Logo Website

BÍ NGÔ

15/04/2020
Trong số các loại quả, bí đỏ (bí ngô) đứng đầu về hàm lượng sắt, giàu vitamin, muối khoáng cũng như các acid hữu cơ.

BÍ NGÔ

Semen Cucurbitae

Cây bí ngô Cucurbita pepo

Bí ngô: Cucurbita pepo L.; Ảnh pixabay.com and bio-botanica.com

Tên khác: Bí đỏ, Bù rợ, Bí ử, Hạt bí đỏ, Má ứ (Thái), Nam qua tử, má ứ (Thái), phặc đeng (Tày), plắc ropual (K’ho), nhấm (Dao).

Tên nước ngoài: Pumpkin, yellow – flowered ground, musk – melon (Anh), courge musquée (Pháp).

Tên khoa học: Cucurbita pepo L., họ Bầu bí (Cucurbitaceae). 

Mô tả: Cây thảo, sống lâu năm. Thân có năm cạnh, có lông dầy, thường có rễ ở những đốt. Lá mọc so le, có cuống dài 8-20 cm, phiến lá mềm, hình trứng rộng hoặc gần tròn, chia thùy nông, đầu tròn hoặc hơi nhọn, mép có răng cưa, hai mặt lá có nhiều lông mềm, đôi khi có những đốm trắng ở mặt trên ; tua cuốn phân nhánh. Hoa đơn tính cùng gốc, mầu vàng ; hoa đực có đế hoa ngắn ; đài loe rộng có thùy hình dải hoặc gần dạng lá, tràng hoa có 5 thùy rộng; hoa cái có lá đài dạng lá rõ,  bầu hình tròn hoặc hơi dài. Quả to, cùi dày, rỗng giữa có nhiều dạng : dạng tròn, hơi dẹt, có rãnh sâu ; dạng hình trứng hoặc hình trứng hơi dài, có khía rãnh, vỏ ngoài nhẵn, khi chín mầu vàng trắng, vỏ giữa mầu vàng cam, có mùi thơm, vị ngọt lợ, cuống quả có rãnh và loe rộng ở chỗ tiếp giáp với quả ; hạt mầu trắng xám, có mép mỏng và mầu sẫm hơn. Mùa hoa : tháng 3-4 ; mùa quả tháng 5-6

Cách trồng:

Bí ngô được trồng phổ biến trong nhân dân để lấy quả, hoa, ngọn và lá non làm rau ăn, quả chin và hạt làm thuốc. Cây có khả năng thích nghi rộng rãi, có thể trồng được ở mọi nơi, trên nhiều loại đất, trừ đất có nhiều sỏi đá và ngập nước.

Bí ngô được trồng bằng hạt. Một quả cho rất nhiều hạt, hạt dễ nảy mầm nên có khả năng nhân giống cao.

Ở miền núi, do mùa đông quá lạnh nên thường gieo hạt vào tháng 2 – 3. Ở trung du và đồng bằng nếu trồng lấy quả thì gieo vào tháng 10 – 11, nếu trồng lấy ngọn làm rau thì lại gieo vào tháng 2 – 3.

Bộ phận dùng: Hạt quả bí ngô đã già, chín và đã chế biến khô (Semen Cucurbitae).

Phân bố: Cây được trồng nhiều nơi làm thực phẩm.

Thu hái : Khi cây được 2-3 lá chính thức, cắt ngọn, mỗi nhánh nên giữ 2-3 quả để có quả to, cắt bỏ phần ngọn sau quả thứ 3. Ðể làm rau ăn, có thể dùng quả non hay quả già. Ðể làm thuốc, ta thu hái quả già, lấy thịt quả dùng tươi, còn hạt có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Thành phần hoá học: Hạt bí ngô có các chất protid, lipid, glucid, các chất khoáng P, Mg, Ca, K. Hoạt chất là một alcaloid: cucurbitin trong phôi và vỏ lụa (có tác dụng tẩy giun sán).

Cùi quả bí ngô có các chất protid, lipid, glucid, các acid amin (arginin, adenin…) các chất khoáng P, Na, K, Ca, Mg, F

Nhân chứa 3 – 4% chất vô cơ, vào khoảng 30% protid và khoảng 45 – 50% dầu béo. Dầu béo bao gồm: các glycerid của các acid béo không no (acid oleic và acid linoleic). Cucurbitin là hoạt chất, có với tỉ lệ 0,40 – 0,84%. e, Cu, As,… các vitamin B1, C, caroten.

Tính vị: Vị ngọt tính bình

Qui kinh: Vị Đại tràng

Tác dụng dược lý:

Các hạt tươi của loài Cucurbita pepo có tác dụng trị giun và sán. Hạt tươi của C. moschata ức chế sự sinh sản của giun non Schistosoma japonica.

Công năng: Tẩy giun sán, ức chế sự phát triển của sán máng còn gọi Huyết hấp trùng (schistosomiase). Cùi quả bí ngô được coi như có tác dụng bổ não.

Công dụng: Chữa sán.

Cách dùng, liều lượng: Bóc hết vỏ cứng, để nguyên màng xanh ở trong, giã nhỏ trộn với đường hoặc mật để ăn vào lúc đói, sau khoảng 3 giờ uống thuốc tẩy muối, đi ngoài trong một chậu nước ấm. Người lớn dùng khoảng 100g nhân hạt. Trẻ con 3-4 tuổi dùng 30g; 5-10 tuổi dùng 75g.

Bài thuốc :

 1. Trị giun đũa: Lấy 30-50g hạt Bí ngô, bóc vỏ, nghiền ra, lẫn với mật ong, ăn làm 3 lần, cách nhau 1/2 giờ. Sau đó 1 giờ, cho uống 1 liều thuốc xổ. Ðể trục giun sán nói chung, có thể dùng hạt Bí ngô rang ăn cho đến no, đến chán, rồi uống nhiều nước pha muối, cho đi ngoài, thì giun bị tẩy ra. 

2. Trục sán xơ mít: Kinh nghiệm của nhân dân ta là chiều hôm trước ăn nhẹ hoặc dùng thuốc tẩy nhẹ để sáng hôm sau dùng thuốc. Lấy hạt Bí ngô bóc vỏ cứng, để nguyên màng xanh ở trong, dùng 100g nhân giã nhỏ, chế vào 60 ml nước, thêm vào 60g mật hay đường, trộn đều ăn vào tảng sáng đói lòng, ăn hết trong một lúc, nằm nghỉ. Ba giờ sau uống thuốc muối sulfat magnesium một liều, hay 10g Phác tiên hoà trong một cốc nước nguội. Sau đó, đổ 1 lít nước nóng pha thêm 2-3 lít nước lạnh vào trong chậu, để cho bệnh nhân ngồi đi ngoài trong nước ấm thì sán sẽ ra hết. Hoặc có thể dùng phối hợp với nước sắc hạt Cau, vỏ rễ Lựu thì tác dụng lại càng mạnh hơn.

3. Trị táo bón, dùng Bí ngô một miếng. Khoai lang một củ, nấu chè với đường đủ ngọt, ăn càng nhiều càng tốt.

4. Viêm đường tiết niệu, dùng hạt Bí ngô giã ra và nghiền nhỏ, đem nấu lên cho được một nhũ tương mà uống.

5. Ðái đường: Người ta xắt Bí ngô ra từng miếng, rắc muối, bỏ vào nấu, ăn thêm với nước mắm hoặc tương Ðậu nành. Hoặc xắt bí ra từng miếng, đem xào bằng dầu thực vật rồi thêm hành, muối, tương và nước vừa đủ, nấu lên ăn.

Kiêng kỵ: Không nên dùng hạt bí với giấm chua giảm hiệu lực của hạt bí.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)