Logo Website

BÀNG BÍ-Quả được dùng ăn như rau

07/02/2021
Cây Bàng vuông có tên khoa học: Barringtonia asiatica (L.) Kurz, thuộc họ Lộc vừng (Lecythidaceae). Công dụng: Quả được dùng ăn như rau, nhưng thường được dùng để duốc cá. Ở Philippin, người ta lại thường dùng vỏ. Ở Ấn Độ, người ta cũng nghiền vỏ và quả rắc vào nước để duốc cá, làm cho cá bị ngạt nổi lên mặt nước để bắt, nhưng chất độc không ảnh hưởng tới thịt cá.

BÀNG BÍ

Bàng bí Barringtonia asiatica Bàng vuông

Cây Bàng vuông: Barringtonia asiatica (L.) Kurz; worldoffloweringplants.com and 123rf.com

Tên khác: 

Chiếc bàng, Bàng (quả) vuông; Bàng bi; Chiếc châu á; Lộc vừng châu Á.

Tên khoa học: 

Barringtonia asiatica (L.) Kurz, thuộc họ Lộc vừng (Lecythidaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Agasta asiatica (L.) MiersAgasta indica MiersAgasta splendida MiersBarringtonia butonica J.R.Forst. & G.Forst.Barringtonia levequii Jard.Barringtonia littorea OkenBarringtonia senequei Jard.Barringtonia speciosa J.R.Forst. & G.Forst.Butonica speciosa (J.R.Forst. & G.Forst.) Lam.Huttum speciosum (J.R.Forst. & G.Forst.) BrittenMammea asiatica L.Michelia asiatica (L.) KuntzeMitraria commersonia J.F.Gmel.

Mô tả (Đặc điểm thực vật)

Cây gỗ cao đến 15m, không cuống, thon hẹp rồi cụt lại ở gốc, tròn và lõm ở đầu, nhạt màu ở cả hai mặt, mặt dưới bóng hơn, dài 10-20cm, rộng 10-18cm. Hoa thành chùm ở ngọn, dài 10-20cm, có cuống to; lá đài 2, xanh; cánh hoa 4, màu trắng, dài đến 7cm, nhị nhiều. Quả to hình trứng hoặc có hình bốn cạnh nhiều hay ít, đường kính tới 7cm hay hơn. Hạt đơn độc. Hoa tháng 2-3.

Bộ phận dùng: 

Vỏ và quả (Cortex et Fructus Barringtoniae).

Phân bố: 

Cây của các vùng nhiệt đới và truyền bá từ các đảo của Thái Bình Dương và từ Philippin tới Ấn Độ. Ở nước ta, cây mọc dọc theo bờ biển ở phía Nam:  Quảng Trị (đảo Cồn Cỏ), Quảng Ngãi (Lý Sơn), Khánh Hoà (quần đảo Trường Sa), Bình Định (Cù lao xanh), Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Kiên Giang (Phú Quốc, Hòn Thơm, Thổ Chu), Cà Mau (Hòn Khoai) và các tỉnh ven biển phía Nam. Cũng thường được trồng làm cảnh.

Sinh thái: 

Cây thường xanh quanh năm, mọc ở ven đảo nơi có nhiều đất thịt pha cát hay đất thịt. Mọc rải rác dọc bờ biển và ven các đảo. Mùa hoa quả tháng 2 - 7

Thành phần hoá học: 

- Vỏ chứa một glucosid saponin là barringtonin. Nhân hạt chứa HCN có nồng độ cao.

- Hạt có chứa khoảng 2,5% lượng dầu, bao gồm olein, palnitin và stearin, 0,54% axit gallic và 3,271% barringtonin, một loại glucoside (Chopra et al, 1958.)

Theo công trình của Chopra, Burton và các cộng sự công bố trong những năm gần đây cho thấy: Hạt Bàng vuông chứa các saponin, terpenoid, tinh bột, dầu béo (khoảng 2,5%) acid gallic (0,54%) và một glucosid là barringtonin (3,27%). Hai saponin chủ yếu được tách ra từ lá, quả, hạt, thân, rễ Bàng quả vuông đều có tác dụng diệt một số vi nấm và kháng khuẩn (cả gram  dương và gram âm). Tại một số vùng ở Philippin, người dân địa phương sử dụng lá cây Bàng quả vuông để sắc lấy nước uống điều trị bệnh đau dạ dày và thấp khớp. Có tác giả đã chứng minh hoạt chất trong hạt có tác dụng chữa u bướu và trị giun. 

Tác dụng: 

Gây say.

Công dụng: 

Quả được dùng ăn như rau, nhưng thường được dùng để duốc cá. Ở Philippin, người ta lại thường dùng vỏ. Ở Ấn Độ, người ta cũng nghiền vỏ và quả rắc vào nước để duốc cá, làm cho cá bị ngạt nổi lên mặt nước để bắt, nhưng chất độc không ảnh hưởng tới thịt cá. Một số nơi còn sử dụng dầu ép từ hạt Bàng vuông để thắp sáng. Vì thế, rất cần có những công trình nghiên cứu một cách nghiêm túc, nhất là việc sử dụng vào mục đích làm thuốc chữa bệnh.

Giá trị gỗ và lá:

Gỗ tốt, chắc, màu đỏ, dùng trong xây dựng. Lá dùng thay lá Dong để gói bánh chưng (ở đảo Trường Sa). 

Tình trạng:

Loài có khu phân bố chia cắt. Số lượng cá thể gặp không nhiều. Cây bị khai thác lấy gỗ.

Phân hạng:

VU A1d.

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "hiếm" (Bậc R). Không chặt phá những cây trưởng thành còn sót lại ở các điểm phân bố, đặc biệt ở các đảo Cồn Cỏ, Côn Đảo, Thổ Chu. Nên tìm nguồn giống để trồng ở các vùng ven đảo làm cây bóng mát.

Tham khảo:

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội  (Viện Dược Liệu)

- theplanlist.org 

- Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 258.