BÁCH BỘ công dụng cách dùng
BÁCH BỘ (百部)
Radix Stemonae
Bách bộ - Stemona tuberosa Lour.; Ảnh Sanjeet Kumar
Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour., họ Bách bộ (Stemonaceae)
Tên đồng nghĩa: Roxburghia gloriosa Pers.; Roxburghia gloriosoides Roxb.; Roxburghia stemona Steud.; Roxburghia viridiflora Sm.; Stemona acuta C.H.Wright; Stemona gloriosa (Pers.) J.J.Sm.; Stemona gloriosoides Roxb.; Stemona gloriosoides Voigt; Stemona tuberosa var. tuberosa.
Tên khác: Dây ba mươi, sam sip lạc (gọi theo tiếng Tày), hiungui (Giarai), síp (Thái), rabat tơhai hoặc đẹt ác
Bộ phận dùng: Rễ củ (Radix Stemonae), thường được gọi là Bách bộ.
Phân bố, sinh thái: Cây mọc hoang ở các vùng núi nước ta. Trên thế giới cây phân bố ở Ấn Độ, Malaisia, Nhật Bản. Ở nước ta cây mọc hoang nhiều ở vùng đồi núi, trên sườn núi, ven suối như Phú Thọ, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Giang. Có thể thu hoạch củ vào mùa xuân hoặc mùa thu.
Mô tả:
Cây: Dây leo có thân mảnh, nhẵn, dài đến 6-8m, ở gốc có nhiều rễ củ mọc thành chùm, 10-20 hoặc 30 củ (Củ ba mươi), có khi tới gần một trăm củ, dài 15-20cm, rộng 1,5-2cm. Lá mọc đối hay so le, giống lá Củ nâu, nhưng đặc biệt có hệ gân ngang dày song song với các gân chính hình cung, dài 10-15cm, rộng 4mm, mặt ngoài màu vàng lục, mặt trong màu đỏ tươi, có mùi thối; 4 nhị dài 4-5cm. Quả nang chứa nhiều hạt.
Dược liệu: Rễ cong queo, dài 15cm trở lên, đường kính 0,5 -1cm. Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ dọc. Ðầu trên hơi phình to, còn vết của gốc thân, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài vàng nâu, có nhiều vết nhăn dọc. Thể chất mềm dẻo. Mặt cắt ngang thấy mô mềm vỏ màu vàng nâu, trụ giữa (lõi) màu trắng ngà. Vị đắng, hơi ngọt
Thu hái: Có thể thu hoạch củ vào mùa xuân hoặc mùa thu. Cắt bỏ rễ con, rửa sạch, nhúng trong nước sôi, hoặc đồ vừa chín. Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ dọc dài, phơi nắng hoặc sấy khô.
Bảo quản: Nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, tránh ẩm
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng kháng vi trùng: Radix Stemonae in vitro có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều loại khuẩn gây bệnh gồm:Streptococus pneumoniae, Hemolytic streptococus, Neisseria meningitidis và Staphylococus aureus (Trung Dược Học).
+ Tác dụng diệt ký sinh trùng: dịch cồn hoặc nước ngâm kiệt của Bách Bộ có tác dụng diệt ký sinh trùng như chấy rận, bọ chét, ấu trùng ruồi, muỗi, rệp... (Trung Dược Học).
+ Tác động lên hệ hô hấp: nước sắc Bách bộ không tỏ ra có tác dụng giảm ho do chích Iod nơi mèo. Bách bộ có tác dụng làm giảm hưng phấn trung khu hô hấp của động vật, làm giảm ho do ức chế phản xạ ho. Đối với kháng Histamin gây co giật, Bách bộ có tác dụng giống như Aminophylline nhưng hòa hoãn và kéo dài hơn (Trung Dược Học).
+ Chữa ho: Hoạt chất stemonin có trong dây ba mươi có công dụng làm giảm tính hưng phấn của trung tâm hô hấp ở động vật. Do đó, giúp ức chế phản xạ ho, làm giảm ho.
+ Dùng trong bệnh nhiễm: Theo dõi hơn 100 bệnh nhân dùng nước sắc Bách bộ, cho thấy có 85% có hiệu quả giảm ho (Trung Dược Học).
Tác dụng trị ho: Stemonin có tác dụng làm giảm tính hưng phấn của trung tâm hô hấp của động vật, ức chế phản xạ ho, do đó có tác dụng trị ho. Bách bộ đã được thí nghiệm chữa lao hạch có kết quả tốt (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Tác dụng trị giun và diệt côn trùng: ngâm giun trong dung dịch 0,15% Stemonin, giun sẽ tê liệt sau 15 phút. Nếu kịp thời lấy giun ra khỏi dung dịch, giun sẽ hồi phục lại. Tiêm dung dịch Stemonin sulfat (3mg) vào ếch nặng 25g, có thể làm cho ếch tê bại, sau 12 giờ thì bình phục. Dùng rượu thuốc Bách bộ 1/10 trong rượu 700, ngâm hoặc phun vào con rận, rận sẽ chết sau một phút. Nếu ngâm rệp, con vật sẽ chết nhanh hơn (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Tác dụng kháng khuẩn: Bách bộ có tác dụng diệt vi khuẩn ở ruột già và kháng vi khuẩn của bệnh lỵ, phó thương hàn (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Thành phần hoá học : Trong rễ củ Bách bộ (Stemona tuberosa) có nhiều alcaloid khác nhau. Ngoài ra trong rễ củ còn có glucid (2,3%), lipid (0,84%), protid (9,25%) và acid hữu cơ (acid citric, malic, oxalic...).
Trong rễ của loài Stemona tuberosa Lour. đã xác định có các alcaloid: Tuberostemonin (C22H23O4N), Neotuberostemonin oxotuberostemonin (C22H31O5N), stenin (C17H22O2N), stemotinin (C18H25O5N), isostemotinin (C18H25O5N), tuberostemoninol (C22H34O6N), Bisdehydroneotuberostemonin, stemonin, isotuberostemonin, hypotuberostemonin, oxytuberostemonin, stemin, stenin.
Tính vị: Củ có vị đắng, tính hơi ấm, hơi có độc
Quy kinh: Phế
Công năng: Nhuận phế, giảm ho, bài trùng
Công dụng: Chữa ho, ghẻ lở, tẩy giun, diệt sâu bọ.
Cách dùng, liều lượng:
- Chữa ho: 3 - 15g một ngày.
- Tẩy giun: 7g dưới dạng thuốc sắc, uống sáng sớm vào lúc đói. Uống trong 5 ngày, sau đó tẩy.
- Dùng ngoài: Nấu nước để rửa hoặc nấu cao để bôi ghẻ lở.
Bào chế:
+ Đào lấy củ gìa rửa sạch cắt bỏ rễ 2 đầu, đem đồ vừa chín, hoặc nhúng nước sôi, củ nhỏ để nguyên, củ lớn bổ đôi, phơi nắng hoặc tẩm rượu, sấy khô (Bản Thảo Cương Mục).
+ Rửa sạch, ủ mềm rút lõi, xắt mỏng phơi khô, dùng sống. Tẩm mật một đêm rồi sao vàng (dùng chín) (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).
Bài thuốc:
1. Hen khí quản: Bách bộ, Tử uyển, nhân hạt Mơ, mỗi vị 10g, Bối mẫu 6g, sắc uống.
2. Ho gà: Bách bộ, Hạ khô thảo, mỗi vị 10g sắc uống.
3. Điều trị ho sốt phế nhiệt ở trẻ: Sử dụng bách bộ, thạch cao, cát căn và bối mẫu, mỗi vị 30 gram đem tán bột min. Mỗi ngày cho trẻ uống 2 lần, mỗi lần uống 12 gram.
4. Điều trị ho nhiều: Dùng dây bách bộ, bao gồm cả rễ và dây khoảng 80 gram đem rửa sạch và giã lấy nước. Sau đó vắt lấy nước cốt trộn với mật ong. Cuối cùng đem nấu thành cao và dùng ngậm rồi nuốt từ từ.
5. Chữa ho lâu ngày: Sử dụng 80 gram rễ bách bộ đem rửa sạch và giã lấy nước. Sắc thuốc cho đến khi dẻo quánh lại. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1 muỗng canh. Sử dụng liên tục cho đến khi bệnh khỏi hẳn.
3. Tẩy giun kim: Bách bộ nấu nước thụt.
Kiêng kỵ: Người tì vị hư yếu không dùng. Dùng nhiều sẽ gây ngộ độc. Giải độc bằng nước ép Gừng tươi hoặc thêm một ít giấm ăn.
Ghi chú:
Nước ta có một số loài thuộc chi Stemona như : Stemona pierrei Gagnep. Stemona saxorum Gagnep., cũng được dùng làm thuốc như loài Stemona tuberosa Lour.
Dược điển Trung Quốc quy định Bách bộ là rễ củ loài Stemona tuberosa Lour.; Stemona sessilifolia Miq.; và Stemona japonica (Bl.) Miq.
Ở Trung Quốc Bách bộ thường bị giả mạo bởi rễ của các loài Asparagus filicinus Ham. ex. D. Don. và Asparagus officinalis L, var. altilis L, họ Bách hợp (Asparagaceae).
Tham khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza