Logo Website

BẠCH THƯỢC

13/04/2020
Bạch thược là dược liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc còn được biết đến với tên gọi quen thuộc là mẫu đơn trắng. Vị thuốc này có tác dụng dưỡng huyết, giảm đau, nhuận gan nên được dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa đau nhức, tả lỵ, thống kinh nguyệt, băng huyết…

BẠCH THƯỢC (白芍)

Radix Paeoniae lactiflorae

Bạch thược Paeonia lactiflora

(Bạch thược: Paeonia lactiflora Pall.; Ảnh Villu Lükk và tcmwiki.com)

Tên khác: Thược dược, Mẫu đơn trắng, Kim thược dược, Cẩm túc căn, Tiêu bạch thược.

Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall., họ Hoàng liên (Ranunculaceae).

Tên đồng nghĩaPaeonia albiflora Pallas; Paeonia albiflora Pallas var. trichocarpa Bunge; Paeonia chinensis Vilmorin (1870), not Oken (1841); Paeonia lactiflora var. trichocarpa (Bunge) Stern; Paeonia lactiflora var. villosa M. S. Yan & K. Sun; P. sinensis Steudel; Paeonia yui W. P. Fang.

Mô tả: 

Cây: Cây thảo sống lâu năm, cao 50-80cm, lá mọc so le, chụm hai hay chụm ba, kép, với 9-12 phần phân chia, các đoạn không đều, hình trái xoan ngọn giáo, dài 8-12cm, rộng 2-4 cm mép nguyên, phía cuống hơi hồng. Hoa rất to mọc đơn độc, có mùi hoa Hồng, trên mỗi thân mang hoa có 1-7 hoa, rộng 10-12cm. Đài có 6 phiến, cánh hoa xếp trên một dãy hoặc hai dãy, màu hồng thịt trước khi nở, rồi chuyển dần sang màu trắng tinh; bao phấn màu da cam. Quả gồm 3-5 lá noãn. Có nhiều thứ trồng khác nhau, có hoa có độ lớn, số lượng cánh hoa, màu sắc... khác nhau. Hoa tháng 5-6.

Dược liệu : Rễ hình trụ tròn, thẳng hoặc đôi khi hơi uốn cong, hai đầu phẳng; đều nhau hoặc một đầu to hơn, dài 10 - 20 cm, đường kính 1 - 2,0 cm. Mặt ngoài hơi trắng hoặc hồng nhạt, nhẵn hoặc đôi khi có nếp nhăn dọc và vết tích của rễ nhỏ. Đôi khi còn vỏ ngoài màu nâu thẫm. Chất rắn chắc, nặng, khó bẻ gẫy. Mặt cắt phẳng màu trắng ngà hoặc hơi phớt hồng. Mô mềm vỏ hẹp, mạch gỗ xếp thành hình nan hoa xe đạp, không có mùi, vị hơi đắng, hơi chua.

Bộ phận dùng : Vị thuốc là rễ đã cạo bỏ lớp bần và chế biến khô của cây Thược dược (Paeonia lactiflora Pall.)

Phân bố, sinh thái: Cây mọc tự nhiên ở một số tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Hà Bắc, Liêu Ninh, Sơn Đông… (Trung Quốc).

Bạch thược thuộc loại cây bụi ưa ẩm và ưa sáng Cây trồng ở Sa Pa đã tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu của vùng á nhiệt đới núi cao, nhiêt độ trung bình khoảng 15,3°C, lượng mưa 2800 mm/năm. Cây trồng từ hạt sau 4 hoặc 5 năm mới bắt đầu có hoa. Bạch Thược rụng lá vào mùa đông, trên thân và cành có nhiều chồi ngủ. Đến khọảng giữa tháng 2 năm sau (sau tết âm lịch), từ các chồi ngủ nhanh chóng mọc ra cành và lá non mới. Mùa hoa bắt đầu vào giữa tháng 5, kéo dài từ 10 đến 15 ngày, song mỗi hoa chỉ nở trong vòng vài giờ, đến trưa đã bắt đầu tàn. Hạt giống thu được ở những cây trồng, đem gieo đã cho những lứa cây mới.

Vị thuốc nhập từ Trung Quốc.

Trồng trọt: Bạch thược có khả năng mọc chồi từ gốc hoặc từ rễ của cây. Chồi tách từ rễ củ có thể làm cây giống để trồng.

Thành phần hoá học: 

Trong rễ có paeoniflorin, oxypaeoniflorin, albiflorin, benzoyl-paeoniflorin, oxypaeoniflorinone, paeonolide, paeonol... còn có tinh bột, tanin, calci oxalat, tinh dầu, chất béo, chất nhầy, acid benzoic.

Trong lá có các flavonoid (1,06%) bao gồm kaempferol–3-O-β-D-glucosid và kaempferol-3,7- di-O-β-glucosid.

Tác dụng:

Tác dụng kháng khuẩn: Cao nước bạch thược có tác dụng kháng khuẩn trên ShigellaVibrio cholerae, StaphylococcusSalmonellaCorynebacterium diphtheriae.

Tác dụng trên co bóp ruột thỏ cô lập

Nước sắc bạch thược, ở nồng độ thấp gây ức chế, nồng độ cao, lúc đầu hưng phấn, sau ức chế.

Nước sắc bài “bạch thược cam thảo thang”, liều thấp có tác dụng kích thích sự co bóp bình thường, liều cao gây ức chế.

Nếu kích thích ruột thỏ từ trước bằng acetylcholin hoặc histamin, tác dụng ức chế rất rõ.

Tác dụng kháng cholin. Cao methanol 50% và hoạt chất paeoniflorin có tác dụng anticholinergic trên chuột cống trắng in vivo mà biểu hiện là tác dụng chống co thắt, chống tiêu chảy. Ngoài ra, còn tác dụng giảm đau.

Tính vị: vị đắng chua, hơi chát.

Quy kinh: 3 kinh can, tỳ, phế.

Công năng: Liễm âm, dưỡng huyết, bình can, chỉ thống

Công dụng: Trị đau ngực sườn, mồ hôi trộm, huyết hư, thai nhiệt, kinh nguyệt không đều.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6 -12g, dạng thuốc sắc.

Bào chế: Đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu đuôi và rễ con, cạo sạch vỏ ngoài, cho vào nước sôi rồi vớt ra phơi khô, hoặc thái lát phơi khô.

Kiêng kỵ: Đầy bụng không nên dùng

Bài thuốc:

 1. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng khi hành kinh, hoặc máu xấu ứ trệ sinh đau nhức: Bạch thược, Sinh địa mỗi vị 20g, Đương quy 10g. Xuyên khung 4g, gia Ngưu tất 20g sắc uống.

2. Chữa băng huyết, rong huyết, hành kinh không dứt hoặc ngừng rồi lại thấy: Bạch thược, Trắc bá diệp, sao sém đen, mỗi vị 12-20g sắc uống.

3. Chữa tiêu khát, đái đường: Bạch thược, cam thảo lượng bằng nhau tán bột, uống mỗi lần 4g, ngày uống 3 lần.

4. Chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược: Bạch thược 8g, xuyên khung 6g, đương quy 12g, thục địa 12g. Các vị rửa sạch sau đó sắc với khoảng 600ml nước, đun cạn lấy 200ml nước chia làm 3 lần uống sau bữa ăn (3).

Ghi chú: Xích thược là rễ cây mọc hoang của các loài Thược dược Paeonia lactiflora Pall., Paeonia obovata Maxim, Paeonia veitchii Lynch., có công dụng tương tự như Bạch thược; cần phân biệt với cây hoa  Thược dược (Dahlia variabilis Desf), họ Cúc (Asteraceae).

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)