấu, và lưu ý giữ ẩm. Đầu gốc cắm sâu trong giá thể ít nhất 2 đốt, đặt nằm nghiêng, đầu ngọn hướng lên trên, để trong bóng râm, tưới nước giữ ẩm.  

Giâm hom có xử lý kích thích tạo rễ: Cũng làm như cách trên nhưng trước khi giâm xuống giá thể thì có nhúng vào chất kích thích tạo rễ như NAA nồng độ từ 500 đến 700 ppm. Chờ khoảng 2 – 3 tuần rễ sẽ xuất hiện, sau đó chồi sẽ mọc. Sau khi chồi xuất hiện 2 - 3 tuần thì đem trồng, không nên vội trồng sớm quá vì bộ rễ chưa ổn định, cây sẽ không phát triển, thậm chí cây có thể chết.

5.2. Ươm cây con bằng hạt: Hạt gấc có vỏ cứng nên khó hút nước, do đó thời gian nẩy mầm chậm, để hạt nhanh nẩy mầm có thể dùng theo cách sau:  

Cách thứ nhất xử lý hạt: 

Ngâm hạt trong dung dịch acid sunfuric 10% trong khoảng 24 giờ cho vỏ hạt mềm, gieo dễ nảy mầm hơn. Hoặc ngâm hạt trong nước ấm khoảng 50 – 550C trong thời gian 10 – 12 giờ cũng cho tỷ lệ nảy mầm cao. Sau khi xử lý, ươm hạt trong bầu đất đã được chuẩn bị sẵn, rồi tiến hành tưới nước, giữ ẩm. Khi cây con mọc cao khoảng 20-30cm, sẽ đem trồng vào các hố đã chuẩn bị sẵn ngoài đồng ruộng.  

Cách thứ hai không xử lý hạt: hạt gấc được gieo trực tiếp vào bầu đất chuẩn bị sẵn, 1-2 hạt/bầu, vùi sâu hạt từ 2-3cm, đặt hạt theo chiều đứng và hướng vị trí phôi hạt sang bên, tưới nước giữ ẩm, để bầu trong mát, tránh ánh sáng trực xạ. Sau thời gian khoảng 2 tuần cây sẽ mọc một cách tự nhiên. Và sau đó chờ khoảng 3-4 tuần thì đem ra trồng ngoài ruộng. Lưu ý cách chọn hạt để làm giống: Chọn hạt chắc, khỏe, không dị tật, chọn hạt từ những trái chính sinh lý tự nhiên, những trái bị dị tật, chín ép hay chín héo thì không nên chọn lấy hạt làm giống.

6. Trồng cây ra ruộng: 

6.1 Mật độ và khoảng cách trồng: 

Tùy theo điều kiện thổ nhưỡng mà có thể trồng gấc với các mật độ khác nhau, trung bình một trụ gấc có thể phủ giàn ở giới hạn trên dưới 20 m2 . Do đó căn cứ trên tiêu chí đó mà có thể trồng cho thích hợp. Và trước khi trồng, trong khâu chuẩn bị đất trồng thì có bước chuẩn bị hố trồng, vì vậy mật độ và khoảng cách trồng được quyết định ngay từ khâu đào hố trồng. Thường khoảng cách trồng hàng cách hàng là 4 mét, cây cách cây 5 mét, mật độ 500 trụ/ha. Nếu đất tốt hơn thì trồng mật độ khoảng 400 trụ/ha, với khoảng cách hàng cách hàng 5 mét, cây cách cây 5 mét. 

6.2. Kỹ thuật trồng:

Chọn những cây có sức sống tốt, sinh trưởng, phát triển bình thường, không bị bệnh đem trồng ra ngoài đồng ruộng.Tháo bỏ bầu nilon, đặt cây xuống hố trồng, hướng ngọn cây về phía trụ của giàn. Để thuận tiện cho gấc leo lên giàn dễ dàng thì có thể làm một cầu dẫn bằng tre, chà le, hay dây nilong lên giàn ngay đầu trụ của giàn. Khi cây gấc được 40-50cm thì hướng cho gấc theo cầu dẫn để leo lên giàn. Giữ ẩm cho cây bằng cách tủ rơm rạ quanh gốc. Nếu trồng cây con từ hạt thì nên trồng từ 2-3 cây/hố, vì khả năng tỉ lệ cho cây đực:cái từ hạt là 50:50, nên nếu phát hiện dây đực thì tiến hành cắt bỏ, tuy vậy 2-3 cây/hố thì ít nhất cũng còn một dây cái. Mỗi hố chỉ cần 1 cây cái là đạt yêu cầu.

7. Kỹ thuật chăm sóc:

Cây gấc là cây dài ngày, thời gian sinh trưởng có thể từ 10 đến 15 năm, tùy theo điều kiện chăm sóc. Gấc có thể sinh trưởng và phát triển trên các loại đất khác nhau, trừ những loại đất bị phèn nặng, nhiễm mặn. Nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của gấc là 28 đến 320C, nếu nhiệt đột xuống dưới 150C thì cây chậm phát triển, lá có thể bị biến dạng. Ẩm độ thích hợp cho sự phát triển của gấc là từ 70 - 80%. Thông thường cây gấc từ khi trồng đến khi ra hoa, đậu trái khoảng 3 - 4 tháng, và cũng ở thời điềm này thì mới có thể xác định được chính xác dây đực - dây cái của cây gấc. Khi quả được thụ phấn, thời gian từ lúc quả hình thành đến lúc chín thu hoạch thì cũng mất khoảng 2 - 3 tháng. Hiện nay đối với cây gấc thì năng suất chưa được thống kê cụ thể, nhưng với những thông tin từ tác giả Trương Vĩnh Hải – Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam khi nghiên cứu trồng cây gấc ở Đắk Nông có năng suất từ 22 tới 24 tấn/ha. Tuy nhiên với những vườn gấc có chế độ chăm sóc tốt như ở Tây Ninh, vùng Đông Nam bộ thì năng suất có thể đạt trên 30 tấn/ha (theo số liệu điều tra từ người trồng gấc).Và để cây gấc sinh trưởng, phát triển, đạt năng suất tốt cần chú ý những vấn đề canh tác như sau. 

7.1. Bón phân: 

a. Giai đoạn vườn gấc kiến thiết cơ bản:

- Khi chuẩn bị hố trồng: bón lót 5-10 kg phân hữu cơ; 0,5 kg phân lân (tùy chọn); 0,5 kg vôi (tùy chọn) 

- Lần 1 sau trồng 10-15 ngày: bón nhử phân đạm (Ure) 20 - 50 gram/gốc 

- Lần 2 sau trồng 1 tháng: bón 100 gram Ure + 50 gram DAP cho một gốc 

- Lần 3 sau trồng 2 tháng: bón 100 gram Ure + 50 gram DAP cho một gốc 

- Lần 4 khi ra hoa, bắt đầu ra trái: 150-200 gram phân hỗn hợp N-P-K 20-20-15 

b. Giai đoạn khai thác trái thương phẩm: 

Cây gấc ở giai đoạn khai thác cần bón cân đối lượng phân bón N-P-K, có thể tham khảo công thức 120 N – 100 P – 120 K và 2 tấn phân hữu cơ sinh học cho 1ha/năm.

- Lần 1 đầu mùa mưa: 1/3 N + 1/3 P + 1/3 K 

- Lần 2 giữa mùa mưa: 1/3 N + 1/3 P + 1/3 K 

- Lần 3 cuối mùa mưa:1/3 N + 1/3 P + 1/3 K 

Lưu ý công thức quy đổi như sau: 

- Phân Ure: 100 kg Ure chứa 46 kg N (đạm) 

- Phân DAP: 100 kg DAP chứa 16kg N (đạm) + 46kg P (lân) + 0kg K (kali) 

- Phân Super lân: 100 kg chứa khoảng 16 – 20 kg P (lân) - Kali: 100 kg Kali đỏ - muối ớt chứa khoảng 50 – 60 kg K (kali); 100kg kali trắng chứa 45-50kg K (kali)

7.2. Tưới nước: 

Cây gấc có khả năng chịu hạn tốt nhưng nếu thiếu nước thì khả năng đậu trái bị giảm. Cây gấc háo nước nhưng không chịu được úng. Do vậy, nên cung cấp nước thường xuyên và đầy đủ cho cây để đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt trong giai đoạn mùa khô và trong giai đoạn ra hoa kết trái. Độ ẩm thích hợp cho cây gấc phát triển là từ 70 - 80 %. Có thể áp dụng các phương pháp tưới khác nhau như tưới phun, tưới tràn hoặc tưới nhỏ giọt. 

7.3. Làm cỏ: 

Cây gấc trong thời gian kiến thiết cơ bản có thể còn xuất hiện cỏ dại trong vườn, nhưng khi gấc đã phủ kín giàn thì cỏ dại sẽ cũng giảm dần và từ từ biến mất.Tuy vậy, cũng phải thường xuyên xới xáo xung quanh hố trồng để bộ rễ phát triển tốt và tăng hiệu quả sử dụng phân bón. 7.4. Chăm sóc tạo tán: 

Việc tạo tán, tỉa cành cho gấc chỉ tập chung chủ yếu vào giai đoạn sau khi gấc lên giàn, đặc biệt là giai đoạn cây gấc đã leo giàn được khoảng 2 tháng và sau mỗi vụ thu hoạch. Phương pháp tỉa: 

- Đối với gấc trồng được 2 tháng sau khi lên giàn thì chú ý hướng các dây chính để các dây phân bố đều trên giàn, tận dụng tốt không gian trong vườn. Thường mỗi trụ sau khi kiểm tra bỏ dây đực thì nên để lại 1-2 dây cái là đủ. 

- Đối với khoảng thời gian sau vụ thu hoạch thì nên cắt bỏ những dây già, dây khô, hoặc các dây từ cấp 3 trở đi, giữ lại các dây chính, khỏe có khả năng tái sinh tốt vì chính những dây này sẽ tái sinh và mang quả rất hiệu quả. 7.5. Vấn đề bảo vệ thực vật: 

* Sâu hại: 

- Bọ cánh cam: là bọ cánh cứng, thường ăn phá hại trong thân, làm cho thân bị phù. Nếu trường hợp bị nặng thì có thể làm cho dây chậm phát triển, vàng lá, thậm chí chết phần trên của dây. Loại côn trùng này gây hại ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau của cây gấc. Phòng trừ bằng cách xịt các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như Actara, Verimec hoặc có thể sử dụng thuốc hóa học như Regent 800 WP.v.v… 

- Rầy mềm: thường ở mặt dưới lá hút nhựa, hại chủ yếu trong giai đoạn cây còn non mới trồng. Phòng trị như đối với bọ cánh cam. 

- Sâu xanh: gây hại cả trên lá và trên trái. Ở trên trái, sâu xanh gây hại từ khi trái hình thành tới khi trái gần đạt kích thước ổn định. Chúng gây hại trong suốt cả thời vụ. Dùng các loại thuốc nhóm Cúc tổng hợp như Sherpa, Sher Sài Gòn, AstronPlus để phun xịt. 

- Rệp sáp vảy: thường bám trên thân của gấc, chúng gây hại làm cây chậm phát triển. Phòng trừ bằng các thuốc hóa học như Regent 800 WP, Sherpa .v.v… 

- Ruồi đục quả: hiện có trên đối tượng gấc nhưng chưa nghiêm trọng. 

* Bệnh hại: 

- Bệnh đốm lá: do nấm Pseudope-ronopora cubensis Rostow gây bệnh. Lá gấc bị bệnh, mặt trên có nhiều chấm vàng, mặt dưới có các chất xám, sau đó lá chết héo. Dây gấc bị bệnh phát triển kém, không cho quả hoặc cho ít quả, quả nhỏ, phẩm chất kém. Phòng trị bệnh bằng cách xịt dung dịch Benlate C, hoặc Rovral, Vibensu 4%o (phần ngàn) lên lá. 

- Bệnh cháy lá (than thư): do nấm Collectrichum lagenarium Ell and Halst gây bệnh. Lá gấc bị bệnh cháy thành đốm hoặc cháy khô cả lá, phòng trị giống như bệnh đốm lá. 

- Bệnh khảm lá: do virus (CMV) gây bệnh. Lá gấc bị bệnh thường bị đốm vàng, xoắn lá, dây mọc còi cọc, không cho quả, bệnh do virus gây ra không có thuốc trị. Phòng trừ bằng cách nhổ bỏ những cây bị nhiễm, đem đi tiêu hủy. 

- Bệnh tuyến trùng: tuyến trùng Meloidogyne spp làm rễ, dây gốc bị tuyến trùng phá hại trông còi cọc phát triển kém, vàng cho quả hoặc không cho trái. Phòng bằng cách rải một hố 30g Furadan hoặc 20g Vi-Mocap khi gieo hạt hoặc trồng cây con. Đầu và giữa mùa mưa, phun thuốc Stop vào gốc để phòng trị tuyến trùng, liều lượng 50 mL/bình 16lít. 

8. Thu hoạch và tồn trữ: 

Thời gian cây gấc từ khi trồng đến khi cho trái từ 3 đến 4 tháng, thời gian đậu trái đến khi thu hoạch trái từ 2,5-3 tháng. Khi thu hoạch gấc, chỉ nên thu hái gấc khi quả đã chín đỏ ½ diện tích vỏ quả. Khi hái nên chọn những ngày nắng. Dùng dao bén hoặc kéo bén cắt cuống trái. Quả được xếp vào trong sọt, mỗi sọt với trọng lượng vừa phải để tiện vận chuyển. Dưới đáy sọt cứ một lớp quả lại để một lớp rơm rạ hoặc lá chuối giữ cho quả gấc khỏi bị biến dạng, vỡ nát, nhất là khi vận chuyển đi xa. Quả gấc cần được tồn trữ nơi thoáng mát trong khi chờ vận chuyển về nơi chế biến. 

Nguồn: SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TP.HCM TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - BÁO CÁO PHÂN TÍCH XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ Chuyên đề: GẤC VÀ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT TIỀM NĂNG, Phan Tại Huân, Phạm Đức Toàn, Kha Chấn Tuyền, 10/2014

Bài viết Bản tin Dược liệu khác