Logo Website

XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẦM TỪ GẤC THÔNG QUA SỐ LIỆU SÁNG CHẾ QUỐC TẾ

01/11/2020
Gấc là một loại quả giàu dinh dưỡng nhưng lại không phổ biến trên thế giới. Việt Nam là một trong số ít các nước trồng được loại quả này. Nhắc đến gấc, người ta thường nhắc đến hàm lượng các vi chất, vitamin, …có trong nó. Các nghiên cứu về quả gấc chủ yếu là tìm cách tận dụng các hợp chất quý giá bên trong gấc để nâng cao sức khỏe, phục vụ con người.

XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẦM TỪ GẤC THÔNG QUA SỐ LIỆU SÁNG CHẾ QUỐC TẾ 

1. Tình hình đăng ký bảo hộ sáng chế về gấc trên thế giới: 

Gấc là một loại quả giàu dinh dưỡng nhưng lại không phổ biến trên thế giới. Việt Nam là một trong số ít các nước trồng được loại quả này. Nhắc đến gấc, người ta thường nhắc đến hàm lượng các vi chất, vitamin, …có trong nó. Các nghiên cứu về quả gấc chủ yếu là tìm cách tận dụng các hợp chất quý giá bên trong gấc để nâng cao sức khỏe, phục vụ con người.

Hiện nay, sáng chế về gấc không nhiều. Theo cơ sở dữ liệu Wipsglobal mà Trung tâm thông tin tiến hành khảo sát, lượng sáng chế về gấc tại CSDL này chỉ có 6 sáng chế, được đăng ký bảo hộ ở các quốc gia:  

- 4 sáng chế đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc

- 1 sáng chế đăng ký bảo hộ tại Hàn Quốc 

- 1 sáng chế đăng ký bảo hộ tại Mỹ 

* Sáng chế tại Mỹ: 

Nội dung đề cập tới việc chiết xuất beta-carotene từ quả gấc – một chất chống oxy hóa hiệu quả, được ứng dụng vào ngành thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Số sáng chế: US2004-0024275 Ngày nộp đơn: 05/08/2002 Tác giả: Vương Thúy Lệ 

* Sáng chế tại Hàn Quốc: Nội dung đề cập tới một thành phần trong gấc được sử dụng để ngăn cản sự thèm ăn và hỗ trợ điều trị bệnh béo phì Số sáng chế: KR2011-0063362 Ngày nộp đơn: 02/12/2010 Tác giả: Lee, Hyun Woo 

* Sáng chế tại Trung Quốc: 

a. Số sáng chế: CN 101697993 Ngày nộp đơn: 02/11/2009 Tác giả: Sun Fujun, Lin Huibin, Song Weiguo, Lu Yonghui Sáng chế đề cập tới việc ứng dụng các thành phần trong hạt Gấc để điều trị kháng viêm, thuộc lĩnh vực Y học dân tộc của Trung Quốc 

b. Số sáng chế: CN 101611878 Ngày nộp đơn: 14/04/2009 Tác giả: Lu Dayan, Ye Wancheng Sáng chế đề cập tới phương pháp tách carotenoid từ quả gấc, để ứng dụng vào trong ngành thực phẩm

c. Số sáng chế: CN 102813727 Ngày nộp đơn: 09/06/2011 Tác giả: Wen Zongxuan Sáng chế đề cập tới một loại thuốc mỡ mà thành phần có sử dụng bột gấc. công dụng để chữa bệnh đau khớp, đau cơ 

d. Số sáng chế: CN 101152571 Ngày nộp đơn: 09/10/2007 Tác giả: Hu Songhua | Xiao Chenwen Nhà nộp đơn đăng ký sáng chế: trường đại học Chiết Giang – Trung Quốc Sáng chế đề cập tới hợp chất saponin chiết xuất từ hạt gấc có khả năng làm tăng hiệu quả của vaccine lở mồm long móng khi tiêm chủng cho động vật. Trong cuốn tạp chí khoa học của Trường đại học Chiết Giang (Trung Quốc) , xuất bản vào tháng 04/2007 cũng có bài viết đề cập tới “Extract of Cochinchina momordica seed (ECMS)” có khả năng làm tăng hiệu quả của vaccine H5N1 tiêm chủng cho gà.

2. Tình hình đăng ký sáng chế về công nghệ trích ly sử dụng CO2 siêu tới hạn theo thời gian:

Một trong những sản phẩm đầu ra của gấc là dầu gấc. Trong dầu gấc chứa nhiều các chất vi lượng cần thiết cho sức khỏe con người, như: Beta caroten, lycopen, vitamin E, …Một vấn đề đặt ra cho các sản phẩm dầu gấc hiện nay là với công nghệ ép – trích ly bằng dung môi truyền thống thì hàm lượng các vi chất còn lại trong sản phẩm là bao nhiêu? 

Nhóm nghiên cứu của khoa Công nghệ thực phẩm – Trường đại học Nông Lâm TP.HCM đã thử nghiệm thành công công nghệ chiết xuất dầu gấc bằng CO2 siêu tới hạn qui mô phòng thí nghiệm. 

Công nghệ này cho phép thu hồi dầu gấc có hàm lượng các chất vi lượng cao hơn gấp nhiều lần so với công nghệ truyền thống trước đây. Công nghệ trích ly sử dụng CO2 siêu tới hạn đã được sử dụng trên thế giới trong sản xuất các sản phẩm tinh dầu và hương liệu tự nhiên, các sản phẩm chất béo giàu hàm lượng DHA và EPA để ứng dụng trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. 

Theo nguồn thông tin mà Trung tâm tiếp cận được từ cơ sở dữ liệu Wipsglobal, từ năm 1980 đã có sáng chế đăng ký bảo hộ về công nghệ trích ly sử dụng CO2 siêu tới hạn, và từ đó đến nay đã có khoảng 291 sáng chế đăng ký bảo hộ về vấn đề này.

Sáng chế đầu tiên đăng ký bảo hộ tại Mỹ, đề cập tới việc sử dụng công nghệ trích ly siêu tới hạn để thu hồi dầu và nhựa cây thông Số sáng chế: US4308200 Ngày nộp đơn: 10/07/1980 

Tình hình đăng ký sáng chế có nhiều biến động, tăng – giảm qua các năm nhưng nhìn chung tăng dần theo thời gian, trong đó tăng mạnh từ những năm 2000 cho đến nay, lượng sáng chế tập trung nhiều trong 2 năm:  

Năm 2007: 34 sáng chế 

Năm 2011: 34 sáng chế 

3. Tình hình đăng ký sáng chế về công nghệ trích ly sử dụng CO2 siêu tới hạn theo các quốc gia: 

Hiện nay, sáng chế đang được đăng ký bảo hộ ở khoảng 16 quốc gia trên toàn thế giới và ở 2 tổ chức bảo hộ sáng chế là tổ chức châu Âu (EP) và tổ chức thế giới (WO). 

16 quốc gia có sáng chế đăng ký bảo hộ: Trung Quốc (CN), Hàn Quốc (KR), Mỹ (US), Nhật (JP), Đức (DE), Đài Loan (TW), Pháp (FR), Úc (AU), Canada (CA), Argentina (AR), Hungary (HU), Malaysia (MY), Hà Lan (NL), New Zealand (NZ), Ba Lan (PL), Anh (GB)

Lượng sáng chế được đăng ký bảo hộ ở 6 quốc gia khu vực châu Á: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia 

Lượng sáng chế được đăng ký bảo hộ 8 quốc gia khu vực châu Âu: Đức, Pháp, Canada, Hungary, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Anh 

Lượng sáng chế được đăng ký bảo hộ ở 2 quốc gia khu vực châu Mỹ: Mỹ, Argentina Lượng sáng chế được đăng ký bảo hộ ở 1 quốc gia khu vực châu Úc: Úc 

4. Tình hình đăng ký sáng chế về công nghệ trích ly sử dụng CO2 siêu tới hạn theo bảng phân loại sáng chế quốc tế IPC: 

Với 291 sáng chế đăng ký liên quan đến công nghệ chiết xuất bằng CO2 siêu tới hạn mà Trung tâm tiếp cận được, khi đưa vào bảng phân loại sáng chế quốc tế IPC (International Patent Classification), nhận thấy lượng sáng chế tập trung nhiều vào một số nhóm nghiên cứu như sau:

- Hướng nghiên cứu đề cập tới công nghệ chiết xuất dầu, chất béo từ thực vật bằng CO2 siêu tới hạn có lượng sáng chế đăng ký chiếm khoảng 16.84%. Sáng chế đầu tiên đăng ký bảo hộ vào khoảng năm 1991, lượng sáng chế thuộc hướng nghiên cứu này đang được đăng ký bảo hộ ở khoảng 6 quốc gia trên toàn thế giới.

- Hướng nghiên cứu đề cập tới công nghệ chiết xuất tinh dầu thơm bằng CO2 siêu tới hạn có lượng sáng chế đăng ký chiếm khoảng 4.81%. Sáng chế đầu tiên đăng ký bảo hộ vào khoảng năm 2009, lượng sáng chế thuộc hướng nghiên cứu này đang được đăng ký bảo hộ ở Trung Quốc. 

- Hướng nghiên cứu đề cập tới công nghệ chiết xuất các hợp chất từ thảo dược bằng CO2 siêu tới hạn có lượng sáng chế đăng ký chiếm khoảng 14.78%. Sáng chế đầu tiên đăng ký bảo hộ vào khoảng năm 1995, lượng sáng chế thuộc hướng nghiên cứu này đang được đăng ký bảo hộ ở khoảng 7 quốc gia trên toàn thế giới.

- Hướng nghiên cứu đề cập tới công nghệ chiết xuất các hợp chất từ thiên nhiên bằng CO2 siêu tới hạn để đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm có lượng sáng chế đăng ký chiếm khoảng 11%. Sáng chế đầu tiên đăng ký bảo hộ vào khoảng năm 1999, lượng sáng chế thuộc hướng nghiên cứu này đang được đăng ký bảo hộ ở khoảng 6 quốc gia trên toàn thế giới. 

- Hướng nghiên cứu đề cập tới công nghệ chiết xuất các hợp chất từ thiên nhiên bằng CO2 siêu tới hạn để đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm có lượng sáng chế đăng ký chiếm khoảng 2.06%. Sáng chế đầu tiên đăng ký bảo hộ vào khoảng năm 2005, lượng sáng chế thuộc hướng nghiên cứu này đang được đăng ký bảo hộ ở 2 quốc gia là Hàn Quốc và New Zealand. 

- Nếu các hướng nghiên cứu trên tập trung nhiều về ứng dụng của công nghệ chiết xuất bằng CO2 siêu tới hạn thì hướng nghiên cứu này nghiên nhiều về kỹ thuật và phương pháp. Lượng sáng chế thuộc hướng nghiên cứu này chiếm khoảng 15.81%. Năm 1984 có sáng chế đầu tiên được đăng ký bảo hộ ở Nhật.

Nhìn chung, sáng chế thuộc các hướng nghiên cứu chính (theo bảng phân loại sáng chế quốc tế IPC) đang được đăng ký bảo hộ chủ yếu ở các quốc gia khu vực châu Á, đặc biệt là 2 quốc gia: Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây là hai quốc gia có sự quan tâm tới các loại cây thảo dược nên có đã có nhiều sáng chế đăng ký ứng dụng công nghệ trích ly bằng CO2 siêu tới hạn để có được các hợp chất thiên nhiên, đưa vào ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, phục vụ con người

Nhìn chung, lượng sáng chế đăng ký ở các hướng nghiên cứu đều tăng dần theo thời gian cùng với sự phát triển của các ngành khoa học công nghệ. 

Các sáng chế về kỹ thuật và công nghệ liên quan tới chiết xuất bằng CO2 siêu tới hạn đăng ký bảo hộ từ những năm thập niên 80 sớm hơn so với các sáng chế về ứng dụng của kỹ thuật này trong việc chiết xuất các hợp chất thiên nhiên đưa vào phục vụ trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như sau:  

- Nhóm sáng chế về ứng dụng công nghệ chiết xuất các hợp chất dầu, chất béo từ thực vật bằng CO2 siêu tới hạn và nhóm sáng chế ứng dụng công nghệ chiết suất này phục vụ trong ngành thực phẩm, dược phẩm bắt đầu đăng ký bảo hộ từ những năm thập niên 90.  

- Nhóm sáng chế ứng dụng công nghệ chiết xuất bằng CO2 siêu tới hạn để thu được các hợp chất thiên nhiên phục vụ trong lĩnh vực mỹ phẩm và sản xuất tinh dầu thơm thì bắt đầu đăng ký bảo hộ từ những năm 2000 cho đến nay. 

Theo các sáng chế công bố, điểm nổi bật của phương pháp chiết xuất bằng CO2 siêu tới hạn là:  

- Nhiệt độ thấp trong quá trình tách chiết, do đó không ảnh hưởng tới các thành phần tự nhiên - Không có dư lượng dung môi hữu cơ 

- Giữ được hàm lượng các hợp chất chiết tách cao Với các ưu điểm nêu trên, phương pháp này đang được áp dụng cho việc chiết tách các hợp chất đòi hỏi về độ tinh khiết để đạt yêu cầu về chất lượng. 

Trong sản xuất tinh dầu thơm

Trung Quốc đã có nhiều sáng chế đăng ký bảo hộ về việc ứng dụng phương pháp chiết xuất tinh dầu thơm từ thiên nhiên bằng CO2 siêu tới hạn, đi từ các nguồn nguyên liệu như: 

- Hoa cam (CN 101624557) 

- Hoa oải hương (CN 103589515)  

- Bạc hà (CN 102559385)

Trong lĩnh vực mỹ phẩm: 

Đã có một số sáng chế đăng ký bảo hộ tại Hàn Quốc đề cập tới việc chiết tách các hợp chất tự nhiên đưa vào mỹ phẩm, hỗ trợ việc tái tạo collagen, ngăn ngữa lão hóa da, đi từ nguồn nguyên liệu:  

- Rễ cây nhân sâm núi của Hàn Quốc (KR 0040082) 

- Thất diệp đảm (KR 2008-0017963) 

Trong thực phẩm: 

Các sáng chế quan tâm áp dụng phương pháp chiết xuất bằng CO2 siêu tới hạn để thu hồi các hợp chất tạo màu, mùi vị của thiên nhiên đưa vào thực phẩm, như:  

- Chiết xuất các sắc tố tạo màu từ ớt đỏ (KR 2008-0089716)  

- Chiết xuất các hợp chất tạo hương từ trái cây (KR 2006-0018204) Trong sản xuất dược phẩm: các sáng chế quan tâm tới việc chiết xuất các loại dược liệu từ thiên nhiên như:  

- Chiết xuất các hợp chất dược liệu từ nấm linh chi (CN 101683362)  

- Chiết xuất các hợp chất dược liệu từ đông trùng hạ thảo (CN 101045069)  

- Chiết xuất các hợp chất từ cây dành dành (US 7402325) 

* Nhận xét: Công nghệ chiết xuất bằng CO2 siêu tới hạn là một trong những công nghệ giúp giữ lại tối đa hàm lượng các chất mong muốn trong dầu gấc. Sáng chế về công nghệ chiết xuất này đang được đăng ký bảo hộ ở khoảng 16 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó tập trung nhiều ở Trung Quốc, chiếm tới hơn 50% tổng lượng sáng chế bảo hộ về công nghệ này trên thế giới. 

Với ưu điểm là công nghệ sạch, giúp các hợp chất sau quá trình chiết xuất giữ lại tối đa các hợp chất mong muốn nên đã có nhiều sáng chế đăng ký bảo hộ về ứng dụng công nghệ chiết xuất bằng CO2 siêu tới hạn để thu được các hợp chất thiên nhiên phục vụ trong nhiều lĩnh vực: dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, …

Nguồn: SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TP.HCM TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - BÁO CÁO PHÂN TÍCH XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ - Chuyên đề: GẤC VÀ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT TIỀM NĂNG, Phan Tại Huân, Phạm Đức Toàn, Kha Chấn Tuyền, 10/2014

Bài viết Bản tin Dược liệu khác