Logo Website

BẠCH CHỈ NAM-chữa tay chân nhức mỏi, phong thấp đau xương

13/08/2020
Cây Bạch chỉ nam có tên khoa học: Millettia pulchra Kurz, thuộc họ Ðậu (Fabaceae). Công dụng: Rễ thường được chỉ định dùng chữa cảm mạo, sốt nóng, bí mồ hôi, ngạt mũi, nhức đầu, sợ gió, tay chân nhức mỏi, phong thấp đau xương, nhức mắt, mẩn ngứa, viêm da do dị ứng sơn (sơn ăn) ban trái, đậu mùa, đau bụng ỉa chảy.

BẠCH CHỈ NAM

Tên khác: 

Ðậu chỉ, Mát rừng, Mát rừng, Đậu dự, cây Nếnh.

Tên khoa học: 

Millettia pulchra Kurz, thuộc họ Ðậu (Fabaceae).

Tên đồng nghĩa

Millettia pulchra Benth.; Millettia pulchra var. pulchraMillettia pulchra var. typica Dunn; Mundulea pulchra Benth.; Phaseolodes pulchrum (Benth.) Kuntze; Tephrosia pulchra Colebr.; Tephrosia tutcheri Dunn

Mô tả (Đặc điểm thực vật)

Cây gỗ to, cao 5-7m. Lá kép lông chim, mọc so le, gồm 11-17 lá chét. Hoa màu tím hồng, mọc thành chùm ở nách lá gần ngọn. Quả đậu hình dao, nhẵn, cứng. Hạt hình trứng dẹt, màu vàng nhạt. Cây ra hoa tháng 5-6, có quả tháng 9-10.

Bộ phận dùng: 

Rễ (Radix Milletiae Pulchrae).

Phân bố sinh thái: 

Cây của miền Ðông Dương. Ở Việt Nam cây phân bố ở Bắc Giang, Sơn La (Sông Mã), Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Hoà Bình.

Bạch chỉ nam ưa sáng và có thể chịu bóng khi còn nhỏ. Nơi mọc thích hợp của cây thường là các loại rừng thứ sinh, đồi cây bụi hay bờ nương rẫy, trên đất feralit đỏ vàng và vàng đỏ. Cây mọc tự nhiên dọc khe suối,độ cao phân bố đến 600 đến 1400m. Hiện nay chưa phát hiện thấy cây mọc ở những vùng núi có độ cao lớn hơn.

Bạch chỉ nam là cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Trong điều kiện trồng trọt ở vườn (Hiệu thuốc Chí Linh, Hải Dương), cây được 2 hoặc 3 năm tuổi mới có hoa và có thể thu được 1,0 - 2,0kg rễ củ tươi. Người ta đã thu hoạch bằng cách đào xung quanh gốc, lấy bớt đi một số rễ củ, sau lấp đất lại để cho cây tiếp tục tái sinh.

Trồng trọt:

Là cây sống làu năm, bạch chỉ nam không kén đất, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh. Cây chỉ được trồng ở các vườn câv thuốc, vườn thực vật bằng cách trồng cây con do gieo ươm từ hạt, thu lượm từ hoang dại hoặc bằng cách giâm cành. Hạt nhiều, dễ nảy mầm, hơn nữa bộ phận dùng là rễ non, mềm nên thường dùng cách trồng bằng hạt.

Hạt được gieo vào tháng 2 - 3, khi cây có 3 - 4 đôi lá thật thì đánh đi trồng. Người ta thường đào thành những hố sâu 40 - 50cm, rộng 60 - 70cm, cách nhau 2 - 3m để trồng. Mỗi hố bón lót 5 - 10kg phân chuồng bằng cách trộn đều phân với đất, sau đó đặt cây giống, lấp đất, dậm chặt và tưới ẩm.

Hàng năm, cần đốn sát gốc, bón thúc, xới xáo, làm cỏ để cây tái sinh và ra rễ mới.

Thu hái, sơ chế: 

Có thể thu hái rễ quanh năm, thường lấy ở những cây nhỏ. Rửa sạch thái phiến phơi khô.

Tính vị, tác dụng: 

Rễ củ có vị đắng, hơi cay, mùi thơm hơi hắc, tính mát; có tác dụng giải cảm, giảm đau đầu và nhức mắt, phát tán, thông kinh lạc, tiêu phong nhiệt ngứa gãi, sưng tấy, làn ráo mủ và đắp vết thương rắn cắn.

Thành phần hóa học

Tinh bột, flavonoid

Flavonoid: yielded (−)-maackiain, (−)-pterocarpin, (−)-sophoranone; (6S, 6aS, 11aR)-6α-methoxypterocarpin, (6S, 6aS,11aR)-6α-methoxyhomopterocarpin, (2S)5,7,4′-trihydroxy-8,3′,5′-triprenylflavanon, (2R,3R)7,4′-dihydroxy-8,3′,5′-triprenyldihydroflavanol, 5,7,2′,4′-tetrahydroxy-6,3′-diprenylisoflavon và 5,7,4′-trihydroxy-2′-methoxy-6,3′-diprenylisoflavon.

Tính vị:

vị cay, thơm, tính mát.

Quy kinh:

Can

Công dụng: 

Rễ thường được chỉ định dùng chữa cảm mạo, sốt nóng, bí mồ hôi, ngạt mũi, nhức đầu, sợ gió, tay chân nhức mỏi, phong thấp đau xương, nhức mắt, mẩn ngứa, viêm da do dị ứng sơn (sơn ăn) ban trái, đậu mùa, đau bụng ỉa chảy.

Cách dùng liều lượng: 

8-16g cho đến 40g, dạng thuốc sắc hoặc bột. Có thể dùng củ tươi mài với nước gạo hoặc nước cơm, bôi trị sơn ăn làm lở ngứa, chảy máu. 

Bài thuốc:

1. Chữa phong nhiệt mn ngứa: Rễ Bạch chỉ nam, Ðơn kim, Liễu đỏ, mỗi vị 30g sắc uống.

2. Chữa phong thấp đau nhức: Bạch chỉ nam, cành Liễu, Huyết đằng, mỗi vị 20g sắc uống.

3. Chữa đau bụng, kém tiêu, ỉa chảy: Bạch chỉ nam 20g, vỏ Quít 12g, Hậu phác nam 8g sắc uống.

4. Chữa mẩn ngứa dị ứng: Bạch chỉ nam 12g, Kim ngân hoa 12g, Hoa khế tươi 30g, Lá cối xay 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

5. Chữa cảm mạo, sốt nóng: Bạch chỉ nam 12g, Bạc hà 8g, Cam thảo đất 12g, Kinh giới 8g, Sài đất 16g, Cát căn 16g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Ghi chú: 

Người thiếu máu, suy nhược cơ thể không nên dùng.

Tham khảo:

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội  (Viện Dược Liệu)

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- theplanlist.org

- PutulBaruah, Nabin C.Barua, Ram P.Sharma, Jogendra N.Baruah, PalaniappanKulanthaivel, WernerHerz; Flavonoids from Millettia pulchra; Phytochemistry; Volume 23, Issue 2, 1984, Pages 443-447