BẠC THAU
BẠC THAU
Herba Argyreiae
Bạc thau - Argyreia acuta Lour.; Ảnh naturalista.mx
Tên khác: Bạc sau, Bạch hạc đằng, Thau bạc, Thảo bạc, Chấp miên đằng.
Tên khoa học: Argyreia acuta Lour., họ Bìm bìm (Convolvulaceae).
Tên đồng nghĩa: Argyreia festiva Wall.; Lettsomia chalmersii Hance; Lettsomia festiva (Wall.) Benth. & Hook. f.
Phân bố: Cây mọc hoang khắp nơi ở trong nước ta nhưng chủ yếu ở miền Bắc từ đèo Hải Vân trở ra, mọc ở các bờ bụi, đặc biệt là trên các triền đồi núi đá vôi và các tỉnh khu 4 cũ. Trên thế giới cây còn thấy ở Hoa Nam Trung Quốc.
Thu hái và chế biến: dùng lá và cành hái quanh năm làm thuốc. Dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát.
Bộ phận dùng: Lá và cành.
Mô tả: Dây leo bò hoặc quấn. Thân có nhiều lông màu trắng bạc. Lá nguyên, mọc so le, hình bầu dục hay trái xoan, mặt trên nhẵn, xanh sẫm, mặt dưới (mặt sau) có nhiều lông mịn màu trắng bạc. Cụm hoa ở nách lá hay ở ngọn thân, hình đầu hay hình tán, cuống hoa có lông tơ trắng bạc. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5, màu trắng, mặt ngoài có lông tơ. Mặt ngoài của lá đài cũng có ánh bạc. Quả mọng hình cầu, khi chín màu đỏ, bao bởi đài hoa phát triển, có mặt trong màu đỏ. Hạt hình trứng, màu nâu.
Thành phần hoá học: 4 resin pentasaccharid glycoside (acutacoside F–I), operculinic acid A, jalapinolic acid.
Tính vị: Vị đắng, cay, hơi chua, tính mát.
Công năng: Thanh nhiệt, lợi thuỷ, giải độc, sát trùng, tiêu viêm.
Công dụng: Thường dùng trị bí tiểu tiện, đi đái ít một rát buốt, nước tiểu đục, bạch đới, ngứa lở, mụn nhọt, sốt rét, ho, viêm phế quản cấp, và mạn.
Cách dùng, liều lượng: Ngày uống 6-12g cành, lá khô. Dùng ngoài: giã cành, lá tươi đắp lên mụn nhọt đã vỡ mủ để chóng lên da non.
Bài thuốc:
1. Kinh nguyệt không đều: Bạc thau 20g, Rau dền gai 8-16g sắc nước uống. 2. Rong huyết, rong kinh: lá Bạc thau giã nhỏ chế nước nguội vào, vắt lấy nước cốt uống, và lấy bã đắp lên đỉnh đầu (Nam được thần hiệu). Hoặc dùng lá Bạc thau, lá Ngải cứu, lá Bạch đầu ông mỗi vị 20g giã nhỏ, lọc nước uống.
3. Bạch đới: Lá Bạc thau và lá Mò (Xích đồng nam, Bạch đồng nữ) mỗi vị 30-40g giã vắt lấy nước uống trong hay sắc uống.
4. Ho trẻ em: Lá Bạc thau, lá Chua me, lá Xương sông mỗi vị 6-8g giã vắt lấy nước cốt cho uống.
5. Sưng tấy, mụn nhọt: Lá Bạc thau tươi giã đắp.
6. Nổi mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sẩy: Lá Bạc thau nấu nước tắm rửa.
7. Vết thương, mụn nhọt, chảy nước vàng: Lá Bạc thau khô tán mịn, rắc hoặc lá tươi giã đắp.
8. Chữa mụn nhọt, lở loét: 30g lá bạc thay, 20g lá xuyên tiêu, 20g lá trầu không, 5g thuốc lào giã nát, đảo trên chảo cho nóng, đắp vào chỗ bị mụn nhọt hoặc lở loét rồi băng lại. Ngoài ra, có thể dùng lá bạc thau khô, giã nhỏ, rây mịn rắc chỗ lở loét, mỗi ngày dùng 1 lần sẽ thấy hiệu quả.
9. Chữa sưng tấy, ứ huyết: Lấy 10g lá bạc thau, 10g quýt rừng sắc uống. Hoặc lấy 30g lá bạc thau tươi, 30g lá xuyên tiêu, 30g lá dây đòn gánh giã nát, cho vào chảo, đảo nóng với ít rượu, đắp lên chỗ sưng 1 lần/ngày.
10. Chữa lở ngứa, rôm sảy, ghẻ lở: Lấy lá bạc thau nấu với nước để tắm, rửa mỗi ngày sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng ghẻ lở, lở ngứa.
Tài liệu tham khảo
Bang-Wei Yu, Jing-Jing Sun, Jie-Tao Pan,1 Xiu-Hong Wu, Yong-Qin Yin,You-Shao Yan, and Jia-Yan Hu (2017), Four Pentasaccharide Resin Glycosides from Argyreia acuta, Molecules. 2017 Mar; 22(3): 440.
Yong-Qin YinYong-Qin YinJie-Tao PanBang-Wei YuShow all 6 authorsYan-Fen Chen (2015), Two pentasaccharide resin glycosides from Argyreia acuta; Natural product research 30(1):1-5
Jia-YanHU, Xiu-HongWU, Yong-QinYIN, Jie-TaoPAN, Bang-WeiYU (2018), Three resin glycosides isolated from Argyreia acuta, including two isomers; Chinese Journal of Natural Medicines, Volume 16, Issue 5, 354-357
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza