BẠCH ĐẬU KHẤU
BẠCH ĐẬU KHẤU (白豆蔻)
Fructus Elettaris cardamomi
Bạch đậu khấu - Elettaria cardamomum (L.) Maton; Ảnh: aliksir.com
Tên khác: Đậu khấu, viên đậu khấu
Tên khoa học: Elettaria cardamomum (L.) Maton, họ Gừng (Zingiberaceae)
Tên đồng nghĩa: Alpinia cardamomum (L.) Roxb.; Amomum cardamomum L.; Amomum ensal Raeusch.; Amomum racemosum Lam.; Amomum repens Sonn.; Amomum uncinatum Stokes; Cardamomum elletariGarsault; Cardamomum malabaricum Pritz.; Cardamomum minus (Gaertn.) Kuntze; Cardamomum officinaleSalisb.; Cardamomum verum Oken; Elettaria cardamomum var. minuscula Burkill; Elettaria repens Baill.; Matonia cardamomum (L.) Stephenson & J.M.Churchill; Zingiber minus Gaertn.
Mô tả:
Cây: Cây thảo cao khoảng 2-3m. Thân rễ nằm ngang to bằng ngón tay, lá hình dải, mũi mác, nhọn 2 đầu, dài tới 55cm, rộng 6cm mặt trên nhẵn, dưới có vài lông rải rác bẹ lá nhẵn, có khía, lưỡi bẹ rất ngắn. Cụm hoa mọc ở gốc của thân mang lá, mọc bò, dài khoảng 40cm, mảnh, nhẵn, bao bởi nhiều vảy chuyển dần thành lá bắc ở phía trên, lá bắc mau rụng. Cuống chung của cụm hoa ngắn, mang 3-5 hoa, ở nách những lá bắc nhỏ hình trái soan. Hoa màu trắng tím, có cuống ngắn, đài hình ống nhẵn, có 3 răng ngắn. Tràng hình ống nhẵn, dài hơn đài 2 lần, thùy hình trái xoan tù, thùy giữa hơi dài rộng hơn, lõm hơn. Cánh môi hình thoi. Quả nang hình trứng, bao bởi đài tồn tại, có khi lớn đến 4cm.
Dược liệu: Quả hình cầu dẹt, có 3 múi, đường kính 1 - 1,5 cm. Mặt ngoài vỏ màu trắng, có một số đường vân dọc, đôi khi còn sót cuống quả. Vỏ quả khô dễ tách. Mỗi quả có 20 - 30 hạt, gọi là khấu mễ hoặc khấu nhân, tập hợp thành khối hình cầu gọi là khấu cầu. Khấu cầu chia làm 3 múi có màng mỏng màu trắng ngăn cách, mỗi múi có 7 - 10 hạt. Hình dạng hạt không đồng nhất, phần nhiều là hình khối nhiều mặt không đều, đường kính khoảng 3 mm, mặt ngoài màu nâu nhạt đến nâu thẫm, có vân nhỏ, chất cứng. Mặt cắt ngang màu trắng. Hạt chứa nhiều tinh dầu. Mùi thơm, vị cay.
Bộ phận dùng: Quả gần chín phơi khô của cây Bạch đậu khấu (Amomum cardamomum L.), họ Gừng (Zingiberaceae).
Phân bố: Cây mọc hoang, được trồng ở nước ta và nhiều nước khác.
Thu hái, sơ chế: Thu hái vào mùa thu, hái cây trên 3 năm, hái quả còn giai đoạn xanh chuyển sang vàng xanh. Hái về phơi trong râm cho khô, có khi phơi khô xong bỏ cuống rồi xông diêm sinh cho vỏ trắng cất dùng, khi dùng bóc vỏ lấy hạt.
Bảo quản: Dược liệu cần để nơi khô thoáng.
Thành phần hoá học: Trong bạch đậu khấu có chứa khoảng 2,4% tinh dầu bao gồm các thành phần hóa học chính như caryophyllene, bomeol, carvone, eucalyptole, terpinene, humulene, sabinene, laurelene, camphor, pinene, myrtenal.
Tính vị: Tính ấm và vị cay.
Quy kinh: Vị, Tỳ và Phế
Công năng: Hoá thấp, hành khí, tiêu bĩ, khai vị, tiêu thực, ôn trung
Công dụng: Chữa đau bụng lạnh, đầy hơi, nôn oẹ, ăn không tiêu, ỉa chảy, trúng độc rượu.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 4-8g, dạng thuốc sắc hoặc bột.
Chế biến: Hái quả khi có màu lục, bỏ cuống, phơi khô. Khi dùng bỏ vỏ quả lấy hạt, giã nát.
Bài thuốc:
+ Chữa đau bụng do lạnh nên khí trệ: Bạch đậu khấu 6g, cam thảo 4g, hậu phác 8g và quảng mộc hương 4g sắc chung với 500 ml nước. Chia thuốc uống 3 lần trong ngày. Nên uống liên tục trong 3 ngày.
+ Chữa lợm giọng buồn nôn, bụng sôi: bạch đậu khấu 3g, gừng tươi 3g, trúc nhự 9g và táo 3 quả. Gừng tươi đem rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt. Các dược liệu khác sau khi sắc chung với 200 ml cạn còn 50 ml, lọc lấy nước thuốc rồi trộn đều với nước gừng và uống.
+ Chữa chứng hôi miệng: Ngậm bạch đậu khấu trong miệng vào mỗi buổi sáng sớm giúp làm giảm chứng hôi miệng.
+ Chữa trẻ nhỏ ọc sữa do vị hàn: Bạch đậu khấu, Súc sa nhân, Mật ong, mỗi thứ 15 hạt, sinh Cam thảo, chích Cam thảo mỗi thứ 8g, tán bột, xát vào miệng trẻ con (Thế Y Đắc Hiệu Phương).
+ Chữa vị hàn ăn vào mửa ra: Bạch đậu khấu 3 trái, tán bột, uống với một chén rượu nóng liên tiếp vài ngày (Trương Văn Trọng Bị Cấp Phương).
+ Chữa tỳ hư ăn vào mửa ra: Bạch đậu khấu, Súc sa nhân mỗi thứ 80g, Đinh hương 40g, Trần thương mễ 1 chén, sao đen với Hoàng thổ, xong bỏ đất, lấy thuốc, tán bột, trộn nước gừng làm viên. Mỗi lần uống 8~12g với nước gừng (Tế Sinh Phương).
+ Chữa sản hậu nấc cụt: Bạch đậu khấu, Đinh hương mỗi thứ 20g, tán bột, uống với nước sắc Đào nhân (Càn Khôn Sinh Ý).
+ Chữa vị hư hàn sinh ra nôn mửa, ăn vào mửa ra: Bạch đậu khấu, Nhân sâm, Gừng sống, Quất bì, Hoắc hương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Chữa hàn đàm đình trệ lại ở vị làm nôn mửa như bị phản vị: Bạch đậu khấu, Bán hạ, Quất hồng, Gừng sống, Bạch truật, Phục linh (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Chữa tỳ hư quá đến nỗi mắt trắng, mộng thịt che mắt: Bạch đậu khấu, Quất bì, Bạch truật, Bạch tật lê, Quyết minh tử, Cam cúc hoa, Mật mông hoa, Mộc tặc thảo, Cốc tinh thảo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Lý khí ở phần thượng tiêu để khỏi trệ khí: Bạch đậu khấu, Hoắc hương, Quất bì, Mộc hương, thêm Ô dước, Hương phụ, Tử tô, trị các chứng nghịch khí của phụ nữ (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Chữa vị hư hàn ăn vào mửa ra thường sảy ra lúc mùa thu: Bạch đậu khấu làm quân, Sâm, Truật, Khương, Quất làm tá (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Giải độc rượu, muốn nôn vì uống quá nhiều rượu: Bạch đậu khấu, Biển đậu, Ngũ vị tử, Quất hồng, Mộc qua (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Chữa ngực bụng đau do khí trệ: Bạch đậu khấu 6g, Hậu phác 8g, Quảng mộc hương 4g, Cam thảo 4g, sắc uống (Ngũ Cách Khoan Trung Ẩm - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
+ Chữa ngực đầy tức do thấp trọc uất ở thượng tiêu, khí cơ trở trệ: Bạch khấu nhân 6g, Hạnh nhân 12g, Ý dĩ nhân 20g, Hậu phát 8g, Hoạt thạch 16g, Trúc diệp 12g, Bán hạ 12g, Thông thảo 8g, sắc uống (Tam Nhân Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Một số lưu ý khi sử dụng:
Khi sắc thuốc bạch đậu khấu, để hạn chế tình trạng dược liệu sắc lâu làm giảm tác dụng, khi thuốc sắc vừa sôi bệnh nhân hãy cho bạch đậu khấu vào. Ngoài ra, những đối tượng mắc bệnh táo bón hoặc cơ địa nhiệt hay bị thiếu máu, tốt nhất không nên dùng nguyên liệu tự nhiên này điều trị bệnh. Ngoài ra, không nên sử dụng bạch đậu khấu điều trị bệnh ở trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú.
Tác dụng phụ:
Viêm da tiếp xúc: Những đối tượng nhạy cảm với thành phần của bạch đậu khấu nếu tiếp xúc thường xuyên rất dễ bị viêm da tiếp xúc
Đau bụng mật: Bạch đậu khấu chứa các thành phần có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa làm tăng triệu chứng của đau bụng mật
Rối loạn tiêu hóa
Tiêu chảy, nôn mửa hoặc buồn nôn
Kiêng kỵ: Trường vị thực nhiệt, táo bón không dùng.
Ghi chú:
Hồng đậu khấu (Fructus Alpinia galangae), còn gọi là Sơn khương tử, Hồng khấu, là quả của cây Riềng nếp (Alpinia galanga Willd.); Thảo đậu khấu: (Semen Alpiniae katsumadai) là hạt của cây Thảo khấu (Alpiniakatsumadai Hayt.), họ Gừng, cả hai vị thuốc này có thể dùng thay Bạch đậu khấu.
Tham khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza