Logo Website

BẠCH QUẢ

12/04/2020
Trong những lớp đá có tuổi khoảng 270 triệu năm, các nhà khảo cổ học đã khai quật được hóa thạch của những cây cổ thụ với những đường vân tinh xảo, lá hình quạt hay hình chữ V sâu tạo thành hai nửa hoặc xẻ thùy. Một số trong những hóa thạch đó cơ bản là giống với các lá của một loại cây sống ngày nay chính là cây Bạch quả (Ginkgo biloba).

BẠCH QUẢ (白果)

Semen Ginkgo

Bạch quả Ginkgo biloba

(Bạch quả: Ginkgo biloba L.; Ảnh Brian Gadsby/science and commons.wikimedia.org)

Tên khác: Ngân hạnh, công tôn thụ, áp cước tử

Tên nước ngoài: Maiden hair tree (Anh), Arbre aux quarante écus (Pháp)

Tên khoa học: Ginkgo biloba L., họ Bạch quả (Ginkgoaceae).

Tên đồng nghĩaSalisburia adiantifolia Smith; Salisburia biloba (Linnaeus) Hoffmansegg.

Mô tả:

Cây: Cây to, cao 20 – 30 m, tán lá sum suê. Thân hình trụ, phân thành cành dài, gần như mọc vòng, trên cành có những cành nhánh ngắn, mang lá có cuống dài. Lá mọc so le, thường tụ ở một mấu, phiến lá hình quạt, gốc thuôn nhọn, mép lá phía trên tròn, nhẵn, lõm giữa chia phiến lá thành hai thùy rộng. Gân lá rất sít nhau, tỏa từ gốc lá thành hình quạt, phân nhánh theo hướng rẽ đôi, cuống lá dài hơn phiến. Bạch quả là cây đơn tính khác  gốc, có cây chỉ có hoa đực có cây chỉ có hoa cái. Hoa cái thụ phấn từ hoa đực để kết quả. Quả hạch, hình trứng, kích thước bằng quả mận, thịt màu vàng, có mùi bơ khét rất khó chịu.

Dược liệu: Hạt hình trứng, chắc,vỏ cứng, một đầu hơi nhọn, dài từ 1,5 - 2,5 cm, rộng 1 - 2 cm, dầy 1 cm. Vỏ ngoài cứng nhẵn, màu vàng nhạt hay xám nhạt, có 2 đến 3 đường gân chạy dài nổi lên rõ rệt. Vỏ hạt có 3 lớp, lớp ngoài cứng, hai lớp trong mềm, mỏng. Hạt có một nhân hình bầu dục, một đầu có màng mỏng màu nâu nhạt, mặt ngoài nhân vàng hay vàng sẫm, mặt trong màu trắng có bột, giữa rỗng có một tâm nhỏ. Nhân không có mùi, vị ngọt, hơi đắng.

Phân bố: Cây có nguồn gốc ở Trung Quốc và chỉ thấy trồng Ở Trung Quốc, một ít Ở Nhật Bản. Nước ta hiện nay có một số nơi đã trồng cây này như Mộc Châu, Sơn La tuy nhiên số lượng chưa đủ với thị trường, dược liệu chủ yếu còn nhập.

Bộ phận dùng:

Lá đã phơi hay sấy khô.

Hạt thu hoạch ở quả chín, loại bỏ thịt ngoài, rửa sạch, phơi khô. Khi dùng, đập giập, loại bỏ vỏ cứng lấy nhân, bóc bỏ màng ngoài, rửa sạch, đồ hoặc nhúng vào nước sôi, sấy ở nhiệt độ thấp đến khô. Hạt được dùng sống hoặc sao vàng, có độc nên cẩn thận khi dùng.

Thu hái, sơ chế: Thu hoạch vào mùa thu, hái quả chín, bỏ hết chất thịt và vỏ ngoài, rửa sạch, hấp hoặc luộc qua, phơi hoặc sấy khô. 

Bào chế: Bỏ tạp chất và vỏ cứng của hạt, lấy nhân, khi dùng giã nát.

Tác dụng dược lý: Có thể ức chế sinh trưởng trực khuẩn lao, bên ngoài cơ thể có tác dụng ức chế không đồng trình độ đối với nhiều loại vi khuẩn và chân khuẩn ngoài da. Chất chiết cồn ethanol có tác dụng tiêu đàm nhất định, có tác dụng làm giãn ra hơi yếu đối với cơ trơn phế quản. Diphenol Bạch quả có tác dụng giáng áp ngắn tạm, và gây nên mạch máu tăng gia tính thẩm thấu. Thành phần tan trong nước vỏ ngoài của hạt Ngân hạnh có thể thanh trừ superoxide radical cơ thể, có tác dụng chống suy lão, còn có tác dụng ức chế miễn dịch và chống quá mẫn (dị ứng) (Trung dược học).

Thành phần hoá học : Hạt hàm chứa thành phần có độc, là 4-O-methylpyridoxine, gọi là ginkgotoxin. Còn hàm chứa 6-(pentadec-8-enyl-2,4-dihy-droxybenzoic acid, 6-tridecy-2,4-dihydroxybenzoic acid, anacaridc acid và kali, lân, magiê, canxi, kẽm, đồng v.v… Nhân hàm chứa protein, chất béo, carbohydrate, đường ...

Tính vị: Vị ngọt, hơi đắng, tính ôn.

Quy kinh: Vào kinh Tâm, Phế.

Công năng: Liễm phế, định suyễn, chỉ đới trọc, súc tiểu tiện

Công dụng: Chữa ho, hen, đờm suyễn, đái đục, đái nhiều, đái són, đái dầm. 

Cách dùng, liều lượng:Ngày 4-9g dạng thuốc sắc hay hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc:

1. Chữa cảm lạnh, ho có đờm, có khi thở suyễn, cổ có tiếng khò khè: Bạch quả 7 trái nướng chín, cùng với lá ngải cứu. Dùng lá ngải là như cái tổ, rồi mỗi bạch quả cho vào một tổ lá ngải, lại bọc giấy ướt xung quanh rồi đem nướng cho thơm, bỏ hết giấy, bỏ hết lá ngải, chỉ ăn nguyên bạch quả. Ngày 3-4 quả như vậy. (Trích trong Bí uẩn phương).

2. Bạch quả định suyễn thang: Bạch quả 21 quả sao vàng, ma hoàng 12g, tô tử 8g, khoản đông hoa, chế bán hạ, tang bạch bì đều dùng mật sao, các vị đều 8g, hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, hoàng cầm sao qua, đều 6g, cam thảo 4g. Nước 600ml. Sắc ba lần. Gạn lấy nước, chia uống trong ngày. (Nhiếp Sinh Phương).

3. Chữa đi tiểu tiện luôn, tiểu tiện quá nhiều, tiểu tiện trắng đục: Bạch quả 10 quả, 5 dể sống, 5 để chín. Gom cả hai thứ vào mà ăn trong ngày.

Kiêng kỵ: Người có thực tà không nên dùng bạch quả. Không nên dùng nhiều làm cho khí ủng trệ. Trẻ con mà dùng thì phát kinh phong và sinh bệnh cam. Không nên dùng hạt sống.

Chú ý:

 - Không dùng hạt sống vì có độc 

 - Lá cây Bạch quả được dùng trong nhiều phương thuốc làm tăng tuần hoàn máu trong động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Thuốc dùng cho những người có biểu hiện não suy; rối loạn trí nhớ, khả năng làm việc bằng trí óc sút kém, mất tập trung tư tưởng. Trong lá có flavonoid và hợp chất diterpen.

- Cao chiết từ lá cây Bạch quả đã được bào chế thành biệt dược "Ginkogink", "Tanakan"...

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)