Logo Website

BIẾN HÓA-chữa tê thấp đau nhức

12/04/2021
Cây Biến hoá có tên khoa học: Asarum caudigerum Hance; thuộc họ Nam mộc hương (Aristolochiaceae). Công dụng: Thường dùng chữa tê thấp đau nhức, trúng phong hàn co quắp và chữa cảm sốt, ho hen, suyễn thở, viêm ph

BIẾN HÓA

Thổ tế tân Asarum caudigerum

Cây Biến hoá: Asarum caudigerum Hance; Ảnh plantsystematics.org and Chiu Phang

Tên khác: 

Quan chi, Quán chỉ, Thổ tế tân.

Tên khoa học: 

Asarum caudigerum Hance; thuộc họ Nam mộc hương (Aristolochiaceae).

Tên đồng nghĩa

Asarum arrhizoma H.Lév. & Vaniot; Asarum caudigerum var. leptophyllum (Hayata) S.S.Ying; Asarum caudigerum var. triangulare (Hayata) S.S.Ying; Asarum leptophyllum Hayata; Asarum leptophyllum var. triangulare Hayata

Mô tả (Đặc điểm thực vật)

Cỏ sống lâu năm, mọc bò; thân đứng cao 10-50cm, lóng dài 7-20cm. Lá 1-2, có phiến hình tim, dài 5-15cm, có lông ở cả hai mặt; gân ở gốc 6-7; cuống dài 7-15cm. Hoa vàng nhạt có vạch màu đỏ, có cuống dài 2-3cm, bao hoa đều, đài chia 3 thuỳ, ở đỉnh có đuôi dài đến 1cm; nhị 12; bầu dưới, 6 ô. Quả nang khi chín màu tím tía. Hạt nhiều. Hoa tháng 3-4, quả tháng 506.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Asari Caudigeri), thường gọi là Thổ tế tân.

Phân bố: 

Ở Việt Nam: Lào Cai (Sapa: xã Sa Pả, Bản Khoang, Tả Giàng Phình, Bát Xát: xã Dền Sáng), Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Tây (Hà Nội).

Trên thế giới: có ở Trung Quốc.

Sinh thái:

Mùa hoa tháng 3-5, quả tháng 5-7 (8). Hạt phát tán gần, có nhiều cây con mọc xung quanh gốc cây mẹ. Cây đẻ nhánh khoẻ, thân rễ bò lan tạo thành khóm lớn. Các nhánh con có thể tách ra để trồng. Cây ưa ẩm, ưa bóng; thường mọc thành đám dọc theo bờ khe suối dưới tán rừng kín thường xanh ẩm trên núi cao hoặc còn sót lại ở một vài điểm trong rừng trồng Thảo quả ở Hoàng Liên Sơn, ở độ cao từ 1400-1800 m.

Thu hái: 

Toàn cây hoặc rễ vào cuối mùa đông, rửa sạch, phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học:

Hàm lượng tinh dầu bộ phận trên mặt đất của loài này là 0,2% tính theo trọng lượng khô tuyệt đối. Được phân tích bởi GC / MS, loại dầu này chứa 8 thành phần, trong đó thành phần chính là safrol (96,27%)

Tính vị: 

Thổ tế tân có vị cay, tính ấm; 

Tác dụng: 

Tán phong hàn, ôn trung hạ khí, thông khiếu, làm ra mồ hôi, lợi tiểu tiện.

Công dụng: 

Thường dùng chữa tê thấp đau nhức, trúng phong hàn co quắp và chữa cảm sốt, ho hen, suyễn thở, viêm phế quản. 

Liều dùng: 

Ngày dùng 2-4g, dùng phối hợp với các vị khác.

Bài thuốc:

1. Chữa trúng gió lạnh, co cứng, tay chân giá lạnh, hôn mê:

Dùng Thổ tế tân, Ma hoàng, Quế chi, Thạch xương bồ, Phụ tử chế, Cam thảo, mỗi vị 4g sắc uống. Ngoài dùng Thổ tế tân tán bột thổi vào lỗ mũi làm cho hắt hơi và xát vào chân răng, nếu cắn răng không nói (Lê Trần Ðức).

2. Chữa hen suyễn gặp lạnh lên cơn nghẹt thở, hoặc cảm phong hàn, ngực căng khó thở, ho suyễn kéo đờm, đầu mặt xây xẩm, thân thể nặng nề đau nhức:

Dùng Thổ tế tân 4g, Ma hoàng 8g, Bán hạ chế, Ngũ vị tử, Vỏ rễ dâu, Ô mai nhục, Cam thảo, Gừng sống, mỗi vị 6g, sắc uống (Lê Trần Ðức).

Tham khảo:

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội  (Viện Dược Liệu)

- theplanlist.org

- Tran Minh Hoi (2004), Chemical composition of Tho te tan (Asarum caudigerum HANCE) in Huong Son (Ha Tinh), Journal of Biology, 26 (4): 63-64