CỐT TOÁI BỔ
CỐT TOÁI BỔ
Rhizoma Drynariae
Tên khác: Hầu khương, Hồ tôn khương, Thân khương, cây Tổ phượng, Cây tổ phượng, cây Tổ rồng, Tổ diều, Tắc kè đá, Co tạng tố (Thái ở châu Quỳnh Nhai), Co in tó (Thái ở Điện Biên).
Nguồn gốc tên gọi:
- Cốt toái bổ là thân rễ phơi khô của cây bổ cốt toái. Gọi là bổ cốt toái vì người ta cho rằng cây này có tác dụng làm liền những xương đập gãy.
- Tên Co tạng tó, vì tạng có nghĩa là đặt vào, tó có nghĩa là liền lại, vì vị thuốc này đặt vào thì làm liền lại. Chữ in có nghĩa là gân, là vì vị thuốc có tác dụng nối liền gân cốt.
Tên khoa học: Drynaria roosii Nakaike, họ Dương xỉ (Polypodiaceae).
Tên đồng nghĩa: Drynaria fortunei (Kunze ex Mett.) J.Sm.; Polypodium fortunei Kunze ex Mett.
Mô tả:
Cây: Dương xỉ mọc bò, có thân rễ dẹp, mọng nước, phủ lông dạng vẩy màu nâu sét. Lá có 2 loại: lá hứng mùn, xoan, gốc hình tim, mép có răng nhọn, dài 3-5cm, không cuống, phủ kín thân rễ; lá thường sinh sản, có cuống ngắn 4-7cm, phiến dài 10-30cm, xẻ thuỳ sâu, thành 7-13 cặp thuỳ lông chim, dày, dai, không lông. Các túi bào tử xếp hai hàng giữa gân phụ mặt dưới lá; bào tử vàng nhạt, hình trái xoan.
Dược liệu: Vị thuốc Cốt toái bổ là đoạn thân rễ dẹt, cong queo, phần nhiều phân nhánh, dài 5 - 15 cm, rộng 1- 2 cm, dày khoảng 3 mm, phủ dày đặc lông dạng vảy mầu nâu đến nâu tối. Đốt hết lông, dược liệu màu nâu tối. Mặt trên và hai bên thân có các vết sẹo tròn của gốc lá lồi hoặc lõm, ít khi còn rễ hình sợi. Chất cứng, mặt cắt ngang có màu nâu, có những đốm vàng xếp thành một vòng. Vị nhạt và hơi se.
Bộ phận dùng: Thân rễ (Rhizoma Drynariae) đã phơi hay sấy khô của cây Cốt toái bổ
Phân bố: Trên thế giới cây phân bố ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Ở nước ta cây mọc phụ sinh trên cây gỗ và đá, ở vùng rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Hoà Bình, Hà Nội tới Nghệ An.
Thu hái, sơ chế: Thân rễ quanh năm, cắt bỏ rễ con, phần lá sót lại và cạo sạch lông, rửa sạch, cắt thành từng miếng theo kích thước quy định, phơi hay sấy khô.
Bào chế: Rửa sạch, cạo sạch lông, thái mỏng phơi khô dùng. Có khi tẩm mật hoặc tẩm rượu, sao qua dùng.
Tác dụng dược lý:
1. Ngăn ngừa loãng xương
Dựa trên tác dụng của một polysacarid đồng nhất (DFPW) đã được phân lập và tinh chế từ thân rễ khô của Cốt toái bổ lên xương chuột bị cắt bỏ buồng trứng (OVX). Có khả năng kết luận việc uống DFPW hàng ngày sẽ là phương thuốc hữu ích để điều trị chứng loãng xương sau mãn kinh ở chuột, có thể so sánh với Raloxifene.
Chức năng này có liên quan đến tác dụng của DFPW về sự cân bằng giữa quá trình tạo xương và tái hấp thu xương. Do đó, việc mất xương có thể thuyên giảm ở chuột OVX. Đồng nghĩa với việc DFPW có thể ngăn ngừa loãng xương.
2. Diệt vi khuẩn đường miệng
Cloroform từ Cốt toái bổ kết hợp với ampicillin hoặc gentamicin đã tiêu diệt 100% hầu hết các vi khuẩn được thử nghiệm trong vòng 3 – 4 giờ. Kết quả của nghiên cứu cho thấy hoạt động kháng khuẩn và hiệp đồng của cloroform này là kháng sinh chống lại mầm bệnh đường miệng.
3. Cốt toái bổ có tác dụng tăng cường sự hấp thu calci của xương, nâng cao lượng Phospho và calci trong máu giúp cho chóng liền xương. Thuốc có tác dụng giảm đau và an thần.
4. Cốt toái bổ có tác dụng rõ phòng ngừa lipid huyết cao, làm giảm lipid máu cao và phòng ngừa được chứng xơ mỡ mạch.
5. Thực nghiệm trên chuột lang, nhận thấy thuốc có tác dụng làm giảm độc của Kanamycin đối với tai trong, nhưng sau khi ngưng thuốc, tai vẫn bị điếc vẫn phát triển.
Thành phần hoá học: Tinh bột, flavonoid.
Trong bài báo tổng quan mới đây cho thấy trong Cốt toái bổ có tổng cộng 369 hợp chất đã được phát hiệntrong số các nhóm chất sau: flavonoid, proanthocyanidin, triterpenoid, acid phenolic và lignans.
Tính vị: Vị đắng, tính ấm.
Qui kinh: Can và Thận.
Công năng: Bổ thận, làm mạnh gân xương, hoạt huyết hóa ứ, cầm máu giảm đau.
Công dụng: Thuốc bổ thận, trị đau xương, đau lưng, mỏi gối, chữa dập xương, ỉa chảy kéo dài, chảy máu răng.
Cách dùng, liều lượng: Dùng uống hay đắp ở ngoài. Ngày dùng 6 - 12g dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Bài thuốc:
1. Chữa chứng răng đau, răng long, răng chảy máu do thận hư:
- Bột Cốt toái bổ vừa đủ sao đen xát vào răng.
- Gia vị Địa hoàng hoàn: Thục địa 16g, Sơn dược, Sơn thù, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả mỗi thứ 12g, Tế tân 2g, Cốt toái bổ 16g, sắc uống.
2. Chữa chấn thương phần mềm, gãy xương kín:
- Tẩu mã tán: Cốt toái bổ, lá sen tươi, lá Trắc bá diệp tươi, quả Bồ kết tươi, lượng bằng nhau, tán nhỏ, mỗi thứ 12g, ngày 2 lần, hãm nước sôi uống hoặc đã đắp ngoài.
- Tiếp cốt tán: Cốt toái bổ, Huyết kiệt, Bằng sa, Đương qui, Nhũ hương, Một dược, Tục đoạn, Đồng tự nhiên, Đại hoàng, Địa miết trùng, lượng bằng nhau, tán bột trộn Vaselin bôi vùng đau. Bài thuốc có tác dụng làm liền xương nhanh.
3. Phòng nhiễm độc Streptomycin: Mỗi ngày dùng Cốt toái bổ 30g, sắc nước, chia làm hai lần uống trong ngày.
4. Chữa chai chân: Cốt toái bổ 9g, giã nát ngâm vào 100ml ethanol 95%, 3 ngày đem xát vùng chai có kết quả.
5. Chữa phong thấp: Bài thuốc gồm vỏ thân chân chim 100g, cốt toái bổ 40g, rễ rung rúc 80g, rễ gắm 120g, bạch hoa xà, rễ chiên chiến mỗi thứ 60g, bạch đồng nữ, ô dược, rễ bưởi bung, xích đồng nam, tiền hồ, cỏ xước mỗi thứ 40g. Cách dùng: Đem nấu thành cao đặc sau đó đem ngâm trong 3 ngày với rượu trắng 40 độ. Lọc bỏ bã và cặn, chỉ lấy dịch trong. Mỗi lần dùng 30ml, ngày dùng 2 lần.
6. Chữa bong gân, tụ máu: Dùng cốt toái bổ tươi, đem loại bỏ lá khô, lông phủ. Sau đó rửa sạch, giã nhỏ và cho thêm ít nước. Đem gói vào lá chuối và nướng lên cho dược liệu mềm rồi đắp lên nơi đau nhức. Nên bó lại để thuốc ngấm vào bên trong, thực hiện nhiều lần trong ngày.
7. Chữa gãy xương kín, chấn thương phần mềm: Dùng cốt toái bổ, lá trắc bá diệp tươi, lá sen tươi và quả bồ kết tươi bằng lượng nhau, đem đi tán nhỏ, để riêng. Dùng mỗi vị 12g đem hãm với nước sôi, dùng ngày 2 lần. Hoặc dùng huyết kiệt, đương quy, một dược, đồng tự nhiên, địa miết trùng, cốt toái bổ, bằng sa, nhũ hương, tục đoạn, đại hoàng bằng lượng nhau. Sau đó đen tán bột mịn, trộn với Vaseline, dùng một lượng vừa đủ bôi lên vùng đau nhức.
8. Chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu: Bài thuốc gồm: Cốt toái bổ 16g, Củ mài, Cẩu tích mỗi thứ 20g, Đỗ trọng, Tỳ giải mỗi thứ 16g, rễ Cỏ xước, Thỏ ty tử, rễ Gối hạc, Dây đau xương mỗi thứ 12g. Cách dùng: |Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
9. Bổ thận, chữa ù tai, đau lưng: Bài thuốc gồm: Cốt toái bổ (bột) 4-6g, bầu dục lợn 1 cái. Đem tẩm bột cốt toái bổ với bầu dục lợn, sau đó nướng chín. Mỗi ngày ăn 1 lần.
Kiêng ky: âm hư, huyết hư không nên dùng.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza