BẠCH LINH
BẠCH LINH (白茯苓)
Poria
Bạch linh: Poria cocos Wolf.
Tên khác: Bạch linh, phục linh, nấm lỗ.
Tên khoa học: Poria cocos Wolf., họ Nấm lỗ (Polyporaceae)
Bộ phận dùng: Quả thể của nấm Poria cocos Wolf., họ Nấm lỗ (Polyporaceae).
Mô tả:
Thể quả nấm Phục linh khô: hình cầu, hình thoi, hình cầu dẹt hoặc hình khối không đều, lớn, nhỏ không đồng nhất, mặt ngoài màu nâu đến nâu đen, có nhiều vết nhăn rõ và lồi lõm. Thể nặng, rắn chắc. Mặt bẻ sần sùi và có vết nứt, lớp viền ngoài màu nâu nhạt, phần trong màu trắng, số ít có màu hồng nhạt. Có loại bên trong còn mấy đoạn rễ thông (Phục thần). Nấm phục linh không mùi, vị nhạt, cắn dính răng.
Phục linh bì: Là lớp ngoài Phục linh tách ra, lớn, nhỏ, không đồng nhất. Mặt ngoài từ nâu đến nâu đen, mặt trong màu trắng hoặc nâu nhạt. Chất tương đối xốp, hơi có tính đàn hồi.
Phục linh khối: sau khi tách lớp ngoài, phần còn lại được thái, cắt thành phiến hay miếng, lớn nhỏ không đồng nhất, màu trắng, hồng nhạt hoặc nâu nhạt.
Xích phục linh: Là lớp thứ hai sau lớp ngoài, hơi hồng hoặc nâu nhạt.
Bạch phục linh: Là phần bên trong, màu trắng.
Phục thần: Là phần nấm Phục linh ôm đoạn rễ thông bên trong.
Bộ phận dùng:
Dược liệu chia thành 4 thứ:
Phục linh bì: Lớp ngoài cùng của nấm, vỏ ngoài thường có một mặt màu trắng/ nâu nhạt và một mặt màu nâu đen.
Phục linh khối: Phục linh khối là phần còn lại của nấm phục linh sau khi tách vỏ ngoài. Phục linh khối thường có màu nâu nhạt, hồng nhạt hoặc màu trắng.
Xích phục linh: Là phần màu đỏ hoặc nâu nhạt của nấm.
Phục thần là những quả thể có lõi gỗ (rễ thông) ở giữa.
Phân bố: Vào năm 1977 có tìm thấy nấm bạch linh tại rừng thông ở Đà Lạt ở nước ta nhưng số lượng còn hạn chế và chưa được khai thác nhiều, vị thuốc chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Thu hái, sơ chế: Thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9, loại bỏ đất cát, chất đống cho ra mồ hôi rồi rải ra chỗ thoáng gió cho se bề mặt, tiếp tục chất đống, ủ vài lần cho đến khi khô nước và xuất hiện nhăn nheo bề mặt, phơi âm can đến khô. Hoặc Phục linh tươi thái miếng và phơi âm can nơi thoáng gió. Tuỳ theo các phần thái và màu sắc của Phục linh mà có tên gọi khác nhau: Bạch phục linh, Phục linh bì, Xích phục linh, Phục linh khối, Phục linh phiến.
Bảo quản: Bảo quản nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp.
Tác dụng dược lý:
+ Thuốc có tác dụng lợi tiểu, cũng có báo cáo cho là tác dụng lợi tiểu không rõ, có thể do điều kiện nghiên cứu khác nhau.
+ Thuốc có tác dụng tăng miễn dịch, tăng chỉ số thực bào của phagocyte ở chuột.
+ Thuốc có tác dụng kháng ung thư (do thành phần polysacharide của thuốc) do làm tăng miễn dịch cơ thể.
+ Thuốc có tác dụng an thần, có tác dụng hạ đường huyết, bảo vệ gan và chống lóet bao tử.
+ Nước sắc Phục linh có tác dụng ức chế đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn biến dạng. Cồn ngâm kiệt thuốc có tác dụng giết chết xoắn khuẩn.
Thành phần hoá học: Nấm phục linh chứa các hợp chất triterpenoid, chất khoáng, beta-pachyman, protein, mỡ, histamine, gum, beta-pachymanase, adenine, lipase.
Tính vị: Vị ngọt, nhạt, tính bình.
Quy kinh: Tỳ, Tâm, Thận và Phế.
Công năng: thuốc lợi thuỷ và cường tráng, nhuận táo, bổ tỳ, ích khíù, sinh tân, chỉ khát.
Công dụng:
- Phục linh bì: Lợi tiểu, trị phù thũng.
- Xích phục linh: Chữa thấp nhiệt (chướng bụng, viêm bàng quang, tiểu vàng, đái rắt).
- Bạch phục linh: Chữa ăn uống kém tiêu, đầy chướng, bí tiểu tiện, ho có đờm, ỉa chảy.
- Phục thần: Trị yếu tim, hoảng sợ, hồi hộp, mất ngủ.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày 6-12g. Dạng thuốc sắc, hoàn, tán. Phối hợp trong nhiều phương thuốc khác nhau.
Bào chế: Ngâm Phục linh vào nước, rửa sạch, đồ thêm cho mềm, gọt vỏ, thái miếng hoặc thái lát lúc đang mềm và phơi hoặc sấy khô.
Bài thuốc:
1. Chữa bệnh thuỷ thũng: phục linh 10g, mộc thông 5g, tang bạch bì 10g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. chia làm 3 lần uống trong ngày
2. Đơn thuốc chữa phù thũng, sợ hãi: phục linh 8g, cam thảo 3g, quế chi 4g, sinh khương 3g, nước 400ml, sắc còn 200ml Chia làm 3 lần uống trong ngày
3. Chữa vết đen trên mặt: tán bột phục linh mà bôi
Kiêng kỵ:
- Âm hư mà không thấp nhiệt thì không nên dùng.
- Tiểu quá nhiều, di hoạt tinh do hư hàn, tỳ hư hạ hãm (sa dạ dày, sa trực tràng) và thoát vị không nên sử dụng bạch linh với liều lượng lớn.
- Tránh dùng giấm khi đang sử dụng bài thuốc và món ăn từ nấm phục linh.
Tham khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza
- Công dụng của cây A kê - Blighia sapida
- Công dụng của cây Âm địa quyết - Botrychium ternatum
- Công dụng của cây Bạch cập - Bletilla striata
- Cây Hài nhi cúc - Aster indicus L. chữa viêm tinh hoàn
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus
- Công dụng của cây Đậu kiếm - Canavalia gladiata
- Công dụng của cây é dùi trống - Hyptis brevipes
- Công dụng của cây Chây xiêm - Buchanania siamensis
- Công dụng của cây Chiếc chum - Barringtonia racemosa
- Công dụng của cây Cỏ cói - Bolboschoenus yagara
- Công dụng của cây Gai lan - Boehmeria clidemioides
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata