BẠCH TẬT LÊ
BẠCH TẬT LÊ (白蒺藜)
Fructus Tribuli terrestris
Bạch tật lê: Tribulus terrestris L.; Ảnh aidsuganda.org
Tên khác: Thích tật lê, Gai ma vương, Gai trống, Gai yết hầu, Tật lê, Quỷ kiến sầu, Gai cầu
Tên khoa học: Tribulus terrestris L., họ Tật lê (Zygophyllaceae).
Tên đồng nghĩa: Tribulus lanuginosus L.; Tribulus saharae A. Chev.; Tribulus terrestris var. sericeus Andersson ex Svenson
Mô tả:
Cây: Bạch tật lê là một loài cây thân thảo, mọc bò lan dưới mặt đất. Thân cành mảnh. Lá mọc đối, hình bầu dục, gốc thuôn, đầu tròn, mặt trên nhẵn còn mặt dưới phủ lông trắng. Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá có màu vàng, cuống hoa dài có lông cứng. Quả có 5 cạnh, có gai nhọn và lông dày. Mùa hoa quả thường vào khoảng tháng 5–8. Cây ưa sáng, chịu được khô hạn, thường mọc thành đám nhỏ trên bãi cát ven biển. Cây con mọc từ hạt hay xuất hiện vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 5–6) sau đó sinh trưởng, phát triển nhanh, bò lan trên mặt đất.
Dược liệu: là quả do 5 phân quả xếp đối xứng toả tròn tạo thành, đường kính 7- 12 mm. Các phân quả phân cách nhau rõ rệt, có hình rìu nhỏ, dài 3 - 6 mm. Mỗi phân quả có 1 đôi gai dài ngắn khác nhau, mọc đối nhau. Mặt lưng quả màu lục hơi vàng nhô lên, có các gờ dọc; mặt bên thô ráp, có vân mạng lưới màu trắng xám. Chất cứng, không mùi. Vị đắng, cay.
Bộ phận dùng: Quả chín phơi hay sấy khô của cây Tật lê (Tribulus terrestris L.)
Phân bố: Cây mọc tự nhiên ở ven biển, ven sông từ Nghệ An, Quảng Bình trở vào.
Thu hái, sơ chế: Thu hoạch vào mùa thu, khi quả chín, cắt cả cây, phơi khô, thu lấy quả, bỏ gai cứng.
Bào chế :
Tật lê: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, trừ bỏ gai cứng còn sót, phơi khô.
Tật lê sao: Lấy Tật lê đã bỏ gai, sạch cho vào nồi, sao lửa nhỏ, cho đến khi màu hơi vàng là được, lấy ra phơi khô.
Bảo quản: Nơi khô thoáng và tránh ẩm mốc.
Thành phần hoá học: Quả Bạch tật lê có chứa 0,001% alkaloid, 3,5% chất béo, một ít tinh dầu, chất nhựa và rất nhiều nitrat, chất phylloerrythin (sắc tố đỏ của lá), tanin, flavonoid, rất nhiều saponin trong đó có diosgenin, gitogemin và clorogenin.
Tính vị: vị đắng, để sống có tính bình nhưng khi sao lên có tính ấm.
Quy kinh: can và phế
Công năng: Bình can giải uất, hoạt huyết, khu phong, sáng mắt, ngừng ngứa
Công dụng: Chữa đau mắt, nhức vùng mắt, làm thuốc bổ thận, trị đau lưng, gầy yếu, súc miệng chữa loét miệng
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 12-16g, dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
Bài thuốc:
1. Chữa đau bụng kinh và rối loạn kinh nguyệt: Đương quy và quả tật lê mỗi thứ 12g. Đem các vị sắc với 400ml nước, còn lại khoảng 200ml. Mỗi lần dùng 100ml, uống vào sáng và tối.
2. Chữa lở loét và ngứa ngáy da: Ý dĩ và thương nhĩ tử mỗi thứ 3g, kinh giới 6g, bạch tật lê 9g và thổ phục linh 6g. Sắc lấy nước uống, dùng đến khi triệu chứng trên da biến mất.
3. Chữa đau và nhức mắt: Bỏ quả tật lê vào chén trà, hãm nóng rồi đưa mắt vào hơi nước để giảm đau.
4. Chữa chứng giảm thị lực, chảy nước mắt, ngứa và đau mắt: Bạch cúc 9g và quả tật lê 12g. Đun với 3 chén nước, còn lại khoảng 2 chén, chia thành 2 lần sáng-tối.
5. Chữa chóng mặt và đau đầu do dương can thăng: Câu đằng, ngưu tất và bạch tật lê. Sắc uống.
6. Chữa chứng ngứa ngoài da mãn tính: Phòng phong, bạch tật lê và ve sầu. Sắc lấy nước uống cho đến khi khỏi.
7. Bài thuốc ngâm rượu giúp cải thiện sinh lực cho nam giới: Dâm dương hoắc 300g, bạch tật lê 1000g, kỷ tử và viễn chí mỗi thứ 200g, 10 lít rượu trắng. Ngâm rượu trong khoảng 30 ngày là dùng được. Mỗi lần dùng 1 ly nhỏ, uống trước hoặc sau khi ăn.
8. Chữa bứt rứt vùng thượng vị, ngực, tắc sữa và cương vú: Thanh bì, sài hồ, tật lê và hương phụ: Gia giảm các vị và sắc uống.
9. Chữa chứng hoa mắt, đau đầu, chóng mặt: Bạch thược, cúc hoa, bạch tật lê và câu đằng. Sắc uống hằng ngày.
Kiêng kỵ, chú ý:
Không dùng cho người có khí yếu huyết hư.
Tác dụng phụ khi dùng quá liều: Chứng vú to ở nam giới, rối loạn vận động, đau dạ dày, tiêu chảy và yếu liệt chi.
Tham khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens
- Công dụng của cây Trạch quạch - Adenanthera pavonina
- Công dụng của cây Sung dâu - Ficus callosa
- Công dụng của cây Neem - Azadirachta indica
- Công dụng của cây Cau đất - Tropidia curculigoides Lindl.
- Công dụng của cây Điền điển phao - Sesbania javanica
- Công dụng của cây Mâm xôi đen - Rubus fruticosus
- Công dụng của cây Xương rồng trụ - Cereus jamacaru
- Công dụng của cây Bướm đêm đa hoa - Middletonia multiflora
- Công dụng của cây Ngọc nữ lá chân vịt - Clerodendrum palmatolobatum
- Công dụng của cây Bướm bạc một hoa - Mussaenda uniflora
- Công dụng của cây Tàu muối - Vatica odorata
- Công dụng của cây Hổ nhĩ lá đồng tiền - Pilea nummulariifolia
- Công dụng của cây Sổ trai - Dillenia ovata
- Công dụng của cây Nghệ mảnh - Curcuma gracillima
- Công dụng của cây Lô ba lùn - Globba marantina