Logo Website

BẠCH GIỚI TỬ

09/04/2020
Bạch giới tử có tên khoa học: Sinapis alba Linn. Công dụng: Chữa ho hen nhiều đờm, còn dùng chế bột mù tạc thay gia vị.

BẠCH GIỚI TỬ (白芥子)

Semen Sinapis albae

Bạch giới tử Sinapis alba

Sinapis alba Linn.; Ảnh Therese Eide and alibaba.com

Tên khác: Hạt cải trắng.

Tên khoa học: Sinapis alba Linn., họ Cải (Brassicaceae).

Tên đồng nghĩa: Brassica alba (L.) Rabenh.

Mô tả: 

Cây: Loại thảo sống hàng năm. Lá đơn mọc so le có cuống. Cụm hoa hình trùm, hoa đều lưỡng tính, 4 lá dài, 4 cánh hoa xếp thành hình chữ thập, Có 6 nhị (4 chiếc dài, 2 chiếc ngắn). Bộ nhụy gồm 2 tâm bì bầu thường 2 ô do một vách giả ngăn đôi. Quả loại cải có lông, mỏ dài, có 4-6 hạt nhỏ màu vàng nâu có vân hình mạng rất nhỏ.

Dược liệu: Hạt nhỏ hình cầu, đường kính 1,5 - 3 mm, mặt ngoài màu trắng xám hay vàng nhạt, có vân hình mạng rất nhỏ, rốn hạt hình chấm nhỏ rõ. Hạt khô chắc, khi ngâm nước nở to ra. Lớp vỏ cứng mỏng, bóng. Khi cắt hạt ra thấy có lá mầm gấp, màu trắng, có chất dầu, không màu, vị hăng cay.

Bộ phận dùng: Hạt phơi hay sấy khô của cây Cải bẹ trắng (Brassica alba Boiss.), họ Cải (Brassicaceae). 

Phân bố: Cây được trồng ở nhiều địa phương nước ta lấy lá làm rau ăn, lấy hạt làm thuốc.

Thu hái: Thu hoạch vào cuối mùa hạ, đầu mùa thu, hái quả chín, phơi cho nứt vỏ ngoài, lấy hạt bên trong phơi hoặc sấy khô.

Sơ chế:

Cho hạt tươi vào trong nước rửa sạch và vớt bỏ các hạt lép. Sau đó đem những hạt còn lại phơi khô để dùng dần.

Trộn với nước và dùng đắp ngoài.

Dùng bạch giới tử rửa sạch sau đó cho vào chảo, sao với lửa nhỏ cho đến khi dược liệu chuyển sang màu vàng và dậy mùi thơm là được.

Bào chế:

Bạch giới tử sống: Loại tạp chất, khi dùng giã vụn.

Bạch giới tử sao: Lấy bạch giới tử sạch, sao nhỏ lửa tới khi hạt có màu vàng sẫm, mùi thơm cay bốc lên thì lấy ra để nguội, khi dùng giã vụn.

Tác dụng dược lý: 

+ Men Meroxin thủy phân sinh ra dầu Giới tử, kích thích nhẹ niêm mạc dạ dầy gây phản xạ tăng tiết dịch ở khí quản, có tác dụng hóa đờm (Trung Dược Học).

+ Có tác dụng kích thích tại chỗ ở da làm cho da đỏ, sung huyết, nặng hơn thì gây phỏng rất nặng (Trung Dược Học).

Thành phần hoá học : Alcaloid, thioglycosid, enzym, tinh dầu, myrosin, sinapine, sinalbin và một chất glucosid gọi là sinigrin, chất nhầy, 37% chất béo, saponin, linolenic acid, arachidic acid…

Tính vị: Vị cay, tính ấm, không có độc.

Quy kinh: Phế, Can, Tỳ và Tâm bào.

Công năng: Ôn phế, trừ đàm, tán kết, thông kinh lạc, chỉ thống

Công dụng: Chữa ho hen nhiều đờm, còn dùng chế bột mù tạc thay gia vị.

Cách dùng, liều lượng: 6-12g mỗi ngày, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc:

+ Chữa ăn vào mửa ra hay ợ lên dùng Bạch giới tử tán bột, uống 4 – 8g với rượu (Phổ Tế Phương).

+ Trị bực bội, nóng nảy trong người, vị nhiệt, đờm: Bạch giới tử, Hắc giới tử, Đại kích, Cam toại, Mang tiêu, Chu sa, mỗi vị liều lượng đều nhau trộn hồ làm viên bằng hạt ngô, ngày uống 10 viên với nước gừng (Phổ Tế Phương).

+ Chữa đầy tức do hàn đờm dùng Bạch giới tử, Đại kích, Cam toại, Hồ tiêu, Quế tâm các vị bằng nhau tán bột viên hột bằng hạt ngô đồng, lần uống 10 viên với nước gừng (Phổ Tế Phương).

+ Chữa hơi lạnh trong bụng đưa lên: Bạch giới tử 1 chén, sao qua, tán bột, trộn với nước sôi làm hoàn to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 10 hạt vơi nước Gừng (Tục Truyền Tín Phương).

+ Phòng ngừa đậu mùa nhập vào mắt:  Bạch giới tử nghiền bột, trộn nước gián dưới lòng bàn chân để kéo độc xuống (Toàn Ấu Tâm Giám Phương).

+ Chữa ngực sườn bị đờm ẩm:  Bạch giới tử 20g, Bạch truật 80g, tán bột. Nghiền nát Táo nhục, trộn với thuốc bột làm thành viên, to  bằng hạt ngô đồng.  Uống 50 viên với nước (Trích Huyền Phương).

+ Chữa hàn đờm ủng tắc ở phế, ho suyễn, đờm nhiều chất dãi trong, sườn ngực đầy tức: Bạch giới tử 4g, Tử tô, Lai phúc tử, mỗi thứ 12g sắc uống (Tam Tử Dưỡng Thân Thang).

+ Chữa đờm ẩm lưu ở ngực, hoành cách mô, ho, suyễn, ngực sườn đầy tức: Đại kích (bỏ vỏ), Cam toại (bỏ ruột), Bạch giới tử, lượng bằng nhau. Tán bột. Trộn với nước cốt Gừng làm viên. Ngày uống 1 lần, mỗi lần 2-4g với nước Gừng tươi sắc (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

 + Chữa đau nhức các  khớp do đờm trệ: Mộc miết tử 4g, Bạch giới tử, Một dược, Quế tâm, Mộc hương mỗi thứ 12g, tán bột. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần, với rượu nóng (Bạch Giơi Tử Tán - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Chữa hạch lao ở cổ:  Bạch giới tử, Thông bạch lượng bằng nhau. Đem Bạch giới tử tán bột trộn với hành trắng đã gĩa nát. Đắp lên vùng hạch, ngày một lần, cho đến khi khỏi (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách). 

+ Chữa nhọt sưng độc mới phát: Bạch giới tử, tán bột, trộn giấm đắp vào (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Chữa trẻ nhỏ phế quản viêm cấp hoặc mạn: Bạch giới tử 100g, tán bột. Mỗi lần dùng 1/3, thêm bột mì trắng 90g, thêm nước vào làm thành bánh. Trước lúc đi ngủ, đắp vào lưng trẻ. Sáng thức dậy, bỏ đi. Đắp 2 – 3 lần. Đã trị 50 ca, kết quả tốt (Kỳ Tú Hoa và cộng sự, Hắc Long Giang Trung Y Dược Học Báo 1988).

+ Chữa trẻ nhỏ bị phổi viêm: Bạch giới tử tán bột, trộn với bột mì và nước làm thành bánh, đắp ở ngực. Trị 100 ca phổi viêm nơi trẻ nhỏ, thuốc có tác dụng tăng nhanh tác dụng tiêu viêm (Trần Nãi cần, Trung Tây Y Kết Hợp tạp Chí 1986).

+ Chữa liệt thần kinh mặt ngoại biên: Bạch giới tử hoặc Hoàng giới tử, tán bột 5-10g, trộn với nước, gói vào miếng gạc đắp vào vùng liệt ở má, giữa 3 huyệt Địa thương, Hạ quan và Giáp xa. Dùng băng keo dính cố định lại. 3 – 12 giờ thì lấy ra. Cách 10 – 14 ngày đắp 1 lần. Thêm dùng phép Chích Lể. Đã trị 1052 ca, trong đó 137 ca trị 1 lần bỏ dở, còn 915 ca tiếp tục theo dõi. Tỉ lệ kết quả 97,7% (Trương Chính Quảng, Sơn Đông Trung Y Tạp Chí 1986).

Kiêng kỵ: 

Phế hư, ho khan không dùng.

Bạch giới tử có tính ấm, vì vậy cần thận trọng khi dùng cho trường hợp âm hư hỏa vượng.

Không nên dùng cho trường hợp phù dương hư hỏa bốc lên hoặc phế kinh có nhiệt.

Thuốc có thể gây kích ứng ngoài da, do đó không nên dùng cho người có cơ địa dễ dị ứng.

Nước sắc bạch giới tử sinh ra chất hydroxide lưu huỳnh có tác dụng kích thích nhu động ruột và gây tiêu chảy. Vì vậy không nên sử dụng thuốc ở liều lượng lớn.

Người sốt nóng (khí hư hữu nhiệt), yếu phổi ho khan và sức yếu không nên dùng.

Ghi chú: Hắc giới tử là hạt của cây Brassica nigra (L.) K.Koch; Giới tử là hạt của cây Cải (Brassica juncea (L.) Czern.) dùng chữa ho hen.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)