Logo Website

BỔ CỐT CHI

19/04/2020
Bổ cốt chỉ : còn có tên Bổ cốt chỉ, Hạt đậu miêu, Phá cố chỉ . Vi thuốc có tác dụng thông tiện, tráng dương, ôn thận, ôn tỳ. Dược liệu thường được dùng để điều trị liệt dương, di tinh, tiểu nhiều lần, ra nhiều mô hôi.

BỔ CỐT CHI (补骨脂)

Semen Culleae

Bổ cốt chi Cullen corylifolium

Bổ cốt chi: Cullen corylifolium (L.) Medik.; Ảnh: healthbenefitstimes.com and tcmwiki.com

Tên khác: Bổ cốt chỉ, Hạt đậu miêu, Phá cố chỉ

Tên khoa học: Cullen corylifolium (L.) Medik., họ Đậu (Fabaceae).  

Tên đồng nghĩa: Cullen corylifolia (L.) Medik.; Cullen corylifolius (L.) Medik.; Lotodes corylifolia (L.) Kuntze; Psoralea corylifolia L.; Psoralea patersoniae Schonl.; Trifolium unifolium Forssk.

Mô tả:

Dược liệu: Quả hình thận, hơi dẹt, dài 3 – 5 mm, rộng 2 – 4 mm, dầy  khoảng 1,5 mm. Mặt ngoài màu đen, nâu đen hoặc nâu xám, có vết nhăn và vân hình mạng lưới nhỏ. Đỉnh tròn, tù, có núm nhỏ nhô lên; một bên mặt hơi lõm vào, có vết cuống quả ở một đầu. Vỏ quả mỏng, khó tách rời hạt. Hạt có hai lá mầm, cây mầm trắng hay hơi vàng, có chất dầu. Quả cứng chắc, mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.

Cây: Cây nhỏ mọc hằng năm, cao 0,3-1m. Trên thân có lông trắng, lá mọc so le, hình trứng đầu nhọn, đáy lá tròn, mép có răng cưa dài 6-9cm, rộng 5- 7cm, cuống lá dài 2-4cm, có lá kèm. Hoa mọc thành chùm dài 6-10cm ở kẽ lá, cành hoa màu vàng nâu nhạt. Quả hình trứng màu đen dài 5mm, rộng 3mm. Hạt hình thận hay hình trứng dẹt dài 5mm, rộng 3mm có màu nâu đen hay đen. Trên mặt hạt có vân hình những hạt nhỏ giữa hơi lõm, mùi thơm, vị cay .

Bộ phận dùng: Hạt đã phơi hay sấy khô của cây Phá cố chỉ (Cullen corylifolium (L.) Medik.), họ Đậu (Fabaceae). 

Phân bố: Nước ta có trồng cây này nhưng ít khai thác, dược liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Thu hái, sơ chế: vào mùa thu, hái lấy cụm quả  đã chín, phơi khô, tách lấy quả, loại bỏ cuộng và tạp chất, phơi hoặc sấy khô lại.

Bào chế:

Bổ cốt chỉ sống: Loại bỏ tạp chất.

Diêm Bổ cốt chỉ (chế muối): Lấy Bổ cốt chỉ sạch trộn đều với nước muối 20% ủ cho thấm đều hết nước muối, cho vào chảo, sao nhỏ lửa đến khi khô phồng lên, lấy ra để nguội. Dùng 2 kg muối cho 100 kg Bổ cốt chi.

Bảo quản: Phơi thật khô cất kỹ tránh ẩm.

Tác dụng dược lý: 

+ Tác dụng đối với hệ tim mạch: thuốc có tác dụng làm dãn động mạch vành rõ rệt, có tác dụng đối kháng với kích tố làm co động mạch vành của thùy sau tuyến yên, trên thực nghiệm tim cô lập chuột Hà lan và chuột to, thuốc làm tim co bóp mạnh hơn và tăng cường lưu lượng máu của động mạch vành. 

+ Trên động vật thực nghiệm: thuốc có tác dụng kích thích sự sinh trưởng của tế bào bạch cầu hạt. 

+ Tác dụng kháng khuẩn in vitro: thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, tụ cầu trắng, trực khuẩn lao. 

+ Tác dụng kháng khuẩn: Theo các nghiên cứu hiện đại, bổ cốt chỉ có tinh dầu bay hơi, lipid, dẫn chất thơm, các hợp chất của ceton… Có tác dụng kháng khuẩn, tác dụng kích thích tố đối với giống đực, ngoài ra còn có tác dụng giãn mạch cơ tim, và vì có nó có chất béo của bổ cốt chỉ nên có thể thúc đẩy sự sản sinh các sắc tố mới trên da, có thể chữa được bệnh bạch biến, và rút ngắn thời gian máu chảy một cách rõ rệt; tinh dầu còn có tác dụng chống ung thư.

+ Thuốc có tác dụng đối với cơ trơn: dịch chiết xuất Bổ cốt chi có tác dụng hưng phấn cơ trơn của ruột cô lập nhưng có tác dụng làm mềm dãn tử cung của chuột Hà lan cô lập. 

+ Tác dụng chống lão suy: thuốc có tác dụng kéo dài kỳ ấu trùng của tằm nuôi, các học giả qua nghiên cứu cho rằng có thể do thuốc có khả năng điều tiết thần kinh và huyết dịch, kích thích tủy xương tạo máu, tăng cường miễn dịch và chức năng các hocmôn mà chống lão suy. 

+ Chống ung thư: trên thực nghiệm sơ bộ có nhận xét là tinh dầu Bổ cốt chi có tác dụng chống ung thư. Bổ cốt chi tố B có tác dụng ức chế Sarcoma-180 và tế bào Hela. 

+ Tác dụng tăng cường sắc tố da. Kết quả nghiên cứu cho thấy Bổ cốt chi tố B có tác dụng dãn mạch, cải thiện dinh dưỡng, tổ chức cục bộ làm tăng sắc tố ở da. 

+ Tác dụng Oestrogen và chống thụ thai: Phenol Bổ cốt chi có tác dụng chống thụ thai (chống làm ổ), phenol Bổ cốt chi làm thay đổi kỳ động dục của chuột cái đã cắt buồng trứng, làm tăng trọng lượng tử cung rõ rệt.

Thành phần hoá học: Dầu béo, alkaloid, coumarin: Psoral, Isopsoralin, bavachin, bavachinin, Isobavachin, bavachalcone, Isobavachalcone, bakuchiol, raffinose, psoralen, isopsoralen (angelixin), xanthotoxin, 8-Methoxypsoralen, psoralidin, isopsoralidin

Tính vị: vị cay, đắng, tính đại ôn.

Quy kinh: tỳ, thận và tâm bào.

Công năng: Bổ mệnh môn hoả, chỉ tả.

Công dụng: 

- Thuốc bổ cho người già yếu, đau lưng, phụ nữ kinh nguyệt không đều, khí hư. 

- Hạt ngâm rượu dùng ngoài chữa bệnh bạch biến (da bị trắng từng chỗ).

- Các nước châu Âu thường dùng để chiết xuất coumarin làm thuốc trị các bệnh ngoài da như nấm tóc.

Cách dùng, liều lượng: Ngày uống 6 - 15g, dùng dạng thuốc sắc, bột, viên.

Bài thuốc:

1.Chữa tiêu chảy kéo dài do dương hư (thường tiêu chảy vào lúc sáng sớm nên gọi là Ngũ canh tả): dùng các bài:

+ Tứ thần hoàn (chứng trị chuẩn thằng) gồm: Bổ cốt chi 160g, Ngũ vị tử 80g, Nhục đậu khấu (sao) 80g, Ngô thù du 40g, Sinh khương 320g, Đại táo 240g, Khương Táo sắc lấy nước, các vị khác tán bột mịn trộn với nước sắc hồ làm hoàn, mỗi lần uống 8 - 16g với nước muối hoặc nước sôi ấm trước lúc ngủ.

+ Bổ cốt chi, Nhục đâïu khấu lượng bằng nhau, Khương, Táo sắc trộn hồ làm hoàn, uống mỗi lần 12g, ngày 2 lần.

2.Chữa liệt dương, đái nhiều, đái dầm: Bổ cốt chi phối hợp với Ích trí nhân, Thỏ ty tử, dùng bài:

+ Bổ cốt chi hoàn: Bổ cốt chi, Thỏ ty tử, Hồ đào nhục, mỗi thứ 12g, ngày 2 lần với nước muối nhạt. Trị đái dầm có thể dùng độc vị Bổ cốt chi tán bột, mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần.

+ Bổ cốt chi (ngâm rượu sao) 100g, Tiểu hồi sao 100g, tán nhỏ trộn đều làm thành viên, mỗi tối dùng với nước ấm uống: Từ 3 - 9 tuổi:1,5g; từ 10 - 12 tuổi:2,5g. Trị 6 ca đều khỏi (Tân trung y 1976,1:57).

3.Chữa ho lao (Đỗ tất Lợi): Phá cố chỉ 400g, tẩm rượu một đêm rồi phơi khô. Sau đó lấy một nắm vừng trộn lẫn với phá cố chỉ rang lên cho đến khi vừng hết nổ (tiêu chuẩn giúp cho ta biết khi nào là được vì vị phá cố chỉ màu đen không biết như thế nào là vừa). Sàng bỏ vừng đi. Lấy phá cố chỉ tán thành bột, làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 30 viên chia làm 2-3 lần uống. Chữa chứng ho, một, người gầy yếu hay ra mồ hôi.

4.Chữa bệnh bạch đới, sói tóc: dùng Bổ cốt chi 40g ngâm với 100ml cồn 75%, 5 - 7 ngày bôi lên vùng bệnh và chích bắp dịch tiêm Bổ cốt chi ngày 1 lần 5 ml, gia chiếu tia tử ngoại trị bạch điến 49 ca, tỷ lệ kết quả 75,5%. Đối với sói tóc, chỉ dùng tiêm và chiếu tia tử ngoại trị 45 ca có kết quả 84,4% (Tờ thông tin Trung thảo dược 1972,1:41).

5.Chữa tử cung xuất huyết: Bổ cốt chi và Xích thạch chỉ lượng bằng nhau chế thành viên cầm máu. Trị 326 ca, có kết quả trên 90% (Tạp chí Thiên tân Y dược 1973,1:36).

6.Chữa chứng bạch cầu giảm: dùng bột thuốc luyện mật làm hoàn, mỗi hoàn nặng 6g, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 - 3 hoàn hoặc 3g bột, một liệu trình 4 tuần. Trị 19 ca, 14 ca khỏi, 4 ca tiến bộ (Tân y học 1975,10:497).

7. Bổ thận tráng dương, ích tinh bổ khí huyết: Bài Thất bảo mỹ nhiệm đơn: Hà thủ ô 300g, Đương quy (rửa với rượu) 300g, Phá cố chỉ 160g, Bạch linh 300g, Ngưu tất 300g, Câu kỷ tử (tẩm rượu) 300g, Thỏ ty tử (tẩm rượu sao) 300g. Cách dùng: 

• Hà thủ ô trộn với đậu đen, 9 lần chưng, 9 lần phơi.

• Bạch linh trộn với sữa, sao.

• Ngưu tất tẩm rượu chưng chung với Hà thủ ô ở lần thứ 7 về sau.

• Phá cố chỉ trộn với Mè đen sao qua.

Tất cả đều sao tán nhỏ, luyện mật làm hoàn, làm thuốc tễ 10g/1 hoàn. Mỗi lần uống 2 hoàn trước khi đi ngủ.

Bài thuốc được dùng chữa các chứng khí huyết bất túc sau khi mắc bệnh lâu ngày. Trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, chân tay tê dại, phụ nữ băng huyết, đới hạ, khí huyết hư nhược, nam giới suy sinh dục không có con, di tinh, hoạt tinh đều dùng có hiệu quả.

Kiêng kỵ: Âm hư hỏa động, tiểu tiện ra máu, đại tiện táo bón, viêm đường tiết niệu không nên dùng.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)