BẠCH PHỦ TỬ
BẠCH PHỦ TỬ
Tên khác:
Dầu mè đỏ, San hô, San hô xanh, Đỗ trọng nam.
Tên khoa học:
Jatropha multifida L., thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Tên đồng nghĩa:
Adenoropium multifidum (L.) Pohl; Jatropha janipha Blanco; Manihot multifida (L.) Crantz
Mô tả:
Cây nhỡ rất nhẵn, cao tới 6m. Lá xẻ thuỳ chân vịt sâu, các thuỳ có nhiều răng hẹp, gốc phiến lá hình tròn, cuống dài bằng lá, lá kèm chia thành nhiều phiến hình chỉ. Cụm hoa hình xim dạng tán, có cuống dài mang hoa đơn tính màu đỏ. Hoa có 5 lá đài, 5 cánh hoa; ở hoa đực có 8 nhị; ở hoa cái có bầu nhẵn. Quả nang, hình trứng ngược, nhẵn, màu vàng nhạt, dài cỡ 3cm.
Bộ phận dùng:
Thân rễ (Radix jatrophae). Hạt, mủ, lá cũng được dùng.
Phân bố, sinh thái:
Loài bạch phụ tử có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ (từ Mexico đến Paraguay), được du nhập từ lâu vào Ấn Độ, Malaysia và một số nước nhiệt đới khác ở châu Á (trong đó có Việt Nam). Cây được trồng chủ yếu để làm cảnh và làm thuốc.
Ở Việt Nam bạch phụ tử được trồng rải rác tại nhiều địa phương, để làm cảnh. Một số vườn thuốc của các trạm y tế xã hay chùa (nơi có các sư thầy chữa bệnh bằng thuốc nam) cũng trồng nhiều cây này để sử dụng làm thuốc. Rễ phình thành củ, cũng ăn được như củ Sắn (sau khi nướng chín). Củ giống như Thảo ô dầu mà nhỏ hơn, dài hơn 4cm, lúc khô vỏ sần sùi có vân, tương tự như củ Phụ tử.
Bạch phụ tử là cây ưa sáng với toàn cây như mọng nước, lá xẻ thùy nhỏ, làm hạn chế sự thoát hơi nước, nên cây có khả năng chịu được khí hậu khô nóng và thiếu nước. Cây ra hoa quả đều hàng năm; tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, song cũng có khả năng tái sinh dinh dưỡng bằng cách giâm cành.
Thu hái, sơ chế:
Thân rễ thu hoạch vào tháng 3, phơi khô hoặc lùi nướng để dùng làm thuốc. Lá mủ thu hái quanh năm. Quả thu vào mùa thu.
Thành phần hoá học:
Lá, thân, rễ đều chứa acid cyanhydric. Hạt chứa 30% dầu, có thể dùng thắp sáng.
Hạt bạch phụ tử chứa một chất đắng (1%) và dầu béo (30%). Lá chứa saponin, nhựa và tanin.
Nhựa mủ từ cành chứa dầu bay hơi với hàm lượng 0,3%, tỷ trọng ở 20° 0,8885, thành phần chính là sesquiterpen và một acid tự do là acid angelic. Nhựa mủ còn chứa một cyanoglucosid là 1- cyano-3-β-D-glucopyranosyloxy (Z)-1-methyl-1-propen với tên gọi là multifidin
Tác dụng dược lý:
- Trong thử nghiệm in vitro về hoạt tính kháng khuẩn, nhựa mủ của bạch phụ tử có tác dụng ức chế Staphylococcus aureus ATCC 25923. Cao ether và cao chiết với dung dịch muối từ cành non có tác dụng ức chế Escherichia coli. Tác dụng trị vết thương nhiễm khuẩn và tri loét của bạch phụ tử được quy cho hai chất, labaditin và biobolein. Hai chất này có tác dụng ức chế chọn lọc hoạt tính của bổ thể, do sự hoạt hóa (tiêu dùng) bổ thể, hơn là sự khử hoạt trực tiếp các thành phần tham gia. Thành phần Cl là mục tiêu tác động chủ yếu của bạch phụ tử.
- Hoạt tính kháng khuẩn của rễ: Nhóm nghiên cứu tại Khoa Hóa học, Đại học Ibadan, Nigeria và Trung tâm Recherche, Togo đã tiến hành thí nghiệm với chiết xuất từ rễ cây Jatropha multifida đã xác định hoạt tính kháng khuẩn và kháng viêm mạnh mẽ của loại thảo dược này, đây là một trong những cơ sở giải thích vì sao loài cây này lại được sử dụng phổ biến trong dân gian để điều trị vết thương.
- Hoạt động cầm máu của nhựa cây: Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm liên ngành hình thành và nghiên cứu môi trường vì sự phát triển bền vững, Đại học Abomey, Bêlarút đã tiến hành thí nghiệm trên chuột và đi tới kết luận nhựa cây bạch phụ tử Jatropha multifida có tác dụng cầm máu. Hơn nữa, nhựa cây không có độc tính cho da nên sử dụng nó như cầm máu cục bộ (5).
- Xác định trường hợp 2 trẻ nhỏ bị ngộ độc do ăn quả bạch phụ tử: Đây là một trong những trường hợp hiếm gặp khi bị ngộ độc do ăn loại quả này. Hai bé được xác định là đã ăn một lượng lớn quả bạch phụ tử, dẫn đến bị nghẹt thở nhẹ, nôn mửa khó chịu và mất nước, các biện pháp truyền nước và điện giải đã được tiến hành ngay lập tức để cứu sống hai bé.
- Các loài thuộc họ thầu dầu có chứa toxalbumin ricin, gây nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng, mất nước, sốc suy thận và gan. Ricin cũng có tác dụng gây độc cho tim và tan máu và một số trường hợp tử vong đã được ghi nhận
Độc tính:
Quả và hạt có độc tính, đã ghi nhận trường hợp bị ngộ độc dẫn tới tử vong.
Quả của cây này có hình dáng bắt mắt, nên trẻ nhỏ rất dễ bị thu hút bởi hình dáng quả của loài này, trẻ sử dụng quả có nguy cơ bị ngộ độ và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Biện pháp điều trị ngộ độc và tử vong có thể được ngăn ngừa bằng cách truyền chất lỏng và chất điện giải ngay lập tức.
Tính vị:
Bạch phụ tử (thân rễ) có vị cay ngọt, rất nóng, có độc.
Tác dụng:
Có tác dụng tán ứ, tiêu thũng, chỉ huyết.
Công dụng:
Thường dùng trị cảm gió lạnh mất tiếng, trúng phong co cứng bại liệt, đau tim do huyết ứ và các bệnh phong ở đầu, mặt. Hạt cũng được dùng như hạt Dầu mè làm thuốc tẩy mạnh nhưng nguy hiểm, dễ gây ngộ độc. Có khi được dùng trị ho, làm ra mồ hôi. Lá cũng gây xổ nhưng kém hơn lá Dầu mè. Mủ cây dùng cầm máu và đắp vết thương cho liền gân. Cũng dùng trị rắn cắn.
Liều dùng:
3-6g củ, phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa trúng phong liệt nửa người: Bạch phụ tử, Tằm gió, Bò cạp (Toàn yết) với lượng bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 6g với rượu, ngày uống 3 lần.
2. Chữa tim đau do máu ứ nguy cấp: Bạch phụ tử, Nhục quế, Đương quy đều 6g, sắc uống liên tục.
3. Chữa trẻ cấp kinh sốt cao co giật, co cứng: Bạch phụ tử, Nam tinh chế với Mật bò, Toàn yết, Tằm gió, Câu đằng, Phấn nứa, Bạch đàn, mỗi vị 4g sắc uống.
Tham khảo:
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội (Viện Dược Liệu)
- theplanlist.org
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- YotamLevinMD, YanivShererMD, HaimBibiMD, MenachemSchlesingerMD, EmileHayMD; Rare jatropha multifida intoxication in two children; The Journal of Emergency Medicine Volume 19, Issue 2, August 2000, Pages 173-175
- O.Oaiyelaagbe; Antibacterial activity of Jatropha multifida roots; Fitoterapia; Volume 72, Issue 5, June 2001, Pages 544-546
- Kokou Anani, Yao Adjrah, Yaovi Améyapoh, Simplice Damintoti Karou, Amegnona Agbonon, Comlan de Souza, and Messanvi Gbeassor; Antimicrobial, Anti-inflammatory and Antioxidant Activities of Jatropha multifida L. (Euphorbiaceae); Pharmacognosy Res. 2016 Apr-Jun; 8(2): 142–146.
- Hemostatic activity screening and skin toxicity of sap of Jatropha multifida L. (Euphorbiaceae) used in traditional medicine (Benin)
- Dougnon TamègnonVictorien, KlotoéJean RobertacDougnon TossouJacques, SègboJulien, AtègboJean-Marc, Edorh PatrickAléodjrodo, SodipoOlufunkè, DougnonFerdin and DandjessoCarlos, LokoFrédéric, DramaneKarim; Asian Pacific Journal of Tropical Disease; Hemostatic activity screening and skin toxicity of sap of Jatropha multifida L. (Euphorbiaceae) used in traditional medicine (Benin); Volume 2, Supplement 2, 2012, Pages S927-S932
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum
- Công dụng của cây Cánh diều - Melanolepis multiglandulosa
- Công dụng của cây Sang sóc - Schima wallichii
- Công dụng của cây Tường anh - Parietaria micranta
- Công dụng của cây Bèo đất - Drosera burmannii
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens
- Công dụng của cây Trạch quạch - Adenanthera pavonina
- Công dụng của cây Sung dâu - Ficus callosa
- Công dụng của cây Neem - Azadirachta indica