Logo Website

BÍ ĐỎ-Hạt dùng chữa giun, diệt sán xơ mít

24/03/2021
Cây Bí đỏ có tên khoa học: Cucurbita maxima Duch ex Lam.; thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Công dụng: Hạt dùng chữa giun, diệt sán xơ mít, lợi tiểu và bổ. Dầu dùng để bổ thần kinh; thịt quả dùng đắp trị bỏng, sưng viêm và nhọt.

BÍ ĐỎ

Bí đỏ Cucurbita maxima

 Bí đỏ: Cucurbita maxima Duch ex Lam.; Ảnh climbers.lsa.umich.edu, feedipedia.org and kr.123rf.com

Tên khác: 

Bí rợ, Bầu rợ, Bí thơm, Bí ử, Bí sáp, Má ủ (Thái).

Tên khoa học: 

Cucurbita maxima Duch ex Lam.; thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).

Tên đồng nghĩa

Cucumis rapallito Carrière; Cucumis zapallito Carrière; Cucurbita farinae Mozz. ex Naudin; Cucurbita maxima var. boliviana Zhit.; Cucurbita maxima var. chiloensis Zhit.; Cucurbita maximasubsp. maximaCucurbita maxima var. triloba Millán; Cucurbita maxima var. turgida L.H.Bailey; Cucurbita maxima var. zapallito (Carrière) Millán; Cucurbita maxima var. zipinka Millán; Cucurbita pepo var. maxima(Duchesne) Delile; Cucurbita pileiformis M.Roem.; Cucurbita rapallito Carrière; Cucurbita sulcata Blanco; Cucurbita turbaniformis M.Roem.; Cucurbita turbaniformis var. chiloensis Zhit.; Cucurbita zapallito Carrière; Pepo maximus Peterm.; Pileocalyx elegans Gasp.

Mô tả (Đặc điểm thực vật)

Cây thảo lớn mọc hằng năm, phân nhánh nhiều, bò dài; thân dài 4-5m, có 5 cạnh, có lông cứng, giòn, trắng; tua cuốn chia nhiều nhánh. Lá đơn, mọc so le, dài đến 20cm, có cuống dài; phiến lá hình tim chia 5 thuỳ cạn và tròn, có lông mềm. Cây có hoa cùng gốc, hoa màu vàng nghệ, mùi thơm thơm; tràng hình chuông; nhị 3 có bao phấn dính nhau thành một, khối dài tới 2cm. Quả rất to, hình cầu, dẹp hai bên, lõm ở giữa, có thể nặng tới 50kg; thịt vàng; hạt trắng hay vàng vàng, dẹp, hơi có mép, dài 20-29mm.

Bộ phận dùng: 

Quả và hạt (Fructus et Semen Cucurbitae Maximae); thường gọi là Duẩn qua.

Phân bố: 

Trên thế giới cây của miền nhiệt đới châu Mỹ, ở Việt Na cây được trồng nhiều khắp nước ta, 

Trồng trọt:

Cây cho năng suất cao 100-120 tấn/ha. Trồng bằng hạt vào tháng 5. Ðào hố sâu khoảng 50cm, cách nhau 3m, bón phân lót, phủ đất mịn và có nhiều mùn lên trên. Mỗi hốc bỏ 2-3 hạt. Khi cây có 2-3 lá chính thức thì cắt ngọn. Muốn có quả to, người ta thường chỉ giữ 2 hay 3 quả mỗi gốc và cắt phần ngọn ở trên quả cuối cùng.

Thành phần hoá học: 

Quả Bí đỏ chứa 88,3-87,2% nước, 1,40-1,33 protid, 0,5-0,43% lipid, 9,0-9,33% chất chiết xuất không có nitrogen, 0,8-0,70% chất màng, 0,8-1,01% tro. Thịt quả tươi chứa 2,81% đường tổng số mà 2,47% là đường giảm, 90,5mg N tổng số mà 38,6 N proteic và 51,9 N hoà tan. Quả chứa caroten và xauthophin còn có sắt, mangan, đồng kẽm, arsenic. Hạt chứa các globulin. Trong 100g protein có glycololle 0,57, alanine 1,92 valin 0,26, leucin 7,32, cystin 0,23, acid aspartic 3,30, acid glutamic 12,35, tyrosin 3,07, phenylalanin 3,32, arginin 14,33, lysin 1,99, histidin 2,63, ammoniac arachilic, acid stearic, acid palmitic, acid olcic, acid linolecic, chất không savon hoá 1%; còn có những hạt phytin. Người ta tách được một carboxylase oxalacetic và pyruvic. Ở Ấn Độ, người ta xác định có saponin, cucurbitin, lutecin. Hạt chứa nhựa có tính diệt giun nhưng không có glucosid.

Tác dụng dược lý:

- Beta caroten 35,868% (là tiền chất của vitamin A, được tích trữ ỏ gan, không bị đào thải khi thừa như vitamin A) có tác dụng chống mù lòa, chống lão hóa da, tăng miễn dịch, ngăn ung thư tiêu hóa.

- Lutein 23,%98% là dưỡng chất vàng có trong não và hoàng điểm của mắt, có tác dụng tăng khả năng học hỏi và ghi nhớ. Giảm nguy cơ bệnh tim mạch và mỡ máu cao, chống tác hại của ánh sáng mặt trời trên da, Lycopen 6,499% là chất chống oxy hóa cực mạnh, xóa vết nhăn, vết nám trên da, làm chậm ung thư (tuyến tiền liệt, thực quản, ruột kết). Hàm lượng carotenoit tính theo nguyên liệu khô kiệt,

- Quả bí đỏ già: Nước: 87,2%,  chất đạm: 1,4% , chất béo 0,5%, chất xơ 1,4%.  các khoáng chất: Fe, Mg, Cu, Zn.  Các sinh tố: B1, B2, C, E, K đặc biệt là sinh tố T trong phần ruột bí đỏ giúp ngăn ngừa béo phì và tiêu hóa các thức ăn khó tiêu. Có 2 carotenoid là:  Beta caroten 52,762% và Lutein 15,208%.

Tính vị, tác dụng: 

Quả có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng, làm dịu, giải nhiệt, giải khát, trị ho, nhuận tràng, lợi tiểu. Hạt có vị ngọt, có dầu; có tác dụng tẩy giun sán do tác dụng của các lipid, không kích thích và không độc; nó cũng có tính làm dịu và giải nhiệt.

Công dụng: 

Hạt dùng chữa giun, diệt sán xơ mít, lợi tiểu và bổ. Dầu dùng để bổ thần kinh; thịt quả dùng đắp trị bỏng, sưng viêm và nhọt.

- Rau bí đỏ (gồm ngọn non, hoa đực) là loại rau rẻ tiền nhưng có giá trị dinh dưỡng rất cao, món ăn chế biến từ rau bí đỏ thường là món rau sào. Muốn cơ thể hấp thu được 3 carotenoid quý phải có dầu thực vật hoặc mỡ lợn (cách xào rau với dầu thực vật: cho 50ml nước vào chảo đun sôi rồi cho rau vào đảo đều, sau đó cho mắm, muối, gia vị và dầu ăn 20ml/150g rau).

- Thịt quả bí đỏ già: là loại quả rẻ tiền nhưng lại có nhiều giá trị, thường chế biến nhiều món ăn (hàng trăm thứ) như: Bí đỏ sào, bí đỏ + đậu xanh nấu cháo hoặc nấu chè, bí đỏ hầm móng giò, bí đỏ hầm hạt sen, sữa + bí đỏ...

Vừa là món ăn ngon, vừa đáp ứng nhu cầu phòng chống nhiều loại bệnh như: Chống trầm cảm lo âu, chống béo phì (không bỏ ruột bí), chống đái tháo đường (thêm củ mài), chống mỡ máu cao và cao huyết áp, chống táo bón, bổ thần kinh, bổ khí lực, điều hòa tỳ vị… Người Nhật coi bí đỏ là món ăn “Trường sinh bất lão”.

- Hạt bí đỏ:  Là loại hạt có nhiều công dụng như: Hạt bí đỏ rang: Tiếp khách vào ngày tết, hội hè, họp mặt (người lớn và trẻ em đều thích ăn). Hạt bí đỏ ép dầu để chế thuốc điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt (đóng nang, tên thương mại là Popenen). Nhân hạt bí đỏ chữa giun sán: Trước đây khi các loại thuốc chữa giun sán còn ít thì hay dùng, khoảng 10 năm trở lại đây không thấy ai dùng vì phải chế nước sắc hạt cau để phối hợp chữa sán.(Hạt bí đỏ chỉ có tác dụng làm tê liệt khúc giữa và khúc đuôi con sán. Nước sắc hạt cau có tác dụng mạnh trên đầu sán và những khúc chưa thành thục).

Món ăn bài thuốc:

Điều trị viêm khí quản mạn tính và ho do viêm phế quản: lấy 1 trái bí nặng khoảng nửa kg, không cần gọt vỏ mà dùng dao khoét một lỗ hình vuông ở đầu quả rồi móc ruột bí ra, sau đó để 30 g đường phèn (đã tán nhỏ) và 60 g mật ong vào, lấy miếng bí đã khoét lúc nãy đậy lại. Tiếp theo, cho quả bí vào nồi, hấp khoảng một giờ rồi lấy ra ăn (mỗi ngày ăn hai lần vào bữa sáng và chiều tối, ăn liên tiếp từ năm đến bảy ngày).

Món ăn hỗ trợ người bị xơ gan và viêm thận mãn tính: lấy quả bí ngô, gọt vỏ rồi rửa sạch, sau đó cắt thành từng miếng và cho vào thau, trộn đều với đường rồi đợi một lát thì nấu hoặc hấp ăn (lưu ý, người bệnh vẫn cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ).

Giải độc do heroin gây ra: lấy quả bí ngô sống, gọt vỏ, rửa sạch rồi xay nát và ép lấy nước uống (lưu ý uống nhiều lần).

Món ăn chế biến từ bí đỏ

1. Bí đỏ tẩm bột hấp

Nguyên liệu:

Bí đỏ: 500g

Bột gạo vừa đủ

Muối, đường vừa đủ

Cách làm:

Bí đỏ gọt bỏ vỏ, rửa sạch, thái lát dày, trộn đều với bột gạo, muối, đường.

Xếp các miếng bí đã tẩm bột vào lòng hấp, hấp khoảng 20 phút là được.

2. Xalát bí đỏ,nấm

Nguyên liệu:

Bí đỏ thái lát: 800g

Sữa chua: 3 thìa xúp

Giấm trắng: 3 thìa xúp

Đường trắng: 1/2 thìa xúp

Dầu thực vật: 1 thìa xúp

Thìa là: 2 mớ

Nấm rơm: 200g

Hạt bí đỏ rang chín bóc vỏ: 2 thìa xúp

Nước cam: 3 thìa xúp

Hành: 1 củ thái nhỏ

Bột tiêu đen một ít

Muối vừa đủ.

Cách làm:

Thìa là nhặt rửa sạch, thái nhỏ.

Cho giấm, nước cam, sữa chua, đường, hạt tiêu, muối, thìa là trộn đều làm nguyên liệu trộn xalát.

Cho bí đỏ, ít thìa lá vào nồi hấp, rắc muối, hấp khoảng 10 phút đến khi bí mềm, lấy ra để nguội.

Đun nóng dầu ăn, phi thơm hành khô rồi cho nấm rơm vào xào khoảng 2 phút, nêm muối, lấy ra để nguội.

Cho bí và nấm vào cùng một đĩa to, trộn đều với nguyên liệu trộn xalát cho ngấm. Sau cùng rắc hạt bí rang đã bóc vỏ lên trên là được.

Cách bảo quản bí đỏ tươi lâu

Thực phẩm cho dù có giá trị dinh dưỡng đến đâu, nếu không tươi sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, thành phần dinh dưỡng. Bí đỏ cũng vậy, bảo quản bí đỏ được tươi lâu chủ yếu là giữ bí đỏ trong môi trường không khí trong lành, để nơi khô ráo, thoáng mát. Trong điều kiện bảo quản tốt, bí đỏ có thể bảo quản được trên 100 ngày.

Lưu ý:

Bí đỏ không được nấu lẫn với thịt dê, cừu, nếu không, ăn vào dễ bị vàng da.

Bệnh nhân tiểu đường khi ăn món bí đỏ cần tính đến lượng đường cho phép mỗi ngày, nếu đã ăn bí đỏ thì giảm cơm và các món tinh bột khác.

Tránh phân hủy vitamin C: Trong bí đỏ có chứa một loại men phân giải, có thể phân hủy vitamin C, nhưng loại men này khi gặp acid hoặc bị đun nóng sẽ mất khả năng phân hủy. Vì vậy khi nấu bí đỏ cùng các loại rau giàu vitamin C như cà chua thì nên nấu chín bí đỏ trước.

Tham khảo:

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội  (Viện Dược Liệu)

- theplanlist.org