Logo Website

BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO

10/04/2020
Bạch hoa xà thiệt thảo có tên khoa học: Hedyotis diffusa (Willd), họ Cà phê (Rubiaceae). Công dụng: Ho, hen xuyễn do phế thực nhiệt, lâm lậu do bàng quang thấp nhiệt, viêm amidan, viêm họng cấp, sang chấn, rắn độc cắn, mụn nhọt ung bướu, trường ung (viêm ruột thừa), dương hoàng (viêm gan cấp tính).

BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO  (白花蛇舌草)

Herba Hedyotis difusae

Bạch hoa xà thiệt thảo Hedyotis diffusa

Bạch hoa xà thiệt thảo: Hedyotis diffusa (Willd); Ảnh amazon.co.uk and extracts-online.com

Tên khác: Giáp mãnh thảo, Xà thiệt thảo, cây Lữ đồng.

Tên khoa học: Hedyotis diffusa (Willd)họ Cà phê (Rubiaceae).

Tên đồng nghĩa: Hedyotis herbacea Loureiro (1790), not Linnaeus (1753); Oldenlandia diffusa (Willdenow) Roxburgh; O. herbacea (Linnaeus) Roxburgh var. uniflora Bentham.

Bộ phận dùng: Dược liệu là toàn cây phơi hay sấy khô của cây Bạch hoa xà thiệt thảo Hedyotis diffusa (Willd), họ Cà phê (Rubiaceae).

Mô tả: Loài cỏ nhỏ, mọc bò lan sống hàng năm. Thân màu nâu nhạt, tròn ở gốc, thân non có bốn cạnh, mang rất nhiều cành. Lá hình mác thuôn, dài khoảng 1,5 – 3,5 cm, rộng 1 – 2 mm, nhọn ở đầu, màu xám, dai, gần như không có cuống, lá kèm khía răng cưa ở đỉnh. Hoa mọc đơn độc, hoặc từng đôi ở nách lá. Hoa nhỏ có 4 lá đài hình giáo nhọn, ống đài hình cầu. Tràng gồm 4 cánh hoa, 4 nhị dính ở họng ống tràng. Quả bế, bầu hạ, còn đài, hình cầu hơi dẹt ở 2 dầu, bên trong có chứa nhiều hạt nhỏ, có góc cạnh.

Phân bố: Cây có ở cả 3 miền nước ta, ở vườn hai bên lối đi đều hay gặp.

Thu hái: Thu hái vào mùa hạ, lấy toàn cây, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt đoạn, phơi hoặc sấy khô.  

Bảo quản: Dược liệu sau khi được phơi, sấy khô sẽ được cho vào túi nilong và bảo quản ở nơi có độ ẩm dưới 12%.

Tác dụng dược lý: 

+ Tác dụng kháng khuẩn: In vitro, tác dụng này không mạnh. Có tác dụng yếu đối với Tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ. Dịch chích không có tác dụng ức chế vi khuẩn. Thuốc có hiệu quả rõ rệt đối với ruột dư viêm thực nghiệm trên thỏ (Trung Dược Học).

+ Tác dụng trên hệ miễn dịch: những thực nghiệm căn bản  trên thỏ, có thể tin rằng  sự kháng nhiễm có thể do thuốc có tác động lên hệ miễn dịch của cơ thể như làm tăng sinh hệ tế bào nội bì lưới, làm tăng hoạt lực của tế bào thực bào, tăng chức năng hệ miễn   dịch không đặc hiệu (Trung Dược Học).

+ Tác dụng chống khối u: thuốc sắc Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo nồng độ cao  in vitro thấy có tác dụng ức chế đối với tế bào trong bệnh bạch cầu viêm cấp, bạch cầu hạt tăng cấp (Trung Dược Học).

+ Thuốc còn có tác dụng làm tăng cường chức năng vỏ tuyến thượng thận, nhờ đó, có tác dụng kháng viêm (Trung Dược Học).

+ Tác dụng kháng ung thư: Thuốc ức chế sự phân chia sinh sản của hạch tế bào ung thư làm cho tế bào ung thư hoại tử khác biệt so với lô chứng (Trung Dược Học).

+ Tác dụng ức chế sản sinh tinh dịch: theo dõi 102 cas, kiểm tra tinh dịch sau 3 tuần uống thuốc thấy có 77% bệnh nhân tinh trùng giảm từ 1/3 đến 1/10 so với trước khi uống thuốc (Trung Dược Học).

+ Chích nước sắc chiết cồn của Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo cho bệnh nhân bị  nhiều loại rắn độc khác nhau cắn phải, dùng một mình hoặc kết hợp với thuốc chống nọc độc,  thấy có tác dụng làm giảm tỉ lệ tử vong của chuột do độc tố của rắn độc. Ở các cas trung bình, chỉ dùng Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo là đủ (Trung Dược Học).

+ Điều trị ruột dư viêm: dùng liều cao (40g tươi hoặc 20g khô) Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo, trong nhiều nghiên cứu thấy có kết quả tốt. Trong 1 lô 30 bệnh nhân, bị ruột dư viêm được điều trị bằng thuốc sắc Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo, trong khi nhóm khác dùng Dã Cúc Hoa và Hải Kim Sa. Có 2 bệnh nhân cần giải phẫu, còn lại tất cả đều hồi phục, không có vấn đề gì. Thời gian nằm viện là 4,2 ngày (Trung Dược Học).

+ Tăng cường chức năng vỏ tuyến thượng thận: Một vài thí nghiệm thực tế trên cơ thể thỏ cho thấy, dược liệu thiên nhiên này có tác dụng kháng viêm, tăng  cường chức năng vỏ tuyến thượng thận của cơ thể.

+ Ức chế sản sinh tinh dịch: Kiểm tra tinh dịch của 102 nam giới có sử dụng bạch xà hoa thiệt thảo trong 3 tuần, các nhà nghiên cứu đã thống kê được: có khoảng 77% nam giới bị suy giảm tinh trùng từ 1/3 đến 1/10 so với trước khi sử dụng dược liệu.

+ Giải nọc độc của rắn: Bạch hoa xà thiệt thảo khi được sử dụng 1 mình hoặc kết hợp với thuốc chống nọc độc đều có khả năng làm giảm tỷ lệ tử vong do độc tố trên cơ thể chuột. Dược liệu được sử dụng dưới dạng thuốc sắc qua đường tiêm. Ở các trường hợp thông thường, bệnh nhân chỉ cần sử dụng dược liệu là đủ.

+ Điều trị viêm ruột thừa: Trong nhiều nghiên cứu mới đây trên 30 bệnh nhân bị viêm ruột thừa sử dụng bạch xà hoa thiệt thảo và 30 người sử dụng dã cúc hoa và hải kim sa. Kết quả cho thấy, chỉ có 2 bệnh nhân cần phẫu thuật, các trường hợp còn lại đều có khả năng phục hồi và không có vấn đề nghiêm trọng nào.

Độc tính:

Chưa có nghiên cứu cụ thể về độc tính của dược liệu. Nhưng các chuyên gia khuyến nghị bệnh nhân nên sử dụng theo đúng liều lượng đã quy định để không gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Thành phần hóa học: 

+ Trong Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo chủ yếu có: Hentriaconotane, Stigmastatrienol, Ursolic acid, Oleanolic acid, beta-Sitosterol, p-Coumnic, beta-Sitosterol-D-Glucoside (Trung Dược Học).

+ Asperuloside, Asperulosidic acid, Geniposidic acid, Deacetylasperulosidic acid, Scandoside, Scandoside methylester, 5-O-p-Hydroxycinnamoyl scandoside methylester, 5-O-feruoyl scandoside methylester, 2-Methyl-3-Hydroxyanthraquinose, 2-Methyl-3- Methoxyanthraquinose, 2-Methyl-3- Hydroxy-4-Methoxyanthraquinose (Nishihama Y và cộng sự, Planta Med, 1981, 43 (1): 28).

+ Ursolic acid, beta-Sitosterol Yakagi S và cộng sự, Shoyakugaku Zasshi 1982, 36 (4): 366).

Tính vị: Dược liệu có vị ngọt nhạt, tính mát.

Quy kinh: Tâm, Can, Vị, Đại trường, Tiểu trường.

Công năng: Thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông  lâm, tiêu ung tán kết.

Công dụng: Ho, hen xuyễn do phế thực nhiệt, lâm lậu do bàng quang thấp nhiệt, viêm amidan, viêm họng cấp, sang chấn, rắn độc cắn, mụn nhọt ung bướu, trường ung (viêm ruột thừa), dương hoàng (viêm gan cấp tính).

Cách dùng, liều lượng: Ngày 15 - 60 g dạng khô, 60 - 320 g dạng tươi, phối ngũ trong các bài thuốc. Dùng ngoài dạng tươi lượng thích hợp giã nát đắp tại chỗ. 

Bài thuốc:

+ Chữa ung nhọt, u bướu: Bạch hoa xà thiệt thảo 120g, Bán biên liên (tươi) 60g sắc uống, ngoài đâm nát đắp lên nơi đau (Quảng Tây Trung Thảo Dược).

+ Chữa ung thư phổi: Bạch hoa xà thiệt thảo, Bạch mao căn mỗi thứ 160g (dùng tươi), sắc uống với nước đường (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Chữa ruột dư viêm cấp tính: Bạch hoa xà thiệt thảo 80g, sắc uống, nhẹ ngày 1 thang, nặng ngày 2 thang (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Chữa ho do viêm phổi: Bạch hoa xà thiệt thảo (tươi) 40g. Trần bì 8g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Chữa amidal viêm cấp : Bạch hoa xà thiệt thảo 12g, Xa tiền thảo 12g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Chữa đường tiểu viêm, tiểu buốt, tiểu gắt: Bạch hoa xà thiệt thảo, Dã cúc hoa, Kim ngân hoa, mỗi thứ 40g, Thạch vi 20g, sắc uống thay nước  trà (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+ Chữa chấn thương thời kỳ đầu: Bạch hoa xà thiệt thảo (tươi) 120g, nước, rượu mỗi thứ 1 nửa sắc uống (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).

+ Bảo vệ gan, lợi mật: Bạch hoa xà thiệt thảo + Hạ khô thảo + Cam thảo [theo tỉ lệ 2: 2 : 1] (Tam Thảo Thang - Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).

+ Chữa ruột dư viêm cấp đơn thuần và phúc mạc viêm nhẹ: Bạch hoa xà thiệt thảo 60g, sắc, chia 3 lần  uống. Đã trị hơn 1000 cas kết qủa tốt (Dược Lý Và Ứng Dụng Trung Dược, NXB Vệ Sinh Nhân Dân, 1983).

+ Chữa rắn độc cắn: Bạch hoa xà thiệt thảo 20g, sắc với 200ml rượu uống trong ngày. Dùng 2/3 thuốc, chia làm 2-3 lần uống, còn 1/3 đắp vào vết cắn. Trị 19 cas đều khỏi (Quảng Đông Y Học Tạp Chí 1965, 4:14).  

+ Chữa dịch hoàn ứ nước (biến chứng sau khi thắt ống dẫn tinh): Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, sắc, chia làm 3 lần uống. Trị 38 cas, có kết qủa 34 cas (Vạn Hiếu Tài - Nông Thôn Y Học Tạp Chí 1987, 2:11).

+ Trị gan viêm, vàng da: Bạch hoa xà thiệt thảo 31,25g, Hạ khô thảo 31,25g, Cam thảo 15,625g, chế thành xi rô. Trị 72 cas, có kết quả 100%. Ngày nằm viện bình quân 25,3 ngày (Tam Thảo Thang - Báo Cáo Của Khoa Nhiễm Bệnh Viện Trực Thuộc số 2 Học Viện Y Học Hồ Nam đăng trong Thông Tin Trung Dược Thảo 1987, 2:1).

+ Chữa trẻ em kinh nhiệt (sốt, co giật), khó ngủ: Bạch hoa xà thiệt thảo tươi, giã nát, vắt lấy nước, uống mỗi lần một thìa canh, ngày 2-3 lần.

+ Thuốc tiêm bạch hoa xà thiệt thảo: Mỗi ống 2 ml, dung dịch trong vàng thẫm, dùng tiêm bắp thịt, mỗi lần 2-4 ml, ngày 2 lần. Dùng chữa viêm nhiễm đường hô hấp trên, viêm amygdal, viêm phổi, viêm túi mật, viêm ruột thừa, còn dùng trong điều trị ung thư.

Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai, Trẻ sơ sinh.

Tương tác thuốc: Bạch xà hoa thiệt thảo có khả năng tương tác với thuốc tránh thai.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)