Logo Website

BỒ CU VẼ

19/04/2020
Cây bồ cu vẽ còn có nhiều tên: Sâu vẽ, Cứt cu, Cù đề, Bạch địa dương, Đỏ đọt, Dé bụi, Mạy hồ vài (Tày), Rỡ liêu (KHo), Loong tơ uý (Kdong), Co mạy chỉa, Co khí lệch (Thái). (tránh nhầm những cây giống tên: mào gà, bồ công anh…). Bồ cu vẽ là cây nhỏ, lá mặt dưới có đường vẽ do sâu bò qua để lại vết.

BỒ CU VẼ

Folium et Cortex Breyniae fruticosae

Bồ cu vẽ Breynia fruticosa

Bồ cu vẽ: Breynia fruticosa Hool. F; Ảnh: wetlandpark.gov.hk and herbarium.gov.hk

Tên khác: Sâu vẽ, Cứt cu, Cù đề, Bạch địa dương, Đỏ đọt, Dé bụi, Mạy hồ vài (Tày), Rỡ liêu (KHo), Loong tơ uý (Kdong), Co mạy chỉa, Co khí lệch (Thái).

Tên khoa học: Breynia fruticosa Hool. F, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Tên đồng nghĩa: Andrachne fruticosa Linnaeus; Melanthesa chinensis Blume; M. glaucescens Miquel; Melanthesopsis fruticosa (Linnaeus) Müller Argoviensis; M. lucens (Poiret) Müller Argoviensis; Phyllanthus lucensPoiret; P. turbinatus Sims.

Mô tả :

Cây nhỏ, thân nhẵn. lá có hình dáng và kích thuớc thay đổi, đầu nhọn, phía cuống tù hay nhọn. Chiều dài của lá từ 3-6cm, rộng 20-45mm, cuống rất ngắn, màu nâu sẫm hay đen. Mặt dưới lá thường có đường vẽ đen do một loài sâu bò để lại vết. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, gồm 5-6 hoa đực và 1-3 hoa cái đính trên một cành nhỏ, với những lá bắc khô xác. Quả khô, hình cầu dẹt, màu đen nhạt, đường kính 5mm, phía cuống bao bọc bởi một đài cùng phát triển. hạt màu nâu nhạt 3 cạnh, cao 3mm, trên có phủ một áo hạt màu vàng cam.

Mùa hoa quả : tháng 6-8.

Bộ phận dùng: Lá (Folium Breyniae fruticosae), Vỏ thân (Cortex Breyniae fruticosae).

Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng làm thuốc nhiều nơi trong nước ta. Trên thế giới cây có ở Lào, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc, Philippin.

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc, nước ép, cao nước bồ cu vẽ có tác dụng trên 6 trong 8 loại vi khuẩn thông thường.

+ Có tác dụng trên amip in vitro

+ Nước ép lá, cao lỏng lá, cao lỏng rễ có tác dụng chống viêm thực nghiệm.

+ Nâng cao được tỷ lệ chuột nhắt sống và kéo dài thời gian cầm cự trước khi chết, khi tiêm nọc rắn hổ mang vào tĩnh mạch.

+ LD50 thử trên chuột nhắt trắng dùng đường uống là 72g/kg (dạng cao lỏng toàn cây)

Thử lâm sàng cho thấy:

+ Điều trị 93 trường hợp mụn nhọt bằng cao dán, chế từ cao mềm bồ cu vẽ, nghệ và mật cóc thấy khỏi 48, đỡ 30 và không kết quả 15.

+ Điều trị 86 trường hợp viêm hắc võng mạc bằng cao Bồ cu vẽ 3:1 (cứ 3kg được 1 lít cao) ngày 50-100ml phối hợp với cao Hà thủ ô trắng 3:1 ngày 100ml. Kết quả tốt 30 (34,9%), khá 46 (53,5%), không kết quả 10 (11,6%).

+ Nước sắc Bồ cu vẽ để rửa vết thương bỏng, làm mát vết thương, tránh nhiễm khuẩn và mau thành hình tổ chức hạt.

+ Viện sốt rét, ký sinh trùng Việt Nam thí nghiệm sơ bộ thấy có tác dụng chữa bệnh giun kim.

Thành phần hoá học :

Rễ: phân lập bốn triterpenoid: friedelin, friedelinol, lupenone và glochidiol; Ba steroid: β-sitosterol, stigmastane-3β, 6β-diol và β-sitosterylglucoside-6'-octadecanoate; Hai cerebroside: 1-O-β-D-glucopyranosyl-(2S, 3R, 4E, 8Z)-2-[(2-hydroxyoctadecanoyl) amido]-4, 8-octadecadiene-1, 3-diol và 1-O-β-D-glucopyranosyl-(2S, 3S, 4R, 8Z)-2-[(2R)-2-hydroxypentacosanoylamino]-8-octadecene-1, 3, 4-triol; Bốn thành phần khác: (-)-epicatchin (10), ε-caprolactone, aviculin, and vanillin.

Cây: n-butyl-β-D-fructopyranoside, ethyl-β-D-fructopyranoside, tetracosylferulate, β-sitosterol, n-dotriacontanol, daucosterol, arbutin and (-)-epicatechin.

Công năng: Hạ sốt, giải độc, thông mạch, hóa ứ, tiêu viêm, giảm đau

Công dụng:

Chữa lở loét (Vỏ cây tán bột rắc). Rắn cắn (Lá giã đắp). Cầm máu (Lá sắc uống). Chốc đầu (Lá nấu đặc gội). Trẻ em sốt cao (Lá giã đắp vào trán).

Cách dùng, liều lượng: 30-40g lá tươi, giã nát vắt lấy nước uống, bã đắp ngoài. Vỏ cây cạo lấy bột rắc lên mụn nhọt, vết lở loét.

Bài thuốc:

1. Chữa viêm họng, sưng amidan, viêm dạ dày, viêm ruột, kiết lỵ: Lá Bồ cu vẽ, Cỏ sữa lá to, Cỏ sữa lá nhỏ mỗi vị 10-15g, sắc uống.

2. Chữa mụn nhọt, lở loét, viêm da, chốc đầu: Lá Bồ cu vẽ tươi, rửa sạch, giã nát, đắp. Nếu lở loét chảy nước, có thể cạo vỏ cây, lấy bột rắc.

3. Chữa bỏng: Toàn bộ cây Bồ cu vẽ cả rễ, chặt nhỏ, sắc đặc, rửa vết bỏng, ngày nhiều lần.

4. Chữa rắn cắn

+ Lá Bồ cu vẽ tươi 30-40g, rửa sạch, nhai, nuốt nước, bã đắp vào vết cắn.

+ Lá Bồ cu vẽ tươi, lá Sòi tía, mỗi vị 20 g, giã nát, thêm nước, vắt lấy nước cốt, mài thêm 1-2 g Hùng hoàng vào rồi uống, bã đắp.

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- G.-M. FuB.-Y. YuD.-N. Zhu, Study of chemical constituents from Breynia fruticose; 2004, Journal of China Pharmaceutical University 35(2):114-116

- L.-G. LinC.-Q. KeYang YeYang Ye; Chemical constituents from roots of Breynia fruticosa; 2013, Chinese Traditional and Herbal Drugs 44 (22): 3119-3122