Logo Website

BẦN-Chữa bí tiểu tiện

10/02/2021
Cây Bần có tên khoa học: Sonneratia caseolaris (L.) Engl.; thuộc họ Bần (Sonneratiaceae). Công dụng: Quả chua ăn sống hay nấu canh cá. Cũng được sử dụng làm thuốc đắp vào chỗ viêm tấy vì bong gân. Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch quả lên men làm thuốc ngăn chặn của chứng xuất huyết. Ta dùng lá giã ra, thêm tí muối, làm thuốc đắp tốt các vết thương đụng giập và vết thương nhẹ. Ở Malaixia, người ta giã lá lẫn với cơm làm thuốc đắp chữa bí tiểu tiện. Cây Bần còn có những công dụng khác như rễ thở dùng làm nút chai; cành làm cần câu và làm củi đun.

BẦN

Cây Bần Sonneratia caseolaris

Cây Bần: Sonneratia caseolaris (L.) Engl.; Ảnh tropicalplantbook.com and amap-collaboratif.cirad.fr

Tên khác: 

Bần chua, Bần sẻ, Hải đồng; Lậu; Bằng lăng tía.

Tên khoa học: 

Sonneratia caseolaris (L.) Engl.; thuộc họ Bần (Sonneratiaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Blatti acida (L. f.) Lam.Rhizophora caseolaris L.Sonneratia acida L. f.Sonneratia evenia BlumeSonneratia neglecta BlumeSonneratia obovata BlumeSonneratia ovalis Korth.

Mô tả (Đặc điểm thực vật)

Cây gỗ nhỏ, nhẵn, có các nhánh có đốt, với 4 góc tù. Lá hình trái xoan ngược hay trái xoan thuôn, thon hẹp thành cuống ở góc, cụt hay tròn ở chóp, dai, dài 5-10cm, rộng 35-45mm. Hoa đơn độc ở ngọn, rộng 5cm, có cuống hoa ngắn và bậm. Quả mọng hơi nạc, đường kính 3cm hay hơn, cao 18-20mm. Hạt dạng cái đinh, dài 6-7mm.

Bộ phận dùng: 

Lá, quả (Folium et Fructus Sonneratiae).

Phân bố: 

Trên thế giới Cây bần chỉ sống được ở những rừng ngập mặn có khí hậu nhiệt đới. Loài thực vật này có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á và Nam Á nhưng hiện nay đã được di thực ở nhiều khu vực trên thế giới như Châu Đại Dương, Châu Phi và Châu Á.

Ở Việt Nam, cây của rừng ngập mặn, gặp dọc bờ biển nước ta. từ sông Bạch Ðằng, qua Nha Trang đến thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... 

Sinh thái

Loài cây ưa sáng nơi có nước mặn ít nhất là một phần trong năm. Cây có những rễ thở (phế căn). Nở hoa vào tháng 3-4, sau mùa khô, trước mùa mưa; nở về đêm, nhờ dơi thụ phấn. Bần là cây chắn sóng, bảo vệ đất ở vùng ven biển.

Thu hái, sơ chế:

Thu hái lá quanh năm còn thu hoạch quả theo mùa. Sau khi hái về đem giã nát đắp ngoài hoặc dùng quả chua nấu canh.

Bảo quản:

Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.

Thành phần hoá học: 

Vỏ thân và gỗ chứa archin (emodin), archinin (chrysophanic acid) và archicin. Trong quả có chất màu, archin và archicin. 

Tính vị

Quả có vị chua của phó mát, tính mát. Lá có vị chát.

Tác dụng: 

Quả có có tác dụng tiêu viêm, giảm đau. Lá có tác dụng cầm máu.

Công dụng: 

Quả chua ăn sống hay nấu canh cá. Cũng được sử dụng làm thuốc đắp vào chỗ viêm tấy vì bong gân. Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch quả lên men làm thuốc ngăn chặn của chứng xuất huyết. Ta dùng lá giã ra, thêm tí muối, làm thuốc đắp tốt các vết thương đụng giập và vết thương nhẹ. Ở Malaixia, người ta giã lá lẫn với cơm làm thuốc đắp chữa bí tiểu tiện. Cây Bần còn có những công dụng khác như rễ thở dùng làm nút chai; cành làm cần câu và làm củi đun.

Bài thuốc:

1. Chữa bí tiểu tiện:

Nguyên liệu: Cơm quả bần và lá bần.

Cách tiến hành: Giã nát rồi đắp vào vùng bụng dưới.

2. Chữa viêm tấy và bong gân:

Nguyên liệu: Quả non.

Cách tiến hành: Rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng sưng tấy. Có thể dùng băng cố định và thay 1 lần/ ngày.

Ghi chú: 

Cây Bần trứng hay Bần ổi (Sonneratia ovata Bak.), có vỏ tróc thành mảnh mỏng như vỏ ổi, lá hình bầu dục, mọc phổ biến ở các vùng rừng ngập mặn, cũng có quả vị chua thơm, thường được nhân dân dùng nấu canh chua.

Tham khảo:

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội  (Viện Dược Liệu)

- theplanlist.org